Hành tung bất thường của nhóm tội phạm đa quốc gia đến Việt Nam thuê biệt thự trang bị camera dày đặc

11/11/2018 11:10 AM | Xã hội

Thuê những căn hộ, trang trại biệt thự cao cấp và biệt lập, nhóm đối tượng đa quốc gia (chủ yếu đến từ các nước trong khu vực châu Á), sống khép kín và trang bị camera dày đặc xung quanh.

Một ổ nhóm tội phạm “ngoại” và phương tiện gây án sử dụng công nghệ cao bị Công an Việt Nam bắt giữ

Có một thực tế là cùng với những vụ việc người Việt Nam mắc bẫy đối tượng giả danh Công an, Kiểm sát viên đe dọa qua điện thoại, bắt gửi tiền để… chứng minh sự trong sạch; thì ở một số quốc gia lân cận, chính dân bản địa cũng bị chiếm đoạt số tiền lớn bởi phương thức này.

Sang Việt Nam… nghiên cứu giun đất?

Một trong những chuyên án đầu tiên lật tẩy tội phạm “ngoại” sử dụng công nghệ cao gây án là ổ nhóm người Trung Quốc tìm đến khu đầm nuôi tôm trên địa bàn huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, với danh nghĩa nuôi và nghiên cứu về giun đất.

Đó là khoảng mặt nước, trang trại lớn biệt lập khu dân cư, việc ra vào rất dễ quan sát đối với người ngồi trong khu trại trên bờ đầm. Chủ đầm không mấy quan tâm mục đích thuê của nhóm khách ngoại quốc, còn người dân sở tại cũng chẳng biết họ làm gì bên trong đó. Cứ mỗi tuần, lại có một người trong nhóm khách lạ kia đi chợ, mua rất nhiều thực phẩm và nội bất xuất, ngoại bất nhập. Người ta chỉ thông tin rằng nhóm người Trung Quốc thuê đất, mặt nước để nghiên cứu… nuôi giun đất!

Tuy nhiên, hành tung bất thường của nhóm người trên không qua được lực lượng Công an Việt Nam, mà ở đây là các trinh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Qua điều tra, cơ quan Công an phát hiện nhóm người này đang thực hiện hành vi phạm tội hết sức tinh vi: lừa đảo chiếm đoạt tiền xuyên quốc gia chỉ bằng những cuộc gọi điện thoại.

Kiên trì trong thời gian dài, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp cùng CATP Hải Phòng đã tiến hành hoạt động trinh sát liên hoàn, thu thập chứng cứ để phá án. Có một chi tiết mà về sau này khi bị bắt, các đối tượng thực sự “tâm phục, khẩu phục” Công an Việt Nam, là tổng đài mà chúng sử dụng để thực hiện tội phạm đã bị ta “tóm” được tần sóng, tín hiệu, qua đó thu thập được rất nhiều dữ liệu, chứng cứ để phục vụ công tác điều tra, xử lý.

Phương tiện, thiết bị các đối tượng sử dụng rất khác so với các vụ án phát hiện trước đây. Đó là chúng sử dụng phần mềm chuyên dụng trên điện thoại thông minh để thực hiện các cuộc gọi VoIP, thay vì phải thiết lập tổng đài hay sử dụng máy bàn để thực hiện cuộc gọi. Ngoài ra, các đối tượng thường xuyên thay đổi kịch bản lừa đảo, với nội dung làm thế nào để gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho các nạn nhân, buộc họ phải nhanh chóng chuyển tiền.

“Thời điểm đánh án được xác lập, vào một buổi sáng cuối năm 2016, khi mà gần như toàn bộ hoạt động phạm tội của ổ nhóm này đã bị chúng tôi nắm giữ”, cán bộ Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), nay là Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao - thành viên Ban chuyên án - nhớ lại. Các đơn vị nghiệp vụ bất ngờ ập vào khu đầm ở huyện Tiên Lãng, bắt giữ toàn bộ đối tượng người Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), thu nhiều tang vật là các máy tính với hàng trăm nghìn MB dữ liệu.

Cơ quan Công an đã làm rõ nhóm đối tượng trên, dưới sự chỉ đạo của “ông trùm” ở Trung Quốc đã sang Việt Nam thiết lập tổng đài gọi điện thoại qua mạng Internet, từ đó gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Trung Quốc. Bọn chúng “đóng vai” cơ quan Công an thông báo rằng người bị hại liên quan đến vụ án nghiêm trọng do “Trung ương Đảng” đang chỉ đạo điều tra, nghi rửa số tiền lên đến hàng triệu Nhân dân tệ.

