HAGL sẽ thoái vốn khỏi Hoàng Anh Myanmar, áp lực thanh khoản vẫn là bài toán khó cần sớm tìm ra lời giải!

22/04/2019 10:48 AM | Kinh doanh

Từ quý 4/2018, HAGL đã không còn ghi nhận nguồn thu từ dự án Hoàng Anh Myanmar, HAGL cho biết có kế hoạch thoái vốn trong tương lai.

Trong báo cáo thường niên vừa được công bố, Hoàng Anh Gia Lai xác định là 2019 năm bản lề quan trọng để HAGL đi vào giai đoạn 2020 - 2025, phát triển bền vững, làm đòn bẩy đưa HAGL trở thành Tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Châu Á vào năm 2025.

Để thực hiện mục tiêu này, ngoài mở rộng diện tích cây ăn trái, chọn lọc danh mục sản phẩm hiệu quả và kiện toàn bộ máy quản trị, Tập đoàn cho biết sẽ tập trung quản trị bằng ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở số hóa và cơ giới hóa cho tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp: từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến chuyên biệt theo nhóm cây ăn trái và cây công nghiệp, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Trong đó, bầu Đức không quên nhấn mạnh việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Ô tô Trường Hải (Thaco) có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của HAGL.

Theo đó, "với nguồn sức mạnh được cộng hưởng, nội lực hiện tại đang được củng cố, tôi tin rằng HAGL sẽ sớm vượt qua khó khăn để bước vào giai đoạn phát triển bền vững, vươn xa tầm Châu lục", thông điệp bầu Đức gửi gắm trong báo cáo thường niên.

Áp lực thanh khoản HAGL vẫn lớn!

Nhìn lại năm 2018, nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn và biến động khó lường. Nhu cầu đối với phần lớn các nguyên liệu sản xuất, trong đó có mủ cao su, vẫn ở mức thấp, giá cả chưa thể phục hồi ổn định. Chính vì vậy, ngành cao su của Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn đối mặt với vô vàn khó khăn.

"Áp lực thanh khoản vẫn là bài toán khó mà HAGL cần sớm tìm ra lời giải", bầu Đức chia sẻ trong báo cáo.

Thật vậy, tính đến ngày 31/12/2018, HAGL còn lỗ lũy kế hơn 36 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn. Đồng thời, Tập đoàn cũng vi phạm một số điều khoản của khoản vay và trái phiếu. Kiểm toán cũng tiếp tục nhấn mạnh sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.

Theo đó, BCTC hợp nhất kiểm toán 2018 của HAGL tiếp tục được lập trên giả định hoạt động liên tục, tức kiểm toán giả định Tập đoàn có thể sử dụng các tài sản và thanh toán các khoản nợ phải trả trong hoạt động kinh doanh bình thường ở tương lai gần. Tính đến cuối năm qua, mặc dù có giảm, tuy nhiên nợ vay vẫn chiếm 50% tổng tài sản, nhìn chung tổng nợ vẫn cao hơn vốn chủ.

 HAGL sẽ thoái vốn khỏi Hoàng Anh Myanmar, áp lực thanh khoản vẫn là bài toán khó cần sớm tìm ra lời giải!  - Ảnh 1.

Mặc dù vậy, nhờ vào thành quả của ngành cây ăn trái đã đầu tư từ năm 2016, bầu Đức nhấn mạnh HAGL đã duy trì ổn định mức doanh thu, tạo ra một phần nguồn thanh khoản để trang trải chi phí hoạt động và đầu tư mở rộng diện tích cây ăn trái.

Trong năm 2018, ngành cây ăn trái đã mang lại nguồn doanh thu khả quan với mức 2.897 tỷ đồng, đóng góp 53,8% trong tổng doanh thu của Tập đoàn. Đến cuối năm 2018, tổng diện tích cây ăn trái đã trồng được là 18.675 ha với các sản phẩm chủ lực là chuối, thanh long, xoài, mít, bưởi da xanh, và hơn 10 loại cây ăn trái khác.

Riêng chuối đạt tổng diện tích vườn đến cuối năm 2018 là 4.658 ha. HAGL chủ yếu xuất khẩu chuối qua đường biển và đường bộ vào Trung Quốc và sang một số nước khác như Hàn Quốc, Singapore. Sản lượng chuối năm 2018 đạt 107.689 tấn mang lại doanh thu 1.550 tỷ đồng.

