HLV Park Hang-seo bất lực & mối lo lớn của bóng đá Việt Nam

27/12/2021 13:48 PM | Xã hội

Sau 4 năm tung hoành và không có đối thủ ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã chính thức trở thành cựu vương.

Điều đó sẽ không đáng buồn nếu chúng ta nhìn nhận được hết câu chuyện thành bại. Nhưng sẽ là điều đáng sợ và đáng lo nếu những nhà quản trị bóng đá Việt Nam không nhìn nhận được một bức tranh xa hơn sau thất bại hôm nay.

Việt Nam đã có một hiệp 1 tuyệt vời, điều đó không cần khen lại làm gì nữa. Việt Nam đã có một Hoàng Đức trưởng thành vượt bậc và xứng đáng là ông chủ mới cho tuyến giữa của Rồng Vàng. Và Quang Hải, vẫn luôn là Quang Hải: đẳng cấp nhất, quyết liệt nhất, tài ba nhất, và chỉ thiếu đi một bàn thắng để làm "điểm nhãn" cho màn trình diễn vàng mười sau 2 lượt trận của chính anh.

Việt Nam đã bị loại, nhưng Quang Hải không thua. Dẫu vậy, Quang Hải hay Hoàng Đức cũng chỉ là cánh én không làm nên mùa xuân cho cả một hệ thống đã có vấn đề của thầy Park tại giải đấu lần này, và kéo dài từ vòng loại thứ ba World Cup khu vực Châu Á.

 HLV Park Hang-seo bất lực & mối lo lớn của bóng đá Việt Nam - Ảnh 1.

Vấn đề về tính kế thừa

Chấn thương là nguyên nhân chính để dễ dàng chỉ ra cho thất bại hôm nay của thầy trò Park Hang-seo . Thật khó cho HLV nếu dùng một đội hình đã không có thủ thành số một (Đặng Văn Lâm), không có hậu vệ số một (Trần Đình Trọng), tiền vệ số một (Đỗ Hùng Dũng), và cặp cánh đã tạo nên thương hiệu cho sơ đồ 3-5-2 nổi tiếng của Park Hang-seo (Văn Hậu và Trọng Hoàng).

Một đội bóng dù mạnh đến đâu nhưng không có các cầu thủ hay nhất thì cũng trở thành bình thường. Nhưng việc 5 cầu thủ kia bị chấn thương là tính nhất thời hay là tính hệ thống? Đã bao giờ chúng ta nhìn thấy điều này chưa, rằng giả sử như họ quay lại thì liệu có tồn tại thêm 5 cầu thủ mới sẽ bị chấn thương, và cứ quanh đi quẩn lại một bài toán cũ.

Bởi vì thế hệ Quang Hải, Duy Mạnh, Công Phượng… là một thế hệ "quá tải".

 HLV Park Hang-seo bất lực & mối lo lớn của bóng đá Việt Nam - Ảnh 2.

Trong 2 năm từ 2018 đến 2019, Quang Hải thi đấu tổng cộng 120 trận đấu. Con số ấy đến cả các cầu thủ quốc tế còn phải "chùn". Nhưng chàng trai vừa qua tuổi 20 như Hải "con" lại phải đá với mật độ như thế. Và bạn nhận ra điều kinh khủng gì nữa không? Phan Văn Đức, Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Thanh, Xuân Trường và Đoàn Văn Hậu - 6 cầu thủ của Thường Châu bị chấn thương đầu gối – thứ chấn thương gây ám ảnh nhất của đời cầu thủ.

Đấy không hề là điều ngẫu nhiên. Nhưng những người làm bóng đá hình như chưa lắng nghe còi báo động qua những chấn thương ấy? Tôi tin chắc thầy Park không phải là kiểu HLV dùng lứa thế hệ hay nhất lịch sử này của bóng đá Việt Nam như vắt sữa bò, mà chính ông bất lực trong việc đi tìm phương án thứ hai thay thế họ.

"Việt Nam cần một hệ thống liền mạch, chứ cứ đưa đội tuyển quốc gia ra rồi hy vọng vào kết quả tốt thì quá khó. Rất ít cầu thủ U22 đang thi đấu ở V-League. Không được thi đấu, năng lực chỉ đi xuống. Đội tuyển quốc gia thì gặp các đối thủ quá mạnh, đội trẻ thì chưa chắc vô địch SEA Games nếu như không được tạo cơ hội thi đấu và làm quen với áp lực. Chúng ta cần có một kế hoạch dài hơi để có được những cầu thủ tốt" - HLV Park Hang-seo từng than thở sau trận gặp Nhật Bản ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á.

Thay vì đổ lỗi cho chấn thương, thì hãy nhìn nhận chính xác, chính việc cả nền bóng đá Việt Nam sống bằng hơi thở thành tích của một lứa cầu thủ lặp đi lặp lại những gương mặt quen thuộc 4 năm qua, đã tạo nên các chấn thương đó.

Thành công cùng lứa Quang Hải, Công Phượng, Duy Mạnh… giúp đội tuyển Việt Nam thay da đổi thịt, nhưng cũng từ đó không có được những con sóng kế thừa đẳng cấp như Hoàng Đức. Lại nữa, chúng ta nhắc đi nhắc lại về sự thiếu vắng của Trọng Hoàng, sự nhớ nhung Anh Đức. Nhưng ô kìa, Trọng Hoàng năm nay đã 33 tuổi, còn Anh Đức đã giải nghệ.

