Hình ảnh đầu tiên của ông Đinh La Thăng tại TAND TP HCM
7 giờ sáng 14-12, cảnh sát tư pháp đã dẫn giải bị cáo Đinh La Thăng cùng các đồng phạm vào trụ sở TAND TP HCM. Mọi công tác phục vụ phiên tòa đều được chuẩn bị khá tốt trước đó
Sáng 14-12, TAND TP HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM) cùng 19 đồng phạm (có bị cáo Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT) trong vụ sai phạm liên quan đến cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Bị cáo Đinh La Thăng , Nguyễn Hồng Trường cùng 5 đồng phạm (nguyên lãnh đạo, cán bộ cơ quan nhà nước) ra tòa về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Liên quan tới vụ án, bị cáo Đinh Ngọc Hệ cùng 12 bị cáo khác bị xét xử về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
Cơ quan công tố cáo buộc với vai trò Bộ trưởng Bộ GTVT - người đứng đầu được giao quản lý tài sản, trong đó có quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương, bị cáo Đinh La Thăng ký văn bản đề nghị tiếp tục tìm kiếm đối tác để bán quyền thu phí cao tốc. Bị cáo Đinh La Thăng nắm rõ quy định pháp luật về quản lý tài sản nhà nước, về chuyển giao quyền thu phí; nhận thức rõ đây là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt lớn... Dù vậy, bị cáo cùng cấp dưới giao quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương trái pháp luật, dẫn đến sai phạm gây thiệt hại hơn 725 tỉ đồng. Số tiền này bị Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt, trục lợi.
Trong quá trình điều tra, bị cáo Đinh La Thăng khai nhận từ 2011, với tư cách Bộ trưởng Bộ GTVT, bị cáo ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất chủ trương tiếp nhận lại đề án Chuyển giao dự án quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương từ Công ty BEDC, tìm kiếm đối tác chuyển giao quyền thu phí. Đầu năm 2012, Đinh La Thăng gặp và quen Đinh Ngọc Hệ tại tỉnh Ninh Bình. Sau đó, bị cáo nhiều lần liên hệ với Hệ. Tuy nhiên, bị cáo Đinh La Thăng phủ nhận việc bàn bạc, giới thiệu cũng như chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện giúp doanh nghiệp do Đinh Ngọc Hệ thao túng dễ dàng mua quyền thu phí cao tốc. Đến tháng 10 – 2013, bị cáo ký quyết định thành lập hội đồng bán đấu giá. Theo đó, bị cáo Thăng giao Nguyễn Hồng Trường (khi đó là thứ trưởng Bộ GTVT) làm chủ tịch hội đồng bán đấu giá; thành lập tổ giúp việc thường trực hội đồng. Bị cáo Đinh La Thăng giao bị cáo Nguyễn Hồng Trường ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm, tổ chức bán đấu giá, phê duyệt kết quả bán đấu giá… Suốt quá trình hoàn thiện đề án bán quyền thu phí, tổ chức bán đấu giá, quản lý việc thanh toán tiền trúng đấu giá; hay giải quyết những vấn đề liên quan đến việc doanh nghiệp chậm nộp tiền trúng đấu giá, bị cáo Trường đều đồng gửi văn bản báo cáo cấp trên – bị cáo Thăng. Dù vậy, bị cáo Đinh La Thăng không tham gia ý kiến chỉ đạo trong những văn bản này.
Bị cáo Nguyễn Hồng Trường khẳng định trong quá trình giải quyết công việc, bị cáo đều báo cáo nhưng không thấy cấp trên có ý kiến chỉ đạo. Nhiều trường hợp bị cáo Thăng trực tiếp chỉ đạo đơn vị cấp dưới sau khi nhận văn bản báo cáo mà không thông qua Trường.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ không thừa nhận tham gia góp vốn, là chủ thực sự nhiều doanh nghiệp, như: Công ty Yên Khánh, Công ty Khánh An, Công ty Thái Sơn Bộ Quốc Phòng… Bị cáo phủ nhận hành vi chỉ đạo nhân viên làm giả hồ sơ năng lực Công ty Yên Khánh, Công ty Khánh An nhằm tham gia đấu gia quyền thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương.
HĐXX sơ thẩm xác định bị hại trong vụ án là Bộ GTVT. Bên cạnh đó, cơ quan xét xử triệu tập 14 pháp nhân, 11 cá nhân tới dự tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cụ thể, HĐXX triệu tập Bộ Tài Chính và 13 doanh nghiệp, như: Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, Công ty TNHH Phát triển đầu tư Thái Sơn, Công ty CP BOT và BT Quốc lộ 20…
Phiên tòa dự kiến kéo dài từ nay đến ngày 25-12.
Một số hình ảnh bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm PV ghi nhận tại TAND TP HCM (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Bị cáo Đinh La Thăng đeo kính đen vào phòng xử án
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ, tức Út "trọc"
Các bị cáo vào phòng xử án
Các bị cáo vào phòng xử án
Một nữ bị cáo vào phòng xử án
Một nữ bị cáo vào phòng xử án