Họ nói gì khi được hỏi về hạnh phúc: Người lao động nghèo không hạnh phúc vì tiền, trẻ con chỉ cần "ba mẹ không cãi nhau"
Niềm vui của 1 đứa trẻ là bố mẹ không bao giờ cãi vã, nụ cười của cô bán hàng rong là con cái trưởng thành... Mỗi người đều có riêng cho mình 1 mong ước và họ gọi đó chính là "Hạnh phúc".
Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, chúng tôi xuống phố, gặp gỡ và trò chuyện cùng nhiều người để lắng nghe những định nghĩa khác nhau về "Hạnh phúc". Cuộc sống muôn hình vạn trạng và cũng vì đó mà tùy vào hoàn cảnh hay môi trường, mỗi con người lại có trong mình 1 định nghĩa riêng để nói về điều ngọt ngào này.
Nhiều người nói hạnh phúc vốn là 1 quá trình chứ chẳng phải đích đến, rằng cứ đợi mong 1 trái thơm quả ngọt nhưng thực ra giá trị lại nằm ở hành trình đi gặt hái. Điều đó có lẽ đúng, thế nhưng gặp gỡ chúng tôi là những người dân lao động và những đứa trẻ, họ vốn chẳng nghĩ đến những thuật từ như "hành trình" hay "đích đến", với họ, hạnh phúc đơn giản chính là đạt được những mong ước dành cho bản thân và gia đình, là điều gì đó gần gũi đến bất ngờ.
Chúng tôi cũng đã hỏi một số người là doanh nhân, startup, nhân viên văn phòng và trong vòng 3 giây, họ đưa ra những định nghĩa hạnh phúc rất thường thấy trong mỗi chúng ta: Là khi được uống... trà sữa, khi được tăng lương, một số chị em cười đùa rằng lấy được anh chồng giàu hay chồng yêu chiều là hạnh phúc. Và cũng có một số người không đưa ra được đáp án, bởi bản thân họ cho rằng, họ chưa thật sự hạnh phúc.
Còn những người lao động nghèo hay những cô cậu vẫn còn vô tư đến lớp, hạnh phúc của họ là gì?
Clip: Định nghĩa "Hạnh phúc" của nhiều người trong cuộc sống chính là ước mong dành cho bản thân, gia đình - Thực hiện: Kingpro
Hạnh phúc của người lao động nghèo là có một mái ấm yên bình
Với các cô chú, các bác lao động ở Hà Nội, cả ngày phơi mặt dưới nắng mưa, khi được hỏi về hạnh phúc, họ cười tươi rói.
Chú Hùng (59 tuổi) là bảo vệ tổ dân phố của phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Vào cái tuổi của chú, có lẽ nhiều người đã chọn ở nhà nghỉ ngơi, quây quần cùng con cháu. Thế nhưng chú Hùng vẫn đi làm, sáng dậy rất sớm, tối sát bữa cơm mới về, cả ngày tuần tra, túc trực tại những con phố, khu chợ để đảm bảo an ninh trật tự.
Chú Hùng đi làm vì chú muốn mình luôn được khỏe mạnh. Chú chia sẻ, hạnh phúc đối với chú chính là bản thân, vợ và các con được khỏe, tiền có thể chỉ đủ ăn đủ tiêu nhưng sức khỏe phải luôn dồi dào.
"Đối với chú hạnh phúc rất đơn giản, đầu tiên là vợ, con cháu luôn luôn khỏe mạnh. Chú không nghĩ kinh tế là tất cả, chú chỉ nghĩ trước hết là sức khỏe, sau đó là đủ ăn đủ tiêu, đó là điều hạnh phúc nhất trong gia đình nhà chú" - chú Hùng chia sẻ.
Với chú Hùng, hạnh phúc là sức khỏe cho cả gia đình.
Cũng như chú Hùng, cô Mùi (55 tuổi) - 1 người bán hàng rong cũng chỉ định nghĩa hạnh phúc chính là sức khỏe, là sự đầm ấm, yên vui của cả gia đình. Cô Mùi đạp chiếc xe chở theo gánh hoa quả phía sau, rong ruổi khắp nhiều tuyến phố ở Hà Nội để bán hàng. Dù cuộc sống cô còn nhiều vất vả, thiếu thốn về kinh tế thế nhưng cô lại thấy như gia đình cô hiện tại đã rất hạnh phúc rồi.
