Hãy cùng đến với Trùng Khánh: Thành phố bị giám sát nghiêm ngặt nhất thế giới
Tính đến năm 2019, thành phố Trùng Khánh-Trung Quốc đã có 2,58 triệu camera giám sát nhằm theo dõi 15,35 triệu cư dân. Bất kể bạn đi đến đâu, từ nhà hàng cho đến chỗ để xe đều sẽ bị chính phủ "soi".
Sau một ngày làm việc mệt nhọc, tài xế taxi Wu Fuchun tấp vào lề đường để đi vệ sinh công cộng. Chỉ 5 phút sau, một tin nhắn được gửi vào điện thoại của ông Wu nói rằng chiếc xe đã đỗ sai quy định và bị phạt 200 Nhân dân tệ (28 USD).
Điều đáng ngạc nhiên hơn là ông Wu, tài xế 33 tuổi chẳng có gì ngạc nhiên hay tỏ vẻ chống đối bởi chuyện này quá bình thường ở Trùng Khánh, thành phố bị giám sát nghiêm ngặt nhất thế giới.
Tính đến năm 2019, Trung Khánh đã có 2,58 triệu camera giám sát với 15,35 triệu cư dân, nghĩa là mỗi 1.000 người sẽ có 168 camera theo dõi, thuộc hàng cao nhất thế giới. Thống kê của hãng Comparitech cho thấy trong số 10 thành phố bị giám sát chặt chẽ nhất, chỉ có London của Anh và Atlanta của Mỹ là của nước ngoài, 8 thành phố còn lại đều thuộc Trung Quốc.
Tại Trung Khánh, những chiếc camera giám sát (CCTV) của chính phủ được gắn dày đặc khắp mọi nơi, đảm nhiệm từ việc phạt người vi phạm quy định giao thông cho đến truy dấu tội phạm. Người dân nơi đây hầu như bị chính phủ theo dõi khắp mọi nơi.
Điều đáng nói là mọi người lại chẳng phàn nàn mấy về việc bị giám sát này và coi đó là biểu tượng cho sự phát triển của thành phố.
Thành phố công nghệ cao
Tại Trung Quốc, rất nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải ứng dụng CCTV với hệ thống trí thông minh nhân tạo và kỹ thuật nhận diện khuôn mặt để điều khiển giao thông cũng như truy bắt tội phạm. Thậm chí tại Thẩm Quyến, những người băng qua đường sai luật còn bị bêu ảnh lên những màn hình LED cỡ lớn và bị gửi tin nhắn phạt trực tiếp vào điện thoại.
Tuy nhiên tại sao những thành phố công nghệ cao như Thẩm Quyến lại không đứng đầu về mức độ giám sát mà lại là Trung Khánh?
Trên thực tế, Trùng Khánh từng thực hiện những chiến dịch chống tội phạm gắt gao trong giai đoạn 2007-2012. Chính quyền thành phố đã cho xây dựng một hệ thống CCTV giám sát hiện đại kết nối với trung tâm điều khiển nhằm truy bắt tội phạm cũng như giữ gìn trật tự đô thị.
Điều thú vị là rất nhiều người dân Trung Khánh cảm thấy ngạc nhiên khi thành phố của họ đứng đầu về mức độ bị giám sát. Tuy vậy mọi người lại cảm thấy thoải mái bởi chúng góp phần giảm thiểu tỷ lệ tội phạm nơi đây.
Quay trở lại câu chuyện của tài xế Wu, ông cho biết giờ đây cánh lái xe đã phải cẩn trọng hơn khi các CCTV có công nghệ cực cao, có thể bắt lỗi không thắt dây an toàn hay nhiều lỗi vặt khác mà trước đây mọi người không để ý.
Tình trạng mất đồ, để quên đồ hay những vụ lùm xùm tại Trùng Khánh cũng giảm bớt bởi mọi người đều biết mình đang bị chính phủ theo dõi mọi lúc mọi nơi.
Tại London hay Atlanta, chính quyền địa phương đã cấm cảnh sát sử dụng hệ thống CCTV mà không có lý do chính đáng nhằm bảo vệ quyền riêng tư của công dân. Tuy vậy tại Trùng Khánh, mọi người đã quá quen với việc đổi sự riêng tư để đảm bảo an ninh trật tự.
"Sẽ chẳng có ảnh hưởng cá nhân nào nếu bạn không trộm cắp hay phạm pháp. Bạn chỉ cần làm những việc trong khuôn khổ. Việc lắp CCTV chẳng liên quan đến quyền riêng tư mấy bởi chính phủ đâu có lắp camera trong nhà bạn", ông Wu nói.
Thậm chí, chính phủ Trùng Khánh hiện nay còn yêu cầu các công ty taxi lắp camera trong xe chở khách nhằm nâng cao an ninh xã hội. Khoảng 15.000 tài xế taxi có giấy cấp phép hành nghề sẽ phải nâng cấp xe của họ nếu không muốn bị mất việc.
Một xã hội yêu CCTV
Theo thống kê của hãng IDC, tổng giá trị thị trường thiết bị giám sát ở Trung Quốc năm 2018 đạt 10,6 tỷ USD và con số này có thể lên đến 20,1 tỷ USD vào năm 2023. Nguyên nhân chính cho tốc độ tăng trưởng này là mức độ đô thị hóa ngày một cao tại Trung Quốc. Phần lớn các thành phố tại đây đều muốn lắp đặt hệ thống CCTV để tiện giám sát giao thông cũng như đảm bảo trật tự công cộng.
Lý do nữa khiến thị trường thiết bị giám sát tăng trưởng là hệ thống camera luôn cần được bảo trì lẫn nâng cấp. Với đà phát triển của công nghệ cũng như guồng hoạt động tần suất cao, việc bảo trì, thay mới, nâng cấp hệ thống là điều hiển nhiên.
Báo cáo của IDC cho biết 47,6% doanh số của thị trường thiết bị giám sát là từ ngân sách chính phủ năm 2018. Cũng trong năm này, Trung Quốc chiếm 50% trong tổng doanh thu toàn cầu của thị trường thiết bị giám sát trị giá 18,2 tỷ USD.
Bên cạnh đó, số lượng người dân muốn lắp đặt các thiết bị giám sát ở Trung Quốc cũng ngày một tăng khi thu nhập đi lên. Phần lớn các siêu thị, biệt thự hay nhà riêng tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc đã lắp camera giám sát nhằm đảm bảo an ninh cũng như tăng tính thuận tiện cho việc giám sát.