Hậu duệ kế thừa ở những gia đình doanh nhân đình đám Việt Nam, họ là ai?

14/10/2016 09:58 AM | Kinh doanh

Các gia đình doanh nhân hoạt động theo mô hình gia đình trị luôn có yếu tố kế thừa, và những người trẻ tuổi như Đặng Huỳnh Ức My, Phạm Trần Nhật Minh, Võ Ngọc Ý Vân, Nguyễn Quốc Cường là những người được đặt niềm tin duy trì, đảm bảo thành công cho gia đình mình.

Đặng Huỳnh Ức My - Tập đoàn Thành Thành Công

Đặng Huỳnh Ức My sinh năm 1981, được giới kinh doanh gọi với cái tên "Công chúa mía đường", khi mẹ cô, bà Huỳnh Bích Ngọc trước đó đã được gọi là "Nữ hoàng mía đường".

Ức My từng sang New Zealand học tập và lấy bằng cử nhân Quản trị kinh doanh - tài chính. Sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh, Đặng Huỳnh Ức My nối nghiệp mẹ khi làm việc trong ngành mía đường, chứ không theo chân ngành ngân hàng của bố là Đặng Văn Thành hay bất động sản của anh trai Đặng Hồng Anh.

Nữ doanh nhân giàu có và tài giỏi này từng giữ những trọng trách lớn tại các doanh nghiệp mía đường hàng đầu, như Chủ tịch Thành Thành Công Tây Ninh, thành viên Hội đồng quản trị Đường Biên Hòa.

Hiện nay, gia đình họ Đặng đang dồn sự tập trung cho Tập đoàn Thành Thành Công và gây nhiều chú ý thời gian gần đây, như việc sắp mua lại mảng mía đường của Bầu Đức, hay việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Singapore.

Điều này khiến Ức My, Phó Chủ tịch Thành Thành Công phải trực tiếp sang Singapore để phụ trách việc niêm yết. Theo thông tin trên báo giới, Tập đoàn đang có ý định niêm yết Thành Thành Công Tây Ninh trên sàn SGX thông qua việc thâu tóm, hợp nhất một công ty ở quốc gia này. Thương vụ sẽ nâng giá trị công ty sau hợp nhất lên 200 triệu USD, trở thành công ty mía đường lớn nhất Việt Nam.

Là "Công chúa mía đường" nhưng thực tế Ức My vốn rất thích trở thành một cô giáo. Vì vậy, với công việc của mình, cô cũng tự biến mình thành giáo viên mỗi ngày, khi coi người lãnh đạo giỏi phải là người có bản lĩnh, tạo ra sức ảnh hưởng để dạy dỗ và hướng dẫn người khác.

Phạm Trần Nhật Minh - Nhựa Long Thành

Doanh nhân trẻ Phạm Trần Nhật Minh sinh năm 1983, được biết đến nhiều hơn với biệt danh Minh Nhựa, bởi là con trai duy nhất của ông Phạm Văn Mười, chủ công ty Nhựa Long Thành.


Phạm Trần Nhật Minh trên chiếc siêu xe. Ảnh: Facebook

Phạm Trần Nhật Minh trên chiếc siêu xe. Ảnh: Facebook

Trong giới đam mê siêu xe tại Việt Nam, Minh Nhựa là người có tiếng, bởi sở hữu những siêu xe khủng, đắt tiền như Lamborghini Murcielago LP670-4 SV, Bugatti Veyron hay Ferrari 485 Italia, Lamborghini Aventador LP700-4 màu cam, Rolls-Royce Ghost và Rolls-Royce Phantom.

Mới đây nhất, Minh Nhựa chính thức tậu 3 chiếc siêu xe đẳng cấp thế giới về Việt Nam, gồm Pagani Huayra (mệnh danh là thần gió), Lamborghini Aventador LP750-4 SV và McLaren 650S Spider. Một số thông tin cho biết, tổng giá trị 3 chiếc xe này khoảng 200 tỷ đồng.

Là một người trẻ với nhiều siêu xe, doanh nhân trẻ Phạm Trần Nhật Minh còn được đánh giá rất cao trong công việc. Với vị trí Phó Tổng giám đốc điều hành Nhựa Long Thành, anh chính là người phụ trách các mảng cung ứng, tài chính kế toán, hành chính nhân sự và sản xuất, gần như toàn bộ những mảng quan trọng nhất của một doanh nghiệp.

Theo vị doanh nhân trẻ, công ty gia đình như Nhựa Long Thành có những hạn chế là thiếu quan tâm đến tương lai của nền kinh tế và khó đổi mới trước sự chuyển mình quá nhanh của xu thế. Tuy nhiên, các công ty gia đình lại có thế mạnh là dễ thành công trong việc chuyển giao quản lý qua thế hệ kế tiếp.

Nhựa Long Thành là đối tác sản xuất két nhựa cho hàng loạt đại gia nước giải khát trên thị trường, như Heineken , Bia Sài Gòn, Tiger, Saporo, Coca-Cola, Pepsi, Carlsberg, Biere Larue, Zorok, Number 1, Tribeco, Halida, Bia Hà Nội... Ngoài ra, các sản phẩm nhựa của Long Thành còn là đối tác của nhiều tên tuổi trong ngành hàng thực phẩm khác như Vinamilk, Nestle, Masan, Vissan, Vina Acecook...

