Hàng chục nghìn người vẫn có thể chết vì dịch Covid-19 hàng năm kể cả khi đã có vaccine
Tại sao dịch Covid-19 vẫn có thể hoành hành kể cả khi có thuốc chữa? Hãy cùng xem ví dụ về dịch tả, căn bệnh xảy ra cách đây 200 năm và có vaccine nhưng vẫn giết hàng triệu người trên thế giới.
Dịch Covid-19 hiện đang diễn biến phức tạp và nhiều người mong chờ giới y học sẽ phát triển được vaccine hay bất cứ loại thuốc nào để chống lại căn bệnh này. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng nhìn vào lịch sử, tạo ra vaccine hay thuốc chữa bệnh là chưa đủ mà còn phải phổ cập được rộng khắp thế giới, bất kể giàu nghèo. Nếu không, bài học về dịch tả sẽ lại lặp lại một lần nữa.
Căn bệnh 200 năm
Cách đây 200 năm, dịch tả bắt đầu lan rộng thành đại dịch lần đầu tiên trên thế giới và đã giết chết ít nhất 50 triệu người. Hiện nay dù y học đã phát triển và con người cũng sản xuất được vô số vaccine hay dược phẩm chống dịch tả nhưng hàng chục nghìn người vẫn chết mỗi năm vì căn bệnh này. Thậm chí trong lúc bạn đọc xong bài viết này, khoảng 5 người trên thế giới đã tử vong vì dịch tả.
Trên thực tế, dịch tả đã được các nước Phương Tây khống chế khá tốt nhưng lại chẳng được quan tâm mấy tại những quốc gia nghèo. Nhiều chuyên gia lo ngại hiện nay dịch Covid-19 cũng diễn ra tình trạng tương tự khi các quốc gia giàu chăm chú phát triển vaccine và thuốc chữa bệnh nhưng chẳng thèm quan tâm dập dịch và giúp đỡ các bệnh nhân ở những nước nghèo.
Dịch tả vốn tác động trong hệ thống ruột và khiến bệnh nhân tiêu chảy. Chúng lây lan qua đường dịch, nguồn nước, môi trường tự nhiên hay thậm chí ký sinh qua các loài động vật, khiến các chuyên gia khó truy tìm được nguồn gốc. Những người nhiễm dịch tả nếu không được điều trị kịp thời sẽ co rút vì mất nước chỉ sau vài tiếng để rồi tử vong nhanh chóng sau đó.
Theo ghi nhận lâu đời nhất, dịch tả vốn chỉ tồn tại ở miền Tây Bắc Ấn Độ trong vài thế kỷ cho đến năm 1817 trước khi lây lan ra toàn thế giới và tạo thành đại dịch. Ban đầu, những binh sĩ và thương nhân Anh là người đã mang dịch bệnh này sang Đông Nam Á, Trung Đông, Tây Phi rồi Châu Âu vào thập niên 1920.
Năm 1831, bệnh nhân nhiễm dịch tả đầu tiên tại Anh là cô bé Isabella Hazard mới 12 tuổi. Bệnh nhân này vẫn khỏe mạnh vào sáng hôm trước nhưng lại thiệt mạng nhanh chóng vào chiều ngày hôm sau. Kể từ đây, dịch tả bắt đầu lan rộng ở Châu Âu và tạo thành "Cái chết xanh" (Blue Death) tại Phương Tây.
Thời kỳ này, khoa học chưa phát triển và con người vẫn chưa biết làm thế nào để đối phó đại dịch. Người dân vẫn mê tín tin rằng bệnh tật là do số mệnh, ma quỷ hay nhiều nguyên nhân khác. Quân đội Anh thậm chí đã nã pháo vào các ngõ hẻm tối tăm ở thuộc địa Jamaica để tiêu diệt "các thế lực đen tối tà ác đã tạo ra mầm bệnh".
Hàng triệu người đã chết vì đại dịch tả và chính phủ cũng như giới nhà giàu bắt đầu đổ tiền cho công cuộc nghiên cứu khoa học, tìm ra biện pháp đối phó.
Đến năm 1854, các nhà khoa học đã dần chứng minh được nguồn gốc lây nhiễm của dịch tả là qua đường nước và việc giữ vệ sinh có thể ngăn ngừa được căn bệnh này. Tuy nhiên đây lại là vấn đề lớn với các đế quốc đang cai trị thuộc địa của mình khi công cuộc bóc lột không thể đi kèm giữ vệ sinh.
