Hạn chế xe cá nhân tại Hà Nội: Đề xuất lùi thời điểm thực hiện đến năm 2035

22/11/2023 07:47 AM | Xã hội

Sau 6 năm thực hiện đề án quản lý phương tiện giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đề án đã thực hiện được 31/37 nhóm giải pháp và hiện đang được rà soát, cập nhật thêm. Với đề án thu phí xe ô tô vào nội đô và phân vùng hoạt động xe máy, đang được xây dựng theo hướng mở rộng phạm vi không gian ra ngoài Vành đai 3 và lùi thời gian dừng hoạt động xe máy đến năm 2035.

Bổ sung thêm nhiều trạm thu phí

Trao đổi với PV Tiền Phong , TS. Đinh Thị Thanh Bình, Trung tâm Tư vấn phát triển giao thông vận tải (Trường Đại học Giao thông vận tải), đơn vị được Sở GTVT lựa chọn là đơn vị tư vấn xây dựng dự thảo đề án thu phí vào nội đô cho biết, sau khi xây dựng xong đề án thu phí xe cơ giới vào nội đô, đề án đã được Sở GTVT Hà Nội báo cáo thành phố 3 lần. Sau lần báo cáo thứ 3 vừa qua, đề án đã cập nhật, bổ sung một số nội dung mới cho phù hợp với tình hình thực tế, trong đó có mở rộng phạm vi được lựa chọn làm ranh giới khu vực thu phí giữa nội và ngoại thành; tăng thêm các trạm/vị trí thu phí so với 2 lần báo cáo trước.

Hạn chế xe cá nhân tại Hà Nội: Đề xuất lùi thời điểm thực hiện đến năm 2035 - Ảnh 1.

Hà Nội đang có hơn 7,8 triệu phương tiện xe máy, ô tô và đang tiếp tục gia tăng chưa có kiểm soát Ảnh: Trọng Đảng

TS. Bình cho biết, trong lần báo cáo vừa qua, tư vấn đã khảo sát và bổ sung lên 100 trạm, trước đây là 87 trạm. Cùng với đó, ranh giới để xác định giữa khu vực nội thành và ngoại thành là tuyến đường Vành đai 3 thay vì chỉ đến khu vực cầu Thăng Long và cầu Thanh Trì, đã được kéo dài ra cả khu địa giới hành chính sẽ trở thành quận trong thời gian tới, là huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm. Từ thực tế này, ranh giới để mở rộng các trạm thu phí sẽ có thêm các tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn, Nguyễn Văn Linh (đây là các tuyến đường cuối cùng khép kín Vành đai 3).

Như vậy, sau khi bổ sung thêm các tuyến đường này, phạm vi thu phí ô tô vào nội đô theo báo cáo lần 3 sẽ là Vành đai 3 (dưới thấp) - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3. Mức phí cho một lượt xe ô tô loại tiêu chuẩn (từ 12 chỗ ngồi trở xuống) đi vào nội đô được tư vấn đề xuất để thành phố xem xét, phê duyệt là từ 50.000 - 100.000/lượt.

Cũng theo TS. Đinh Thị Thanh Bình, sau khi Sở GTVT báo cáo thành phố lần 3, đơn vị đang tiến hành bước lấy phiếu điều tra xã hội học theo hình thức trực tuyến đối tượng bị ảnh hưởng của đề án, từ đó có thêm cơ sở để Sở trình thành phố xem xét, phê duyệt mức phí phù hợp. Trang web đang được lấy ý kiến trực tuyến có địa chỉ: https://docs.google.com.

Cần ưu tiên phát triển vận tải công cộng

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 7,8 triệu phương tiện tham gia giao thông; trong đó xe máy là 6,6 triệu, ô tô là hơn 1 triệu. Tốc độ tăng trung bình mỗi năm là 4 -5%, riêng ô tô tăng 18%.

Hiện cả xe máy và ô tô chưa có quy định khống chế số lượng cấp biển số cho cá nhân người sử dụng, mỗi cá nhân có thể sử dụng 1 hoặc nhiều xe, dẫn đến số lượng phương tiện gia tăng mỗi năm rất cao. Theo thống kê, nếu năm 2017 (khi bắt đầu triển khai Đề án quản lý xe cá nhân) toàn thành phố có 6,5 triệu phương tiện xe máy, ô tô; đến hết năm 2022 (sau 5 năm) tổng phương tiện xe máy tại Hà Nội là 7,8 triệu, tăng 1,3 triệu (tương đương tăng 20%).

Hạn chế xe cá nhân tại Hà Nội: Đề xuất lùi thời điểm thực hiện đến năm 2035 - Ảnh 2.

