Hiệp hội thủy sản: Nguy cơ chuỗi cung ứng bị đứt gãy, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động
Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tính tới cuối tháng 8/2021, chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam hoạt động được "3 tại chỗ"; khoảng 30-40% DN không đủ thực hiện "3 tại chỗ" đã phải ngừng sản xuất, số phần trăm còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy để thực hiện "3 tại chỗ".
Trong số các nhà máy thực hiện được "3 tại chỗ", lượng công nhân có thể huy động được khoảng từ 30-50% tổng số lượng lao động, số còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, công suất chế biến đã giảm từ 50-60% so với trước. Ước tính, công suất chung của cả vùng đã giảm từ 60-70%.
Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp là các tỉnh có số lượng DN thủy sản ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc tạm ngừng sản xuất nhiều nhất để tổ chức lại thực hiện "3 tại chỗ".
Do nhiều địa phương thực hiện giãn cách quá lâu, công nhân, người lao động làm việc "3 tại chỗ" đã bắt đầu mệt mỏi và mong được về nhà, do đó các DN rất khó khăn nếu muốn tiếp tục thực hiện "3 tại chỗ". Ngoài ra, việc thực hiện 3 tại chỗ đã phát sinh rất nhiều chi phí trong khi công suất sản xuất giảm, do đó các doanh nghiệp không thể tiếp tục trụ lâu thêm nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ.
Chỉ 30-40% doanh nghiệp thủy sản đủ năng lực phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách
Các DN thủy sản tổ chức được "3 tại chỗ" cố gắng duy trì lực lượng lao động chủ chốt để tiếp tục sản xuất và vận hành nhà máy, số công nhân còn lại tạm thời cho nghỉ việc và DN trả lương cơ bản. Những DN khác ngừng hoạt động cho nhân viên nghỉ nhưng vẫn cố gắng duy trì lương cho các công nhân, nhân viên nhằm giữ chân người lao động. Riêng tại các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng,… một số ít DN vẫn đang cố gắng duy trì số lượng công nhân, thực hiện chia ca, phân luồng để vừa đảm bảo sản xuất vừa đảm bảo phòng, chống dịch tại nhà máy.
Theo kết quả khảo sát, chỉ có 30 – 40% doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số DN còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất. Việc phục hồi sản xuất của DN đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như: Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị dứt gãy, hoặc khó khăn trong vận chuyển; DN bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng. Đặc biệt là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, hay đang điều trị Covid…
Ngoài ra, chủ trương của nhiều tỉnh thành đang thực hiện Chỉ thị 16 cùng với việc chỉ tập trung vào mục tiêu chống dịch, do đó khả năng hồi phục sản xuất rất khó, nếu việc tiếp tục giãn cách đến giữa tháng 9/2021 thì nguy cơ đứt chuỗi là rất cao và khả năng khó hồi phục lại sản xuất như bình thường.
Do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội, các NCC giảm công suất hoạt động hoặc thực hiện "3 tại chỗ, việc hạn chế đi lại, chậm vận chuyển giao nhận hàng hóa – nguyên vật liệu cho chế biến và xuất nhập khẩu, do đó nguồn nguyên vật liệu chỉ tạm thời đủ cung cấp cho hoạt động sản xuất trong thời gian ngắn, nếu kéo dài giãn cách XH theo chỉ thị 16 thì chuỗi cung ứng sẽ bị đứt gãy và DN phải ngừng hoạt động do không đủ nguyên vật liệu cho sản xuất.
Doanh nghiệp khó khăn xuất khẩu, giá tôm, cá đã giảm mạnh
Nguồn nguyên liệu ảnh hưởng rất lớn và quyết định giá thành sản phẩm, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, quy định giãn cách nên DN thủy sản không thể quy động được nguồn nguyên liệu, nguyên liệu bị đùn ứ nên giá nhiều mặt hàng thủy sản đã giảm mạnh, người dân không tiếp tục thả nuôi… Dự báo, nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng sẽ thiếu từ 20-30% và giá nguyên liệu sẽ tăng từ 10-20% trong những tháng cuối năm
Đối với nguyên liệu khai thác biển cũng gặp nhiều khó khăn do ngư dân không thể đi biển đánh bắt, các cảng cá cũng giới hạn hoặc ngưng hoạt động, dự kiến nguồn nguyên liệu khai thác trong nước giảm thiếu 30-40% và dự kiến giá nguyên liệu tăng 20-30%.
Tính đến tháng 7/2021, số lượng các đơn hàng tăng 10-20% so với năm 2020 do các thị trường NK trên thế giới đều đã khôi phục lại. Tuy nhiên, ngay sau đó, từ đầu tháng 8/2021, dịch bệnh Covid-19 lan rộng và nhanh từ Tp.Hồ Chí Minh xuống miền Tây, đặc biệt từ ngày 23/8 - 15/9, toàn bộ các tỉnh Nam bộ, ĐBSCL thực hiện Chỉ thị 16 nghiêm ngặt nên từ vận chuyển nguyên vật liệu, đến thực hiện các thủ tục XNK, thủ tục C/O, thủ tục cảng,….đã ảnh hưởng mạnh đến tiến độ sản xuất và giao hàng của DN.
Tính tới cuối tháng 8/2021, có tới 40-50% các đơn hàng bị giao trễ hẹn và có khoảng 10-15% các đơn hàng bị hủy. Ngoài ra, nhiều nhà NK đã tỏ thái độ quan ngại cho rằng, trước mắt vẫn giữ đơn hàng nhưng có thể cân nhắc tới việc tìm nguồn cung thay thế.
Theo các DN được khảo sát, trường hợp DN được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách (sau 15/9) thì khả năng lấy được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng rất hạn chế.
Ngoài ra, cước phí vận chuyển của các hãng tàu hiện nay vẫn rất cao tăng từ 2-3 đến 10 lần và chưa có sự điều chỉnh phù hợp, thêm vào đó việc book container, book tàu cũng gặp nhiều khó khăn khi DN hoàn toàn thụ động về thời gian và cước tàu nên đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch vận chuyển và giá thành sản phẩm thủy sản, làm ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh, uy tín của DN và sự cạnh tranh của thủy sản Việt Nam.