Ý định "du học" nảy ra trong Quang từ lúc nào?
Từ hồi lớp 10, tôi bắt đầu đọc rất nhiều báo dành cho các bạn tuổi teen và cũng nhờ đó, mình biết đến khái niệm du học. Nhưng tại thời điểm ấy, du học là một cái gì đó rất xa xôi, giống như bay lên mặt trăng vậy.
Để đi du học thì hoặc là phải rất giỏi ở một trường chuyên ở thành phố, hoặc là nhà rất giàu - khái niệm của mình lúc đó là vậy.
Lớp 11, tôi đạt được mục tiêu là có điểm cao nhất lớp và học giỏi nhất lớp, tôi tự hỏi bản thân: "Thế thì bây giờ mình phải chinh phục cái gì tiếp theo?"
Khi đọc được câu chuyện kể về một người bệnh bị bác sĩ chẩn đoán là không thể chữa trị được. Nhưng, thay vì tuyệt vọng, họ đã đánh thức bản năng sống trong tiềm thức, tự nhủ bản thân rằng: "Mình sẽ sống khỏe mạnh và lạc quan. Mọi chuyện rồi sẽ ổn". Thời gian sau, căn bệnh của người này thuyên giảm đi đáng kể.
Khi đọc đến đoạn đấy, tôi hiểu được rằng sức mạnh của suy nghĩ, tinh thần thật lớn lao. Nếu bản thân có thể giải phóng niềm tin, sẵn sàng nói "có" với bản thân thì hoàn toàn có thể đạt được những thứ như mong muốn. Và ngay thời khắc ấy, tôi đã tự nhủ: "OK, bây giờ mình sẽ cố gắng tìm cơ hội, xem mình có đạt được cơ hội đi du học này hay không".
Tình cờ tìm thấy cơ hội du học từ một bài báo, Quang có nghĩ mình may mắn? Chưa kể, vốn tiếng Anh của Quang tại thời điểm đó chưa tốt, rồi cả quá trình chuẩn bị hồ sơ, viết các bài luận bằng tiếng Anh nữa...
Tôi nghĩ, tất cả mọi thứ trong cuộc sống đều có yếu tố may mắn. May mắn ở đây là mọi thứ nó diễn ra, xảy ra đúng thời điểm. Nhưng tôi vẫn tin là 99% còn lại vẫn đến từ bản thân. Tôi nghĩ mình như là một "con báo" đúng lúc đang ngồi rình mồi thì cơ hội "nhảy qua". Và tất nhiên rồi, con báo ấy phải nhảy ra và tóm lấy cơ hội, nếu không nó sẽ đi mất.
Động lực để khám phá thế giới của tôi rất đơn giản: Tôi sống ở một nơi còn kém phát triển, không có cơ hội và tôi muốn ra bên ngoài để xem thế giới ngoài kia có gì. Tôi còn muốn thách thức điểm giới hạn của bản thân với suy nghĩ: "Mình có thể làm nhiều hơn những gì mình có thể hình dung". Chỉ vậy thôi!
Chuyến đi "một mình" ra Hà Nội ngày đó hẳn có rất nhiều điều đáng nhớ với một cậu bé 16, 17 tuổi?
Thứ nhất, đó là lần đầu tiên tôi được gặp "người Tây", người nước ngoài. Đối với tôi, điều đó rất quan trọng. Tôi nhìn họ như người ngoài hành tinh vậy. Thậm chí, việc nói chuyện bằng tiếng Anh với họ trước đó tôi chưa từng nghĩ đến.
Thứ hai, phở Hà Nội, tôi đi ăn thấy sao nhạt quá, trong khi phở ở Đăk Lăk đậm hơn. Nhưng đó cũng là điều thú vị để tôi hiểu rằng mỗi vùng miền có một văn hoá, đặc trưng khác nhau.
Thứ ba, việc được gặp các bạn học sinh khác đi thi cùng với tôi, thấy các bạn bằng tuổi nhưng làm được những thứ rất "ngầu". Có bạn thì đạt giải nhất học sinh giỏi Tiếng Anh quốc gia. Có bạn đã đi giao lưu nước ngoài. Có bạn làm chủ câu lạc bộ tình nguyện… Các bạn ấy rất tự tin và làm những thứ tôi chưa từng tưởng tượng. Thú thật, đầu óc tôi được mở mang rất nhiều. Các bạn khác đang tìm cơ hội xuất ngoại, nhưng mà với tôi, chuyến đi Hà Nội đấy cũng không khác gì chuyến đi nước ngoài rồi.
Trong 2 năm học cấp ba ở Hà Lan, khó khăn lớn nhất đối với Quang là gì?
