Hiểu đúng về Tết cổ truyền, để yêu Tết hơn, để không dễ dàng từ bỏ Tết
Chúng ta có còn yêu tết cổ truyền? Tại sao càng ngày nhiều người càng cảm thấy ngày tết là gánh nặng. Nguyên nhân nằm ở “Tết” hay là ở nội tại mỗi người, tại chính bản thân mỗi chúng ta?
Tết là dịp để chúng ta trở về, đoàn viên với cả gia đình bên mâm cơm chiều 30, ngửi mùi nhang trầm linh thiêng cúng tổ tiên ông bà trước giờ khắc Giao thừa và hân hoan chào đón năm mới khi thức dậy vào sáng mùng một Tết.
Ngày Tết là ngày vui nhất trong năm, nhà nhà ăn Tết. Bao nhiêu thức ăn ngon lành được dành sẵn cho ngày Tết để bữa ăn đầu năm đầy đủ, năm mới thêm trọn vẹn, thêm vui. Chuyện ăn ngon, đâu có chỉ ngon miệng, mà người ta cảm giác được cái ngon trong cái sạch cái đẹp nữa. Ấy thế nên ngày Tết nhà nào cũng dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, sân ngõ phong quang, vứt bỏ rác rưởi để bước sang năm mới cho thật tinh khôi. Bao nhiêu cái xấu cái cũ cũng giống như loài Quỷ cần đuổi tống ra khỏi nhà cho tiêu tan hết.
Người cũng phải thật sạch, nên người ta còn có tục Tắm Tết. Để thân thể sạch sẽ thơm tho, dân ta có tục đun nước lá thơm để tắm. Lá thơm dùng để đun nước tắm thường là lá mùi có hương thơm nhẹ nhàng ấm áp như lá bưởi, lá chanh, hương nhu, mùi già.... Trong việc tắm rửa sạch sẽ còn mang hàm ý gột rửa hết mọi bụi bẩn xui xẻo của năm cũ để bước sang năm mới sạch sẽ tinh tươm. Ngày xưa trong những ngày áp Tết đi vào ngõ xóm, phố phường, chỗ nào cũng ngào ngạt mùi thơm của nước lá hòa cùng khói nồi bánh chưng đang sôi sùng sục trên bếp lửa.
Dân ta còn có tục trang trí nhà cửa thật gọn gàng, sạch sẽ để đón năm mới. Nhà nhà treo tranh Tết. Tranh của ta xưa nổi tiếng có tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Tranh Đông Hồ thể hiện khát vọng dân dã có đời sống no ấm sung túc qua tranh lợn, tranh gà, tranh bé trai bụ bẫm... Tranh Hàng Trống thể hiện nét hào hoa trân trọng cái đẹp của con người và thiên nhiên đã được thi vị hóa qua các bức tố nữ, tứ quý, cá chép trông trăng (lí ngư vọng nguyệt)...
Ngày Tết trong nhà không thể thiếu hoa. Hoa Tết là những loài tiêu biểu cho mùa xuân và khí hậu nước ta: miền Bắc có đào, miền Nam có mai. Hoa chưng Tết cũng thật phong phú: ở Hà Nội có tục ngày Tết gọt củ thủy tiên để đến đúng đêm giao thừa có hoa nở chào xuân, lại có chậu cúc chưng trước cửa, hay cành lay ơn, thược dược cắm trong bình cho nhà cửa tươi vui, ấm áp sắc xuân.
Trên bàn thờ nhà nào cũng có mâm ngũ quả. Tùy khí hậu từng vùng mà năm thứ quả có thể thay đổi. Ở miền Bắc thì có nải chuối xanh, quả bưởi, cam (hay quýt), hồng xiêm, quả trứng gà... Ở miền Nam thì có dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, nhành sung... Mâm ngũ quả thể hiện khát khao của mọi nhà về một năm mới sung túc, no đủ, may mắn đấy bạn ạ!
Nhiều nhà dựng bên bàn thờ hai cây mía để làm gậy cho ông vải. Cỗ Tết thường cúng tất niên (tối 30). Sáng mồng một cúng gia tiên, và cúng cả Thổ Công, Táo Quân, nghệ sư... Mâm cỗ to nhỏ từng nhà khác nhau nhưng nhà nào cũng có bánh chưng, cá kho, giò chả, dưa hành... Các bữa cỗ trong gia đình Hà Nội xưa thường có các bát nấu: măng, miến, bóng... các món ninh mọc, gà, chim tần, nem, nộm, dưa hành, dưa góp... Ở các vùng quê, vùng nào cũng có loại bánh ngày Tết làm bằng bột nếp, bột tẻ có mầu sắc như bánh gấc, bánh phu thê... và bánh nhân hành mỡ đậu xanh như bánh nếp, bánh dầy... Đấy là chưa kể đến vùng đồng bào dân tộc mỗi vùng một món ăn đặc biệt ngày Tết mà kể đến một cuốn sách vẫn chưa hết.
Những giá trị truyền thống luôn mang những ý nghĩa mà không thứ gì có thể sánh được. Không phải ngẫu nhiên mà thế giới sinh ra các tổ chức bảo tồn di sản văn hóa để tìm mọi cách khắc phục, bảo tồn những văn hóa vốn thuộc về quá khứ nhưng chưa chắc đã phù hợp với cuộc sống hiện nay.
Vậy các bạn trẻ, chúng ta có thực sự mong muốn bỏ đi Tết cổ truyền, có phải thực sự cần bỏ Tết để đất nước phát triển?