Hà Nội tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi

22/04/2020 10:09 AM | Xã hội

Chiều 21/4, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp với một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn Thành phố nhằm tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Báo cáo tại cuộc họp, số liệu từ Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thống kê vào tháng 3/2020, Hà Nội có 31 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, giảm 20% so với năm 2019 (39 cơ sở); 1.096 cơ sở kinh doanh thức ăn, giảm 5,5% so với năm 2019. Nguyên nhân giảm là do năm 2019 bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, kéo dài gây ảnh hưởng lớn đén các hoạt động sản xuất chăn nuôi con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… Một số doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, dùng hoạt động do không tìm được thị trường cho đầu ra của sản phẩm, một số công ty sản xuất với số lượng chỉ bằng 1/3 đến 1/4 sản lượng so với cùng kỳ năm 2017, 2018.

Hiện trên địa bàn Hà Nội có một số cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn như: Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam có công suất 50.000-60.000 tấn/tháng; Công ty TNHH New Hope Hà Nội có công suất 12.000-20.000 tấn/tháng...

Doanh nghiệp khan hiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu

Tại cuộc họp, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết, dịch bệnh Covid-19 dẫn đến khan hiếm nguồn nguyên liệu nhập bởi các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu nhập khẩu 70%-80% nguyên liệu từ Nam Mỹ, Mỹ và châu Âu. Đặc biệt nếu dịch bệnh kéo dài, giá cả leo thang, trong nước không có nguồn nguyên liệu thay thế dẫn đến việc sản xuất đình trệ, giá thành sản phẩm cao. Khó khăn trong việc vận chuyển, lưu thông tiêu thụ trong nước trong thời gian dịch bệnh,…

Đại diện Tổng Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam miền Bắc cho biết, là đơn vị sản xuất kinh doanh nông nghiệp, sản xuất chăn nuôi khép kín, với công suất sản xuất 60 nghìn tấn/1 tháng, 720 nghìn tấn/năm. Nhưng từ năm 2017 giá lợn giảm, người chăn nuôi giảm đàn thì công suất sản xuất của đơn vị giảm xuống còn hơn 600 nghìn tấn/năm. Mặc dù không gặp nhiều trục trặc về nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng công ty cũng đã tăng mức dự trữ nguyên liệu khoảng 1,5 tháng và những nguyên liệu vi lượng cũng tăng dự trữ lên 2-3 tháng.

Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Công ty đã bảo đảm phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế (sát khử khuẩn, đeo khẩu trang, làm việc cách 2m, đổi ca làm,…). Tuy nhiên, công ty này mong muốn Sở Y tế Hà Nội có những hướng dân cụ thể nếu công ty có người bị F1, F2,… thì xử lý như thế nào để doanh nghiệp chủ động ứng phó, không gián đoạn việc sản xuất.

Đại diện Công ty Tân Phương Đông (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, trước đây sản xuất của công ty đạt 75.000 tấn/năm, đạt 70%-80% công suất nhưng từ khi dịch bệnh xảy ra đã ảnh hưởng đến năng suất của nhà máy, nay nhà máy chỉ đạt 40%-50% công suất. Hiện doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn cung nhập khẩu; các đối tác nước ngoài tăng giá bán. Lượng dự trữ nguyên liệu sản xuất cơ bản của nhà máy chỉ còn được 2 tháng nữa. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Thành phố tháo gỡ khó khăn trong việc sớm giảm lãi suất cho nhóm doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Đại diện Công ty TNHH New Hope miền Bắc kiến nghị các ngân hàng có giải pháp hỗ trợ thúc đẩy được các ngành nghề thiết yếu, trong đó có ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Cam kết tạo mọi điều kiện cho quá trình sản xuất nhu yếu phẩm

Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, cùng với cả nước, Thành phố đang thực hiện mục tiêu "kép" vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Một trong những dư địa lớn là cần phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi bởi tỷ trọng chăn nuôi chiếm đến 46% tỷ trọng phát triển nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô.

Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, thức ăn chăn nuôi gia súc sản xuất riêng trên địa bàn Hà Nội và các địa phương chiếm đến hơn 70%-85% nguyên liệu nhập khẩu. Đối với các doanh nghiệp lớn đã có những hợp đồng lớn, nguồn cung an toàn nhưng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đơn hàng nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nhiều từ nguồn cung; cùng với đó doanh nghiệp cũng gặp khó khi chi phí vận tải, logistics tăng cao dẫn đến giá đầu vào nguyên liệu tăng…

Chia sẻ với các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn Thành phố đã đạt được kết quả khả quan. Đối với kiến nghị của Công ty CP, Thành phố sẽ giao Sở y tế, Trung tâm y tế trên địa bàn hướng dẫn cụ thể và doanh nghiệp cần quán triệt cho công nhân tiếp tục hạn chế đi lại, đến cơ quan thực hiện nghiêm đeo khẩu trang, sát khử khuẩn,…như vậy việc sản xuất sẽ yên tâm.

Trả lời ý kiến về việc nếu công ty có trường hợp F1, F2 có bị phong toả không, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, hiện nay Thành phố chưa áp dụng phong tỏa với một nhà máy nào có trường hợp F1, F2. Đối với các trường hợp F1 sẽ được đưa đi cách ly tập trung, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính thì F2 vẫn đi làm bình thường, còn F1 vẫn phải cách ly tại nhà trong 14 ngày. Nhà máy sẽ được phun khử khuẩn, tẩy rửa. Thành phố sẽ giao cho Sở Y tế để có hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị sản xuất.

Đồng thời, cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cho quá trình sản xuất nhu yếu phẩm, chẳng hạn vấn đề vận chuyển từ cảng về nhà mày hay từ nhà máy ra trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ,… đều bảo đảm được chạy 24/7 giúp doanh nghiệp lưu thông hàng hóa dễ dàng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần theo dõi chặt chẽ thông tin liên quan vụ mùa năm nay của châu Âu như lúa mì, đậu tương,… để sản xuất đạm thực vật để cân đối nguồn hàng

Về những kiến nghị không thuộc thẩm quyền, Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sẽ đưa vào ý kiến kiến nghị Chính phủ, như về giảm thuế nguyên liệu ngô, đậu tương; kiến nghị Bộ NN&PTNT phải kết nối cho doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nguồn cung từ Nga và Ucraina;…

Thời gian tới, Thành phố sẽ nghiên cứu và đề xuất HĐND Thành phố để hỗ trợ lãi suất, kết nối ngân hàng để doanh nghiệp có thể mở rộng nhà máy chế biến trên địa bàn Thành phố, điều này góp bảo đảm an toàn thực phẩm, hình thành chuỗi sản xuất khép kín…

Hà Nội tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi - Ảnh 2.

PV

Cùng chuyên mục
XEM