Ngôn ngữ chắc là cái khó lớn nhất. Bởi vì, khi qua Hà Lan, vốn tiếng Anh của tôi cực kỳ kém khiến việc học, giao tiếp gặp vô vàn trở ngại. 3 tháng đầu tiên đi học, đúng là "như vịt nghe sấm", tôi phải mang theo từ điển để nói chuyện với bạn, nhưng khi bạn nói chuyện lại, tôi không nghe, không hiểu được.
Tôi đặt ra mục tiêu trong 2 năm đó, ngoài việc kết bạn và trao đổi, giao lưu văn hoá với các bạn quốc tế, thì điều quan trọng nhất là phải xin được học bổng vào trường đại học ở nước ngoài. Bởi vì, nếu như không được, tôi không biết có trường đại học nào ở Việt Nam chấp nhận bằng tú tài quốc tế của tôi không.
Bạn cứ tưởng tượng nếu như thế, chẳng khác gì tôi là một đứa thất bại tràn trề, sang Hà Lan 2 năm nhưng cuối cùng thì cũng không có học bổng để rồi lại phải quay trở lại. Điều đấy thực sự rất đáng sợ!
Vậy Quang đã giành được học bổng đi Mỹ như thế nào?
Hồ sơ vào Mỹ đòi hỏi rất toàn diện, từ hoạt động ngoại khoá, kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp, và tất nhiên là điểm số. Bạn phải giữ được điểm số cao. Biết tiếng Anh của mình không tốt, tôi tìm cách khắc phục bằng việc tranh thủ học tiếng Anh, đọc sách tiếng Anh, nói tiếng Anh mọi lúc mọi nơi. Thời gian khó khăn đi qua, điểm số của tôi tăng dần lên. Thời điểm tôi nộp hồ sơ đại học thì tôi có điểm số tối đa tất cả các môn (7 điểm). Điều ngày giúp ích rất nhiều.
Để thi vào đại học của Mỹ thì có bài thi là SAT. Đại học Duke của Mỹ lấy điểm SAT rất cao trong mà điểm của tôi rất thấp. Lúc đầu tôi không dám nộp đơn, nghĩ rằng với điểm SAT ấy, tôi không bao giờ vào được trường tốt như thế.
Thế nhưng, tôi đã thử nộp hồ sơ và may mắn giành được học bổng toàn phần vào đại học Duke. (Quang là người duy nhất trong khoá UWC năm đó vào một trường đại học top 10 của Mỹ - PV).
Sợ thất bại là nỗi sợ lớn nhất của Quang ở Hà Lan. Tới Mỹ rồi, nỗi sợ đó đã kết thúc chưa?
Thực ra là vẫn có. Nhưng sự tự ti ở đây lại liên quan tới thứ khác. Học sinh trường tôi thường là con nhà giàu và có địa vị xã hội. Cộng thêm nữa, người Mỹ độc lập và có tính cá nhân cao. Còn tôi, thân hình nhỏ bé, nói tiếng Anh chưa tốt, địa vị, văn hóa khác biệt…, không thể một sớm một chiều hòa nhập với cộng đồng sinh viên ở đây. Và bạn biết đấy, nếu không hòa đồng được, làm sao có thể cùng hoạt động, trao đổi và tự tin phát biểu được.
Quang đã vượt qua sự tự ti đó như thế nào?
Để thử thách bản thân tại môi trường đại học, tôi đặt mục tiêu trải nghiệm nhiều hơn, bằng việc chọn ngành học Khoa học não bộ, được nhiều người đánh giá là khó và lạ lẫm, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, đi nhiều nước. Song song, học thêm ngành kinh tế.
Thời gian đầu ở Đại học Duke rất khó khăn. Có lần tôi bị các bạn không lắng nghe và phủ nhận ý kiến vì không nói tiếng Anh chuẩn. Nhiều ngày sau, tôi tự ti không dám phát biểu nữa.
Cột mốc phá vỡ sự im lặng của tôi là tại tiết Triết học năm nhất. Hôm đó, giáo sư giới thiệu một khái niệm mới, trong khi tôi vẫn chưa hiểu, các bạn khác đã giơ tay nói. Mất vài phút tự đấu tranh, tôi quyết định "thà để mọi người nghĩ mình ngu 5 phút còn hơn là ngu thật", tôi xin thầy giải thích lại.
