Hiệu ứng Dunning-Kruger: Càng những người thiếu kiến thức lại càng hô hào chống vắc-xin

10/03/2019 09:44 AM | Công nghệ

Câu chuyện về 80 người chống vắc-xin trong khán phòng và 15 chuyên gia bác sĩ.

Vắc-xin là một trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại, thành tựu y tế đã cứu sống nhiều sinh mạng nhất, trong lịch sử hơn 300.000 năm kể từ khi con người có mặt trên Trái Đất.

Trong quá khứ, vắc-xin đã giúp chúng ta xoá sổ nhiều căn bệnh nguy hiểm như đậu mùa, bại liệt và sởi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hàng năm, những mũi tiêm ngay từ tuổi sơ sinh vẫn bảo vệ hàng triệu trẻ em khỏi uốn ván, ho gà và thuỷ đậu.

Vậy mà thời gian gần đây, chúng ta đang phải chứng kiến một sự thật trớ trêu: Con người đang chống lại vắc-xin. Ngày càng có nhiều bậc phụ huynh từ chối tiêm chủng cho con cái của mình, thậm chí cả thú nuôi vì những niềm tin sai lầm như: Vắc-xin gây bệnh tự kỷ, con người muốn thuận tự nhiên thì không thể tiêm vắc-xin, tiêm vắc-xin là tự đưa mầm bệnh vào người mình...

Hiệu ứng Dunning-Kruger: Càng những người thiếu kiến thức lại càng hô hào chống vắc-xin - Ảnh 1.

Ngày càng có nhiều bậc phụ huynh từ chối tiêm chủng cho con cái của mình


Các nhà khoa học đang phải gồng mình chứng minh cho họ thấy điều ngược lại: Rằng tiêm chủng không gây bệnh tự kỷ, vắc-xin không chứa mầm bệnh và chẳng có thuyết âm mưu nào phía sau đó cả.

Nhưng bất chấp mọi nghiên cứu quy mô lớn, mọi số liệu chứng tỏ tiêm chủng đã an toàn, tại sao vẫn có những người tiếp tục hoài nghi vắc-xin?

Tại sao việc nói ra một thực tế với họ chẳng khác nào chứng minh Trái Đất hình cầu cho hội những người tin Trái Đất phẳng?

Càng là những người ít có kiến thức y tế thì lại càng chống vắc-xin nhiều hơn. Họ có thể đang vướng vào một thứ mà các nhà khoa học gọi là Hiệu ứng Dunning-Kruger.

80 người chống vắc-xin trong khán phòng, 15 chuyên gia bác sĩ

Tuần trước, một đám đông tại Mỹ đã lấp đầy 165 ghế dự khán công khai, của một cuộc họp được tổ chức tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Ít nhất 80 người trong số họ là những người chống vắc-xin đến từ khắp nơi trên nước Mỹ.

Họ tập hợp nhau lại từ một sự kiện được tạo trên Facebook, và cùng có mặt ở đây để gây áp lực lên 15 thành viên trong Uỷ ban Tư vấn Thực hành Tiêm chủng (ACIP) của Hoa Kỳ, những bác sĩ và chuyên gia y tế nhóm họp mỗi năm 3 lần để bỏ phiếu cho các quy chuẩn và khuyến cáo tiêm chủng tại Mỹ.

"Tôi không đồng ý bàn giao những đứa con được Chúa ban tặng cho chính phủ Hoa Kỳ", Sandy Spaetti, một trong những người phản đối vắc-xin nói vọng lên trong tràng vỗ tay của cả khán phòng.

"Làm thế nào mà một loại vắc-xin có thể khiến con trai tôi suýt chết vì bị gấp ruột?", Nicole Mason, một người khác trong nhóm nói đã mất niềm tin vào vắc-xin nói .Năm ngoái, cô này cho đứa con trai 4 tháng tuổi đi tiêm chủng vắc-xin Rotavirus, sau đó đứa bé phát triển chứng tắc nghẽn đường ruột. (Trên thực tế, đây chỉ là một biến chứng xảy ra ở 1-5/100.000 mũi tiêm, và nó cũng có thể gây ra bởi chính Rotavirus gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh).

Hiệu ứng Dunning-Kruger: Càng những người thiếu kiến thức lại càng hô hào chống vắc-xin - Ảnh 2.

