Hà Nội nới lỏng giãn cách: Chuyên gia chỉ cách phòng dịch khi đi làm

21/09/2021 11:57 AM | Sống

Từ 6h ngày 21/9, Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách, theo đó không kiểm soát việc đi lại của người dân, nhiều người bắt đầu công việc, đi làm sau 2 tháng thực hiện Chỉ thị 16.

Tiến sĩ Kidong Park cho rằng vắc xin có thể bảo vệ con người khỏi bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên, vắc xin không thể và không nên là yếu tố duy nhất được xem xét để nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – chuyên gia truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM, để 'sống chung với virus' thì người dân cũng cần hiểu về nó hơn. Đến nay, Hà Nội ghi nhận số ca mắc chủ yếu ở khu cách ly, việc tiêm vắc xin cũng đã hoàn thành mục tiêu mũi 1 cho người dân.

Hiện tại, việc phải làm đó là Hà Nội cần nhanh chóng tiêm vét hết cho các đối tượng có nguy cơ như trên 65 tuổi, mắc bệnh nền mãn tính để bảo vệ họ, giảm nguy cơ trở nặng nếu không may nhiễm Covid-19.

Còn với người lao động đã được tiêm vắc xin vẫn cần đảm bảo nguyên tắc 5K. Một cơ quan công sở cũng cần sàng lọc xem cơ quan của mình còn bao nhiêu người chưa tiêm vắc xin, vì sao chưa tiêm để đảm bảo phủ rộng độ tiêm vắc xin. Chỉ có như vậy, phối hợp thêm 5K mới tạo thành cơ quan công sở an toàn.

Bác sĩ Khanh cho rằng chúng ta hãy tập thích nghi dần với các biện pháp giãn cách được nới lỏng, nên bớt lo âu. Nhiều người lo virus lây qua đồ ăn, lây qua hàng ship, người thì lo lây khi đi tiêm chủng… Về vấn đề này, bác sĩ Khanh cho rằng muốn 'sống chung với Covid-19' thì phải hiểu đường lây của nó để phòng nó tốt hơn.

Virus lây qua những giọt bắn li ti được giải phóng khi F0 ho, nói chuyện. Một số ít giọt bắn nhỏ sẽ lơ lửng trong không khí ít lâu. Ví dụ như bạn đi vào nhà vệ sinh, nhỏ hẹp, không khẩu trang có thể bị lây nhiễm nếu như có F0 vừa ho trong đó. Nếu đi vào một hành lang kín, một căn phòng kín mà F0 vừa đi qua hay đang ở bên trong, những giọt bắn li ti từ F0 ho ra còn trong không khí thì có thể bị nhiễm bệnh từ đây. Để giải quyết nguy cơ này thì thực hiện tốt 5K hoàn toàn đảm bảo.

Hà Nội nới lỏng giãn cách: Chuyên gia chỉ cách phòng dịch khi đi làm - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.


Văn phòng có sửa sổ, tốt nhất mở cửa sổ, hạn chế dùng điều hoà. Vì virus này nếu ở không gian thông khí, những giọt bắn li ti mang virus đó sẽ bay ra ngoài cửa sổ, sẽ nhanh chóng bị làm loãng đến mức không còn lây bệnh được, virus cũng chết theo ngay.

Hiện nay, bác sĩ Khanh đưa ra các nguyên tắc an toàn cho người dân khi bắt đầu trở lại công việc:

Thứ nhất: 5K, theo bác sĩ Khanh mọi người đi làm ở công sở thực hiện nghiêm đeo khẩu trang. Hạn chế tiếp xúc gần với nhau, giữ khoảng cách an toàn đặc biệt là lúc ăn uống. Bản thân mỗi người tự xây dựng cho mình 1 nguyên tắc an toàn thì đảm bảo cơ quan an toàn, gia đình an toàn.

Thói quen của dân công sở đó là đi làm ngồi "tám”chuyện, ở thời điểm dịch bệnh phức tạp, cách tốt nhất đó là hạn chế nói chuyện trực tiếp, có thể trò chuyện online.

Thứ 2: Đồng nghiệp tiêm vắc xin. Khi đi làm trở lại, tốt nhất nên xác định rõ đồng nghiệp của mình đã được tiêm vắc xin Covid-19 hay chưa.

Thứ 3: Xây dựng cơ quan an toàn. Mỗi cơ quan công sở cần tự xây dựng cho mình một văn phòng an toàn để đảm bảo không có F0. Mỗi nhân viên sẽ phải thực hiện nghiêm 5K. Đi làm về nên về thẳng nhà, chỉ nên đi mua thực phẩm ở 1 địa điểm mình thường đến. Cần nhớ các địa điểm mình đã đến.

Thứ 4: Khi đến cơ quan cần có thói quen rửa tay, lau sạch bề mặt bàn, bàn phím, máy tính… Những khu vực hành lang, nút bấm thang máy hạn chế sờ vào để ngăn ngừa virus bám vào tay, vô tình đưa lên mắt, mũi, miệng.

Về nhà, trước khi tiếp xúc với các thành viên trong gia đình cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước. Nếu trong nhà có người bị bệnh nền, chưa được tiêm vắc xin thì hết sức cẩn trọng, cần bảo vệ họ, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

K.Chi

Cùng chuyên mục
XEM