Hàng loạt siêu thị tích trữ thực phẩm, mua vào bất chấp, thế giới có nguy cơ sắp trải qua đợt tăng giá lương thực chưa từng có

14/07/2021 10:47 AM | Xã hội

Nhiều chuyên gia nhận định thế giới sắp phải trải qua đợt tăng giá lương thực chưa từng có, tương tự như các mặt hàng xăng dầu, chip điện tử... trước đó.

Trong thời gian qua, việc một số siêu thị tại Việt Nam găm hàng, tăng giá bán bất chấp bối cảnh dịch bệnh, cách ly vốn cần sự chung tay góp sức giúp đỡ của mọi người đã khiến dư luận bức xúc. Điều đáng ngạc nhiên là tình trạng này diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nơi trên thế giới, thậm chí ở cả những quốc gia đã khống chế được dịch bệnh hoặc có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Vậy chuyện gì đang diễn ra?

Từ chip điện tử đến xăng dầu, và bây giờ là lương thực

Việc găm hàng tăng giá thu lợi nhuận trong bối cảnh giãn cách vốn chẳng xa lạ khi các siêu thị muốn thu lợi nhuận bất chấp đạo đức. Tuy nhiên tại những nước đã khống chế được dịch hoặc nền kinh tế dần mở cửa trở lại, các siêu thị cũng đua nhau găm hàng thực phẩm, từ đường cho đến thịt đông lạnh nhằm đề phòng một đợt tăng giá mạnh. Nhiều giám đốc các chuỗi phân phối nhận định giá lương thực có thể tăng mạnh chưa từng có trong lịch sử.

Hàng loạt siêu thị tích trữ thực phẩm, mua vào bất chấp, thế giới có nguy cơ sắp trải qua đợt tăng giá lương thực chưa từng có - Ảnh 1.

Theo hãng tin CNN, sự hồi sinh của nền kinh tế sau đại dịch không khiến giá cả các mặt hàng giảm đi mà còn khiến chúng tăng mạnh hơn. Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng khiến các siêu thị buộc phải tăng giá nhập hàng hoặc thậm chí chẳng có hàng mà bán khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Trong khi đó, người tiêu dùng, đặc biệt là tại các quốc gia được trợ cấp mùa dịch mạnh như Mỹ lại đang có lượng tiền lớn để tiêu.

Ngoài ra, nhiều tháng bị kìm hãm trong nhà khiến người dân có nhu cầu lớn để tiêu dùng, trong khi hàng loạt hàng quán mở lại cũng kích thích doanh số mua hàng thực phẩm.

Hệ quả là hiện nay nhiều siêu thị cố tích trữ hàng để đối phó với lượng cầu đang ngày một tăng mạnh nhưng cũng chẳng đủ do nguồn cung không thể kịp phục hồi sau đại dịch. Các nhà máy, nông trại và mạng lưới vận tải chưa thể chuyển mình kịp nhằm đáp ứng nền kinh tế sau đại dịch. Đó là chưa kể hàng loạt mặt hàng thiết yếu như xăng dầu tăng giá mạnh, khiến chi phí đầu vào tăng cao.

Thậm chí người lao động cũng chưa chịu quay trở lại làm việc ngay vì quen ngồi nhà nhận trợ cấp. Việc dỡ bỏ giãn cách khiến họ muốn dành thời gian mua sắm, tận hưởng chứ chưa chịu quay trở lại các nhà máy, công ty ngay để làm việc.

Theo Wall Street Journal, nhiều siêu thị hiện nay chỉ nhận được khoảng 80% lượng hàng cung ứng dó gián đoạn chuỗi sản xuất.

Câu chuyện này chẳng khác gì cuộc khủng hoảng thiếu chip điện tử hay giá xăng dầu tăng mạnh trước đó, khi cầu bật tăng mà cung chẳng kịp đáp ứng.

Số liệu của NielsenIQ cho thấy 50/52 mặt hàng mà họ theo dõi đã tăng giá so với năm ngoái. Giá hải sản đã tăng bình quân 18,7% tính đến tháng 4/2021 trong khi các mặt hàng thực phẩm khác như bánh doughnut tăng giá tới 7,5% so với năm ngoái.