Khi đã hiểu rõ, tôi lăn xả vào hoạt động thuyết trình của nhóm. Sau buổi học thầy giáo gọi tôi ở lại và khen "đã nói được hết những điều thầy muốn giảng". Thầy nhắn tới tôi một câu mà cả đời này có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên: "Một người khôn ngoan không vì họ có nhiều thứ để nói, mà vì trong số những thứ ít họ có để nói thì đều có giá trị khiến người khác muốn lắng nghe".
Sau này, tôi lên làm Chủ tịch Hiệp hội Sinh viên quốc tế ở đại học Duke. Hiệp hội này có khoảng 33 sinh viên đến từ hơn 20 nước khác nhau. Công việc của tôi là quản lý các bạn và nói chuyện với nhiều bộ phận khác nhau, giao tiếp với những tổ chức khác trong trường... Vị trí đó khiến khả năng giao tiếp, tổ chức, tổng hợp và phân phối công việc của tôi được nâng cao.
Nhưng mà quá trình này là phải học từ từ, không phải "bùm", một phát là sáng hôm sau ngủ dậy tôi đã hoạt ngôn hay tự tin ngay đâu.
Dẫu vậy, tôi nghĩ rằng, mỗi người đều có một lượng tự ti nào đó ẩn sâu trong tâm trí. Nó tốt, bởi nó kiểm soát tự kiêu ngạo trong bạn, buộc bạn phải có sự chuẩn bị kỹ càng, cẩn thận trước khi hành động với một tâm thái luôn sẵn sàng.
Sau cùng, để có sự tự tin, tôi nghĩ cần phải có kiến thức, phải biết được là mình đang làm gì. Sự tự ti của tôi sau 4 năm đại học đã giảm đi rất nhiều. Vì tôi biết được xã hội vận hành như thế nào, mọi người làm cái gì. Khi mình biết được nhiều thông tin hơn thì mình tự tin hơn.
Vượt qua tấm rào tự ti, hẳn ở chặng đường tiếp theo, Quang đã thừa tự tin để bắt đầu hành trình tìm kiếm việc làm?
Năm cuối đại học, chúng tôi bắt đầu nộp hồ sơ xin việc. Đây là việc rất khó khăn và đau đầu. Học kỳ đầu tiên, tôi nộp hồ sơ rất nhiều, nhưng không được công việc nào cả. Tôi tốt nghiệp vào tháng 5 và đến tận tháng 2 thì mới tìm được việc (Quang được nhận vào chương trình Management Trainee của Nike - PV). Quãng thời gian chờ đợi kết quả tuyển dụng của các công ty thật sự ám ảnh.
Tôi nhớ có một hôm ngồi trên xe buýt đi học về, có một người bạn mà lâu lắm rồi mới gặp lại, trò chuyện với nhau. Cậu ấy thông báo rằng: "Mình đã tìm được việc rồi. Mình sẽ đi làm ở Wall Street". Wall Street là phố tài chính ở New York, bạn kể đó là một công việc lương rất cao và tất nhiên để trúng tuyển không hề dễ dàng. Còn tôi, khi được hỏi sẽ trả lời rằng: "Tôi chưa biết, tôi chưa tìm ra cái gì cả". Cảm giác thua kém bạn bè rất nôn nao và khó chịu!
Nhưng thật sự không phải cái gì cũng phù hợp với bạn cả. Bây giờ tôi cảm thấy may mắn vì mình nhận được công việc ở Nike. Hồi đấy mà mình tìm được công việc liên quan đến tài chính chẳng hạn thì chắc chắn mình sẽ không thích.
Với người mới, công việc tại Nike và Amazon của bạn diễn ra thế nào?
Tôi được vào chương trình đào tạo quản lý của Nike ở Mỹ, sau đó dẫn đến cơ hội làm việc ở Amazon.
2 năm đầu tiên ở Amazon, công việc đầu tiên của tôi liên quan tới Supply chain (hệ thống cung ứng) - nó không liên quan gì tới ngành học trước đây. Tôi phải học lại tất cả từ đầu. Gần đây, tôi tìm được cơ hội mới ở Amazon ở vị trí quản lý sản phẩm xây dựng phần mềm và vô tình, ngành học Não bộ trước đây của tôi hỗ trợ rất tốt cho công việc này.
Là người Việt làm việc ở các tập đoàn quốc tế ở Mỹ, Quang có gặp áp lực gì không?
Công việc của tôi tại Nike đòi hỏi phải tiếp xúc với nhiều các đối tác, thậm chí là CEO của các công ty. Trong một cuộc họp, tôi ngồi ở trong căn phòng với lại những người đàn ông da trắng. Họ rất to cao, ăn nói lớn. Và mình là một đứa châu Á nhỏ bé, tiếng Anh không giỏi. Tôi nhớ thời gian đầu mình rất sợ. Tôi không nói được gì cả.
