Hà Nội lập "đỉnh" ca mắc mới trong ngày kể từ khi bùng dịch: Vì sao?

16/11/2021 17:26 PM | Xã hội

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam mới đây đã nêu ra một số lý do vì sao Hà Nội lại có số ca cao kỷ lục như vậy.

Tối 15/11, Sở Y tế Hà Nội cho biết trong ngày phát hiện thêm 289 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 47 ca cộng đồng. Đây cũng là số F0 trong ngày cao nhất từ khi Covid-19 bùng phát đến nay.

289 F0 phân bố tại 19/30 quận, huyện: Gia Lâm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Quốc Oai, Mê Linh, Chương Mỹ, Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Oai, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Tây Hồ, Thanh Trì, Phúc Thọ, Sóc Sơn.

Để "bình thường mới", việc xuất hiện nhiều ca nhiễm là điều được dự báo trước

Sáng ngày 16/11, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đã nêu ra một số lý do vì sao Hà Nội lại có số ca đạt cao kỷ lục như vậy. 

Theo ông Phu khi Hà Nội thực hiện mở cửa bình thường mới theo Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, kịp thời có các giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn trước mắt thì việc xuất hiện nhiều ca nhiễm đều đã được dự báo trước.

Hà Nội lập đỉnh ca mắc mới trong ngày kể từ khi bùng dịch: Vì sao? - Ảnh 1.

Trong ngày 15/11, Hà Nội phát hiện thêm 289 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 47 ca cộng đồng. Đây cũng là số F0 trong ngày cao nhất từ khi Covid-19 bùng phát đến nay.

Hà Nội thực hiện việc nới lỏng, không ‘Zezo Covid’ thì người dân đi lại, tiếp xúc nhiều. Việc đi máy bay, tàu hoả có thể kiểm soát được bởi người dân cần xét nghiệm chứ đi đường bộ khó kiểm soát. 

Thành phố yêu cầu người từ vùng dịch về cách ly, theo dõi tại nhà nhưng có nhiều trường hợp không khai báo y tế, đi nhiều nơi tiếp xúc với nhiều người dẫn đến dễ lây lan, ca bệnh tăng cao”, ông Phu cho hay.

Hà Nội lập đỉnh ca mắc mới trong ngày kể từ khi bùng dịch: Vì sao? - Ảnh 2.

Chuyên gia cho rằng một trong số những lí do dẫn đến số ca mắc Covid-19 tăng là bởi người từ vùng dịch về cách ly, theo dõi tại nhà nhưng có nhiều trường hợp không khai báo y tế, đi nhiều nơi tiếp xúc với nhiều người dẫn đến dễ lây lan, ca bệnh tăng cao.

Hà Nội sẽ không tái sử dụng các chỉ thị giãn cách trước đây, nhưng cần đánh giá được chỉ số này

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, trước việc số ca tăng kỉ lục như ngày hôm qua, thành phố phải chấp nhận nhưng ngành y tế Hà Nội cần đánh giá những người đã tiêm vaccine mắc Covid-19 có nặng không? Nếu người bị nặng là bao nhiêu %? Từ đó lên phương án cụ thể, tham mưu cho thành phố để có những biện pháp ngăn chặn, khống chế dịch Covid-19 kịp thời.

Hà Nội vẫn phải tiếp tục truy vết, phong toả, xét nghiệm để số ca nhiễm không tăng cao quá, gây quá tải cho bệnh viện.

Với quy mô lây nhiễm như hiện nay, quan điểm của ông Phu cho rằng Hà Nội sẽ không tái sử dụng các Chỉ thị 15 – 16 về việc giãn cách, phong tỏa như trước kia khi tỷ lệ tiêm chủng của toàn thành phố đã đạt khá cao.

Hà Nội lập đỉnh ca mắc mới trong ngày kể từ khi bùng dịch: Vì sao? - Ảnh 3.

Chuyên gia cũng cho rằng quan điểm Hà Nội sẽ không tái sử dụng các Chỉ thị 15 – 16 về việc giãn cách, phong tỏa như trước.

Tại ổ dịch nào sẽ phong toả ổ đó. Việc tiêm vaccine để không phải giãn cách thành phố, cả nước là bởi lẽ đó để sàng lọc các trường hợp tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm. Quan trọng của việc tiêm vaccine đó là chấp nhận số ca có thể nhiều nhưng không nặng, không quá tải y tế, không tử vong… 

Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật phương án rút khoảng cách giữa 2 mũi vaccine AstraZeneca về còn tối thiểu 4 tuần để người dân đạt 2 mũi là vậy”, ông Phu nói.

Hà Nội lập đỉnh ca mắc mới trong ngày kể từ khi bùng dịch: Vì sao? - Ảnh 4.

Lực lượng y tế sàng lọc các trường hợp tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại ổ dịch huyện Mê Linh.

Ông Phu cho biết thêm, thành phố vẫn phải tiếp tục các biện pháp truy vết, phong toả, xét nghiệm thường xuyên, nhưng phong toả nhỏ nhất để không ảnh hưởng an sinh, xã hội, ảnh hưởng kinh tế người dân.

Với việc ghi nhận nhiều ca F0 sẽ nhiều F1 nên phải cho người dân cách ly tại nhà, rút ngắn thời gian cách ly từ 21 xuống 14 ngày tại Hà Nội. 

Hà Nội hiện có nhiều gia đình đủ điều kiện cách ly tại nhà, ý thức người dân cao, y tế cơ sở tốt. Thành phố phải chấp nhận cách ly tại nhà, lấy đâu chỗ cách ly tập trung trong khi có thể dễ lây nhiễm chéo. 

Hà Nội lập đỉnh ca mắc mới trong ngày kể từ khi bùng dịch: Vì sao? - Ảnh 5.

Các chuyên gia cho rằng việc ghi nhận nhiều ca F0 sẽ nhiều F1 nên phải cho người dân cách ly tại nhà, rút ngắn thời gian cách ly từ 21 xuống 14 ngày.

Cùng với đó sản xuất, chợ búa, hội họp, thể thao, giao thông… phải có các phương án an toàn, cụ thể bởi nhỡ không may dịch bùng lên mạnh không thể chống đỡ được”, ông Phu chia sẻ.

Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 6.331 ca, trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 2.318 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 4.013 ca.

Theo GIA ĐOÀN

Cùng chuyên mục
XEM