Cô nói: "Cô chẳng cần nhiều tiền, tiền cũng là cái quý nhưng sức khỏe mới là quan trọng nhất. Cô cảm thấy bản thân cô đang rất hạnh phúc. Mấy chục năm nay vợ chồng cô không cãi cọ nhau bao giờ, các con lại rất là ngoan".
Dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng cô Mùi đang cảm thấy mình rất hạnh phúc.
Còn cô Hằng - 1 người phụ nữ 60 tuổi làm nghề nhặt ve chai thì lại có niềm hạnh phúc giản dị hơn rất nhiều đó chính là... con trai lấy được vợ. Cô Hằng tâm sự, con trai cô năm nay đã 32 tuổi nhưng mãi chẳng chịu cưới vợ, tâm lý của 1 người mẹ luôn ước mong con cái mình yên bề gia thất khiến cô sốt ruột, lo lắng.
Cô Hằng cho rằng nếu cậu con trai 32 tuổi lấy vợ thì... hạnh phúc của cô mới trọn vẹn.
Vậy đó, dù cuộc sống vất vả và thiếu thốn trăm bề, họ vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc bởi còn sức khỏe để mưu sinh, còn tình yêu thương từ gia đình và con cháu.
Từng đi qua 1 nửa cuộc đời bất hạnh khi gặp phải người chồng không thủy chung, thế nhưng 1 người phụ nữ khác bán hàng rong (từ chối tiết lộ tên) hiện tại lại có được cuộc sống viên mãn khi tự tay cô đã có thể chăm lo, nuôi lớn các con được học hành đến nơi đến chốn. Cô gọi đó chính là hạnh phúc.
Cô nói: "Tôi trước đây đã không hạnh phúc nhưng hiện tại lại thấy hạnh phúc. Tôi bất hạnh vì chồng tôi đi cặp bồ, thế nhưng giờ đây các con tôi lại được học hành đàng hoàng, tôi hạnh phúc vì chăm lo cho con được học hành đến nơi đến chốn".
Hạnh phúc của người phụ nữ từng bất hạnh đó là tự mình có thể nuôi các con được học hành đàng hoàng.
Hạnh phúc của con trẻ: Là khi bố mẹ không cãi nhau!
Để thực hiện đoạn clip phóng sự, chúng tôi xuống phố gặp gỡ và hỏi ngẫu nhiên những cô chú, anh chị, những cô bé, cậu bé tình cờ gặp được trên đường. Tiếp xúc chúng tôi, nhiều người ban đầu còn e dè, ngần ngại bởi chẳng thể biết mình sẽ phải trả lời câu hỏi gì, có khó hay không? Thế nhưng khi nghe câu hỏi "Thế nào là hạnh phúc?", tất cả mọi người đều như cởi mở hơn và phản xạ đầu tiên của họ đó là... cười rạng rỡ.
Có lẽ đối với mỗi người dù là người lớn hay trẻ nhỏ đều có sẵn trong mình 1 ước mơ, 1 cảm xúc sướng vui và gọi chung đó là "Hạnh phúc". Như chú Hùng, cô Mùi hay cô Hằng, hạnh phúc chính là sức khỏe, là niềm vui quây quần cùng con cháu. Mặt khác đối với những cô bé, cậu bé còn nhỏ, hạnh phúc lại càng thêm giản dị khi các em tâm sự: "Hạnh phúc là bố mẹ không cãi nhau".
Với bé Mai Chi - 1 cô học sinh 8 tuổi thì hạnh phúc chỉ là bố mẹ không cãi vã.
Còn Duy Anh - cậu bé 10 tuổi năm nay học lớp 4 thì chẳng cần chút suy nghĩ mà có thể nói ngay một cách quyết đoán: "Hạnh phúc là... cảm giác sung sướng ạ".
Với định nghĩa ngây ngô của mình, Duy Anh cho biết hiện tại cho dù em không cảm thấy chán nản nhưng cũng không hạnh phúc cho lắm, bởi hôm nay đi học đã bị cô giáo nhắc nhở đến 3 lần.
Với cậu bé Duy Anh, hôm nay bớt hạnh phúc đi một tẹo vì đi học bị cô giáo nhắc nhở đến... 3 lần. Thế này thì hôm nào được cô khen, hôm đó hẳn là ngày "hạnh phúc đến sung sướng" của cậu bé rồi. Trẻ con mà!