img
Hành trình hơn nửa thế kỷ của chiếc bánh trung thu đậm phong vị Hà Nội - Ảnh 1.

Nhìn cái cách cô Nguyễn Thị Xuân Thu - Giám đốc Sản xuất thoăn thoắt đưa chúng tôi đi tham quan từ phân xưởng này sang phân xưởng khác, rồi giải thích cặn kẽ, tỉ mỉ về cách chọn nguyên liệu, quy trình làm ra một chiếc bánh… ít ai biết được người phụ nữ này đã có tới 37 năm gắn bó với mái nhà Bánh mứt kẹo Hà Nội. Trở về từ chiến trường, học đại học, rồi về đầu quân cho công ty, cô Xuân Thu từng kinh qua những vị trí quan trọng như tổ trưởng sản xuất, phó giám đốc. Đến tuổi về hưu, tình yêu nghề đã giữ cô lại ở vị trí Giám đốc sản xuất. Giới thiệu về các sản phẩm, người phụ nữ đáng mến này luôn bắt đầu bằng câu “bánh nhà cô, bánh nhà cô” đầy trìu mến.

Hành trình hơn nửa thế kỷ của chiếc bánh trung thu đậm phong vị Hà Nội - Ảnh 2.

Dây chuyền nhào trộn nhân, bao bánh, đóng khuôn, đóng gói thành phẩm hiện đại góp phần đáng kể giảm sức lao động cho con người, nâng năng suất cho nhà máy lên mức tại mùa cao điểm có thể sản xuất tới 60.000 chiếc bánh/ngày. Nhưng cô Thu vẫn nhớ về những ngày đầu làm ra chiếc bánh truyền thống, người thợ phải tự tay gọt bí (làm nhân), pha vôi, trần vôi, trần bí, đưa lên gác phơi, rửa sạch, nướng bánh bằng lò than. Công đoạn làm bánh vất vả vô cùng mà năng suất lại không cao. Bù lại, chiếc bánh làm ra là kết tinh sức lao động, mồ hôi nước mắt của biết bao người thợ.

Bánh mứt kẹo HN

Cũng với thâm niên 38 năm gắn bó cùng công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội, nghệ nhân Hoàng Văn Bạo lại chia sẻ câu chuyện “cha truyền con nối” khi bố của ông cũng là một trong những nhân viên đầu tiên của xí nghiệp. Ở tuổi thanh niên, chàng trai trẻ Hoàng Văn Bạo chia tay công việc làm bánh trung thu cổ truyền tại thôn Nội Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì để về đầu quân cho xí nghiệp.

Hành trình hơn nửa thế kỷ của chiếc bánh trung thu đậm phong vị Hà Nội - Ảnh 4.

Nhìn cách chú Bạo vẫn đứng đầu bộ phận làm bánh dẻo, nhanh nhẹn nhào bột rồi chia các khúc bột một cách lành nghề cho dây chuyền nhồi bánh phía sau, mới thấy hết được độ “dẻo dai” của người đàn ông xấp xỉ lục tuần này. Không nói nhiều về những công thức nhà nghề hay bí quyết làm bánh, người đàn ông hồn nhiên khoe về không khí làm việc tại phân xưởng, về cách chú được đồng nghiệp yêu quý ban tặng danh hiệu “Mr đa năng” vì việc nào cũng xốc vác đi đầu. Nụ cười vẫn nở trên môi, dù mồ hôi đã ướt đẫm chiếc áo sau ca làm việc sáng.

Ở công ty, còn rất nhiều câu chuyện khác về những con người mà thâm niên gắn bó bằng cả quãng đời thanh xuân của mình. Để từ một xí nghiệp nhỏ ban đầu, tới nay BMK Hà Nội đã phát triển thành một công ty hiện đại với quy mô sản xuất lớn.

Hành trình hơn nửa thế kỷ của chiếc bánh trung thu đậm phong vị Hà Nội - Ảnh 5.

Ra đời với cái tên Công ty đường bánh kẹo Hà Nội, tới năm 1964, công ty chuyển đổi mô hình thành Xí nghiệp Bánh mứt kẹo Hà Nội. Là xí nghiệp duy nhất cung cấp nguồn bánh mứt kẹo cho thủ đô, thời gian đầu số lượng công nhân của xí nghiệp lên tới 300-400 người. Trải qua một thời gian dài, tới năm 1974, bộ phận sản xuất kẹo tách riêng thành một công ty khác. Kể từ đó, xí nghiệp Bánh mứt kẹo Hà Nội tập trung phát triển các sản phẩm bánh trung thu, mứt Tết, bánh ngọt, bánh qui cho thị trường.

Hành trình hơn nửa thế kỷ của chiếc bánh trung thu đậm phong vị Hà Nội - Ảnh 6.

Nhớ về những năm tháng bao cấp, ông Vương Trọng Tuấn - Phó Tổng giám đốc công ty kể lại: “Những năm tháng đó, trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa, bánh trung thu là loại mặt hàng được phân phối theo tem phiếu nên muốn mua được chiếc bánh, người dân phải xếp hàng từ rất sớm trước các cửa hàng thì mới mua được bánh trung thu. Đã thế, để đảm bảo phân phối đều, mỗi người chỉ được mua tối đa 2 chiếc bánh: 1 chiếc bánh nướng 1, chiếc bánh dẻo. Cảnh xếp hàng tại các cửa hàng tuy đông nhưng rất vui, ai cũng háo hức”.

