Hãy tận hưởng khi còn có thể, cốc cà phê bạn mua có thể sắp tăng giá nhiều lần vì siêu lạm phát
Những thứ đơn giản như cốc cà phê hàng ngày của bạn có thể sắp tăng giá mạnh.
Với 80% lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển, việc chuỗi cung ứng bị đình trệ vì đại dịch đã khiến giá cả tại nhiều quốc gia tăng vọt. Tình trạng thiếu container, cảng tắc nghẽn, thiếu cả tàu lần nhân viên bốc dỡ tại các cảng biển có thể khiến những thứ đơn giản như cốc cà phê hàng ngày của bạn tăng giá gấp nhiều lần.
Theo hãng tin CNN, giá một loạt mặt hàng từ sắt thép, thực phẩm, xe hơi, nhà ở cho đến nhựa plastic hay xăng dầu đều đã tăng mạnh trong thời gian qua. Chiến dịch tiêm vaccine đang khiến nền kinh tế hồi phục mạnh nhưng chuỗi cung ứng lẫn hệ thống logistic vẫn chưa bắt kịp nhu cầu.
Số liệu của Drewry Shipping cho thấy chi phí vận tải của 1 container dài 40 feet bằng đường biển từ Thượng Hải đến Rotterdam-Hà Lan đã chạm mức cao kỷ lục 10.522 USD, tăng 547% so với mức bình quân theo mùa của 5 năm qua.
Chi phí vận tải đường biển của container tăng mạnh
Trong khi chuỗi cung ứng gặp vấn đề thì nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mở cửa được trở lại, người tiêu dùng thì rủng rỉnh tiền trợ cấp trong túi còn chính phủ liên tục tung các gói kích thích kinh tế ra thị trường. Một hệ quả tất yếu cho hàng loạt các tác nhân trên là lạm phát có khả năng sẽ tăng phi mã.
Báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy lạm phát trong tháng 4/2021 tại những quốc gia phát triển đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Đặc biệt giá xăng tăng đã đẩy mức lạm phát bình quân của các thành viên OECD lên 3,3%. Thậm chí khi đã trừ mặt hàng năng lượng và thực phẩm, tỷ lệ lạm phát bình quân này vẫn cao, cho thấy đà tăng giá xuất hiện trên mọi mặt hàng.
Tăng, tăng và tăng
Giá xăng tại Mỹ hiện đang ở mức cao nhất 7 năm qua, một tình cảnh trái ngược hoàn toàn với vụ đổ vỡ của thị trường dầu thô kỳ hạn vào năm 2020 khi giá dầu Brent xuống dưới 20 USD/thùng.
Hiện nay, giá dầu Brent quốc tế đã vượt ngưỡng 70 USD/thùng còn giá dầu thô WTI của Mỹ cũng vượt ngưỡng này lần đầu tiên trong 3 năm qua vào phiên 6/6/2021. Tình hình tăng giá cũng diễn ra tương tự trên nhiều thị trường nguyên liệu, hàng hóa khác.
"Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến cung cầu thay đổi nhanh chóng mặt đến như vậy. Rõ ràng là sự hồi phục kinh tế không chỉ khiến chuỗi cung ứng gián đoạn mà còn làm toàn bộ hoạt động kinh doanh bị bất ngờ", Chuyên gia George Calhoun của Viện công nghệ Stevens Institute of Technology tại New York thừa nhận.
Hãy lấy ngành sản xuất xe hơi làm ví dụ, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều nhà máy phải giảm công suất, đồng thời cắt bớt hợp đồng nguyên liệu thiết bị như chip điện tử. Hệ quả là các nhà máy chip chuyển sang ưu tiên cho những công ty sản xuất điện thoại, máy tính, trò chơi...vốn là mặt hàng được mua nhiều thời dịch.
Lạm phát tăng mạnh tại các nước phát triển
Thế rồi khi nhu cầu bật tăng mạnh trở lại, các nhà máy sản xuất ô tô nhận ra họ ở cuối đơn đặt hàng chờ lấy chip điện tử, buộc họ phải giảm năng suất do không đủ thiết bị. Điều này đã khiến giá xe tăng mạnh.
