Hành trình về phương Đông: Những điều huyền bí về pháp sư Vishudha và bộ môn Thái dương học với khả năng tự tỏa hương, đốt cháy đồ vật (P2)
Tiến sĩ Kavir cho biết nếu phái đoàn muốn nghiên cứu những sự kiện huyền bí, những phép thuật lạ lùng thì phải đến gặp pháp sư Vishudha.
Vị đạo sư huyền bí có thể tự tỏa hương thơm
Vị pháp sư này có lệ không bao giờ tiếp khách, ngay cả những tín đồ thuần thành sùng kính nhất. Ông sống trong một căn nhà nhỏ với một vài đệ tử thân tín và rất ít khi ra ngoài. Các đệ tử cho biết thầy họ không bao giờ biểu diễn phép thuật dù ở nơi kín đáo, và không chịu cho phái đoàn vào. Tiến sĩ Kavir mang hết tài dẫn dụ ngoại giao cũng như quyền lực hăm dọa nhưng họ vẫn khăng khăng. Sự hiện diện của một nhóm người Âu gây nhiều chú ý của dân chúng và tín đồ hành hương, nên chỉ sau một lúc, một đám đông đã vây kín phái đoàn. Có lẽ tiếng động ồn ào này tạo sự chú ý của vị pháp sư nên ông ra lệnh cho đệ tử mời tiến sĩ Kavir vào nói chuyện.
Một lát sau, Kavir bước ra, nét mặt hân hoan:
- Đạo sư Vishudha không tiếp khách lạ, nhưng ngài đặc biệt tiếp phái đoàn như một ngoại lệ đấy.
Đó là một ông lão to lớn, tóc bạc trắng như cước ngồi trên tấm bồ đoàn kết bằng cỏ, nét mặt ông lạnh như băng và đôi mắt như nhìn vào khoảng không, như không thèm chú ý gì đến phái đoàn. Một đệ tử lên tiếng:
- Các ông đến đây với mục đích gì?
Giáo sư Allen lên tiếng:
- Chúng tôi được biết đạo sư có các quyền năng phi thường. Mục đích chuyến đi này của chúng tôi là nghiên cứu những sự kiện huyền bí, ghi nhận một cách khoa học những điều tai nghe, mắt thấy…
- Nếu đạo sư vui lòng…
Vishudha nghe thông ngôn xong, mỉm cười yêu cầu giáo sư Oliver cho mượn một cái khăn tay và một cái kính lúp. Ông ta giơ chiếc kính lên ánh sáng mặt trời cho nó chiếu lên chiếc khăn tay và tuyên bố:
- Tôi sẽ thu hút các mùi hương trong không khí, các ông thích mùi gì?
- Tôi thích mùi hoa lài.
Vishudha mỉm cười trao trả chiếc khăn cho giáo sư Oliver. Một mùi hương phảng phất khắp phòng và ai cũng biết đó là mùi hoa lài. Mọi người quan sát kỹ chiếc khăn, nó không hề ướt hay có dấu hiệu gì rằng người ta đã nhỏ vào đó một chút dầu thơm. Như đoán được ý nghĩ của mọi người, Vishudha yêu cầu giáo sư Mortimer đưa ra một chiếc khăn tay khác. Tiến sĩ Kavir thông dịch:
- Bây giờ các ông hãy chọn một mùi hoa gì đặc biệt của xứ các ông mà không hề có tại xứ Ấn Độ.
- Được lắm, tôi muốn mùi hoa uất kim hương (tulip).
Vishudha mỉm cười giơ chiếc kính lúp lên ánh sáng mặt trời cho nó chiếu vào chiếc khăn và lần này mùi hoa uất kim hương lại thơm nồng khắp phòng. Phái đoàn vội vã yêu cầu những mùi hương lạ lùng và lần nào ông cũng làm họ hài lòng. Thậm chí đến cả những mùi thuốc hóa học, những mùi a-xít trong phòng thí nghiệm, ông cũng có thể làm được. Mọi người quan sát kỹ xem ông ta có giấu gì dưới lớp áo choàng không. Vishudha mỉm cười vén cao tay áo để chứng tỏ ông không hề làm trò ảo thuật hay cất giấu hương liệu gì đặc biệt trong người.
Lần đầu tiên phái đoàn thám hiểm biết đến môn Thái dương học
Giáo sư Mortimer buột miệng:
- Xin ông giải thích việc này?
Mọi người giật mình vì trong phong tục xứ Ấn, chất vấn một đạo sư là điều bất kính. Vishudha quay sang Kavir nói vài lời, ông này thông dịch:
- Đó chỉ là môn khoa học gọi là Thái dương học. Ánh sáng mặt trời chứa đựng một năng lực rất mạnh, nếu biết chọn lựa và cô lập nó, ta có thể tạo mọi vật theo ý muốn.
Giáo sư Mortimer giật mình:
- Thái dương học, phải chăng đó là môn khoa học của dân Atlantic?
- Đó là môn khoa học đã một thời thịnh hành tại châu Atlantic, nhưng không phải của riêng giống dân này.
- Như thế châu Atlantic là có thật… châu này đã chìm xuống biển từ lâu và chỉ có Plato ghi nhận lại trong tập sách của ông…Chuyện này ra sao?
Vishudha trầm ngâm:
- Tin hay không là tùy các ông. Người Âu lúc nào cũng đòi hỏi bằng chứng này nọ, nếu các ông muốn gọi nó là truyền thuyết cũng chẳng sao… Khoa học nơi đâu cũng có nguồn gốc, nhưng khi tiến đến một trình độ cao xa thì thời gian hay không gian đâu có nghĩa lý gì nữa. Khoa Thái dương học thật ra xuất xứ từ Tây Tạng ở một thời đại xa xôi, khi Ấn Độ còn là một hòn đảo và rặng Hy Mã Lạp Sơn còn là một bờ biển… Nhưng điều này đâu có ích gì cho việc nghiên cứu của các ông?
- Ông có thể làm gì với môn này?
- Các ông còn muốn gì? Như vậy chưa thỏa mãn sao?
Vishudha đứng dậy bước đến bên một chậu hoa gần đó. Mặc dầu chậu nở đầy hoa, nhưng trong đó cũng có một số hoa đã tàn. Vishudha giơ chiếc kính lúp chiếu lên các hoa này. Trước cặp mắt kinh ngạc của mọi người, những hoa khô héo bỗng trở nên tươi tốt, thơm tho. Mọi người nín thở, không ai nói nên lời. Vishudha giơ chiếc kính lên chiếu vào lòng bàn tay ông. Một chùm nho tươi tốt bỗng xuất hiện. Nên biết Ấn Độ là xứ nhiệt đới, không trồng được nho, hơn nữa lúc đó đang vào mùa đông, các cây nho bên châu Âu cũng đều khô héo. Có được chùm nho tươi tốt là một việc vô lý, lạ lùng. Vishudha đưa chùm nho cho giáo sư Allen xem và thản nhiên tuyên bố:
- Đây là giống nho Pajouti chỉ mọc ở miền nam nước Ý, không hề được xuất cảng. Mùi của nó thơm nhưng vị hơi chát.
Những am hiểu sâu sắc cặn kẽ của Pháp sư Vishudha về Kinh Thánh làm kinh ngạc đoàn thám hiểm
Mọi người xúm lại xem chùm nho. Có người ngắt vài quả bỏ vào miệng ăn như sợ rằng đó chỉ là một ảo tưởng. Chờ mọi người ăn xong, Vishudha trịnh trọng:
- Đây đâu phải lần đầu các ông thấy một sự lạ xuất hiện. Các ông đã nghe nói về chuyện này rồi đấy chứ. Các ông không nhớ chuyện Đấng Christ hỏi thánh Phillip ở thành Galileo: "Chúng ta sẽ mua bánh mì ở đâu?". Ngài biết rõ rằng bánh mì mà đám quần chúng đang cần dùng không phải mua ngoài chợ. Ngài mượn dịp đó để chỉ cho các tín đồ rằng người ta có thể tạo ra bánh mì bằng sức mạnh của tinh thần. Thông thường mọi người chỉ nghĩ rằng ta có bao nhiêu bánh mì hay bao nhiêu tiền bạc là chỉ giới hạn trong một khuôn khổ nào đó thôi. Điều Đức Jesus muốn nói là khi ta đã sống với tâm thức của Chân Ngã, thì người ta không còn thiếu sót hay gò bó vào một giới hạn nào nữa. Ngài nhìn về Thượng đế là nguồn gốc sáng tạo ra muôn loài, và tạ ơn Thượng đế đã luôn đặt vào tay loài người cái quyền năng và chất liệu cần thiết để thỏa mãn tất cả nhu cầu của họ. Đức Jesus đã bẻ bánh mì và bảo tông đồ hãy phân phát cho mọi người. Khi tất cả ăn no rồi mà vẫn còn dư đến 10 rổ bánh. Cũng bằng cách đó mà Elisê đã làm cho người quả phụ thành Jerusalem có dầu ăn thừa thãi không bao giờ hết. Ngài không hỏi đến kẻ có dư thừa dầu trong nhà, vì như thế số dầu chỉ giới hạn mà thôi. Những câu chuyện trong Kinh Thánh đã dạy ta điều gì? Phải chăng các môn khoa học đời nay không thể giải thích vấn đề này? Phải chăng có kẻ cho đó chỉ là một chuyện thần thoại? Có lẽ các ông cho rằng những chuyện này được ghi chép từ lâu rồi nên có phần nào sai lạc đi?
Mọi người trong phái đoàn giật mình vì câu hỏi bất ngờ. Kinh Thánh đối với họ không phải quyển sách nào xa lạ. Phần lớn đều thuộc lòng nhưng ít ai suy nghĩ cặn kẽ về những sự kiện trong đó. Vishudha mỉm cười nhìn từng người rồi tiếp tục:
- Đức Jesus đã dạy rằng trong thiên nhiên có chất liệu để làm đủ mọi vật, và người ta có thể tìm lương thực của mình trong đó. Chúng ta chỉ cần rút các chất liệu này để tạo ra mọi thứ cần dùng. Nhưng con người hèn nhát và thiếu đức tin đã không nghĩ rằng họ có thể thực hiện được những việc này. Nhu cầu phải chăng cũng là ý muốn sáng tạo? Thay vì vươn lên để thực hiện ý muốn, để sáng tạo thì con người lại thu hẹp mình lại, nghĩ rằng mình không thể làm được những việc đó. Vì thế con người càng ngày càng rời xa Thượng đế. Đến nay con người tin rằng họ là một thực thể cách biệt với Thượng đế. Họ đã đi lệch hẳn con đường toàn vẹn, bỏ lỡ cái mục đích cao đẹp. Họ đã không để Thượng đế biểu lộ xuyên qua họ như ngài muốn. Chính Đức Jesus đã nói rằng: "Những gì mà ta làm được thì các ngươi cũng sẽ làm được, và các ngươi sẽ còn làm được những việc lớn lao hơn nữa". Ngài muốn nói điều gì đây? Phải chăng con người trong cương vị chân thật, chính là con của Thượng đế? Sứ mạng của Đức Jesus trên thế gian chính là chứng tỏ rằng trong cương vị nào đó, con người cũng có thể sáng tạo một cách hoàn toàn tốt đẹp như Thượng đế. Khi ngài ra lệnh cho người mù hãy ra ao Siloe rửa mắt, phải chăng ngài đã chứng tỏ cho quần chúng biết rằng ngài được Thượng đế gửi xuống để sáng tạo cũng như Thượng đế vậy?
Vishudha ngừng nói, đưa tay ra, một ổ bánh mì to lớn bỗng xuất hiện trên tay ông. Tất cả mọi người im lặng, nín thở, không ai thốt nên lời. Sự kiện một đạo sư Ấn không nói gì về truyền thống, tôn giáo xứ này, mà lại nói về Kinh Thánh như một vị mục sư làm mọi người kinh ngạc. Bỗng nhiên ổ bánh mì biến mất như bị thiêu hủy. Vishudha mỉm cười thong thả.
