Hiến 1 kế cho Lưu Bị, Gia Cát Lượng giúp ổn định thế lực Ích Châu của Lưu Chương chỉ trong nháy mắt
Rốt cuộc Gia Cát Lượng đã làm gì mà có thể giúp Lưu Bị nhanh chóng ổn định được Ích Châu?
Lưu Bị là quân chủ của Thục Hán trong thời kỳ Tam Quốc, ông có tiếng là nhân hậu yêu dân như con, dùng lễ để đối đãi với hiền tài, nhờ có ưu điểm này mà ông đã lập nên bá nghiệp.
Rất nhiều mưu thần võ tướng bị cảm hóa bởi nhân cách đầy sức hấp dẫn của Lưu Bị nên mới tâm can tình nguyện tề tựu về dưới trướng của ông. Nhưng khi Lưu Bị mới bắt đầu xưng bá ở nước Thục, ông cũng từng sử dụng các hình phạt và luật pháp nghiêm khắc, không phù hợp với phong cách "nhân từ" thường thấy.
Quy tắc "khoan nghiêm tương tế" (kết hợp khoan hồng và nghiêm minh) thực sự đã được ông vận dụng rất tài tình. Trong quá trình cai trị Ích Châu, chính sách cai trị "khoan nghiêm tương tế" của Lưu Bị đã được phản ánh một cách sinh động.
Thu nạp Ích Châu
Khi Lưu Bị giành được Ích Châu đã gặp phải rất nhiều trắc trở, đầu tiên là lo lắng tiếng tăm không tốt, ông không nghe theo lời đề nghị của Trương Tùng và Bàng Thống, từ chối dùng mưu trí để dành thắng lợi.
Sau khi mượn Lưu Chương binh sĩ nhưng lại bị từ chối, ông mới phẫn uất chửi mắng Lưu Chương và khởi binh tấn công Ích Châu.
Năm 214 sau Công Nguyên, Lưu Bị và Gia Cát Lượng cùng những người khác đến chi viện từ Kinh Châu đã hợp lực sau đó bao vây Lưu Chương ở Thành Đô.
Hình ảnh nhân vật Lưu Bị trên phim.
Lúc đó, trong Thành Đô có ba vạn tinh binh, trong thành có đủ lương thực và vải vóc để dùng trong một năm, rất nhiều người đều kiến nghị cố thủ Thành Đô, đánh lâu dài với Lưu Bị. Nhưng, Lưu Chương sinh ra vốn đã nhu nhược, thấy thế cục đã mất liền không có ý chống đối nữa. Ông nói rằng: "Cha con ta xây dựng Ích Châu hơn hai mươi năm, không có công cũng không có đức gì với bách tính muôn dân, đã khiến họ phải bôn ba khắp chốn, chiến đấu liên miên ba năm liền, làm sao ta lại có thể nhẫn tâm khiến họ chịu khổ thêm nữa được?"
Tháng 6 năm đó, Lưu Chương đầu hàng, Lưu Bị giành được Ích Châu.
Khi Lưu Bị vừa giành được Ích Châu, ông vẫn tiếp tục thực hiện chính sách nhất quán của mình lúc đầu là lôi kéo, khống chế và chú ý đến mối quan hệ với thuộc hạ cũ của Lưu Chương cùng "dân địa phương".
Chỉ cần những người này không công khai phản đối ông thì ông đều tiến hành chính sách lôi kéo và bổ nhiệm.
Ngay cả Hoàng Quyền, người cực lực phản đối Lưu Bị vào Thục, mãi đến khi Lưu Chương đầu hàng mới chịu đầu hàng cũng được Lưu Bị bổ nhiệm, ông không hề tính toán đến những việc trước kia. Những cách làm này của ông quả thực đã giúp thế cục của Ích Châu ổn định trong những bước đầu.
Nhưng khi Lưu Chương cai trị Ích Châu, cường hào cùng quan liêu địa phương luôn độc đoán và chiếm đoạt của nhân dân nên đã gây ra mâu thuẫn giai cấp gay gắt.
Thêm vào đó là sự phân chia giai cấp quan lại không đồng đều tạo nên rất nhiều mâu thuẫn trong tầng lớp thống trị. Vì vậy dưới vỏ bọc có thế cục ổn định thì Ích Châu cũng ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm. Hơn nữa chính sách lôi kéo và khống chế cũng không thể giải quyết được những vấn đề này.
Hình ảnh nhân vật Lưu Bị trên phim.
Chính sách ổn định Ích Châu của Gia Cát Lượng
Để giải quyết một cách triệt để những nguy hiểm gây ra sự sụp đổ, Gia Cát Lượng đã đưa ra một chính sách cho Lưu Bị, đó chính là "trị mạnh trước, trị yếu sau".
Cái gọi là "trị mạnh" đó là ban hành các luật hình sự nghiêm khắc chuyên công kích tầng lớp cường hào cùng quan liêu địa phương.
Sau khi Lưu Bị nghe xong lời kiến nghị của Gia Cát Lượng, ông cho rằng ý kiến này rất hay nên đã áp dụng, đồng thời mệnh lệnh cho Gia Cát Lượng thực hiện cải cách toàn bộ Ích Châu.
Để thực hiện hệ thống pháp luật một cách hiệu quả hơn, Gia Cát Lượng đã ban hành một số sắc lệnh, quy định. Vì quá khắt khe và nghiêm khắc nên nhiều người cảm thấy không phù hợp, họ cho rằng việc sử dụng quyền hành sẽ không có lợi cho việc ổn định lòng dân.
Gia Cát Lượng đã nói rằng: "Lưu Chương yếu đuối nhu nhược, pháp luật lỏng lẻo, đạo đức chính trị không được thực thi, cường hào ác bá ngang ngược đã quen. Trong hoàn cảnh như vậy, nếu dùng đạo đức để trị dân thì họ càng được nước lấn tới, càng không tuân theo chính sách của bề trên, càng là những trường hợp như vậy thì càng phải thưởng phạt phân minh. Chỉ có thưởng phạt phân minh mới có thể trói buộc và kiểm soát được đám cường hào ác bá đó."
Sau khi luật trừng trị nghiêm khắc được thi hành một thời gian, hiệu quả đã được nâng lên rõ rệt, trật tự xã hội cũng ngày càng ổn định. Cường hào địa chủ và thuộc hạ cũ của Lưu Chương không còn dám gây họa làm bậy nữa. Việc quản lý không ngừng được cải thiện, người dân Ích Châu cũng có một cuộc sống ấm no đầy đủ hơn.
Nhìn vào chính sách thống trị của tập đoàn Lưu Bị trong thời kỳ này, có thể thấy đã nắm bắt chính xác thước đo giữa pháp quyền và đạo đức.
"Khoan nghiêm tương tế" kết hợp với cách làm của Gia Cát Lượng: "Trị mạnh trước, trị yếu sau" đã giúp Ích Châu đứng vững, đồng thời xây dựng nên nền thống trị ổn định vững chắc sau này.