Uỷ ban Tư vấn Thực hành Tiêm chủng (ACIP) của Hoa Kỳ


Bác sĩ Jose Romero, chủ tịch của ACIP, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa đến từ ĐẠi học Khoa học Y khoa Arkansas cho biết các ghế dự khán công khai trong cuộc họp của ACIP ngày càng đông, tập trung những người chống vắc-xin. Họ đến từ khắp các tiểu bang xa xôi của nước Mỹ.

Năm 2017 bắt đầu chỉ có 20 người, rồi đám đông tăng lên 50 người trong năm 2018 và mới đây đã vượt quá 80 người. Số lượng quá đông của những người chống vắc-xin đã khiến CDC phải ban hành quy định yêu cầu các nhân viên an ninh túc trực để bảo vệ cuộc họp cho ACIP, họ đặt máy dò kim loại ở cửa ra vào và sẵn sàng trục xuất những thính giả gây rối ra ngoài.

Trong khán phòng, 15 thành viên của hội đồng, là các bác sĩ và chuyên gia y tế đang làm nhiệm vụ đánh giá các dữ liệu nghiên cứu, nhằm bỏ phiếu cho các khuyến nghị tiêm vắc-xin tại Mỹ. Cuộc họp lần này cân nhắc về việc điều chỉnh lịch tiêm phòng cho công dân Mỹ du lịch tới Châu Á và Thái Bình Dương, giúp bảo vệ họ khỏi bệnh viêm não Nhật Bản.

Các chuyên gia cũng xem xét có nên khuyên người dân Mỹ trong độ tuổi từ 27-45 tuổi tiêm vắc-xin chống papillomavirus, một tác nhân gây ung thư, hay không. Thời gian của buổi họp công khai này kéo dài 75 phút, dưới áp lực của những người chống vắc-xin ngay trong khán phòng.

Khung cảnh này khiến chúng ta tự hỏi: Liệu những người chống vắc-xin có tự định lượng được kiến thức y tế của họ hay không, để so sánh ý kiến của mình với những chuyên gia y tế hàng đầu của nước Mỹ?

Hiệu ứng Dunning-Kruger: Càng những người thiếu kiến thức lại càng hô hào chống vắc-xin - Ảnh 3.

Ảnh: Cafebiz


Trong tâm lý học xã hội, không có khả năng đánh giá chính xác kiến ​​thức của bản thân được gọi là hiệu ứng Dunning-Kruger. Hiệu ứng Dunning-Kruger xảy ra khi các cá nhân không có kiến ​​thức về một chủ đề cụ thể nhưng lại tự đánh giá quá cao chuyên môn của mình về chủ đề đó. Nói một cách nôm na, đó là những cái thùng rỗng kêu to.

Sự thiếu hiểu biết về thờ ơ của một người khác có thể cổ vũ và khiến những người thiếu kiến ​​thức càng nghĩ rằng họ là chuyên gia giỏi hơn những người có kiến thức thực sự. Về cơ bản, hiệu ứng Dunning-Kruger gây ra sự tự tin thái quá.

Hiệu ứng Dunning-Kruger và thái độ chống vắc-xin

Trong một nghiên cứu năm 2017, các nhà khoa học đã yêu cầu hơn 1.300 người Mỹ tự đánh giá kiến thức của mình và so sánh với các bác sĩ và nhà khoa học y tế. Chủ để được đưa ra là nguyên nhân gây bệnh tự kỷ, căn bệnh mà nhiều người chống vắc-xin vẫn tin rằng tiêm chủng MMR (phòng sởi, quai bị và rubella) có thể gây ra.

Tiếp sau đó, những người tham gia được yêu cầu trả lời một loạt các câu hỏi kiến ​​thức về bệnh tự kỷ, cũng như mức độ họ đồng ý với thông tin sai lệch kể trên.

Kết quả, các nhà khoa học nhận thấy 36% số người được hỏi cảm thấy họ hiểu biết hơn các bác sĩ về chủ đề bệnh tự kỷ. Một chút ít hơn, 34% cảm thấy kiến thức của họ đánh bại được cả các nhà khoa học trong cùng lĩnh vực.

"Chúng tôi tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ về hiệu ứng Dunning-Kruger", tác giả nghiên cứu viết. "62% những người có kết quả bài kiểm tra kiến ​​thức tự kỷ kém nhất lại là những người tin rằng họ biết nhiều hơn cả bác sĩ và nhà khoa học về nguyên nhân gây bệnh tự kỷ, so với chỉ 15 phần trăm những người đạt điểm cao nhất trong bài kiểm tra".