Đề án hạn chế xe cá nhân tại Hà Nội đang được xem xét mở rộng ra ngoài Vành đai 3. Ảnh: Trọng Đảng

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách Hà Nội cho biết, để thu phí ô tô vào nội đô từ năm 2025 và dừng xe máy tại các quận vào năm 2030, vận tải công cộng phải đáp ứng được 20% nhu cầu vào năm 2020 và năm 2025 là 30 đến 35%, sau năm 2030 là 50%. Tuy nhiên, đến tháng 6 năm nay (qua mốc năm 2020 hơn 2 năm), vận tải công cộng Hà Nội mới đáp ứng được 19%. Vận tải vẫn trông chờ vào xe buýt là rất bất cập, bởi xe buýt chỉ là phương tiện khai thác ở giai đoạn quá độ, quãng đường ngắn, lại không phải phương tiện vận chuyển lớn. Do chưa có phương tiện di chuyển thay thế nên chưa thể buộc người dân bỏ xe cá nhân.

TS Phan Lê Bình - chuyên gia JICA cho rằng, thu phí vào nội đô chỉ là một trong các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông. Để giải bài toán giao thông Hà Nội cần nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, trong đó ưu tiên phát triển vận tải công cộng; quy hoạch lại không gian đô thị trong đó có giảm mật độ trong khu vực nội đô.

Theo ông Bình, nếu trong khu vực nội đô trong 5 năm hay 10 năm tới vẫn tập trung những cơ quan thu hút người dân như trụ sở giao dịch hành chính, trung tâm thương mại, trường học… thành phố có thu phí 50.000 đồng hoặc trên 100 nghìn đồng/lượt xe ô tô, vì tính chất công việc, nhu cầu cấp thiết người dân vẫn sẵn sàng trả phí để đi xe cá nhân vào nội đô.

Kỳ vọng đường sắt đô thị

Theo dự thảo Quy hoạch chung Thủ đô đang được UBND thành phố đưa ra lấy ý kiến nhân dân, các quận huyện, thị xã và tổ chức xã hội thì khu vực nội thành Hà Nội không còn được xác định từ đường Vành đai 3 như hiện nay. Cùng với đó không gian đô thị đã vươn ra ngoài khu vực Vành đai 3 sau khi dự án đường Vành đai 4 hoàn thành và các huyện Đông Anh, Sóc Sơn lên quận. Cấu trúc đô thị Hà Nội sẽ thay đổi toàn diện, trong đó có cả cấu trúc dân cư, kéo theo đó là định hướng giao thông và nhu cầu đi lại của người dân cũng sẽ thay đổi.

Với cuộc sống và việc đi lại của người dân khi thực hiện đề án hạn chế xe cá nhân, Thành ủy Hà Nội vừa có chỉ đạo, trong đó lưu ý cơ quan thực hiện, trong mọi trường hợp nội dung nào của đề án được đưa ra phải đánh giá được các tác động ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân, tránh làm ảnh hưởng đến lưu thông, đi lại.

Để giải quyết được 40 đến 50% nhu cầu đi lại của người dân, ngoài xe buýt, đường sắt đô thị trong 5 đến 10 năm tới sẽ được xác định là "cứu cánh". Theo quy hoạch của Thủ tướng trong giai đoạn 2016 - 2030 Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị, trong đó giai đoạn 2016- 2020 phải xong 6 tuyến, nhưng đến nay Hà Nội mới có 1 tuyến. Vận tải công cộng vẫn trông chờ vào xe buýt, chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân theo mục tiêu đề ra.

Từ thực tế trên, đầu năm nay Bộ Chính trị đã có Kết luận số 49, trong đó với Hà Nội nêu rõ, từ nay đến năm 2035 phải hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch (10 tuyến). Khi Hà Nội có thêm mạng lưới đường sắt theo quy hoạch đưa vào hoạt động thì việc đáp ứng 50% nhu cầu của người dân là hoàn toàn khả thi. Đến lúc này việc dừng xe máy tại các quận nội thành là phù hợp nhất. Theo đó, Sở GTVT đang nghiên cứu phương án lùi việc phân vùng dừng hoạt động xe máy đến thời điểm 2035.

Trao đổi với PV Tiền Phong về kết quả thực hiện “Đề án quản lý phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội” (Đề án quản lý xe cá nhân), trong đó có 2 đề án thành phần trọng tâm là thu phí ô tô vào nội đô và dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, đề án có 37 nhóm giải pháp, trong đó Sở GTVT với vai trò là cơ quan thường trực đã triển khai được 31 nhóm giải pháp (đạt 83%).

Trọng Đảng

Cùng chuyên mục
XEM