Hệ sinh thái hàng không của bầu Hiển gồm những công ty nào, có điểm gì giống và khác với 'vua hàng hiệu' Jonathan Hạnh Nguyễn?
Theo một số nguồn tin, nhóm nhà đầu tư T&T Group của bầu Hiển đã mua lại 75% cổ phần của Vietravel Airlines.
Ngày 12/12, CTCP Vận tải và Thương mại Hàng không T&T (T&T Airlines), Công ty TNHH Siêu cảng và Trung tâm Logistics quốc tế T&T (T&T SuperPort), CTCP Quản lý Quỹ BVIM và CTCP Tập đoàn Vietravel đã ký kết thành công hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại Vietravel Airlines. Trong đó, T&T Airlines cùng T&T SuperPort là công ty con thuộc T&T Group, còn CTCP Quản lý Quỹ BVIM là công ty do ông Đỗ Quang Vinh (con trai ông Đỗ Quang Hiển) làm Chủ tịch.
Theo một số nguồn tin, nhóm nhà đầu tư T&T Group đã mua lại 75% cổ phần của Vietravel Airlines. Theo phía T&T, Vietravel Airlines sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi các dự án hạ tầng – logistics – hàng không đã và đang được triển khai của T&T Group. Cùng với Cảng Quảng Ninh, Cảng hàng không Quảng Trị, “siêu cảng” logistics Việt Nam SuperPort tại Vĩnh Phúc, Cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ, Tổ hợp tổ hợp công nghiệp hàng không - logistics - dịch vụ - thương mại - đô thị sân bay tại Quảng Trị và giờ là mảnh ghép quan trọng - Vietravel Airlines, T&T Group đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của vận tải đa phương thức và tạo ra những đột phá mới cho ngành logistics Việt Nam.
Trước khi đầu tư vào Vietravel Airlines, T&T Group của bầu Hiển cũng đã xây dựng những "viên gạch" đầu tiên để xây dựng một đế chế hàng không.
T&T Airlines - viên gạch đầu tiên của hệ sinh thái hàng không
T&T Airlines có thể coi là viên gạch đầu tiên của T&T Group khi muốn lấn sân sang mảng hàng không. Theo tìm hiểu, doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2019 với số vốn điều lệ 700 tỷ đồng. T&T Airlines hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải hàng không, đại lý du lịch , kinh doanh đồ miễn thuế, các hoạt động hỗ trợ hàng không... Đây gần như là một doanh nghiệp chuyên làm dịch vụ về hàng không.
Về cơ cấu cổ đông, hiện T&T Group đang nắm 65% vốn của T&T Airlines. Bên cạnh đó, CTCP Cảng Quảng Ninh - một thành viên thuộc T&T Group cũng nắm 5% vốn tại đây.
Cảng hàng không Quảng Trị
Bước đi tiếp theo trong chiến lược hàng không của T&T Group là xây sân bay. Theo đó, ngày 6/7/2024, dự án Cảng hàng không Quảng Trị do Liên danh T&T - Cienco 4 đầu tư đã được khởi công.
Cảng hàng không Quảng Trị nằm tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh. Dự án có quy mô hơn 265 ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng, được xây dựng đạt tiêu chuẩn CHK cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II. Sân bay có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách mỗi năm và 25.500 tấn hàng hóa mỗi năm.
Thời gian thực hiện dự án là 50 năm, trong đó thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng là 24 tháng; thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn là 47 năm 2 tháng. Dự kiến đến tháng 7/2026, công trình sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng.
Hướng đến mô hình giống hệ sinh thái hàng không của ông Jonathan Hạnh Nguyễn?
Với những gì T&T đang xây dựng, nhiều người sẽ liên tưởng đến hệ sinh thái hàng không mà "vua hàng hiệu" Jonathan Hạnh Nguyễn cùng tập đoàn Liên Thái Bình Dương xây dựng.
Theo đó, hiện nay các công ty trong hệ sinh thái nhà ông Jonathan Hạnh Nguyễn đang nắm cổ phần chính tại CTCP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh (CRTC) - đơn vị vận hành nhà ga quốc tế tại sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa). Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà ông Jonathan Hạnh Nguyễn còn nắm 47,5% vốn của SASCO - doanh nghiệp chuyên kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ thương mại lớn nhất nhất tại các sân bay.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn còn sở hữu 30% vốn công ty Autogrill VFS F&B - doanh nghiệp phủ khắp các sân bay với thương hiệu phở Big Bowl, bánh mì kẹp, Saigon Cafe.Bar.Kitchen, và Hanoi Cafe.Bar.Kitchen.
Theo đó, hệ sinh thái của ông Jonathan Hạnh Nguyễn hiện đang đặt trọng tâm chính vào việc kinh doanh các dịch vụ tại sân bay như hàng miễn thuế, đồ ăn... Tuy nhiên, có điểm khác biệt giữa ông Đỗ Quang Hiển và ông Jonathan Hạnh Nguyễn là T&T Group đã đầu tư vào một hãng hàng không.
Trên thực tế, IPPG cũng đã có ý định thành lập một hãng hàng không với dự án IPP Air Cargo - chuyên vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, năm 2022 IPP Air Cargo đã xin rút hồ sơ và xin dừng thủ tục cấp giấy phép với lý do đánh giá mới của doanh nghiệp trước "tình hình biến động và bất ổn của thị trường hàng hóa toàn cầu hiện nay cũng như dự báo khó khăn của ngành vận chuyển hàng hóa trong vài năm tới do biến động về giá nhiên liệu và nguy cơ suy thoái kinh tế diện rộng" .
IPP Air Cargo chuẩn bị ra mắt trong bối cảnh ngành hàng không gặp nhiều khó khăn do lúc đó đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành. Thậm chí, nhiều hãng hàng không trên thế giới đã phải nộp đơn xin phá sản vì dịch bệnh.