Tại Ấn Độ khi còn là thuộc địa, nước sạch được phủ sóng khắp các vùng tô giới Anh nhưng lại chỉ chiếm 1% số diện tích còn lại, nơi những người bản địa sinh sống.
Bài học cho dịch Covid-19
Cho đến hiện nay, hơn 50% số hộ gia đình Ấn Độ vẫn chưa đảm bảo được vệ sinh cần thiết và dễ dàng bị lây nhiễm dịch tả. Khoảng 70% chất thải vệ sinh từ nhà xí bị đổ thẳng xuống sông mà không qua hệ thống nào. Hệ quả là hàng năm, Ấn Độ có khoảng 30.000 người chết vì dịch tả.
Con số này quả là trớ trêu khi ngày nay con người đã điều chế được rất nhiều loại vaccine cũng như dược phẩm. Chỉ cần 2 liều kháng sinh Dukotal là bạn có thể miễn dịch với bệnh tả trong vòng 5 năm.
Dẫu vậy, nhiều người nghèo Ấn Độ cũng chẳng thể dùng bởi Dukotal chỉ có tác dụng nếu bệnh nhân được dùng nước sạch và sống trong điều kiện vệ sinh, một thứ xa xỉ tại nhiều vùng quê. Thêm nữa, trong khi mỗi người anh chỉ cần làm chưa đến 1 giờ là đủ tiền mua Dukotal thì 1 nông dân Ấn Độ sẽ phải làm quần quật 3 ngày mới có tiền mua thuốc.
Theo nhiều chuyên gia, điểm chết người của dịch tả hay nhiều đại dịch khác trên thế giới là chính phủ chỉ chăm chú vào dập dịch, chữa bệnh của quốc gia họ mà bỏ qua các nước nghèo. Dẫu rằng có những gói cứu trợ, những chuyến hàng y tế nhưng chúng không giải quyết được gốc gác của vấn đề là đói nghèo. Với điều kiện vệ sinh tồi tàn, hệ thống cơ sở hạ tầng y tế kém, những nước nghèo vẫn sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho các mầm bệnh.
Hiện này, thế giới hàng năm vẫn có khoảng 3 triệu ca lây nhiễm và 100.000 người chết vì dịch tả sau khi căn bệnh này đã xuất hiện được hơn 2.000 năm. Thậm chí nếu tính trong khoảng 1/1 đến 25/3/2020, số người thiệt mạng vì dịch tả còn nhiều hơn dịch Covid-19.
Tuy vậy, thế giới lại chẳng quan tâm mấy đến dịch tả bởi dịch Covid-19 chưa tìm được vaccine và đang tác động đến nước giàu, còn căn bệnh gây nhiều người chết hơn kia thì vẫn chỉ loanh quanh các nước nghèo.
Đã 200 năm kể từ khi đại dịch tả bùng phát, hơn 150 năm khi vi khuẩn tả được xác định và 60 năm kể từ khi những liều thuốc hay vaccine có giá bình dân được phát triển nhưng hàng trăm nghìn người vẫn thiệt mạng.
Giờ đây khi dịch Covid-19 đang hoành hành, các chuyên gia lo ngại bài học về dịch tả sẽ lại diễn ra một lần nữa. Những nước giàu sau khi dập dịch thành công sẽ chẳng còn quan tâm nữa, trong khi các nước nghèo lại trở thành ổ dịch mới.
Ngày nay, các cường quốc trên thế giới vẫn tranh giành nhau thiết bị y tế, khẩu trang hay phát triển vaccine. Mỹ thậm chí quyết định rút tiền tài trợ với Tổ chứ y tế thế giới (WHO) và cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về dịch Covid-19.
Thay vì chung tay chống dịch, các quốc gia chỉ tập trung lo cho bản thân mình và nếu điều này tiếp tục, bài học dịch tả chắc chắn sẽ lặp lại. Dịch Covid-19 sẽ vẫn tồn tại ở các nước nghèo, giết hàng chục nghìn người mỗi năm và luôn sẵn sàng lây lan thành đại dịch bất cứ khi nào có cơ hội.