Hồi đầu năm, Nhựa Long Thành đã khánh thành hệ thống kho thành phẩm mở rộng, đây là giai đoạn 1 trong tổng dự án quy mô 500 tỷ đồng của Nhựa Long Thành. Doanh nhân Phạm Trần Nhật Minh đang có tham vọng cung cấp thêm các sản phẩm sang thị trường Mỹ, một thị trường rất khó tính.

Võ Ngọc Ý Vân - Thời trang MYM

Võ Ngọc Ý Vân là con gái trong một gia đình có truyền thống kinh doanh. Cha cô, ông Võ Ngọc Thành là Tổng giám đốc Công ty An Phong, có chân trong Hội đồng quản trị của Bibica, Công ty Văn Hóa Phương Nam (sở hữu CGV). Mẹ Ý Vân là bà Nguyễn Ánh Hồng, người thành lập hệ thống siêu thị Maximark và cũng chính là em gái ông vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn.


2 mẹ con Nguyễn Ánh Hồng - Võ Ngọc Ý Vân. Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn

2 mẹ con Nguyễn Ánh Hồng - Võ Ngọc Ý Vân. Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn

Sau khi hoàn thành ba bằng đại học về thiết kế thời trang, quảng cáo thời trang và quản trị kinh doanh ở Philadelphia University và Temple University cùng 2 năm làm việc tại Digitas lẫn Saatchi & Saatchi (Mỹ), Võ Ngọc Ý Vân đã trở về Việt Nam kinh doanh.

Ban đầu, mẹ cô, bà Ánh Hồng chỉ định mở một công ty nhỏ cho Ý Vân làm ăn, nhưng sau đó đã quyết định mua lại thương hiệu thời trang Emigo của Vingroup, rồi đổi tên thàn M.Y.M cho cô kinh doanh. Theo chia sẻ của Ý Vân, M.Y.M là viết tắt của "Make Your Miracle"

Trong quá trình du học, Ý Vân vẫn thường xuyên về Việt Nam trong các kỳ nghỉ hè và nghỉ đông. Đây là dịp để Ý Vân nhận ra, trang phục trên đường phố Việt Nam khá lỗi mốt so với thế giới. Cùng với ước mơ ấp ủ từ bé, là mở một công ty thời trang do chính người Việt thiết kế và sản xuất, Ý Vân đã cùng mẹ mở ra MYM. Sau 7 tháng, MYM hiện có 22 cửa hiệu ở 5 thành phố lớn trong nước.

Học chuyên ngành thiết kế, Ý Vân chính là người đảm nhận vai trò giám đốc sáng tạo, là người duyệt các mẫu thiết kế cuối cùng của MYM. Bộ sưu tập đầu tiên của MYM có 120 mẫu và đã tiêu thụ được 75% lượng sản phẩm.

Hiện nay, Ý Vân đang nhận được sự hỗ trợ lớn từ cả cha và mẹ. Khi vướng về nhân sự, cô trao đổi với mẹ, còn nếu gặp khó về đầu tư, mặt bằng cô nói chuyện với cha. Ý Vân kỳ vọng sẽ sớm đưa xưởng sản xuất với 1.000 công nhân ở Sài Gòn vào hoạt động, để có giá tốt hơn, xa hơn nữa là đưa thương hiệu ra nước ngoài.

Nguyễn Quốc Cường - Quốc Cường Gia Lai

Sinh năm 1982, Nguyễn Quốc Cường nổi tiếng với nickname "Cường đô la", sở hữu nhiều siêu xe bạc tỷ. Anh hiện là thành viên hội đồng quản trị, đồng thời là Phó Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, góp phần giúp đỡ mẹ là bà Nguyễn Thị Như Loan điều hành công ty.


Nguyễn Quốc Cường và con trai. Ảnh: Facebook

Nguyễn Quốc Cường và con trai. Ảnh: Facebook

Khi còn đi học, Cường đô la ước mơ mở một hãng ô tô, hoặc một công ty nào đó liên quan đến xe. Tuy nhiên, do cha mất sớm, nhà chỉ có mẹ, Cường và cô em gái, nên anh không thể đứng nhìn mẹ một mình lo toan mọi thứ, nên đã quyết định về đầu quân cho Quốc Cường Gia Lai.

Ban đầu, anh về làm việc chỉ với ý định xem có phù hợp hay không, rồi mới tính tiếp. Tuy nhiên, đến nay, Nguyễn Quốc Cường đã gắn bó với công việc được cả chục năm trời.

Theo vị doanh nhân trẻ, lúc chưa đi làm, anh từng nghĩ mình nên bắt đầu bằng những việc mình yêu thích. Tuy nhiên, sau chục năm làm việc tại Quốc Cường Gia Lai, anh nhìn lại và cho rằng, ý chí học hỏi và sự chăm chỉ phấn đấu mới là quan trọng nhất.

Tại Quốc Cường Gia Lai, anh từng có thời gian được mẹ giao cho vị trí Tổng giám đốc, thế nhưng, sau đó anh lại xuống làm Phó Tổng giám đốc. Có thông tin lý giải rằng, cá tính con người Cường đô la không phù hợp với việc thuộc các hợp đồng, nắm rõ câu chữ để đối đáp, thuyết phục khách hàng, những yếu tố quan trọng của chiếc ghế CEO.

Thời gian vừa qua, Quốc Cường Gia Lai gây chú ý với thương vụ mua lại khu đất đắc địa bên bờ sông Hàn, Đà Nẵng từ tay bầu Đức nhưng sau đó đã nhanh chóng quyết định bán đi khu đất này. Quốc Cường Gia Lai đang tập trung đầu tư vào cây cao su, với kỳ vọng năm 2017 giá mủ cao su sẽ tăng trở lại.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM