Hệ thống VinMart vẫn lỗ hơn 3.200 tỷ đồng năm 2020 dù hiệu quả cải thiện đáng kể khi về với Masan

29/06/2021 09:56 AM | Kinh doanh

Năm ngoái, VinCommerce đã hoàn tất bước đầu tiên của quá trình chuyển đổi sau khi về tay Masan, EBITDA dương 16 tỷ đồng trong quý 4.

Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp VinCommerce (đơn vị vận hành hệ thống VinMart, VinMart+) vừa công bố các chỉ tiêu tài chính năm 2020.

Công ty lỗ sau thuế 3.222 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ghi nhận 2.688 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ 4,75 lần.

Mức lỗ năm 2020 là con số lớn nhất của VinCommerce kể từ khi thành lập và năm đầu tiên được điều hành bởi Masan Group. Năm liền trước đó công ty này lỗ 524 tỷ đồng.

 Hệ thống VinMart vẫn lỗ hơn 3.200 tỷ đồng năm 2020 dù hiệu quả cải thiện đáng kể khi về với Masan  - Ảnh 1.

Doanh thu của VCM (đơn vị chủ quản VinCommerce) tăng trưởng hơn 14%, đạt gần 31.000 tỷ đồng. Doanh thuần từ hệ thống VinMart+ tăng 42% dù số cửa hàng giảm gần 700 nhờ doanh thu điều chỉnh trên từng m2 tăng 10,7%. Doanh thu chuỗi siêu thị VinMart giảm 6,7% so ảnh hưởng lượng khách đến với các trung tâm thương mại do đại dịch.

Năm ngoái, VinCommerce đã hoàn tất giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi. EBITDA trong quý 4/2020 ghi nhận dương 16 tỷ đồng.

Năm nay, mục tiêu của VinCommerce là có lợi nhuận. Kế hoạch của Masan sẽ tăng số cửa hàng lên lại mức 3.000, đồng thời có khoảng 300 - 500 cửa hàng mở mới có lãi.

Trong ngắn hạn, VinCommerce dự kiến phát triển thành một nền tảng off-to-one, chuyển từ cửa hàng nhu yếu phẩm sang tích hợp dịch vụ tài chính, qua đó tiếp cận được 50% ngân sách tiêu dùng. Trong trung hạn, hệ thống cung cấp thêm các giá trị gia tăng nâng khả năng tiếp cận ngân sách cho tiêu dùng từ 50% lên 80%.

Theo Tổng giám đốc Danny Le, Masan Group cũng có phương án nhằm cải thiện hiệu quả của hệ thống logistics đưa hàng hóa từ nhà sản xuất đến nhà phân phối.

Để từ cửa hàng cung cấp nhu yếu phẩm trở thành điểm cung cấp dịch vụ tài chính, Masan sẽ bắt tay cùng Techcombank qua đó tích hợp thêm tập 5 triệu khách hàng với 10 triệu khách hàng đang có sẵn. Trong tương lai, Masan cũng hợp tác thêm với các nhà mạng viễn thông triển khai dịch vụ số, mục tiêu cuối cùng trở thành "Point of Life".

Vừa qua, Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) đã hoàn tất đầu tư 400 triệu USD vào The CrownX (được hình thành từ sự hợp nhất Masan Consumer và VCM) qua đó gián tiếp đầu tư vào VinCommerce.

Hai nhà đầu tư nước ngoài nhận về 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành, tương ứng định giá The CrownX gần 7,3 tỷ USD.

Hứa Vân

Cùng chuyên mục
XEM