Hà Nội khẩn cấp mở rộng bãi rác Nam Sơn: Có hết ùn tắc rác thải?
Quyết định mở rộng khẩn cấp các ô chôn lấp, hồ sinh học... tại bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) được cho là giải pháp tình thế trong lúc Hà Nội đang tắc đầu ra rác thải. Vận hành nhà máy đốt rác phát điện và nhân rộng mô hình xử lý rác công nghệ cao mới là giải pháp căn cơ, nhưng việc triển khai đang rất chậm trễ.
Rác tiếp nhận vượt 2,43 lần kế hoạch vận hành
Trước thực trạng Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) quá tải, UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định đầu tư một số hạng mục nhằm nâng công suất của bãi rác, như: xây dựng ô chôn lấp; hồ sinh học khẩn cấp tại khu đất xen kẹt rộng 10,5 ha thuộc giai đoạn 2 bãi rác Nam Sơn; hồ chứa sinh học rộng trên 7 ha gồm đào hai hồ chứa nước rỉ rác và xây dựng hạ tầng kỹ thuật như tường rào, mương thoát nước, đường nội bộ, hệ thống chiếu sáng, cây xanh…
Dự kiến, Hà Nội sẽ chi hơn 170 tỷ đồng cho các hạng mục này và hoàn thành vào quý II/2022.
Sau nhiều năm hoạt động, bãi rác Nam Sơn (rộng khoảng 157 ha, xây dựng năm 1999) đã nhiều lần bị đóng cửa do quá tải. Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, theo hợp đồng thực hiện gói thầu xử lý rác, khối lượng tiếp nhận rác chôn lấp năm 2021 là 704.085 tấn (trung bình khoảng 1.950 tấn/ngày) với kinh phí hơn 64 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, khối lượng rác bãi Nam Sơn tiếp nhận từ đầu năm 2021 đến cuối tháng 10 đạt 1.402.381 tấn, công suất tiếp nhận trung bình 4.689 tấn/ngày (tăng gần 3.000 tấn/ngày so với hợp đồng).
Dự kiến năm 2021, bãi rác Nam Sơn tiếp nhận khoảng 1,7 triệu tấn rác, vượt 2,43 lần so với kế hoạch vận hành bãi theo hợp đồng.
Ngoài ra, công tác xử lý nước rác tại bãi rác Nam Sơn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2021, Sở Xây dựng Hà Nội đặt hàng đơn vị xử lý nước rác từ ngày 1/1 - 30/4 xử lý 174.000 m3 rác, với kinh phí khoảng 20,3 tỷ đồng. Song, đến thời điểm này, đơn vị đã xử lý được gần 200.000 m3 với kinh phí hơn 22 tỷ đồng.
Từ ngày 1/5 đến nay, Sở Xây dựng chỉ ra văn bản đôn đốc công tác vận hành xử lý nước rác, chưa thực hiện các thủ tục pháp lý thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư giao đơn vị vận hành như: quyết định giao đặt hàng, ký kết hợp đồng… Do vậy, đơn vị không có cơ sở để thực hiện xử lý nước rác cũng như các biện pháp nâng cao hiệu quả, đảm bảo công tác xử lý thường xuyên và liên tục.
Đơn vị quản lý bãi rác Nam Sơn đã có phương án hợp nhất các hồ sinh học để tăng khả năng tiếp nhận, xử lý rác. Tuy nhiên, để thực hiện được các phương án đề ra, cần cơ quan chức năng điều chỉnh quy hoạch 1/500 khu ô hợp nhất, có đánh giá tác động môi trường...
Mòn mỏi chờ nhà máy điện rác
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đối với bãi rác Nam Sơn, ngay sau khi UBND thành phố chỉ đạo xây dựng khẩn cấp ô chứa rác, Sở đã họp khẩn liên sở để lên kế hoạch triển khai. Ô chứa rác khẩn cấp có thuận lợi là đã được giải phóng mặt bằng, UBND huyện Sóc Sơn cam kết có thể giao mặt bằng sạch ngay. Dự kiến sau khi hoàn thành, ô chôn lấp sẽ xử lý rác cho Thủ đô hết năm 2025.
Giai đoạn 2 của dự án xử lý tại bãi rác Nam Sơn đã được giao cho Ban quản lý dự án cấp thoát nước và môi trường thành phố làm chủ đầu tư. Hiện đơn vị này chỉ còn 1 ô xen kẹt tại khu 10,5 ha phía Bắc, sẽ tổ chức cưỡng chế trong những ngày tới.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, các phương án chôn lấp gây lãng phí tài nguyên đất, công nghệ lạc hậu chỉ là giải pháp tạm thời. Cơ bản nhất là phải vận hành toàn bộ nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý. Sau khi nhà máy này đi vào hoạt động, gần như toàn bộ rác thải sẽ được xử lý theo công nghệ hiện đại, không còn gây ô nhiễm môi trường như trước.
"Sau khi nhà máy hoạt động, người dân sẽ có thiện cảm hơn với những nhà máy rác. Từ đó giúp cho việc khảo sát, triển khai quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô Hà Nội được thuận lợi hơn", lãnh đạo Sở Xây dựng nhận định.