Hà Nội sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Sở Công Thương thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ sở kinh doanh tổ chức nhiều điểm bán hàng lưu động với các mặt hàng thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Những ngày qua tại Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch lây lan, 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi dừng hoạt động, ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố. Trước tình hình đó, Hà Nội đã có phương án bố trí các điểm bán hàng lưu động, được kiểm soát an toàn dịch bệnh, nhằm thay thế, hỗ trợ cho các cơ sở bán hàng tạm dừng hoạt động.
Để thực phẩm dễ đến tay người dùng trong bối cảnh dịch bệnh, siêu thị AEON và UBND quận Long Biên đã tổ chức 4 điểm bán hàng lưu động. Hàng hóa được niêm yết giá giống như tại siêu thị, các biện pháp phòng chống dịch được thực hiện bài bản. Thời gian phục vụ tại các điểm bán hàng từ 8h-11h, trong suốt thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.
“Công tác chuẩn bị rất tốt đảm bảo vệ sinh, khách hàng được giãn cách, người dân có thực phẩm để mua” - một người dân nhận xét.
Các điểm bán hàng lưu động ở quận Long Biên.
Hiện Bưu điện thành phố Hà Nội triển khai 472 điểm bán hàng thiết yếu tại các bưu cục, bưu điện văn hóa xã, cửa hàng tiện lợi Postmar, điểm bán hàng lưu động. Người dân có thể trực tiếp lựa chọn và mua hàng, không bị giới hạn về số lượng. Cùng với đó, các hệ thống bán hàng BRG, Vinmart, Lotte Mart, Công ty Hương Việt Sinh, Công ty thực phẩm UNIFOOD, hệ thống VinShop đã đưa vào hoạt động 800 điểm bán hàng thiết yếu trên 30 quận, huyện, thị xã.
Bà Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phụ trách ngành hàng siêu thị AEON, cho biết: “Với nhà cung cấp lái xe nhân viên phải có xét nghiệm qua các điểm chốt, khi hàng hóa ra đến đây thì đảm bảo tươi sạch đảm bảo cho bà con tiêu dung”.
Theo UBND quận Long Biên, để sẵn sàng ứng phó với diễn biến của dịch bệnh, địa phương đã có kế hoạch chuẩn bị thêm 30 điểm bán hàng lưu động và phải đảm bảo đủ diện tích để thực hiện quy định 5K, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.
Giá cả niêm yết, thực hiện 5K.
“Đối với các điểm bán hàng lưu động này chúng tôi cũng coi như các chợ. Đối với người mua hàng vẫn phải có thẻ đi chợ, công tác kiểm soát vẫn thực hiện như chợ khoảng cách 2 m. Đối với người bán hàng phải đảm bảo 5k, được xét nghiệm thường xuyên để đảm bảo phòng chống dịch” - ông Vũ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên nói.
Địa bàn Hà Nội hiện có trên 8.000 điểm bán hàng bình ổn giá nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Để sẵn sàng ứng phó trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Công Thương thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng kịch bản sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động.
Hiện Sở Công Thương Hà Nội đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu với số lượng tăng thêm 50%, đáp ứng đủ trong thời gian 3 tháng, với tổng giá trị hàng hóa gần 200.000 tỷ đồng. Đồng thời, chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường gần 5.700 tỷ đồng, bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực, sẵn sàng bảo đảm đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn./.