Hé lộ những 'bước đi' âm thầm của huyền thoại đầu tư Warren Buffett trong bối cảnh thị trường lao dốc vì Covid-19
Có thể Warren Buffett đang sử dụng chiến lược tương tự nhằm huy động tiền trong thị trường trái phiếu châu Âu gần đây. Berkshire đã huy động được 1 tỷ euro bằng việc bán trái phiếu 5 năm.
Thị trường chứng khoán đã chứng kiến những cú rớt giá mạnh trong nhiều phiên gần đây, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư giá trị đang bị hấp dẫn bởi cơ hội có một không hai, đó là có thể mua cổ phiếu của công ty họ yêu thích với mức giá rất hời. Bởi vậy, huyền thoại đầu tư Warren Buffett giờ đây cảm thấy mình như một đứa trẻ bước vào cửa hàng bán kẹo, hoặc ở một bối cảnh tương tự như những gì vị CEO của Berkshire Hathaway đã trải qua vào cuối những năm 1970.
Chi tiết về quá trình đầu tư của tỷ phú Warren Buffett sẽ không được tiết lộ cho đến khi Berkshire nộp hồ sơ lên Uỷ ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC), tức là phải đến khoảng giữa tháng 5. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của The Motley Fool đã thu thập được một chút thông tin về những bước đi của Berkshire trong bối cảnh thị trường lao dốc vì Covid-19. Và những động thái này cũng cho thấy mức độ quan trọng của quan điểm cho rằng nắm trong tay nhiều "đạn dược" để tận dụng các cơ hội đầu tư "béo bở" mà Warren Buffett đã chỉ ra.
Ngày 25/3, Berkshire Hathaway đã nộp các bản báo cáo bạch lên SEC để bán các khoản nợ cao cấp ra thị trường trái phiếu. Nhiều chi tiết trong đó chưa được công bố, nhưng bản dự thảo đã chỉ ra rằng khoản nợ của Berkshire sẽ được định danh bằng yen Nhật Bản. Berkshire cho biết khoản tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu cao cấp sẽ được "sử dụng cho mục đích chung của công ty" – một phân loại mặc định mà hầu hết các cty đều sử dụng khi họ muốn tăng vốn bằng cách bán cổ phiếu hoặc trái phiếu.
Bản báo cáo bạch cũng chưa tiết lộ về ngày đáo hạn cố định và lãi suất đối với trái phiếu định danh bằng đồng yen. Tuy nhiên, nhìn vào thị trường trái phiếu Nhật Bản ở thời điểm này, mức lãi suất đang là âm đối với trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm và 5 năm, trái phiếu 10 năm có lãi suất 0%.
Có thể Warren Buffett đang sử dụng chiến lược tương tự nhằm huy động tiền trong thị trường trái phiếu châu Âu gần đây. Berkshire đã huy động được 1 tỷ euro bằng việc bán trái phiếu 5 năm. Nhờ chính sách lãi suất âm trên thị trường trái phiếu châu Âu, tập đoàn của vị tỷ phú này đã có thể cho phép nhà đầu tư cho vay với mức lãi suất 0% - về cơ bản là huy động vốn miễn phí.
Việc huy động vốn miễn phí luôn là một cơ hội tốt theo quan điểm của Buffett, nhưng thực hiện điều này thông qua phát hành trái phiếu định danh bằng euro cũng là một gợi ý đối với các nhà đầu tư rằng, vị CEO của Berkshire có thể mua lại một số công ty tiềm năng ở thị trường nước ngoài. Động thái tương tự cũng có thể được thực hiện khi Berkshire đưa thêm đồng yen Nhật vào kho dự trữ tiền mặt.
Ý tưởng về việc Berkshire muốn huy động thêm tiền mặt lại khá… kì lạ, trong khi họ đang nắm giữ rất nhiều. Tính đến năm 2020, Berkshire đã có 128 tỷ USD tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn trên bảng cân đối kế toán. Nhiều nhà đầu tư của công ty đã chỉ trích về việc tỷ phú Buffett không sử dụng tiền mặt trong cả một thời gian dài, họ chỉ ra rằng cổ phiếu của Berkshire đã "tụt hậu" như thế nào trong suốt đợt tăng giá mạnh của thị trường trong năm 2019.
Dẫu vậy, Berkshire vẫn không hề do dự trong việc gánh thêm nợ khi có một điều khoản huy động vốn hấp dẫn đến vậy. Về lâu dài, Buffett chỉ ra rằng ông có thể nhận được khoản tiền lãi tốt hơn từ số tiền đó hơn con số 0%. Và trong khỉ 1 tỷ euro, 100 tỷ yen hay 1 tỷ USD cũng không nhất thiết sẽ tạo ra sự khác biệt đối với quy mô của Berkshire, khoản lãi tăng dần dần sẽ giúp nâng hiệu suất của cả công ty.
Hướng tiếp cận của Bufett đối với tiền mặt hoàn toàn trái ngược với những gì một số công ty khác đang đối mặt. Ví dụ, Boeing tăng mạnh trả cổ tức và mua cổ phiếu quỹ trong những năm gần đây, nhưng hiện tại công ty này đang đối diện với cuộc khủng hoảng thanh khoản khi nguồn doanh thu cạn kiện và phải ngừng sản xuất do Covid-19 bùng phát. Boeing đã nhờ đến sự trợ giúp của các cơ quan tín dụng và từ đó tránh sử dụng tiền hỗ trợ từ chính phủ Mỹ, nhưng cổ phiếu lại lao dốc mạnh khi hoạt động kinh doanh bị xáo trộn. Berkshire muốn trở thành một công ty hỗ trợ tiền mặt cho những doanh nghiệp như vậy, chứ không phải là một công ty cần đến sự giúp đỡ.
Warren Buffett đã đi qua nhiều thị trường "gấu" từ trước đến nay, ông đã thể hiện khả năng giữ bình tĩnh và tìm kiếm những thương vụ "béo bở" trong bối cảnh những người khác đang hoảng loạn. Sẽ rất thú vị khi có thể chứng kiến liệu huyền thoại đầu tư có đưa thêm mã cổ phiếu nào vào danh mục đầu tư hay không, khi biết rằng ông đang huy động thêm tiền để thực hiện nhiều khoản đầu tư thông minh nhất có thể và trấn an các cổ đông.
Tham khảo The Motley Fool