Cứ đến mỗi mùa trung thu, được sở hữu vài cặp bánh nướng bánh dẻo là niềm vui của không ít gia đình. Với những nhà đông con, chiếc bánh được chia khéo léo thành 8 phần, 10 phần để ai cũng có thể nhâm nhi. Có thể đó cũng chính là lý do mà những vị mứt bí, vị mỡ, vị lạp xưởng hay vị lạc còn đọng lại lâu như thế với những người dân Hà Nội từng sống qua thời kì đó: cái thời kì trung thu tuy khó khăn nhưng ấm áp nghĩa tình.

Tới năm 2004, Công ty Bánh Mứt Kẹo Hà Nội được cổ phần hóa. Kể từ đó đến nay, bên cạnh sứ mệnh gìn giữ hương vị truyền thống Hà Nội trong mỗi chiếc bánh, công ty còn liên tục có những cải tiến, điều chỉnh để bắt nhịp cùng xu thế mới của thị trường, cũng như cung cấp nguồn bánh kẹo thơm ngon cho nhu cầu lớn của nhân dân Hà Nội, cũng như cả nước.

Hành trình hơn nửa thế kỷ của chiếc bánh trung thu đậm phong vị Hà Nội - Ảnh 7.

Giữa hàng loạt cửa hàng giới thiệu đủ loại bánh cho mùa trung thu năm nay, chuỗi cửa hàng của công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội có thể không bề thế hay “Âu hoá” bằng. Tuy nhiên, với những ai đam mê hương vị truyền thống, những ai trót đem lòng yêu các loại bánh nướng bánh dẻo “nhân tươi”, thì Bánh mứt kẹo Hà Nội vẫn là một cái tên gắn liền với tâm trí.

Chiếc bánh nướng bánh dẻo được làm ra vào mùa Thu, tuy nhiên ít ai biết rằng công đoạn chuẩn bị lại được bắt đầu từ mùa Xuân. Hàng năm, vào mùa Xuân, hàng chục tấn hoa bưởi được công ty thu mua, để chưng cất tạo thành nước hoa bưởi. Đó chính là bí quyết tạo hương thơm rất riêng mà chỉ thương hiệu Bánh mứt kẹo Hà Nội mới có. Mà thực ra hương hoa bưởi cũng chính là mùi hương tự nhiên được người dân Hà Nội yêu thích.

Giữ cái hồn cốt, mùi vị mà người Hà Nội yêu thích, chiếc bánh trung thu truyền thống thường bao gồm các loại nguyên liệu sau: lạc, mứt bí, lạp xưởng, mỡ muối kín, nước hoa bưởi, bột nếp. Gần 60 năm, nhân bánh vẫn đậm vị truyền thống với gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh, lạc vừng… hòa quyện lại tạo thành chiếc bánh với triết lý bánh nướng hình vuông tựa đất, bánh dẻo hình tròn tựa trời, đúng theo quan điểm của cha ông từ ngàn đời.

Hành trình hơn nửa thế kỷ của chiếc bánh trung thu đậm phong vị Hà Nội - Ảnh 9.

Ông Vương Trọng Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty chia sẻ: “Với slogan Tôn vinh truyền thống - Nồng ấm ân tình, mỗi sản phẩm công ty làm ra đều thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong thời buổi cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, bên cạnh việc giữ nguyên được hương vị truyền thống, công ty cũng rất chú trọng phát triển một số loại bánh đáp ứng nhu cầu thị trường như bánh trung thu nhân lạnh, nhân hạt khô… cho phù hợp hơn với khẩu vị của một bộ phận tiêu dùng trẻ”.

Hành trình hơn nửa thế kỷ của chiếc bánh trung thu đậm phong vị Hà Nội - Ảnh 10.

Mặt khác, tình người không chỉ được tô đậm trong từng chiếc bánh phục vụ khách hàng, mà còn được thể hiện chính trong văn hóa công ty cũng như cách họ đối xử với nhau tại nơi làm việc. Bất kể nhân viên nào cũng có thể say mê nói về công việc mình đang làm. Bất kể nhân viên nào cũng sẵn sàng tăng ca mỗi khi mùa cao điểm theo yêu cầu của công ty. “Cha truyền con nối”, những gia đình có tới 2 đời phục vụ công ty không phải là ít, vì với họ, chính tình yêu với công việc đã biến những người đồng nghiệp trở thành những người thân thiết trong gia đình. Đúng như ý nghĩa đoàn viên, sum họp mà mỗi mùa trung thu đều thầm nhắc.

Xin được kết lại câu chuyện về họ bằng một hình ảnh rất thú vị. Tại phân xưởng làm bánh dẻo, khi kết thúc một ca làm, bao gồm cả quá trình nhào bột, nhồi bánh, đúc khuôn… lông mày ai cũng bạc phơ vì bột bánh hệt như những ông tiên, bà tiên. Và ở nơi đó, chưa bao giờ dứt những nụ cười…

Hành trình hơn nửa thế kỷ của chiếc bánh trung thu đậm phong vị Hà Nội - Ảnh 11.
Trần Việt Anh
Dương Lê
Theo Trí Thức Trẻ



Trí Thức Trẻ