Hàng quán điêu đứng trong mùa dịch nCoV

10/02/2020 08:50 AM | Kinh doanh

Chủ quán phải gồng mình trả lương cho nhân viên, bảo vệ và tiền thuê mặt bằng hằng tháng lên cả trăm triệu đồng, nhiều quán phải đóng cửa.

Trong lúc dịch nCoV đang có dấu hiệu bùng phát, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Cần Thơ… số lượng khách giảm mạnh. Thậm chí, những khu nhà hàng, khu mua sắm cũng lâm vào cảnh đìu hiu.

Lượng khách giảm từ 60% - 80%

TP HCM là thành phố được mệnh danh có nhiều "phố ăn uống" nhất nhưng các chủ quán ăn, nhà hàng, karaoke, cà phê… cũng "khóc ròng" vì đại dịch nCoV .

Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ các trung tâm mua sắm, hầu hết các quán ăn, nhà hàng gần nửa tháng nay vắng khách đến ăn uống. Khu ẩm thực nổi tiếng ở phố Bùi Viện, Lê Thánh Tôn, Bến Thành… (quận 1) trước đây rất đông khách nhưng hiện số lượng giảm đáng kể. Một số quán hải sản, lẩu cá, lẩu bò… dọc đường Điện Biên Phủ (phường 25, quận Bình Thạnh) cũng vắng vẻ. Khu phố ăn uống sầm uất dọc đường Phạm Văn Đồng (giáp ranh quận Bình Thạnh và Gò Vấp) lượng bàn trống chiếm đa số. Anh Hùng, quản lý quán Bia Sệt trên cung đường này, cho hay trước thời điểm xảy ra dịch nCoV quán anh lúc nào cũng kín khách. Khoảng 10 ngày trở lại đây, quán ế ẩm, thậm chí cả ngày không có khách nào ghé quán.

Anh Tuấn - chủ quán Nhất Nướng (phường Tam Bình, quận Thủ Đức) - mấy hôm nay như ngồi trên đống lửa vì quán của anh đầu tư hàng tỉ đồng, chưa thu lợi đã gặp khó. Trước đây, mỗi ngày quán có hàng trăm khách đến ăn nhậu. "Từ khi bùng phát dịch bệnh thì khách đến quán giảm đến 80%. Chúng tôi phải gồng mình trả lương cho nhân viên, bảo vệ và tiền thuê mặt bằng hằng tháng lên cả trăm triệu đồng. Giờ quán vắng khách thế này, chúng tôi không biết làm sao" - anh Tuấn nói.

Chủ một nhà hàng ở phố Thượng Đình (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cho biết từ sau khi Nghị định 100/2019 của Chính phủ về thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức triển khai, lượng khách ở quán đã giảm trên 50% so với trước. Sau Tết nguyên đán dịch nCoV hoành hành có nguy cơ lây nhiễm cao lượng khách ở quán giảm nghiêm trọng, thậm chí có ngày quán không có đến 1 bàn. Anh Luân, quản lý một quán bia trên đường Trung Kính (quận Thanh Xuân), cho biết: Vài tháng trước, khách lúc nào cũng chật kín bàn, doanh thu mỗi tháng trên 3 tỉ đồng. Bây giờ, tôi phải cho nghỉ gần hết nhân viên vì chi phí thuê nhân viên khá cao mà không thu hồi được lợi nhuận, đến vài đầu bếp giỏi tôi cũng cho nghỉ vì lượng khách quá ít.

(** các thông tin về Tác động tới kinh tế do nCoV gây ra tại đây)

Nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ được dân nhậu gọi vui là "phố ăn nhậu" như Võ Văn Kiệt, Lê Lợi, Đinh Tiên Hoàng, khu Hưng Phú, khu 586… cả tháng nay, hàng quán ở đây chỉ lác đác thực khách ra vào. Có quán vắng khách thường xuyên nên phải đóng cửa, treo bảng cho thuê quán.

Anh Long, quản lý quán ăn gia đình 6 Đời 5 (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) - một trong những hệ thống quán nhậu lớn nhất ở Cần Thơ - cho biết từ sau Tết đến nay, thực khách đến đây giảm từ 60% - 70%. Trong đợt dịch corona, dù quán có trang bị khẩu trang y tế cho nhân viên phục vụ để khách khỏi phải ngại khi tiếp xúc nhưng tình trạng ế ẩm vẫn không được cải thiện. "Khách vắng chưa từng thấy. Ngay cả 2 ngày cuối tuần nhưng quán chỉ có 1-2 bàn".