Tương tự, chỉ số theo dõi giá 23 loại hàng hoá chủ chốt Bloomberg Commodity Spot Index hiện đang ở mức cao nhất trong gần 10 năm qua. Phía Bloomberg Intelligence nhận định chi phí vận tải, nhân công và đầu vào tăng sẽ khiến lạm phát năm 2021 cao hơn nhiều so với những năm trước.

Hàng loạt siêu thị tích trữ thực phẩm, mua vào bất chấp, thế giới có nguy cơ sắp trải qua đợt tăng giá lương thực chưa từng có - Ảnh 2.

Giá hàng loạt mặt hàng lương thực tăng mạnh so với thời điểm tháng 2/2020

Trong khi đó, số liệu của Bộ lao động Mỹ (USLD) cho thấy mức tăng giá của các nhà hàng hiện đang nhanh hơn so với đà tăng của các siêu thị do họ nhạy cảm với giá thực phẩm hơn. Giá thực phẩm tại Mỹ trong tháng 5/2021 đã tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá thịt lợn tăng 3,2%, thịt cá tăng 1,9% còn sữa tăng 4,6%. Rau củ quả tăng bình quân 2,9% trong khi có những mặt hàng như cam tăng giá tới 9%.

Thậm chí theo tờ Business Insider, giá đồ ăn gọi mang về hiện cũng cao hơn 4,2% so với năm ngoái.

Găm hàng bất chấp

"Ngành kinh doanh của chúng tôi sẽ thu lời lớn nếu lạm phát đạt khoảng 3-4% trở lên", CEO Rodney McMullen của chuỗi siêu thị Kroger nhận định.

Đúng như vậy, số liệu của NielsenIQ cho thấy doanh số bán hàng thực phẩm tại Mỹ đã tăng khoảng 15% trong tháng 6/2021 so với cùng kỳ cách đây 2 năm và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Đà tăng này đang khiến lượng hàng tồn kho của các siêu thị vơi đi nhanh chóng.

Trong mùa dịch, người dân Mỹ và nhiều nước đã tích trữ lượng lớn hàng hoá và làm hao hụt kho dự trữ của các chuỗi phân phối. Giờ đây khi các siêu thị muốn mua thêm hàng tích trữ để bán thì lại gặp khó vì nguồn cung gián đoạn hoặc giá đầu vào quá cao.

"Chúng tôi đang mua vào mọi thứ với số lượng lớn. Kho dự trữ của chúng tôi đang cao hơn so với cùng kỳ năm trước", CEO David Smith của chuỗi siêu thị thực phẩm lớn nhất Mỹ AWG cho biết.

Chuỗi siêu thị AWG với hơn 3.000 chi nhánh trên cả nước này đã mua nhiều hơn 15-20% hàng hoá để tích trữ so với bình thường và chủ yếu là những mặt hàng lương thực có thể để dài ngày.

Tờ Wall Street Journal cho hay sự biến động về giá rất mạnh của các mặt hàng lương thực đang khiến siêu thị tăng cường trữ hàng để bảo vệ lợi ích bản thân. Bên cạnh đó việc giá đầu vào đi lên cũng khiến hàng loạt chuỗi siêu thị lớn như General Mills, Campbell Soup hay JM Smucker phải tăng giá bán.

Hàng loạt siêu thị tích trữ thực phẩm, mua vào bất chấp, thế giới có nguy cơ sắp trải qua đợt tăng giá lương thực chưa từng có - Ảnh 3.

Lương thực, thực phẩm đang trở thành mặt hàng "hot" sau đại dịch

Các chuyên gia dự đoán ngay cả những mặt hàng như thịt hay đồ hộp cũng sẽ tăng giá mạnh từ nay đến cuối năm do khan hiếm nguồn cung.

Hiện nay nhiều siêu thị tại Mỹ vẫn chưa tăng giá vội để cạnh tranh hút khách hàng khi nền kinh tế vừa mới mở cửa trở lại. Tuy nhiên với chi phí đầu vào tăng chóng mặt như hiện nay thì việc nâng giá là điều sớm hay muộn.

Tờ Wall Street Journal nhấn mạnh dù thực phẩm là mặt hàng khó tích trữ được lâu dài và các siêu thị sẽ lỗ to nếu găm hàng mà giá lại giảm, thế nhưng hàng loạt chuỗi phân phối lớn vẫn đua nhau mua vào nhiều hơn 15-25% so với năm ngoái với kỳ vọng giá sẽ còn tăng mạnh.

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM