Hàng chục nghìn người dân Tp.HCM hẳn sẽ rất vui mừng khi biết tuyến đường và bờ kè dài 66km này sắp xây dựng
Ngày 12/3, Trung tâm chống ngập TP.HCM vừa trình trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình bờ kè kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.
Hai tuyến kè có tổng chiều dài hơn 66 km chạy qua địa bàn nhiều quận, huyện như quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân, Bình Chánh. Đây là công trình thuộc dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM, do trung tâm chống ngập làm chủ đầu tư.
Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên chạy qua nhiều địa bàn quận, huyện như quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân, Bình Chánh là tuyến kênh dài nhất TP.HCM hiện nay.
Theo thiết kế, hai tuyến kè dọc kênh có tổng chiều dài hơn 66 km, có đoạn làm kè đứng và kè nghiêng. Kè đứng dài 16 m, gia cố cọc xi măng đất. Kè mái nghiêng, đỉnh kè bê tông hộp rỗng…
Ngoài xây dựng kè dọc hai bên bờ kênh còn có các hạng mục nạo vét, chỉnh trang bờ kênh; làm mới, sửa chữa, các cống ngang đấu nối ra kênh... Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.570 tỉ đồng. Vốn vay từ Ngân hàng Thế giới.
Dự kiến công trình xây kè sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2017-2019. Cùng với tuyến kè này, dọc kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên cũng sẽ có hai trục đường được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí dự kiến hơn 3.480 tỉ đồng.
Trước đó, vào cuối năm 2016 Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) TP.HCM cũng đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt dự án xây dựng đường và các công trình hạ tầng kỹ thuật hai bên bờ kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (gọi tắt là dự án xây đường dọc kênh Tham Lương).
Dự án được thực hiện thông qua hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Nhà đầu tư lập đề xuất dự án là liên danh Công ty Cổ phần Phương Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư Pacific.
Đến nay, qua nhiều lần tổ chức lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành liên quan, phương án thực hiện dự án cơ bản đã hoàn tất. Theo đó, nhà đầu tư sẽ tự thu xếp và huy động vốn để thực hiện dự án và được UBND TP thanh toán bằng quỹ đất. Dự kiến dự án được thực hiện trong giai đoạn 2017-2019.
Cụ thể, theo đề xuất của nhà đầu tư, tuyến đường này sẽ chạy qua địa bàn huyện Bình Chánh, quận 8, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, quận 12 và Bình Thạnh. Mỗi trục đường đều có bốn làn xe, hai làn dành cho xe cơ giới rộng 7 m, hai làn dành cho xe thô sơ rộng 5 m, lề đường rộng đến 8 m.