Việc trông chờ vào một lão tướng, việc nhớ nhung về một người đã giải nghệ, cho thấy bóng đá Việt Nam đang có sai lầm ở hệ thống kế thừa. Thất bại này mới là thất bại lớn, chứ không phải là nỗi buồn vì bị Thái Lan loại. Điểm sáng Hoàng Đức là điểm cộng của đội tuyển quốc gia, nhưng là điểm trừ của hệ thống đào tạo bóng đá quốc gia.

 HLV Park Hang-seo bất lực & mối lo lớn của bóng đá Việt Nam - Ảnh 3.

HLV Park Hang-seo đã hết bài?

Vấn đề thứ nữa là về chiến thuật. Hãy nhìn vào hiệp 2 của trận đấu với Thái Lan. Cả hiệp 2, Việt Nam chỉ có chuyền dài và chuyền dài. Đáp lại việc này, Thái Lan "khẽ khàng" đặt vào sân một anh chàng cao to tên là Dolah, cùng một Manuel Bihr đã ở đó. Thế là họ đã khắc chế toàn bộ các đường bóng dài, bóng bổng của Việt Nam. Thế mà đối diện với 2 tòa tháp đó, thầy trò Park Hang-seo vẫn cứ miệt mài chuyền dài. Đó là sao đây? Là hết bài.

10 phút cuối trở thành thảm họa thay người của thầy Park. Tuấn Anh vào sân phút 69 và ra sân ở phút 82, đưa hai hậu vệ biên lần đầu ra sân, lần đầu nghe tên ở AFF Cup năm nay Lê Văn Xuân và Xuân Mạnh vào sân. Vai trò hậu vệ biên là gì? Lên bóng và tạt bóng.

Chúng ta không biết và không đánh được trung lộ. Trong khi trên sân, Minh Vương ngồi lặng lẽ nhìn đồng đội bế tắc. Đó là sao đây? Là hoang mang vô định khi thiếu đi những người học trò quen thuộc. Hay thật sự thầy Park đã chạm ngưỡng? Dù là lý do gì đi chăng nữa thì đấy đều là vấn đề cần báo động ở tính hệ thống.

Áp lực thành tích

Hãy nhìn vai trò của ông Park Hang-seo. Liên đoàn giao cho ông vai trò vừa làm HLV U22, vừa làm HLV đội tuyển quốc gia. Vừa lo các thành tích cấp độ SEA Games, Olympic, lại còn cáng đáng thêm các giải vô địch Đông Nam Á, vòng loại World Cup. Đấy là một sự quá tải, cũng là một sự thiếu đột biến về nhân sự và chiến thuật.

Nhưng vì áp lực thành tích, liên đoàn vẫn phó mặc vào ông cũng như lứa cầu thủ học trò cưng đã "quá tải" của ông. Điều này xảy ra hai nguy hại lớn. Bóng đá Việt Nam đi vào lối mòn, và phó mặc vào một lứa cầu thủ với các tiềm tàng nguy hiểm như nói ở phần đầu bài viết.

Điều thứ hai là cổ động viên Việt Nam quen chiến thắng, cũng như quen cách dễ dàng đi kiếm một cá nhân để đổ lỗi, và không cho họ có hy vọng trở lại. Harry Maguire mà ở Việt Nam chắc giải nghệ 3 lần chưa hết tội. Còn HLV Park Hang-seo cũng vì áp lực thành tích, lại như "chim sợ cành cong" trong lần thất bại ở Hàn Quốc mà trở nên "loạn đao pháp" (như hiệp 1 lượt đi và hiệp 2 lượt về trận gặp Thái Lan).

 HLV Park Hang-seo bất lực & mối lo lớn của bóng đá Việt Nam - Ảnh 4.


Lối thoát ở đây là gì? Phải giải phóng HLV Park Hang-seo cho một vị trí khác. Hoặc nắm một đội tuyển, hoặc đưa hẳn thầy Park lên vị trí giám đốc kỹ thuật của liên đoàn. Ở vị trí kiến trúc sư, ông mới có thể quy hoạch được cả bản đồ bóng đá Việt Nam tuần tự từ nền móng đến nóc nhà.

Và cuối cùng, bài báo này muốn nhắn nhủ cho những người quản trị bóng đá nước nhà hiểu rằng, thất bại ở Đông Nam Á không phải là chuyện quá nặng nề cho một đội tuyển sẽ thi đấu với Australia ở vòng loại World Cup sắp đến.

Nhưng thất bại mà vẫn không thấy được những tiềm tàng nguy hại đã kéo dài từ vòng loại thứ ba đến AFF Cup năm nay, lại chỉ chờ cái đôi chân lành lặn của Hùng Dũng, Trọng Hoàng,.. thì đó sẽ là một thất bại lớn, khi ta đã làm bóng đá vì thú vui nhất thời, mà không có tính cộng đồng, xã hội, và góc nhìn ở tương lai.

Theo Dũng Phan

Từ khóa:  park hang-seo
Cùng chuyên mục
XEM