Hà Nội trải qua đợt nắng nóng kỷ lục: Người nghèo quay quắt kiếm sống

03/06/2021 08:34 AM | Xã hội

Với những người làm nghề lao động tay chân, những ngày nắng nóng gay gắt ở Hà Nội khiến họ hao tổn nhiều sức lực, tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, vì gia đình, họ vẫn bươn chải kiếm sống.

Chị Vũ Thị Ngọc (quê Thái Bình) phải đặt một chậu nước mát trước quạt để giải nhiệt trong những ngày nắng nóng cao điểm
Chị Vũ Thị Ngọc (quê Thái Bình) phải đặt một chậu nước mát trước quạt để giải nhiệt trong những ngày nắng nóng cao điểm

Mong kiếm 30.000 đồng/ngày để trả tiền thuê trọ

​​​​​​​Nằm sâu trong con hẻm nhỏ luôn “tối om” trên đường Bạch Đằng (phường Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), khu nhà trọ xập xệ (được gọi vui “xóm trọ thiên đường” của người thu nhập thấp). Khu xóm trọ tồn tại cả chục năm nay với gần 25 căn phòng rộng 9m2, mỗi căn từ 2 đến 3 người ở với giá thuê 30.000 đồng/ngày và đóng theo tháng là 600.000 đồng.

“Sáng nay nhà chị đi lượm lon chai được 3.000 đồng”, gạt dòng mồ hôi đang chảy ròng ròng trên gương mặt đen sạm, người phụ nữ trong ngôi nhà đầu tiên ngại ngùng đề nghị không nêu tên khi kể với chúng tôi về một buổi sáng mưu sinh sau khi đi gần chục km qua các con phố để lượm ve chai.

Câu chuyện của những người nghèo trong khu xóm trọ quanh đi quẩn lại với việc sáng nhặt được bao nhiêu ve chai, chiều nhặt được bao nhiêu lon bia, lon nước ngọt. Niềm vui kiếm được 10.000 đồng lan tỏa qua từng căn phòng giúp xua đi cái nóng hầm hập của mùa hè khi một người phụ nữ áo ướt sũng mồ hôi, khẩu trang bịt kín mặt mở cửa căn phòng trọ đối diện khoe: “Em may mắn hơn được hẳn 10.000 đồng”.

Dịch COVID-19, nhiều người vốn là công nhân lâm vào cảnh thất nghiệp, thu nhập bị giảm mạnh phải tìm đến những khu nhà trọ giá rẻ này để có thể sinh sống.

Chị Vũ Thị Ngọc (quê tại Thái Bình) cho hay, chị chuyển đến khu trọ này từ hồi đầu tháng 5. Trước đó, chị Ngọc thuê nhà ở Phúc Tân. “Giá thuê ở đây là rẻ nhất rồi nhưng tôi và chồng vẫn đang nợ tiền nhà chưa thể trả được. Nếu bốn ngày nữa chúng tôi không có tiền thì chắc chắn lại phải ra đường ở”. Vừa nhìn vào thùng gạo đã hết từ hai hôm trước, chị Ngọc cúi mặt, rưng rưng nói.

Anh Nguyễn Văn Chí (chồng chị Ngọc) đi nhặt ve chai từ sáng đến tối vẫn không đủ trang trải các chi phí sinh hoạt. Anh Chí từng có một công việc bưng bê tại nhà hàng. Hiện tại, nhà hàng đóng cửa, anh buộc phải ra đường thu lượm từng lon bia, mảnh bìa đem bán. Phố đi bộ Hồ Gươm cuối tuần giờ chẳng còn ai, rác cũng không còn để anh nhặt. Đi cả ngày nhưng đến lúc về, trong túi anh Chí chỉ có 50.000 đồng. Nếu đóng tiền trọ thì sẽ không còn tiền để ăn.

Các phòng trọ tuềnh toàng đến mức chỉ có duy nhất một đường dây điện. Chỉ khi ngoài đường đã tối hẳn họ mới dám lắp đèn vào để lấy ánh sáng. Những chiếc xoong chỏng trơ trên nền bê tông nứt nẻ. Thứ giá trị nhất là một chiếc nồi cơm điện, nhưng có những ngày chẳng có gạo để nấu.

Trời nắng như đổ lửa cộng mùi ẩm mốc từ những bức tường xập xệ khiến khu trọ càng ngột ngạt hơn. Trong hơn 20 căn phòng trọ, thứ giải nhiệt duy nhất chỉ là những chiếc quạt lọc xọc chạy đằng sau một chậu nước nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Thụy (quê tại Nam Định) cho hay, phòng nhỏ nên đến tối, ông cùng vợ và con gái phải nằm xoay người để có thể duỗi chân ngủ trên chiếc giường ọp ẹp trong căn phòng rộng 9m2.

