Hà Nội tính thay nhiều cây xanh

24/10/2022 13:47 PM | Xã hội

Những cây xanh bị sâu bệnh không có khả năng điều trị, cây già cỗi, cây còi cọc, cong, nghiêng, không đạt yêu cầu thẩm mỹ và kém phát huy tác dụng cải thiện môi trường ở Hà Nội sẽ được thay thế

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Quy định quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố.

Hà Nội tính thay nhiều cây xanh - Ảnh 1.

Nhiều loại cây xanh được trồng trên đường phố ở Hà Nội những năm qua. Ảnh: Hữu Hưng

Dự thảo nêu nhiều nội dung như nguyên tắc quản lý cây xanh đô thị; phân công, phân cấp quản lý hệ thống cây xanh đô thị; quy hoạch, kế hoạch đầu tư, phát triển cây xanh công cộng đô thị…

Tại nội dung "Kế hoạch đầu tư, phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị 5 năm và hàng năm", dự thảo nêu một số nội dung chính như: Khảo sát, lập kế hoạch trồng mới, cải tạo, chỉnh trang cây trên đường phố, trong công viên, vườn hoa và các khu vực công cộng khác của đô thị và các dự án đầu tư xây dựng công trình trong đó có hạng mục cây xanh.

TP Hà Nội sẽ khảo sát, chặt hạ và trồng thay thế cây bị chết, cây có nguy cơ không bảo đảm an toàn, cây có nguy cơ gãy đổ đột ngột.

TP Hà Nội dự kiến sẽ khảo sát, lập kế hoạch thay thế cây bị sâu bệnh không có khả năng điều trị, cây già cỗi, cây còi cọc, cong, nghiêng, không đạt yêu cầu thẩm mỹ và kém phát huy tác dụng cải thiện môi trường; cải tạo cây xanh thuộc danh mục cây cấm trồng trong đô thị.

Sở Giao thông vận tải, UBND cấp huyện và các Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng thành phố và các đơn vị có liên quan thực hiện lập kế hoạch đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình trong đó có hạng mục cây xanh sử dụng công cộng đô thị 5 năm và hàng năm trên địa bàn phạm vi quản lý, gửi về Sở Xây dựng tổng hợp, trình UBND TP ban hành.

Về nội dung "Trồng cây xanh đô thị", cây xanh đường phố, cây trồng thuộc các dự án đầu tư được thiết kế đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật. Trước khi phê duyệt hồ sơ thiết kế chủ đầu tư gửi cơ quan quản lý nhà nước về cây xanh để thống nhất về chủng loại, tiêu chuẩn, thời gian chăm sóc, bảo vệ, bảo hành cây xanh.

Việc trồng mới, bổ sung, thay thế cây xanh trên cùng một tuyến đường phố (đối với tuyến đường, phố đang có hệ thống cây xanh hiện trạng), Hà Nội sẽ lựa chọn một loài cây chủ đạo để trồng mới, thay thế, bổ sung cho đoạn đường. Khoảng cách cây trồng phải bảo đảm theo quy định và theo phân loại cây xanh đô thị; trồng cây ở khoảng trước tường ngăn giữa hai nhà phố, tránh trồng giữa cổng hoặc chính diện nhà dân, cơ quan, tổ chức.

Tại các dải phân cách, nút giao thông, ngoài việc phải tuân thủ các quy định về bảo vệ an toàn giao thông tổ chức trồng cây bóng mát, cây mảng, cây bụi, hoa tạo thành mảng xanh tăng cảnh quan, mỹ quan đô thị; cây xanh được trồng không che khuất biển, đèn tín hiệu giao thông, đảm bảo tầm nhìn cho người tham gia giao thông; trường hợp tán cây rộng che khuất biển, đèn tín hiệu giao thông thì phải di dời hoặc cắt tỉa tán để bảo đảm tầm quan sát.

Về việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị, Sở Xây dựng có thẩm quyền cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh trong trường hợp cây xanh do UBND TP quản lý; UBND cấp huyện cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh trên địa bàn hành chính quản lý...

Bộ Công an yêu cầu định giá cây xanh các loại trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016-2018

Liên quan đến vấn đề cây xanh ở Hà Nội, Hội đồng định giá tài sản theo vụ việc trong tố tụng hình sự TP Hà Nội đang tiến hành định giá tài sản là cây xanh (cây bóng mát) các loại trồng trên đường phố TP Hà Nội trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2018, có chủng loại, quy cách, kích thước cây theo hồ sơ dự toán, hồ sơ phê duyệt đặt hàng đợt 1, đợt 2 năm 2016; đợt 1, đợt 2 năm 2017; đợt 1, đợt 2, đợt 3 năm 2018 giữa Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội với Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng Hà Nội và chủng loại, quy cách, kích thước cây theo hồ sơ dự toán, hồ sơ phê duyệt đặt hàng đợt 1 năm 2016; đợt 1, đợt 2, đợt 3 năm 2018 giữa Công ty TNHH Phát triển Sinh Thái Xanh với Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng Hà Nội; thời điểm định giá: tháng quý 1, 2, 3, 4 năm 2016; quý 1, 2, 3, 4 năm 2017; quý 1, 2, 3,4 năm 2018 (theo hồ sơ dự toán, hồ sơ phê duyệt đặt hàng của các đơn vị nêu trên) theo Yêu cầu định giá số 424/YC-CSKT-P9 ngày 24-8-2022 của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Để có cơ sở thực hiện định giá tài sản theo quy định, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP Hà Nội đề nghị các đơn vị tư vấn định giá xem xét, nghiên cứu tài sản cần định giá tại Yêu cầu định giá số 424/YC-CSKT-P9 ngày 24-8-2022 của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Theo B.H.Thanh

Cùng chuyên mục
XEM