Ế ẩm vì vắng khách Trung Quốc

TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa mỗi tháng đón khoảng 200.000 lượt khách Trung Quốc đến lưu trú, chiếm gần 70% lượng khách quốc tế. Do ảnh hưởng dịch nCoV, nguồn khách dồi dào này dừng hẳn khiến hàng loạt nhà hàng, khách sạn, các dịch vụ phụ trợ đều điêu đứng.

Một chủ nhà hàng đường 23/10, TP Nha Trang, cho biết khách Trung Quốc thuộc nhóm chi tiêu ngoài tour rất cao. Họ rất chú trọng vào bữa ăn gia đình nên sẵn sàng chi cho bữa ăn sang trọng. Đặc biệt là hải sản, thường hơn 10 người trong gia đình khi vào nhà hàng sẽ kêu đến 10 con tôm hùm và rất nhiều món khác. "Khi các quán ở trung tâm mặt bằng cao, đường vào chật hẹp nên chúng tôi chọn nhà hàng xa chút chỉ cách trung tâm 1 km đang kinh doanh tốt thì "sập nguồn". Không còn lượng khách nên nhà hàng đành đóng cửa" - chủ nhà hàng thở dài.

Ngay cả khu vực nhà hàng nhộn nhịp nhất ở bờ kè Bắc và Nam sông Cái Nha Trang cũng hết sức neo người. Khu vực này, trước Tết và trong các ngày mùng 1, mùng 2 Tết rất đông khách, nhưng từ mùng 3 bắt đầu thưa dần thậm chí nhiều nhà hàng đóng cửa. Hiện chỉ còn một số quán chuyên phục vụ khách du lịch nội địa vẫn còn hoạt động nhưng các chủ quán này cho biết việc buôn bán rất khó khăn.

Trong khi đó, theo anh Lê Văn Đồng, chủ chuỗi 4 nhà hàng ở Nha Trang, hai nhà hàng chuyên phục vụ cơm đoàn cho khách du lịch nội địa và Trung Quốc buộc phải đóng cửa từ ngày 28-1 vì khách Trung Quốc không còn, đoàn khách Việt Nam hay Malaysia cũng hủy tour, một số đơn vị lữ hành đưa khách Trung Quốc bị "kẹt" cũng không dám nhận. Nhiều hợp đồng với khách Trung Quốc, Malaysia mỗi tháng quyết toán một lần mà gặp sự cố đến nay vẫn chưa thu hồi được nợ. Anh Đồng than thở: "Ngay cả 2 nhà hàng phục vụ khách đến uống bia cũng giảm 50% doanh số nhưng vẫn phải hoạt động để giữ lao động. Nếu kéo dài 1-2 tháng nữa chắc chắn nhiều nhà hàng, khách sạn ở Nha Trang chết đứng".

Tại TP Đà Nẵng, từ khi Sở Du lịch TP có công văn khẩn đề nghị tạm ngưng các hoạt động nhận khách Trung Quốc đến thành phố, khách đến các nhà hàng, điểm mua sắm tại các tuyến phố du lịch chính cũng rơi vào cảnh đìu hiu. Chị Nguyễn Hoàng Liên, chủ quán ăn Tứ xuyên - Đồ xào Trung Quốc (đường Trần Bạch Đằng, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết lượng khách sụt giảm kể từ ngày 27-1, đến nay chỉ còn chưa đến 30% so với ngày thường.

Cùng tình cảnh trên, các tiểu thương bán trái cây, đồ đặc sản tại phố du lịch An Thượng cũng "méo mặt" vì ế ẩm. Chị Nguyễn Phương Linh (chủ sạp trái cây tươi) cho biết trước đây mỗi ngày có hàng trăm lượt khách Trung Quốc, Hàn Quốc ghé sạp. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện dịch do nCoV gây ra, khách ghé quầy chỉ còn khoảng 30-40 lượt, chưa bằng một phần mười ngày thường.

 Hàng quán điêu đứng trong mùa dịch nCoV  - Ảnh 1.

