Hàng chục ngàn căn hộ bị “treo” sổ hồng do tắc tiền sử dụng đất, doanh nghiệp địa ốc vẫn loay hoay chờ đợi

03/03/2022 13:55 PM | Kinh tế vĩ mô

Cho đến hiện tại, hàng chục nghìn căn hộ tại Tp.HCM vẫn mòn mỏi chờ sổ hồng, một trong những nguyên nhân chính là hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết.

Tại hội nghị về đẩy nhanh công tác cấp sổ hồng cho người mua nhà tại các dự án nhà ở trên địa bàn Tp.HCM mới đây, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM cho biết, Thành phố hiện có hơn 63.000 căn chưa được cấp sổ hồng.

Trong đó, có 37.421 căn hộ, nhà đất thuộc những dự án đã có văn bản thẩm định cấp sổ hồng (29.423 căn chưa nộp hồ sơ; 7.998 căn đã nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký đất đai, nhưng người mua đang thực hiện thuế hoặc hồ sơ đang rà soát). Còn khoảng 25.579 căn nhà ở tại những dự án mà người mua nhà đã nhận nhà đủ điều kiện cấp sổ hồng, nhưng chưa có văn bản thẩm định cấp sổ hồng theo quy định.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do vướng mắc nguồn gốc đất, chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung, cơ quan nhà nước đang thanh tra, kiểm tra, vi phạm trong xây dựng….

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc tiền sử dụng đất như hiện nay chính là bởi cơ chế phải qua 2 sở để nộp tiền sử dụng đất, dẫn đến thủ tục dễ bị chồng chéo, kéo dài. Ông Châu cho rằng, để tháo gỡ khó khăn trong việc nộp tiền sử dụng đất cần phải tìm được tiếng nói chung của doanh nghiệp và chính quyền về quy trình nộp tiền sử dụng đất dự án. Đặc biệt, thành phố cần lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp và sớm có hướng giải quyết để doanh nghiệp yên tâm triển khai, đảm bảo quyền lợi của các bên.

Trên thị trường BĐS Tp.HCM hiện nay, không ít doanh nghiệp BĐS loay hoay, đau đầu về vấn đề sổ hồng bị "treo", quyền lợi của cư dân bị ảnh hưởng. Đơn cử như Tập đoàn Hưng Thịnh với hơn 10 dự án bị treo sổ hồng. Đại diện tập đoàn này chia sẻ, quá trình thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất mất rất nhiều thời gian, phải từ 3 năm trở lên doanh nghiệp mới nộp được tiền sử dụng đất. Thậm chí, doanh nghiệp có nộp ứng trước khoản thuế này thì cũng đến 5 – 7 năm sau vẫn chưa được thông qua phương án giá đất. Minh chứng là chung cư Lavita Garden (quận Thủ Đức) của đơn vị này dù đã được triển khai thủ tục thẩm định giá đất từ cuối năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã 4 lần trình phương án giá đất lên Hội đồng thẩm định giá đất thành phố, nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt thông qua. Hay dự án Richmond ở quận Bình Thạnh cũng không xác định được giá đất, dù có căn cứ tờ trình của Sở, cuối cùng doanh nghiệp xin tạm nộp 50% để có cơ chế tiếp theo thực hiện dự án.

Hay, tại hội thảo trước đó, ông Bùi Xuân Huy, đại diện Tập đoàn Novaland từng chia sẻ: "Nhiều dự án của chúng tôi bị chậm sổ hồng vì tiền sử dụng đất. Có dự án đã đóng tiền sử dụng đất 2 -3 năm vẫn chưa được cấp sổ. Đơn cử, doanh nghiệp có một dự án đưa vào sử dụng thời điểm năm 2017 - 2018, chủ đầu tư đã xin tạm nộp tiền sử dụng đất và được UBND TP chấp thuận cho tạm nộp 50% tiền sử dụng đất. Thế nhưng đến nay thủ tục xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng vẫn chưa hoàn thành. Thậm chí, một dự án khác công ty đã hoàn thành công tác định giá, đóng đủ 100% tiền sử dụng đất và nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cho người dân, nhưng đến nay hồ sơ vẫn nằm chờ".

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp BĐS Tp.HCM, khâu tính tiền sử dụng đất trở thành "nỗi ám ảnh" của chủ đầu tư mỗi khi dự án phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch kiến trúc. Bởi dù doanh nghiệp thực hiện đúng nội dung điều chỉnh, nhưng lại không có cơ quan có thẩm quyền nào chịu trách nhiệm để xác định doanh nghiệp có phải đóng tiền sử dụng đất hay không.

Trong khi đó, người dân ở các chung cư hiện đang bị "treo" sổ hồng do chủ đầu tư chưa thể đóng tiền sử dụng đất liên tục đòi quyền lợi. Họ cũng chính là đối tượng gánh hệ quả của những ách tắc giữa doanh nghiệp và nhà nước. Theo cưd ân, việc định giá đất, xác định tiền sử dụng đất mà chủ đầu tư phải nộp là việc riêng giữa chính quyền và chủ đầu tư, không liên quan đến người mua căn hộ.

Trước tình hình trên, nhằm tháo gỡ điểm điểm nghẽn để đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho người dân, Tp.HCM đã có các phương án như phân các dự án thành hai loại để đề xuất phương án giải quyết. Hay đề xuất Bộ Tài nguyên môi trường và Bộ Tài chính xem xét tháo gỡ vướng mắc trong khâu thẩm định giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính.

UBND TP. HCM cũng đã ban hành Quyết định về sửa đổi bổ sung một số điều của quy định giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn thành phố ban hành kèm Quyết định 36/2017 trước đó. Song, thực tế tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất vẫn còn chậm.

Tại Hội nghị trước đó, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Tp.HCM cho biết, mục tiêu từ nay đến tháng 12/2023, Sở TNMT sẽ chủ trì phối hợp với các Sở, ngành và chủ đầu tư dự án giải quyết cấp sổ hồng cho 37.421 căn nhà đã đủ điều kiện cấp sổ hồng.

Tháo gỡ những dự án còn vướng mắc trong cấp sổ hồng cho người mua, cụ thể như: những dự án có vi phạm xây dựng; những dự án phải rà soát, xác định nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung do dự án có thay đổi các chỉ tiêu quy hoạch, và vướng mắc cấp sổ hồng cho loại hình bất động sản mới (shophouse, Oficetel).

Sở TNMT cũng sẽ chủ động cùng với Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố để đẩy nhanh công tác thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với các dự án nhà ở.

Hoàn thiện, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ. Cụ thể, trong công tác tiếp nhận hồ sơ, phải đảm bảo được số lượng hồ sơ nộp được nhiều nhất và trong thời gian nhanh nhất; người mua nhà, chủ đầu tư dự án có thể dễ dàng tra cứu thông tin để biết được tiến độ giải quyết hồ sơ.

Phối hợp với cơ quan thuế xây dựng quy chế phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ xác định nghĩa vụ tài chính cho người mua nhà.

Theo Bảo Anh

Cùng chuyên mục
XEM