Anh Trần Đức Tuấn (quê tại Ninh Bình) rời quê vài năm, lên Hà Nội lập nghiệp mưu sinh bằng việc làm xe ôm. Không có tiền “đầu tư” một chiếc điện thoại thông minh để chạy xe công nghệ, anh Tuấn chỉ biết đứng ở các bến xe liên tỉnh, bến xe bus đón khách dạo cùng chiếc xe máy cũ nát. Dịch COVID-19 trở lại, khách đi lại ở các bến xe ít hẳn. Tiền nợ phòng trọ thì ngày càng nhiều, anh quyết định bán xe để trang trải cuộc sống và trở thành một người nhặt ve chai. Hiện anh vẫn đang tìm kiếm chỗ tuyển dụng công nhân xây dựng nhưng vẫn chưa thấy.

Công nhân công trình giao thông chuyển sang làm đêm

Nhiều công trình giao thông Hà Nội là dự án trọng điểm đã không thể thi công vào ban ngày. Để vừa đảm bảo sức khỏe cho công nhân vừa đảm bảo tiến độ, các công trình này chuyển sang thi công về đêm.

Theo tiến độ, hiện mỗi ngày dự án hầm chui Lê Văn Lương Hà Nội cần duy trì khoảng 200 kỹ sư, công nhân thi công thường xuyên. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt những ngày qua thời tiết Hà Nội nắng nóng kỷ lục, nhiều lúc nhiệt độ đo được ngoài trời lên đến 40 - 45 độ C, không thể đứng thi công, nên các nhà thầu tại đây đã cho phần lớn công nhân tạm nghỉ thi công vào ban ngày.

Có mặt tại công trường hầm chui Lê Văn Lương chiều 2/6, chúng tôi ghi nhận, toàn bộ dự án chỉ có khoảng 20 công nhân thi công. Những phần việc các công nhân này đang thực hiện tại dự án là đào đường hào để di chuyển, hạ ngầm hệ thống cống thoát nước. Do thi công dưới thời tiết nắng nóng trên 40 độ C, lại ở độ sâu khoảng 10 mét so với mặt đất nên mồ hôi ướt sũng áo bảo hộ. Cứ 1 giờ công nhân phải thay một bộ mới.

"Người nhà ở quê cũng không khá giả gì, thế nên khổ sở mấy tôi cũng phải cố gắng ở lại đây mưu sinh".

Anh Tuấn chia sẻ

Ông Nguyễn Khoa Hồi, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Ban Giao thông - chủ đầu tư) phụ trách thi công tại dự án hầm chui Lê Văn Lương cho biết, theo kế hoạch thi công và đảm bảo phòng chống dịch, mỗi ca, mũi thi công tại dự án nhà thầu được huy động tối đa 10 người. “Tuy nhiên, để vừa đảm bảo phòng dịch, vừa đảm bảo sức khỏe cho công nhân chúng tôi chỉ yêu cầu nhà thầu huy động khoảng 5 - 10 người/ca thi công. Còn lại dành thời gian thực hiện các công việc vào ban đêm”, ông Hồi nói.

Theo ông Hồi, do thời tiết nắng nóng, nên Ban Giao thông vừa chấp thuận phương án thi công về ban đêm của các nhà thầu. Cụ thể, thay vì thi công toàn bộ vào ban ngày, từ hơn tuần qua, các nhà thầu được bố trí đầy đủ nhân lực thi công về ban đêm, thời gian từ 17h đến 21h. “Tuy có gặp khó khăn trong việc huy động, vận hành máy móc, phối hợp với các đơn vị có liên quan, nhưng thi công về đêm thời tiết mát hơn, công nhân được đảm bảo sức khỏe và cũng không ảnh hưởng nhiều đến giao thông đi lại của người dân trên đường”, ông Hồi thông tin.

Tại các công trường như mở rộng, hoàn thiện đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở, đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, mở rộng đường Vũ Trọng Phụng… các chủ đầu tư là đại diện UBND thành phố Hà Nội, Ban Giao Thông, UBND các quận… cũng đồng ý cho các nhà thầu được phép huy động nhân công thi công giãn cách, luân phiên hoặc về ban đêm. Mục đích của việc này là vừa phòng chống dịch vừa tránh nắng nóng, đảm bảo sức khỏe cho kỹ sư, công nhân tại các công trường.

Đức Huy - Trường Phong- Trọng Đảng

Cùng chuyên mục
XEM