Tương tự như vậy, 71% những người đồng ý với thông tin sai lệch về mối liên hệ giữa vắc-xin và bệnh tự kỷ cảm thấy rằng họ biết nhiều hơn các bác sĩ, so với chỉ 28% những người từ chối mạnh mẽ thông tin sai lệch này.

Phát hiện được công bố trên tạp chí Khoa học Xã hội và Y học chứng tỏ hiệu ứng Dunning-Kruger của công chúng có thể ảnh hưởng đến chính sách tiêm chủng vắc-xin.

Ngoài việc đo lường kiến ​​thức tự kỷ, khảo sát của các nhà nghiên cứu còn yêu cầu người trả lời chia sẻ ý kiến ​​của họ về một số khía cạnh trong chính sách tiêm chủng. Ví dụ, họ đã hỏi 1.300 người tham gia rằng "Liệu ông/bà có ủng hộ quyết định của những bậc cha mẹ không tiêm vắc-xin cho con họ mà vẫn gửi chúng vào các trường công lập (để học chung với con cái mình) hay không?".

Kết quả cho thấy gần một phần ba, hoặc 30% những người nghĩ rằng họ giỏi hơn các chuyên gia y tế hoàn toàn đồng ý với những bậc cha mẹ này. Ngược lại, chỉ có 16% những người khiêm tốn về kiến thức của mình cảm thấy như vậy.

Nghiên cứu cũng phát hiện những người tự mãn với kiến thức ít ỏi của mình, những người càng nghĩ rằng họ hiểu biết nhiều hơn các chuyên gia y tế lại càng có nhiều khả năng tin vào những thông tin về vắc-xin đến từ nguồn không chính thống. Những cá nhân này cũng có xu hướng ủng hộ những cá nhân khác giống mình khi đưa ra nhận định về các chính sách liên quan đến vắc-xin và tiêm chủng.

Bởi vậy, trong cuộc chiến với những người chống vắc-xin, dường như hiệu ứng Dunning-Kruger mới là thứ các chuyên gia y tế và bác sĩ phải đối phó, chứ không phải bản thân kiến thức của công chúng.

Hiệu ứng Dunning-Kruger: Càng những người thiếu kiến thức lại càng hô hào chống vắc-xin - Ảnh 4.

Trong cuộc chiến với những người chống vắc-xin, hiệu ứng Dunning-Kruger mới là thứ các chuyên gia y tế và bác sĩ phải đối phó


Ngay cả khi hàng núi bằng chứng về sự an toàn và tầm quan trọng của vắc-xin được các bác sĩ và nhà khoa học đưa ra, nhiều người vẫn nghĩ rằng họ biết nhiều hơn những chuyên gia đang cố gắng giáo dục và đính chính kiến thức sai lệch cho mình.

"Người ta nói rằng chúng ta hiện đang sống trong một thế giới nơi thực tế bị chối bỏ, nơi dữ liệu có giá trị lại chỉ mang tính thuyết phục hạn chế", tiến sĩ Saad Omer đến từ Đại học Emory đã phải viết như vậy, khi bình luận về một nghiên cứu của các nhà khoa Đan Mạch mới công bố trong tuần này.

Nghiên cứu khảo sát dữ liệu của 657.461 trẻ em để chứng minh vắc-xin MMR không gây tự kỷ. Nhưng tiến sĩ Omer nói rằng điều này đã được chứng minh từ lâu trong cộng đồng khoa học. Các nhà nghiên cứu Đan Mạch chỉ đang tốn công, tốn sức nói lại một sự thật cho công chúng, những người chống vắc-xin không chịu hiểu.

Do đó, tìm ra những cách mới để thuyết phục những người hoài nghi về sự an toàn và hiệu quả của vắc-xin mới là hướng nghiên cứu nên được ưu tiên. Làm thế nào để chống lại hiệu ứng Dunning-Kruger trong công chúng?

Trong câu hỏi hóc búa ấy còn chưa có câu trả lời, từ dưới những hàng ghế dự khán trong cuộc họp của ACIP, vẫn có những tiếng nói vọng lên tới tai các bác sĩ: "Các ông cảm thấy thế nào khi biết lá phiếu của các ông chính là thứ đã giết chết con trai tôi".

Tư liệu Sciencemag, Theconversation

Theo Zknight

Cùng chuyên mục
XEM