Hậu "nội chiến", Xây dựng Hòa Bình tụt lại sau Coteccons trong top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2023
So với năm ngoái, bảng xếp hạng top 10 công ty xây dựng của Vietnam Report không có nhiều thay đổi, nhưng đáng chú ý là "cuộc đổi ngôi" giữa Coteccons và Xây dựng Hòa Bình.
Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố Top 10 Công ty xây dựng năm 2023 nhằm ghi nhận và tôn vinh những doanh nghiệp trụ cột của ngành, trong bối cảnh lĩnh vực xây dựng đang đối mặt hàng loạt khó khăn.
Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report, với dữ liệu tài chính cập nhật đến ngày 31/12/2022, kết hợp phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí trên truyền thông), khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan nhằm đưa ra đánh giá tổng hợp, khách quan và đầy đủ nhất.
So với top 10 được Vietnam Report công bố năm 2022 chỉ có một cái tên mới là Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC – Công ty TNHH MTV, thay thế cho Công ty CP Hưng Thịnh Incons. Thứ tự các nhà thầu cũng gần như không thay đổi.
Tuy nhiên, đáng chú ý, vị trí dẫn đầu đã được chuyển từ CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sang CTCP Xây dựng Coteccons.
Từ cuối năm 2022 đến đầu 2023, Xây dựng Hòa Bình trở thành tâm điểm dư luận với “cuộc nội chiến” trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao, giữa ông Lê Viết Hải – người sáng lập và giữ ghế Chủ tịch hàng chục năm qua và ông Nguyễn Công Phú – người hiện đã rời HĐQT.
Đây là nguyên nhân khiến Hòa Bình gặp nhiều vướng mắc và không thể công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 theo quy định là vào ngày 30/3/2023. Công ty vừa gửi văn bản lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch TP. HCM, xin gia hạn công bố chậm nhất đến ngày 12/5/2023.
Hòa Bình cho biết thời gian gần đây, loạt công trình trên cả nước của công ty bị ngưng trệ do thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, nhiều khách hàng lớn “kẹt” dòng tiền nên không thể triển khai thi công và thanh toán đúng hạn. Hậu quả là tình hình thu tiền tại các dự án của Hòa Bình bị ảnh hưởng nghiêm trọng so với các tháng trước và so với kế hoạch.
Về phía Coteccons, trong thư gửi cán bộ, công nhân viên của công ty gần đây, Chủ tịch Bolat Duisenov tiết lộ rằng họ vừa nhận thêm việc từ một nhà thầu khác. Đây được xem là cách doanh nghiệp đồng hành, bảo vệ lợi ích chung của cả ngành xây dựng. Theo lãnh đạo Coteccons, 2023 sẽ lại là một năm khó khăn của ngành.
Thị trường xây dựng "sàng lọc"
Ngành xây dựng đang đối mặt khó khăn chồng chất từ sự suy giảm nguồn cung giai đoạn trước Covid-19, những hệ lụy của đại dịch cho tới cuộc xung đột Nga - Ukraine, biến động giá nguyên vật liệu, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh.
Sau 2 năm đình trệ vì đại dịch, ngành xây dựng bước sang năm 2022 với nhiều kỳ vọng phục hồi. Nhưng ngay sau đó, những “cơn gió ngược” liên tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp trong ngành: “sự thanh lọc” thị trường trái phiếu, vấn đề tín dụng dành cho bất động sản.
Do cùng nằm trong hệ sinh thái Bất động sản – Xây dựng – Vật liệu xây dựng, một khi dòng vốn của các chủ đầu tư bị tắc nghẽn, dòng tiền về của các nhà thầu cũng bị chững lại khi các khoản nợ đọng chưa thanh toán của chủ đầu tư ngày một chồng chất. Trong khi đó, các nhà thầu vẫn phải vượt qua cơn bão giá ngày một khắc nghiệt.
Mặc dù hoạt động kinh doanh có phần trầm lắng do biến động thị trường, kết quả phân tích của Vietnam Report từ tháng 2/2020 đến nay cho thấy hoạt động truyền thông của các doanh nghiệp xây dựng vẫn rất tích cực.
Phần lớn nhà thầu có tần suất xuất hiện trên truyền thông nhiều hơn những năm trước. Hòa Bình và Coteccons vẫn là 2 nhà thầu thu hút truyền thông nhiều nhất. Fecon và Newteccon là những nhà thầu có tốc độ gia tăng tần suất xuất hiện trên truyền thông khá ổn định.
Đánh giá về triển vọng kinh doanh năm 2023, phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát do Vietnam Report thực hiện vào tháng 2/2023 tỏ ra khá thận trọng. Theo nhận định của lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn, 2023 vẫn là một năm hết sức khó khăn đối với các nhà thầu bởi họ đang phải chịu sức ép tài chính rất lớn.
Tín hiệu tích cực trong năm nay đến từ mảng xây dựng hạ tầng và xây dựng công nghiệp. Đối với nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng (đặc biệt là các dự án cao tốc), dù còn tác động của chi phí đầu vào cao do các loại vật liệu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí vẫn tăng giá, song được kỳ vọng có sức bật từ đầu tư công.
Bên cạnh đó, xây dựng vốn là một trong những ngành thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhất trong những năm qua, do đó, 2/3 số doanh nghiệp xây dựng tiếp tục kỳ vọng FDI sẽ là động lực hỗ trợ cho sự phát triển chung toàn ngành trong thời gian tới.