Một quán bia lớn trên đường Trung Kính, TP Hà Nội chỉ có vài khách. Ảnh: NGÔ NHUNG

Giảm nhân viên, chuyển cách bán hàng

Hiện nay, Khu Du lịch Trăm Trứng, một trong những điểm tắm bùn khoáng hút khách nhất ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang, vừa có thông báo sẽ tạm ngừng phục vụ khách đến hết 15-4 để phòng ngừa dịch nCoV.

Ông Bùi Quốc Tuấn, chủ 3 cửa hàng chuyên phục vụ mua sắm, lưu niệm ở xã, cho biết hiện ông đã chi trả xong lương cho mấy trăm nhân viên và cho họ nghỉ phép, số nhân viên thời vụ thì cho nghỉ hẳn. "Chúng tôi đã tính đến phương án chuyển đổi, đa dạng khách nhưng không thể xoay kịp khi khách giảm 100%. Càng mở cửa thì càng lỗ, nên thà đóng cửa còn hơn" - ông Tuấn cho biết.

Ông Đỗ Xuân Tạo, chủ khách sạn bốn sao Vesna (đường Trần Phú), cho biết khách sạn với 350 phòng khi cao điểm đạt công suất đến 90%, bây giờ thì chỉ còn 15%, chủ yếu là khách Nga, Việt. "Khách sạn phải bỏ ra khoảng 50 triệu đồng để vận hành cùng các chi phí điện, nước cùng lương cho gần 140 nhân viên. Tình trạng không có nguồn thu kéo dài, chủ khách sạn buộc phải cắt giảm nhân sự. Không chỉ vậy các khoản lãi suất ngân hàng phải trả cũng khiến chủ doanh nghiệp đau đầu. Nếu tình hình này kéo dài, giải pháp hiện nay là chính quyền, cơ quan chức năng có ý kiến cho doanh nghiệp khoanh nợ ngân hàng để hỗ trợ" - ông Tạo đề xuất.

Khi được hỏi về kế hoạch sắp tới, anh Tuấn - chủ quán Nhất Nướng - cho biết anh đang định đề xuất đến cơ quan thẩm quyền xem xét về việc miễn thuế cũng như những chi phí khác. "Trước mắt chúng tôi sẽ áp dụng dịch vụ giao đồ ăn, thức uống đến tận nhà cho khách. Ngoài ra, xem xét cắt giảm hợp đồng với một số nhân viên, bảo vệ… để vượt qua giai đoạn khó khăn" - anh Tuấn buồn bã.

Chủ quán ăn Tứ xuyên - Đồ xào Trung Quốc này cho biết: "Cơ sở chủ yếu đón khách Trung Quốc nhưng với tình trạng này, nhà hàng đành phải chuyển sang nấu các món ăn Âu, Á khác để mở rộng nguồn khách nhằm bù lượng khách Trung Quốc thiếu hụt".

Bảo tàng cũng vắng khách

Không chỉ ẩm thực, các địa điểm văn hóa, du lịch tại Đà Nẵng cũng ghi nhận tình trạng ế ẩm, sụt giảm lượng khách tham quan. Theo ông Trần Văn Chuẩn, Trưởng Phòng Giáo dục truyền thông Bảo tàng Đà Nẵng, lượt khách trung bình đến với bảo tàng ước đạt từ 800 -1.000/lượt/ngày. Tuy nhiên những ngày gần đây, ước tính chỉ còn khoảng 100-300 lượt khách mỗi ngày.

Tái cơ cấu thị trường khách quốc tế

Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, hiện nay có hơn 770 cơ sở lưu trú dịch vụ với khoảng 42.470 phòng. Các khách sạn rơi vào tình cảnh cung cầu mất cân đối. Sở đang rà soát và ghi nhận khó khăn của doanh nghiệp để có kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ. Ngành du lịch địa phương đang nghiên cứu để tái cơ cấu lại thị trường khách quốc tế thì mới nâng cao chất lượng du lịch và không bị động vào một thị trường khách Trung Quốc. Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, trước tình hình vắng khách Trung Quốc, TP Đà Nẵng sẽ tăng cường xúc tiến các nguồn khách từ thị trường Nhật, Nga, Ấn Độ, Đài Loan… để bù vào lượng khách du lịch bị sụt giảm.

 Hàng quán điêu đứng trong mùa dịch nCoV  - Ảnh 2.

Theo Nhóm PV

Cùng chuyên mục
XEM