Khi bị hại thanh minh không liên quan đến vụ án, các đối tượng yêu cầu phải chuyển tiền có trong tài khoản để cơ quan Công an kiểm tra, nếu không liên quan đến vụ án sẽ trả lại ngay. Người bị hại cũng được yêu cầu không tiết lộ với bất cứ ai về việc này, và được đối tượng hướng dẫn sử dụng dịch vụ Internet banking để chuyển tiền hoặc chuyển qua ATM đến tài khoản do chúng chỉ định. Bằng thủ đoạn, các đối tượng đã chiếm đoạt được hàng trăm nghìn Nhân dân tệ.

Trước đó, cũng tại địa bàn Hải Phòng, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp cùng CATP Hải Phòng bóc gỡ 2 “ổ” lừa đảo với trên 40 đối tượng người Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), thuê 2 biệt thự ở phường Dư Hàng Kênh và phường Anh Dũng, cùng quận Lê Chân. Các đối tượng bị bắt quả tang khi đang thực hiện các cuộc gọi về Trung Quốc, qua đó, cơ quan chức năng thu giữ nhiều máy tính, điện thoại liên quan đến hành vi phạm tội của các đối tượng.

Khác với nhóm “đầm tôm, nghiên cứu giun đất”, 2 ổ nhóm ở quận Lê Chân thuê người Việt Nam mua đồ ăn và đứng tên chủ hợp đồng đăng ký sử dụng dịch vụ Internet tốc độ cao với các nhà cung cấp dịch vụ Internet của Việt Nam. Quá trình sinh sống, các đối tượng lắp đặt nhiều camera xung quanh, rất ít khi ra ngoài và thi thoảng lên nóc biệt thự để giải lao, hít thở không khí!.

Một ổ nhóm tội phạm “ngoại” và phương tiện gây án sử dụng công nghệ cao bị Công an Việt Nam bắt giữ

Trốn chạy nhưng không thoát

Trung tuần tháng 8 vừa qua, ngay sau khi triển khai mô hình, tổ chức bộ máy mới, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), phối hợp với Công an TP.HCM đã triệt phá thành công đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia, tạm giữ nhóm đông đối tượng cả người Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc).

Chuyên án khởi phát bởi những dấu vết “ảo” của liên tiếp những cuộc gọi từ TP.HCM ra nước ngoài, trên nền Internet (tổng đài VoIP). Xâu chuỗi các manh mối tưởng như mơ hồ ấy, trinh sát Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện một nhóm đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Thái Lan, hoạt động trong một khu chung cư cao cấp tại TP.HCM. Từ đây, các đối tượng đã thực hiện các cuộc gọi mạo danh nhân viên bưu điện, nhân viên ngân hàng, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan để lừa các nạn nhân là công dân Thái Lan chuyển tiền đến các tài khoản do chúng chỉ định với lý do để kiểm tra. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, lập tức chúng rút hết.

Ngày 24-8, lực lượng Công an bao vây, khám xét 2 địa điểm nghi vấn đã được xác định, bắt quả tang 14 đối tượng (gồm 13 đối tượng quốc tịch Thái Lan, 1 đối tượng quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc) đang sử dụng tổng đài VoIP thực hiện các cuộc gọi về Thái Lan.

Qua trao đổi thông tin với Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan cùng tài liệu thu thập, cơ quan Công an Việt Nam nắm được nhóm đối tượng này đã thực hiện vô số cuộc gọi lừa đảo công dân sinh sống tại Thái Lan, với số tiền thiệt hại ước tính lên đến cả triệu USD.

Khai thác nóng, nhóm đối tượng này không chỉ thừa nhận hành vi phạm tội, mà còn khai thêm 7 đồng phạm đang lẩn trốn. Chiều tối 25-8, các tổ công tác của Bộ Công an và Công an TP.HCM phối hợp với Công an một số địa phương đã khép chặt vòng vây, rà soát, phát hiện và bắt giữ số đối tượng còn lại đang trên đường di chuyển để xuất cảnh khỏi Việt Nam.

Qua đấu tranh, cơ quan Công an làm rõ trong đường dây này, các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) có vai trò cầm đầu, chỉ đạo; còn nhóm đối tượng người Thái Lan chuyên thực hiện hành vi lừa đảo. Phương tiện, thiết bị các đối tượng sử dụng rất khác so với các vụ án phát hiện trước đây. Đó là chúng sử dụng phần mềm chuyên dụng trên điện thoại thông minh để thực hiện các cuộc gọi VoIP, thay vì phải thiết lập tổng đài hay sử dụng máy bàn để thực hiện cuộc gọi.

Do vậy, tính cơ động của nhóm đối tượng này rất cao, chúng thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động nhằm tránh sự phát hiện. Ngoài ra, các đối tượng thường xuyên thay đổi kịch bản lừa đảo, với nội dung làm thế nào để gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho các nạn nhân, buộc họ phải nhanh chóng chuyển tiền.

Chuyên án thành công, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an cho bàn giao các đối tượng đến Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan và Cảnh sát Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục điều tra xử lý…

Theo Xuân Tiến

Cùng chuyên mục
XEM