HAGL hướng đến tự động hoá tất cả các khâu tại mảng cây ăn trái

Đặc kế hoạch cho năm 2019, trước hết mảng chủ lực hiện nay, với diện tích cây ăn trái này, HAGL dự kiến sẽ mang lại nguồn doanh thu chủ lực, khẳng định chiến lược tái cơ cấu kinh doanh đang đi đúng hướng.

HAGL dự kiến tổng doanh thu thuần 5.125 tỷ đồng, giảm gần 5%; lợi nhuận trước thuế là 88 tỷ đồng, tăng 85% so năm trước. Trong đó, cây ăn trái sẽ là mảng chủ lực trong cơ cấu nguồn thu, dự kiến mang lại 4.401 tỷ đồng, tương đương đóng góp tỷ trọng 86% tổng doanh thu 2019.

Xa hơn, HAGL hướng dần đến tự động hóa tất cả các khâu sản xuất, từ làm đất, trồng cây, làm cỏ đến thu hoạch, đóng gói, và bảo quản sau thu hoạch. HAGL cũng sẽ đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất chế biến hiện đại, tạo ra các sản phẩm từ trái cây với chất lượng cao như nước ép trái cây cô đặc, sấy khô, và cấp đông để xuất khẩu, có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

 HAGL sẽ thoái vốn khỏi Hoàng Anh Myanmar, áp lực thanh khoản vẫn là bài toán khó cần sớm tìm ra lời giải!  - Ảnh 2.

Cao su sẽ khai thác toàn bộ vào 2022, dự kiến thoái vốn khỏi bất động sản

Về mảng cao su, trong năm qua, HAGL duy trì ổn định và chăm sóc 47.122 ha cao su, trong đó 20.361 ha tại Lào, 4.972 tại Việt Nam và 21.789 ha tại Campuchia. HAGL đang vận hành 1 nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 25.000 tấn/năm tại Lào. Dự kiến đến năm 2022, toàn bộ diện tích cao su sẽ được đưa vào khai thác nếu giá mủ cao su phục hồi.

Đặc biệt tại mảng bất động sản, doanh thu cho thuê và cung cấp dịch vụ của dự án Hoàng Anh Myanmar tính đến 9/2018 là 709 tỷ đồng.

Từ tháng 9/2018, HAGL Land từ công con trở thành công ty liên kết của HAGL sau khi công ty này tăng vốn dẫn đến sở hữu của HAGL tại đây giảm xuống còn 47,89%. Kể từ thời điểm này, HAGL không còn nắm quyền kiểm soát HAGL Land cũng như với dự án HAGL Myanmar.

Trong BCTC hợp nhất năm 2018 đã không còn ghi nhận nguồn thu từ dự án Hoàng Anh Myanmar từ quý 4 HAGL cho biết có kế hoạch thoái vốn trong tương lai. Phía Thaco sẽ nắm quyền kiểm soát HAGL Land để tiếp tục đầu tư vào giai đoạn 2 của dự án Hoàng Anh Myanmar Center.

Ngoài ra, đối với Bệnh viện Đại học Y Dược HAGL trong năm 2018 đã tạo ra doanh thu 255 tỷ đồng và đã có lợi nhuận. Tuy chưa góp tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của Tập đoàn, nhưng Bệnh viện lại có những đóng góp quan trọng đối với xã hội, giúp HAGL tham gia nhiều hoạt động từ thiện và cũng giúp ích nhiều cho công tác chữa trị cho cán bộ, nhân viên của Tập đoàn.

Cuối cùng, hoạt động thể thao vẫn tiếp tục được duy trì nhằm đóng góp cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam nói riêng và cho xã hội nói chung.

Tựu trung, HAGL năm 2018 với sự hỗ trợ từ Thaco đã dần đi qua đỉnh điểm khó khăn, tuy nhiên chặng đường phía trước vẫn còn dài.

 HAGL sẽ thoái vốn khỏi Hoàng Anh Myanmar, áp lực thanh khoản vẫn là bài toán khó cần sớm tìm ra lời giải!  - Ảnh 3.

Theo Tri Túc

Từ khóa:  hagl , Myanmar
Cùng chuyên mục
XEM