'Hám của lạ': Nguyên nhân khiến Trung Quốc dễ dính những đại dịch như Sars hay Covid-19

17/02/2020 14:15 PM | Xã hội

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc (UN) cho thấy thị trường buôn bán động vật hoang dã trên thế giới có tổng giá trị lên tới 23 tỷ USD mỗi năm và Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ lớn nhất.

Trước tình hình dịch Covid-19, chính phủ Trung Quốc đã siết chặt quản lý các nhà hàng, chợ cóc cũng như thị trường giao dịch động vật hoang dã trên cả nước nhằm hạn chế sự lây lan của virus. Gần 700 đối tượng đã bị bắt giữ do vi phạm lệnh cấm săn bắn, giao dịch và tiêu thụ động vật hoang dã.

Trong chiến dịch bắt giữ này, khoảng 40.000 động vật từ sóc, chồn cho đến lợn rừng đã bị tịch thu.

Trên thực tế, câu chuyện ăn thịt động vật hoang dã đã trở nên quá quen thuộc ở Trung Quốc với niềm tin rằng nếu tiêu thụ chúng, con người sẽ nhận được những chất bổ mà không loại dược phẩm nào có thể cung cấp. Ham muốn trường thọ, khỏe mạnh hay đơn giản là muốn thể hiện sự giàu có khi mua thịt động vật hoang dã đắt đỏ đã khiến thị trường này bùng nổ không kiểm soát suốt nhiều thập niên.

Hám của lạ: Nguyên nhân khiến Trung Quốc dễ dính những đại dịch như Sars hay Covid-19 - Ảnh 1.

Thậm chí ngay cả khi dịch Covid-19 bùng nổ làm tăng rủi ro nhiễm bệnh khi ăn thịt động vật hoang dã, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường này cũng chẳng thể biến mất ngay được. Giới truyền thông cho biết việc buôn bán các động vật như khỉ, lừa, hươu, thậm chí cá sấu cùng nhiều loài khác vẫn đã, đang và sẽ diễn ra bất chấp sự nghiêm khắc của chính quyền Bắc Kinh.

"Tôi sẽ tiếp tục mở bán lại khi lệnh cấm chấm dứt sau mùa dịch. Mọi người thích mua động vật hoang dã. Họ mua để ăn hoặc làm quà biếu bởi chúng có giá trị lớn, tạo dựng được hình ảnh cho người tặng quà", anh Gong Jian, chủ một cửa hàng bán động vật hoang dã cho biết.

Anh Gong cho biết mình có lưu trữ thịt cá sấu và hươu trong tủ lạnh khi lệnh cấm vì dịch Covid-19 bùng nổ. Dẫu vậy với những loài như chim cút thì anh buộc phải giết bỏ do các siêu thị ngừng mua trứng trong khi thịt của chúng không thể ăn được dù có để đông lạnh đi chăng nữa.

Trong những ngày qua, các nhà khoa học dù chưa có một bằng chứng rõ ràng chứng minh được mối liên quan giữa virus Corona với thịt động vật hoang dã như loài dơi nhưng những nghi ngờ cũng đủ để chính quyền Bắc Kinh vào cuộc.

Nguyên nhân chính tạo nên sự nghi ngờ này là do những ca nhiễm bệnh đầu tiên bùng phát từ chợ giao dịch hải sản cùng nhiều động vật hoang dã ở Vũ Hán. Kể từ cuối tháng 1/2020, Trung Quốc đã ra lệnh tạm ngừng đóng cửa các khu chợ có giao dịch động vật, đồng thời khuyến cáo người dân không nên ăn các loại thịt này để đảm bảo an toàn sức khỏe.

Bệnh từ đường miệng mà ra

Việc bùng phát dịch Covid-19 đang khiến xã hội, truyền thông và các chuyên gia tranh cãi nảy lửa về thị trường thịt động vật hoang dã. Hơn 1.700 người chết ở Trung Quốc đã được xác nhận là do Corona. Trước đó ở đại dịch Sars năm 2003, nhiều nhà khoa học cũng tin rằng chúng được lây lan ban đầu qua động vật hoang dã.

Hiện rất nhiều nhà khoa học, nhà bảo vệ môi trường đã kêu gọi chính phủ cấm vĩnh viễn việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã.

Hám của lạ: Nguyên nhân khiến Trung Quốc dễ dính những đại dịch như Sars hay Covid-19 - Ảnh 2.

"Chúng ta có một thói quen rất tệ hại là dám ăn mọi thứ. Chúng ta phải dừng việc ăn thịt các động vật hoang dã lại và bỏ tù những người vi phạm", một bình luận trên trang mạng Sina bức xúc bày tỏ về tình hình ăn thịt động vật ở Trung Quốc.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc (UN) cho thấy thị trường buôn bán động vật hoang dã trên thế giới có tổng giá trị lên tới 23 tỷ USD mỗi năm và Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ lớn nhất.

Thậm chí nghiên cứu của Tổ chức điều tra môi trưởng (EIA) cho thấy dịch Covid-19 chẳng những làm giảm mà còn thúc đẩy một số hoạt động buôn bán động vật ở nhiều nơi như Trung Quốc hay Lào. Nguyên nhân chính là do niềm tin vô căn cứ vào những liệu pháp điều trị dùng nguyên liệu động vật, ví dụ như sừng tê giác để điều trị giảm sốt.

Tại Trung Quốc, việc ăn thịt động vật hoang dã không đơn thuần chỉ là sở thích mà còn là biểu tượng cho sự giàu sang. Nền y học cổ truyền của nước này cũng có rất nhiều tài liệu sử dụng động vật hoang dã làm thuốc. Giới nhà giàu thì thích mua các con vật quý hiếm về làm thú cưng, hoặc về để trưng bày làm cảnh.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, chính phủ Trung Quốc đã cho phép các trang trại nuôi và giao dịch 54 loài động vật hoang dã như chuột đồng, đà điểu, chồn, cá xấu… Rất nhiều người mặc dù được cấp phép để nuôi các loài động vật hoang dã cho mục đích bảo tồn nhưng cuối cùng lại bán chúng cho thị trường chợ đen hoặc những nhà sưu tầm.

Tại những vùng như Quảng Châu, khoảng 83% số người được hỏi cho biết họ đã từng ăn động vật hoang dã trong vài năm trở lại đây.

Theo chuyên gia Erin Sorrell của trường đại học Georgetown-Washington, khoảng 70% số bệnh truyền nhiễm từ động vật hiện nay có nguồn gốc từ hoang dã. Những căn bệnh nguy hiểm như HIV, Ebola hay Sars đều có xuất phát điểm từ động vật tự nhiên.

Thật đáng buồn là tại những chợ động vật, sự tiếp xúc không khí, nước có khả năng lan truyền virus rất mạnh mà tạo nên những đại dịch không mong muốn.

Vào năm 2003, đại dịch Sars bùng nổ và chính quyền Bắc Kinh cấm giao dịch động vật hoang dã. Chỉ 6 tháng sau, lệnh cấm này bị dỡ bỏ và mọi chuyện lại quay trở lại như cũ.

Câu chuyện với dịch Covid-19 lại đang lặp lại khi chính quyền cấm các chợ động vật hoang dã mở cửa nhưng câu hỏi mà nhiều chuyên gia lo lắng là lệnh cấm này sẽ tồn tại đến bao giờ khi mối nguy hiểm đại dịch vẫn còn hiện hữu.

Hám của lạ: Nguyên nhân khiến Trung Quốc dễ dính những đại dịch như Sars hay Covid-19 - Ảnh 5.

AB

Cùng chuyên mục
XEM