Hiếm gặp khi ngày ông Công ông Táo trùng ngày Lập Xuân: Rút tỉa chân nhang cần lưu ý điều gì?
Chuyên gia Song Hà cho biết, năm nay có một điều đặc biệt hiếm gặp là ngày 23 tháng Chạp lại trùng với ngày Lập Xuân 4/2/2021.
Sau khi làm lễ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp, theo tập tục thì các gia đình sẽ rút tỉa chân nhang , bao sái đồ thờ để chuẩn bị đón Tết.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà (Tổng Giám đốc tại Công ty Phong Thuỷ VNN) chia sẻ trên báo Gia đình và Xã hội, năm nay có một điều đặc biệt hiếm gặp là ngày 23 tháng Chạp lại trùng với ngày Lập Xuân 4/2/2021.
Theo vị này, năm 2021, Lập Xuân bắt đầu từ 21h59 phút ngày 3/2/2021 tức đêm 22/12/2020 Âm lịch.
Theo văn hóa Á Đông, vào ngày Lập Xuân - ngày đầu tiên của tiết Lập Xuân mở đầu 24 tiết khí trong năm là ngày rất quan trọng. Trong các di chỉ cổ đã ghi rất kĩ việc ngày Lập Xuân vạn vật tại nội gia phải an yên, con người tâm thái bình tĩnh, tích cực đón chào vận khí mới. Việc rút tỉa chân nhang trong năm nay sẽ phải khác hơn tùy biến linh hoạt phù hợp lễ nghi.
Nếu gia chủ cúng ông Công ông Táo trước 23 tháng Chạp thì nên rút tỉa chân nhang, bao sái, dọn dẹp tổng vệ sinh nơi thờ cúng ngay sau khi cúng. Còn những gia đình cúng ông Công ông Táo đúng ngày 23 tháng Chạp, khi cúng xong để an yên và sang ngày 24 hay 25 tháng Chạp mới được rút tỉa chân nhang. Bởingày 23 tháng Chạp trùng ngày Lập Xuân không thể rút tỉa chân nhang được, sẽ gây bất ổn cho vận khí đầu năm mới.
Theo ghi nhận của Vietnamnet, chuyên gia Song Hà khuyên khi làm nghi thức rút tỉa chân nhang không được làm xê dịch bát hương, không xê dịch bàn thờ.
Khi rút tỉa chân nhang, gia chủ phải một tay giữ bát hương, một tay nhẹ nhàng rút dần chân nhang. Khi lau dọn bàn thờ phải lau mặt nhật nguyệt của bát hương đầu tiên, lau bát hương trước rồi mới lau đến các đồ thờ khác. Đặc biệt khi lau dọn bàn thờ không mở toang các cửa phòng thờ, vì ánh nắng chiếu rọi vào bàn thờ gây tổn hại linh khí.
Chuyên gia này cho biết, nếu nam nhân làm chủ khí trong nhà, để lại 17, 27, 37 chân nhang. Nếu nữ nhân làm chủ khí trong nhà (trường hợp mẹ góa con côi hay bà mẹ đơn thân) để lại 19, 29, 39 chân nhang.
Hiện một số chuyên gia vẫn có ý kiến khác nhau về số chân nhang để lại khi tỉa.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền (nguyên Viện trưởng Viện văn hoá nghệ thuật Việt Nam) trong một lần chia sẻ trên báo Lao động cho hay, khi lau dọn bát hương chỉ nên để lại 3 chân nhang. Với những bát hương của người đã mất nhưng chưa qua 3 năm, nếu là đàn ông thì để lại 7, còn đàn bà để lại 9 chân nhang. Bát hương quan thần linh thì chỉ giữ lại 5 chân nhang.
Còn TS Vũ Thế Khanh bày tỏ trên tạp chí Gia đình mới, gia chủ không nên để nhiều chân nhang vì chân nhang chỉ là rác, bàn thờ sẽ nhanh bụi bặm. Khi tỉa chân nhang chỉ nên để lại 3 chiếc là được.
Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, gia chủ nên nhớ phải lau dọn bàn thờ từ cao đến thấp. Nếu có bài vị thần Phật thì phải lau trước (dùng nước ấm để lau), rồi đổ nước đi, thay nước ấm mới rồi mới lau bài vị tổ tiên. Tuyệt đối không lau bài vị tổ tiên trước thần Phật. Dùng khăn sạch nhúng vào rượu pha với gừng giã nhỏ lau cho sạch.
Ngoài ra, nên lau dọn cẩn thận, nhẹ nhàng, để tránh làm rơi vỡ các đồ thờ cúng. Chỉ nên làm vào ban ngày, không làm buổi tối. Người đảm nhiệm công việc này nên làm một cách thành tâm, nghiêm túc để thể hiện lòng thành kính với người trên.
(Tổng hợp)