Hãng thời trang Forever 21 đệ đơn phá sản, dân tình rủ nhau tích tiền hốt hàng sale
Là một trong những thương hiệu thời trang tăng trưởng thần kỳ trên đất Mỹ, Forever 21 đã ngậm ngùi đệ đơn phá sản vào hôm Chủ nhật vừa qua.
Forever 21, thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới, giúp định hình xu hướng "fast-fashion*" (tạm dịch: thời trang ăn liền) đã đệ đơn phá sản trong sự ngỡ ngàng của giới mộ điệu.
Fast-fashion* hay "thời trang ăn liền" là gì?
Nếu như trong ẩm thực tồn tại khái niệm fast-food để chỉ những món ăn nhanh, có thể làm hài lòng số đông thì với người yêu thời trang cũng có khái niệm tương tự là "fast-fashion".
Nó đánh vào tâm lý "ăn liền" của đại đa số người tiêu dùng, thích ăn diện những món đồ hot hit trên các sàn diễn thời trang nhưng không phải bỏ ra quá nhiều tiền. Do đó, các hãng thời trang bình dân đã tận dụng triệt để tâm lý này để tạo ra "fast-fashion": Đổi mới liên tục các BST để ăn theo xu hướng chung nhưng giá bán lại rất phải chăng. Đó chính là nguồn gốc của thời trang "ăn liền".
Forever 21 đã gửi thư tới đông đảo khách hàng vào hôm Chủ nhật để thông báo: Forever 21 Inc. đã tự nguyện nộp đơn xin phá sản. Cụ thể, Forever 21 sẽ đóng cửa trên 170 cửa hàng với mục đích "tái cấu trúc".
Tuy nhiên, nhà bán lẻ có trụ sở tại California khẳng định việc đệ đơn phá sản không có nghĩa là họ sẽ rời bỏ thị trường Mỹ.
"Trái lại, đệ đơn xin bảo hộ phá sản là một bước đi có chủ ý và đúng đắn cho tương lai của công ty...", trích lá thư gửi tới khách hàng của Forever 21.
Ngoài ra, trò chuyện với Business Insider, người đại diện của Forever 21 cho biết: Họ đã có kế hoạch đóng cửa hầu hết các chi nhánh quốc tế ở châu Á, châu Âu nhưng vẫn sẽ tiếp tục hoạt động ở Mỹ, Mexico và khu vực Mỹ-Latinh.
"Đây là bước đi quan trọng và cần thiết để đảm bảo tương lai của Forever 21, điều này sẽ cho chúng tôi cơ hội tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, tái định vị thương hiệu", Linda Chang, Phó chủ tịch điều hành của Forever 21 cho biết.
Linda Chang
Theo New York Times, Chang khẳng định Forever 21 sẽ sớm ngừng hoạt động bán lẻ trên 40 quốc gia.
Theo đó, họ đã lên kế hoạch đóng cửa 178 cửa hàng ở Mỹ trên tổng số 350 chi nhánh toàn cầu. Tuy nhiên, Forever 21 vẫn sẽ tiếp tục vận hành website bán lẻ và hàng trăm cửa hàng nhỏ lẻ khác trên khắp nước Mỹ.
Chang cho biết, công ty đã mở rộng quá nhanh - phủ sóng 47 quốc gia chỉ trong chưa đầy 6 năm và vô tình gây ra sự "phức tạp về lợi nhuận và quản lý". Ngoài ra, sự thay đổi nhanh chóng của công nghiệp bán lẻ cũng như sự trỗi dậy của thương mại điện tử đã khiến doanh nghiệp này đối mặt với nhiều khó khăn.
"Ngành bán lẻ đang thay đổi từng ngày", cô nói với New York Times. "Đã có sự thuyên giảm về doanh số tại các trung tâm mua sắm, khách hàng đã đổ dồn sang thương mại điện tử".
Trên thực tế, thông tin Forever 21 đứng trước nguy cơ phá sản đã rộ lên từ 1 năm trước, khi công ty này thuê một nhóm các nhà tư vấn tài chính để tìm hướng tái cấu trúc thương hiệu.
Theo Bloomberg, những nỗ lực đó tỏ ra vô ích vì nhiều bất đồng trong nội bộ và hàng ngũ lãnh đạo, bao gồm cả đồng sáng lập Do Won Chang - người khăng khăng đòi duy trì cổ phần trong công ty
Là một công ty tư nhân, Forever 21 hiện có hơn 800 cửa hàng tại Mỹ, châu Âu, châu Á và khu vực Mỹ-Latinh. Dù không công khai doanh số, các nhà kinh tế ước tính thương hiệu với 30.000 nhân viên này có thể mang lại 3 tỷ USD hàng năm. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy họ đã vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt tại Trung Quốc và Anh.
Forever 21 được thành lập vào năm 1984, trở nên nổi tiếng vào đầu những năm 1990 nhờ ngành hàng thời trang giá rẻ, phù hợp với phụ nữ trẻ tuổi.
Sau khi thông tin Forever 21 đệ đơn phá sản lan truyền trên Facebook, dân tình có vẻ không quan tâm lắm nhưng vẫn liên tục "tag" chị em để canh mua sale cho rẻ.
Tham khảo B.I