Ở phía cầu, số tiền trợ cấp rủng rỉnh và lãi suất ngân hàng quá thấp khiến nhiều hộ gia đình muốn mua xe hơn. Thêm nữa, đại dịch cũng khiến nhiều người không muốn sử dụng các phương tiện công cộng đông đúc.
Số liệu của Cục thống kê lao động Mỹ (BLS) cho thấy giá xe hơi đã qua sử dụng của nước này trong tháng 4/2021 đã tăng 10% so với tháng trước đó, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1953. Tỷ lệ tăng này là 21% nếu so sánh với cùng kỳ năm trước.
Không riêng gì Mỹ, đà hồi phục kinh tế của Trung Quốc cũng khiến giá hàng loạt mặt hàng đi lên. Nhiều nguyên liệu cho sản xuất xe điện như Aluminium và đồng đã tăng giá chóng mặt vì cầu tăng mạnh. Thậm chí Tesla đã phải tuyên bố tăng giá 2.000 USD so với ban đầu cho sản phẩm Model 3 và CEO Elon Musk đã đổ lỗi việc này do giá đầu vào đi lên.
Chỉ số theo dõi giá một số nguyên liệu chủ chốt của hãng tin Bloomberg (The Bloomberg Commodity Spot Index) cho thấy các mặt hàng kim loại và nông sản đã tăng bình quân 60% trong hơn 1 năm qua.
Trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất gần 13 năm qua thì Mỹ cũng đang trải qua cơn khủng hoảng thiếu nhiều loại mặt hàng. Việc thiếu nguyên vật liệu đã khiến chi phí xây dựng bình quân 1 căn nhà mới tăng khoảng 36.000 USD.
Tại các mảng kinh doanh khác, hàng loạt tập đoàn cũng phải tăng giá. Hãng P&G và KMB đã tuyên bố tăng giá nhiều đồ gia dụng và sản phẩm gia đình như băng vệ sinh, tã lót, giấy ăn... vì thiếu nguyên liệu.
Lựa chọn khó khăn
Bên cạnh sự gián đoạn về chuỗi cung ứng do đại dịch, hàng loạt yếu tố bất lợi cũng đang ảnh hưởng đến nguồn cung thế giới. Vụ tấn công tin tặc vào nhà máy sản xuất thịt JBS Meat đã ảnh hưởng đến nguồn cung tại Bắc Mỹ và Australia, qua đó đẩy giá thịt tăng.
Trong khi đó, sự bùng nổ về ngô và đậu nành cho chăn nuôi của Trung Quốc cũng tăng trở lại khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tại đây bùng nổ sau đại dịch. Tại Brazil, Thái Lan và Châu Âu thì đang phải chịu thời tiết hanh khô, ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch vụ mùa.
Báo cáo của Tổ chức nông lương quốc tế cho thấy giá lương thực thế giới đã tăng 12 tháng liên tiếp tính đến tháng 5/2021 với tốc độ tăng nhanh chưa từng có trong hơn 10 năm qua. Chỉ số FAO Food Price Index đo lường giá một số loại lương thực chủ chốt đã cao hơn gần 40% so với cách đây vài năm.
Đà tăng giá lương thực đã buộc nhiều hãng như Nestle hay Unilever quyết định tăng giá nhiều sản phẩm thân thuộc với người tiêu dùng, ví dụ như cà phê.
Bên cạnh đó, hãng tin CNN cũng cảnh báo việc thiếu nhân lực cho các nhà máy có thể đẩy chi phí nhân công lên cao, qua đó tiếp tục tăng giá sản phẩm. Người dân phải bỏ nhiều tiền hơn để mua hàng dẫn đến đòi hỏi tăng lương cao hơn nữa, tạo nên một vòng luẩn quẩn của lạm phát phi mã.
Chuyên gia kinh tế trưởng Andrew Kenningham của Capital Economics tại Châu Âu cho biết mức tiền tiết kiệm của hộ gia đình Mỹ hiện đã lên đến mức cao chưa từng có trong hơn 70 năm qua, nhờ đó kích thích nhu cầu tiêu dùng bùng nổ nhưng cũng khiến người lao động chưa muốn trở lại làm việc ngay.