Năm đầu tiên tại Amazon, một người quản lý chuyển việc và bộ phận của bà ấy không có ai quản lý. Tôi xung phong nói với người sếp lớn: "Có thể cho tôi cơ hội quản lý sản phẩm này được không?"
Ông ấy chưa tin tưởng ngay, vì làm sao một người trước giờ chỉ làm những gì người khác giao cho có thể "nhảy lên" làm quản lý một sản phẩm như thế. Người sếp cũ trước khi rời việc cũng bảo tôi nên cẩn thận vì ngành này rất khó khăn, rằng bà ấy đi cũng vì không thể làm được nữa.
Nhưng tôi không quan tâm, tôi muốn làm cái mới và tôi muốn thử thách bản thân.
Người sếp lớn cho tôi thử trong vòng 6 tháng. Và trong 6 tháng đấy, tôi lại rất thành công.
Cũng từ đấy, vì là quản lý nên tôi phải làm việc trực tiếp với nhiều đối tác và là người trực tiếp đưa ra các quyết định. Và tôi bắt đầu quen dần. Tôi gặp ông nào to lớn như thế nào, người Mỹ da trắng da đen hay da gì đi nữa, tiếng Anh như thế nào thì tôi cũng không cảm thấy sợ. Bởi vì tôi đã biết được là họ làm gì, họ muốn gì ở mình và mình muốn gì ở họ.
Trong cuốn sách mới xuất bản, Quang chia sẻ về câu hỏi khiến bạn luôn trăn trở thời đại học là "Mình làm gì với cuộc đời mình bây giờ?". Đến bây giờ thì sao, Quang đã tìm ra ước mơ của mình chưa?
Tôi nghĩ là 99% số chúng ta đều rất mơ hồ về việc "cuộc đời của mình sẽ làm gì", và sẽ làm gì cho phần đời còn lại. Khi chúng ta học đại học, thậm chí khi tốt nghiệp rồi cũng không biết được.
Năm nay tôi 25 tuổi, và vẫn đang trên hành trình tìm kiếm cái thực sự gọi là "đam mê". Thay vì tìm câu trả lời ngay lập tức, tôi cứ kiên trì và nhẫn nại, tìm kiếm cơ hội. Khi thấy cơ hội nào thì cứ mạnh dạn làm đã. Cơ hội đó sẽ mở ra cơ hội mới tiếp theo, và đến một lúc nào đó bạn sẽ nhận ra là "Ồ! mọi thứ đều có liên kết với nhau!" Chuyện chưa có đam mê ở người trẻ chẳng thành vấn đề gì, miễn sao luôn luôn nắm bắt cơ hội, và khi cơ hội tới rồi thì thực sự phải làm việc chăm chỉ.
Theo tôi tìm hiểu, Quang hiện nay có rất nhiều dự án dành cho các bạn học sinh, sinh viên miền núi, nông thôn. Bạn có thể chia sẻ một chút?
Ở Đăk Lăk, tôi có làm hai dự án: Diễn đàn Tuổi trẻ Tây Nguyên - giúp các bạn học thêm kỹ năng để làm các dự án xã hội; và dự án Think On - mang các bạn sinh viên quốc tế ở nước ngoài tới, giao lưu chia sẻ về các chủ đề kiến thức khác nhau cho các bạn học sinh cấp ba ở Tây Nguyên.
Những cơ hội giúp các bạn nông thôn tiếp xúc với người nước ngoài hay các bạn thành phố như thế này, sẽ giúp họ biết được những bạn cùng lứa tuổi có thể làm gì, có suy nghĩ như thế nào, việc học hỏi, trao đổi sẽ được nâng cao. Tôi thật sự mong muốn có thể giúp các bạn trẻ vùng nông thôn khám phá và phát huy tiềm năng của chính họ.
Đỗ Liên Quang của ngày hôm nay không còn là cậu học sinh rụt rè năm nào nữa. Lời khuyên của Quang – một học sinh "trường làng" đã bước ra ngoài khám phá thế giới rộng lớn, muốn nhắn gửi tới các bạn trẻ là gì?
Thế hệ trẻ chúng ta bây giờ thuận lợi ở điểm được sống trong một thế giới phẳng, lượng thông tin ắp đầy, vì thế, đầu tiên, hãy không ngừng tìm kiếm cơ hội. Hai là dũng cảm. Và ba là kiên trì. Khi có cơ hội thì hãy kiên trì, có thể không thành công ngay lập tức nhưng xin hãy kiên trì một chút.
Cám ơn bạn về cuộc trò chuyện này!
Trí Thức Trẻ