Pháp sư Vishudha tự đốt cháy đồ vật khuyên đoàn thám hiểm nên đi tìm ý nghĩa mục đích của cuộc đời mình
- Các ông đã thấy, tôi đã lạm dụng các định luật huyền bí giúp tôi thực hiện ý muốn. Tôi vừa đốt cháy đồ vật mà tôi tạo nên. Làm như thế tôi đã lạm dụng một điều luật bất di bất dịch của thiên nhiên. Nếu tôi tiếp tục làm thế thì không những món đồ bị đốt cháy, mà chính kẻ sáng tạo là tôi cũng chịu chung số phận. Các ông đã ngửi mùi hương và việc tôi làm các bông hoa hồi sinh, cũng như việc chùm nho xuất hiện… Tôi có thể sử dụng quyền năng này khi làm một việc có ích cho nhân loại, hoặc với một lòng bác ái thanh cao vì đó là hợp với luật vũ trụ, hợp với thiên ý. Trái lại, chỉ với một ý định xấu xa như khoa trương bản ngã, tôi sẽ đi lệch đường và chịu trách nhiệm về việc làm của mình, nghĩa là sẽ gặp ngay sự phản tác dụng về hành động của mình. Tôi đốt cháy một vật thì tôi cũng có thể cháy thành than tức khắc. Nếu con người phụng sự Thượng đế, hành động đúng theo thiên ý, hợp luật trời thì y đã bước chân vào cõi trời rộng mở, còn ngược lại thì y đang bước vào cánh cửa của địa ngục rồi đó…
Vishudha nhìn thẳng vào mặt mọi người:
- Này các ông, những nhà thông thái, thế đã thỏa mãn các mong ước, hiếu kỳ của các ông chưa? Nếu các ông còn mê man trong các cuộc khảo cứu, ghi nhận các hiện tượng lạ lùng mà khoa học chưa giải thích được thì khắp thành phố này, có hàng trăm đạo sĩ, pháp sư có thể làm những chuyện đó. Điều đáng tiếc rằng rất ít người hiểu biết về cái hậu quả họ sẽ phải gánh chịu. Các ông muốn ghi nhận những phép thuật thần thông để làm gì? Phải chăng các ông sẽ công bố cho mọi người Âu Mỹ biết hay sao? Như thế có ích lợi gì? Liệu đã có mấy ai tin tưởng rằng những điều các ông nói không phải là một sự tưởng tượng? Có thể họ sẽ lên án các ông là đằng khác. Có bao giờ các ông nghĩ rằng mình đang làm một chuyện vô ích hay không? Có lẽ các ông sẽ làm những phúc trình về các hiện tượng lạ lùng, nhưng rồi điều ấy sẽ đi đến đâu? Cuộc đời đâu phải chỉ là quan sát ghi nhận rồi làm những thống kê, có phải không? Này các nhà thông thái, các ông đã khám phá thế nào là mục đích cuộc đời chưa? Nếu các ông chưa tự hỏi mục đích cuộc đời mình để làm gì thì ghi nhận, nghiên cứu có ích lợi gì đâu? Khi chưa tìm được lời giải đáp cho chính mình thì các phúc trình, thống kê cũng vô ích thôi, có phải như thế không?
Một sự im lặng bao trùm căn phòng. Vishudha thong thả ngồi trên tấm bồ đoàn, không nói thêm điều gì nữa. Tiến sĩ Kavir ra hiệu cho phái đoàn rút lui. Rời khỏi căn nhà đá, toàn thể mọi người đều xúc động, không ai nói lên một lời nào. Những sự kiện xảy ra đã làm đảo lộn mọi quan niệm thông thường về vật lý, hóa học… Đúng như nhà đạo sĩ đã nói, làm sao chứng minh một phép lạ đây?
(Trích sách Hành trình về Phương Đông, do First News phát hành)