Hai lần đánh bại Quan Vũ, khiến Tôn Quyền phải nhận thua, đây mới là đệ nhất danh tướng Tam Quốc
Hóa ra vị danh tướng này còn là sư huynh của Triệu Vân.
Sự thay đổi của vị danh tướng
Cuối thời Đông Hán, Lưu Biểu tự Cảnh Thăng, là dòng dõi Lỗ Cung vương Lưu Dư nhà Hán. Ông được triều đình sắc phong làm Kinh Châu Mục. Sau khi ổn định nơi này, Lưu Biểu không muốn mở rộng để tranh hùng với các sứ quân Trung Nguyên mà chỉ chuyên tâm phát triển dân sinh. Từ đó, Kinh Châu trở thành vùng đất bình yên trong thời Tam Quốc loạn lạc, nhiều người lựa chọn nơi đây để sinh sống, trong đó có Gia Cát Lượng.
Gia Cát Lượng nhìn thấy vấn đề nên nhận định rằng Lưu Biểu "không thể làm chủ" và khuyến khích Lưu Bị chiếm cứu Kinh Châu. Đáng tiếc, Lưu Bị không thể hoàn toàn chiếm cứ Kinh Châu nên nơi này sau đó trở thành "miếng bánh" cho Ngụy Thục Ngô tranh giành.
Khi Tào Tháo thống nhất phương Bắc, ông quyết định đưa quân về phía Nam thống nhất giang sơn. Trong lúc Tào Tháo xuống phương nam, Lưu Biểu chết vì tuổi già sức yếu, con trai ông là Lưu Tông kế nhiệm chức Kinh Châu mục.
Tuy nhiên, Lưu Tông biết thực lực yếu đã vội quy hàng Tào Tháo, do đó những tướng dưới quyền cũng theo quy thuận, trong đó có Văn Sính. Ban đầu, Văn Sính không đến gặp Tào Tháo, phải đến khi Tào Tháo cho mời riêng và hỏi nguyên nhân. Văn Sính đáp: "Ta không giữ được bờ cõi, xấu hổ khi gặp người đời." Những lời này khiến Tào Tháo hết sức khen ngợi, nói rằng: "Trọng Nghiệp, khanh cũng là một tướng sĩ trung thành". Tào Tháo bị thuyết phục bởi lòng trung nghĩa của Văn Sính, từ đó trọng dụng, phong làm Thái thú Giang Hạ và trao cho binh quyền.
Danh tướng 2 lần đánh bại Quan Vũ
Văn Sính, tự Trọng Nghiệp, là người thuộc huyện Uyển thuộc quận Nam Dương. Văn Sính trong Tam Quốc chí chỉ xuất hiện một vài lần tuy nhiên ông được đánh giá là danh tướng không kém gì Triệu Vân. Theo sử sách ghi lại, Văn Sính là sư huynh của Triệu Vân, hai người là học trò của Đồng Uyên.
Văn Sính là một người văn võ song toàn, tài hoa hơn người, trung nghĩa chính trực. Trong lịch sử, Văn Sính có ba thành tích lớn, hai trong số đó là đánh bại Quan Vũ và một là đánh bại lãnh chúa Giang Đông lúc bấy giờ là Tôn Quyền.
Cụ thể, lần đầu tiên là vào năm Kiến An thứ mười tám, Văn Sính và Nhạc Tiến đại chiến với Quan Vũ ở Tầm Khẩu và đánh bại Quan Vũ. Văn Sính nhờ đó mà lập được đại công, được phong danh hiệu Diên Thọ Đình Hầu, và còn được phong làm tướng quân thủ thành.
Lần thứ hai, Văn Sính không làm tướng thủ thành, mà cầm binh chủ động tiến quân, ông ở Hán Tân tấn công Quan Vũ, đột nhập vào Kinh Châu, phóng hoả đốt cháy hàng loạt chiến thuyền, chiếm giữ đồ quân nhu. Cũng chính là sau trận chiến này, Quan Vũ chủ quan để mất Kinh Châu.
Danh tướng khiến Tôn Quyền nhận thua
Theo Nhị Lý Tang Văn Lã Hứa Điển nhị Bàng Diêm truyện, năm 220, Tào Phi phế Hán Hiến Đế lên ngôi, thăng Văn Sính tước Trường An Hương hầu, cho Giả tiết. Ông giúp Hạ Hầu Thượng vây Giang Lăng của Đông Ngô. Hạ Hầu Thượng sai Văn Sính cầm riêng một cánh quân đóng ở Miện Khẩu, chống giữ Thạch Phạm. Ông tự gánh vác một đội quân, ngăn giặc lập công, được thăng làm Hậu tướng quân, tước Tân Dã hầu.
Tôn Quyền thân chinh đưa năm vạn quân đến vây Văn Sính ở Thạch Dương. Văn Sính kiên quyết cố thủ, Tôn Quyền đóng giữ hơn hai mươi ngày phải lui về. Văn Sính mang quân truy kích đánh tan quân Ngô.
Nhà Tào Ngụy chia thực ấp của ông và phong cho con ông là Văn Đại làm Liệt hầu và ban cho cháu họ của ông là Văn Hậu tước Quan nội hầu.
Sau này Văn Sính qua đời không rõ năm nào, được ban thuỵ là Tráng hầu.
Qua những thông tin kể trên trong Tam Quốc chí và Nhị Lý Tang Văn Lã Hứa Điển nhị Bàng Diêm truyện, ta có thể thấy, nếu xét trên phương diện đấu tay đôi thì Văn Sính không thể lọt vào danh sách 10 vị tướng mạnh nhất thời Tam Quốc. Nhưng bàn về thống quân đánh trận, Văn Sính xứng đáng là danh tướng bậc nhất thời Tam Quốc.
Thậm chí, Trần Thọ trong Tam Quốc chí từng bình luận rằng "Văn Sính trấn thủ Giang Hạ mấy chục năm, rất có ân uy, bên ngoài Đông Ngô nể sợ." Điều này cũng cho thấy thực lực của Văn Sính quả thực đáng gờm.
*Nguồn: Sohu, Sina.