Hậu vụ án Phương Nga: Rắc rối tiền từng coi là vật chứng
Theo chuyên gia, số tiền 2,5 tỉ đồng (nằm trong 16,5 tỉ đồng) không phải là vật chứng nên không thể kiện đòi CQĐT mà phải kiện đòi ông Mỹ.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Nguyễn Đức Thùy Dung (bạn của hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007 Trương Hồ Phương Nga) vừa kiện Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (gọi tắt là CQĐT) tranh chấp đòi tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Thùy Dung yêu cầu cơ quan này trả lại 2,5 tỉ đồng, đây là số tiền mà cô bị buộc phải trả cho ông Cao Toàn Mỹ trong quá trình CQĐT giải quyết vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, Thùy Dung cũng đề nghị tòa buộc cơ quan này bồi thường tổn thất do việc chậm trả tiền và chi phí phát sinh khi đi kiện.
Tòa trả lại đơn kiện
Tuy nhiên, TAND TP.HCM đã trả lại đơn kiện. Theo tòa, căn cứ Điều 89, Điều 106 BLTTHS 2015 thì việc xử lý vật chứng sẽ do CQĐT quyết định do vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định về pháp luật tố tụng dân sự. Trường hợp này, 2,5 tỉ đồng bị thu giữ theo quyết định ngày 7-10-2015 của CQĐT sẽ được xử lý theo quy định của BLTTHS. Do đó, căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 thì nội dung yêu cầu của Thùy Dung không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa theo thủ tục tố tụng dân sự. Thùy Dung đang khiếu nại thông báo trả lại đơn kiện lên chánh án TAND TP.HCM.
Số tiền này, trước đây khi đang là bị can bị tạm giam trong vụ án lừa đảo, Thùy Dung đã nhiều lần yêu cầu CQĐT trả lại cho bị hại trước sự chứng kiến của luật sư. Cụ thể, Thùy Dung đã viết bản tự khai rằng: “Có yêu cầu mong muốn với CQĐT là cho được khắc phục hậu quả, trả lại cho anh Mỹ 9,5 tỉ đồng do anh Mỹ đã chuyển cho Dung qua tài khoản mà Dung và Nga đã chiếm đoạt”.
Theo đề nghị này của Thùy Dung cùng với việc xác định ông Mỹ là bị hại, CQĐT đã thu giữ 2,5 tỉ đồng từ Thùy Dung, sau đó xử lý vật chứng “trả 2,5 tỉ đồng cho chủ sở hữu là anh Cao Toàn Mỹ”. Ngày 24-11-2015, ông Mỹ đã nhận tiền.
Tuy nhiên, sau đó Thùy Dung thay đổi lời khai, cho rằng tiền này là do mình tiết kiệm được, không phải tiền lừa ông Mỹ. Do đó, ngày 6-9-2018, CQĐT đã ra quyết định tạm giữ 2,5 tỉ đồng của ông Mỹ, chờ xử lý chung với vụ án. CQĐT thừa nhận rằng trước đây đã sai sót trong thủ tục thu giữ và xử lý vật chứng. Hiện số tiền này ông Mỹ vẫn đang quản lý.
Phương Nga, Thùy Dung và ông Cao Toàn Mỹ tại phiên tòa hồi tháng 6-2017. Ảnh: HTD
Tiền này không phải vật chứng
Luật sư Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, phân tích: Số tiền này nằm trong tổng số tiền 16,5 tỉ đồng, được xác định là vật chứng trong vụ án lừa đảo mà ông Mỹ là bị hại. Tuy nhiên, sau đó CQĐT kết luận không có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 16,5 tỉ đồng nên đã thay đổi tội danh với hai bị can sang tội làm giả giấy tờ, tài liệu…
Đến giai đoạn này thì 2,5 tỉ đồng mà Thùy Dung tự nguyện trả cho ông Mỹ không được xem là vật chứng nữa. Bởi lẽ số tiền này không còn “mang dấu vết tội phạm”, cũng không còn “có giá trị chứng minh tội phạm, có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án” như định nghĩa về vật chứng tại Điều 89 BLTTHS 2015. (Mà vật chứng là giấy tờ, tài liệu, con dấu qua giám định đã được kết luận là bị làm giả.)
Luật sư Long cho rằng CQĐT đã chứng minh và kết luận không có hợp đồng tình cảm, không có việc cho tặng 16,5 tỉ đồng thì việc tranh chấp số tiền này là tranh chấp dân sự giữa hai cô và ông Mỹ. Đồng thời, 2,5 tỉ đồng là tiền riêng của Thùy Dung thì việc Thùy Dung trả tiền cho ông Mỹ là việc dân sự, nó được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, không bị ép buộc. “Bây giờ Thùy Dung đổi ý thì phải kiện ông Mỹ chứ không phải kiện CQĐT, bởi CQĐT làm theo đề nghị của cô ấy. Ngoài ra, hiện ông Mỹ vẫn đang quản lý số tiền này nên Thùy Dung phải kiện người đang chiếm giữ tài sản chứ không thể kiện cơ quan không giữ tiền. Hơn nữa, việc trả lại tiền cho ông Mỹ đã thông qua VKS, tại phiên tòa VKS đã đọc và ghi nhận trong hồ sơ” - luật sư Long phân tích.
TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, nhận xét: Tại thời điểm Thùy Dung nhờ CQĐT trả cho ông Mỹ 2, 5 tỉ đồng thì số tiền này là vật chứng của vụ án do có liên quan đến tội phạm mà CQĐT đã khởi tố và đang xử lý. Do đó, việc trả lại tiền cho ông Mỹ là đúng pháp luật tố tụng hình sự và là sự tự nguyện của Thùy Dung. Đây là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.
Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm, CQĐT đã thay đổi tội danh đối với hai cô, sau đó đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can vì pháp luật có sự thay đổi nên hành vi phạm tội không còn nguy hiểm nữa. Do đó, lúc này việc trả lại tiền cho ông Mỹ không còn tính chất của một quan hệ tố tụng hình sự (giữa Nhà nước với bị can, bị cáo) mà chỉ còn là quan hệ dân sự giữa Thùy Dung và ông Mỹ. Như vậy, đến thời điểm này, số tiền mà Thùy Dung trả cho ông Mỹ không phải là vật chứng của vụ án vì không còn yếu tố hình sự, không liên quan gì đến tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức mà Thùy Dung bị khởi tố. Cần lưu ý rằng trong vụ án này, quan hệ giao dịch tiền bạc giữa Thùy Dung và ông Mỹ là có thật, chỉ có điều nó không phải chiếm đoạt tài sản mà là quan hệ dân sự. Việc không có tính chất là quan hệ tố tụng hình sự không làm mất đi tính chất giao dịch dân sự của việc trả tiền của Thùy Dung cho ông Mỹ.
TS Tuấn nói: “Do 2,5 tỉ đồng Dung trả cho ông Mỹ không phải là vật chứng của vụ án nên việc CQĐT ra quyết định tạm giữ ngày 6-9-2018 để chờ xử lý chung với vụ án là không đúng quy định về vật chứng và xử lý vật chứng vụ án hình sự quy định trong BLTTHS. Việc ra quyết định tạm giữ 2,5 tỉ đồng mà ông Mỹ đang quản lý hợp pháp mới chính là sai sót về tố tụng hình sự và có thể gây thiệt hại cho ông Mỹ. Rất may là hiện số tiền này ông Mỹ vẫn đang quản lý và chưa bị gây thiệt hại gì”.
Tòa trả đơn là đúng
Tòa trả đơn là đúng vì Thùy Dung kiện đòi CQĐT chứ không phải tranh chấp quyền sở hữu vật chứng theo khoản 4 Điều 106 BLTTHS 2015. Do Thùy Dung kiện CQĐT là không đúng về chủ thể bị kiện và không đúng về nội dung tranh chấp nên tòa không có trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu sửa đơn…
Một thẩm phán TAND TP.HCM
“16,5 tỉ đồng là tiền của tôi”
Đây là vụ tranh chấp tiền bạc giữa tôi và các cô này hơn năm năm qua. Việc CQĐT xác định không có hợp đồng tình cảm, không có tặng cho trong kết luận điều tra cuối cùng đã nói lên tôi là chủ sở hữu hợp pháp của 16,5 tỉ đồng, bao gồm 2,5 tỉ đồng này. Trước đây cô Thùy Dung đã nhiều lần tự nguyện yêu cầu CQĐT trả lại cho tôi, có sự chứng kiến của luật sư của cô ấy nên nay việc cô ấy đòi tiền lần nữa từ CQĐT là khó chấp nhận.
Ông CAO TOÀN MỸ
Không bình luận gì thêm
Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ để ghi nhận ý kiến của tòa về những quan điểm trên của các chuyên gia. Lãnh đạo tòa khẳng định quan điểm của tòa đã được thể hiện trong thông báo trả lại đơn kiện cho Thùy Dung và từ chối bình luận thêm.
Báo cũng đã gửi công văn đề nghị CQĐT Công an TP.HCM cho biết quan điểm về các yêu cầu khởi kiện của Thùy Dung cũng như việc CQĐT có xem 2,5 tỉ đồng là vật chứng của vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hay không. Hiện CQĐT đã nhận công văn và chúng tôi sẽ thông tin ý kiến khi cơ quan này có phản hồi.
Đổi tội danh và đình chỉ vụ án
Tháng 3-2015, Thùy Dung và Phương Nga bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc lừa 16,5 tỉ đồng của ông Mỹ. Sau đó, CQĐT thay đổi tội danh, khởi tố đối với hai cô thành làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Kết quả điều tra bổ sung theo tội danh mới này cho thấy không có hợp đồng tình cảm giữa ông Mỹ và Phương Nga như lời trình bày của Thùy Dung tại tòa. CQĐT cho rằng hành vi của hai cô có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Mỹ, có sự việc mua bán nhà giữa nhóm Phương Nga và ông Mỹ nhưng để buộc tội hai cô thì cần phải giải quyết chín vấn đề mà TAND TP.HCM yêu cầu. Trong khi đó, tài liệu, chứng cứ thu thập được sau khi điều tra bổ sung không đủ đáp ứng các yêu cầu này.
Đến ngày 29-1-2019, CQĐT đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Thùy Dung và Phương Nga với lý do pháp luật có sự thay đổi, vì tội danh làm giả con dấu này ở BLHS 2015 đã bổ sung dấu hiệu định tội là “thực hiện hành vi trái pháp luật”. CQĐT trả lại cho Thùy Dung nhiều vật chứng nhưng số tiền 2,5 tỉ đồng thì không thể hoàn trả.