Hà Nội: Học sinh tiểu học, mầm non đến trường trước, sau đó đến sinh viên đại học, cao đẳng
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, việc đi học trở lại sẽ theo thứ tự ưu tiên, chứ không phải cùng lúc. “Ưu tiên trước là cấp học mà học sinh chủ yếu trên địa bàn thành phố như mầm non, tiểu học... sau đó mới đến học sinh trường nghề, sinh viên đại học, cao đẳng…”, ông Dũng nói.
Chiều 26/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19. Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, đến nay, thành phố đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh; đã 11 ngày không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng. Hiện thành phố chỉ còn 2 địa diểm phong tỏa là khách sạn Somerset (Tây Hồ) và 5 hộ dân ở Thôn Do Hạ, Mê Linh. Đến ngày 28/2 những điểm này sẽ hết thời gian phong tỏa.
Ông Hạnh nhận định, Hà Nội vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là trong thời gian tới khi các trường đại học, cao đẳng mở cửa trở lại, sinh viên các tỉnh sẽ trở lại học tập, trong đó có thể có những trường hợp đến từ các tỉnh thành có dịch. Cùng với việc các chuyên gia tiếp tục được nhập cảnh, mặc dù đã được cách ly 14 ngày nhưng vẫn có nguy cơ dịch bệnh xâm nhập như trường hợp ca bệnh số 2229.
“Bối cảnh hiện nay chúng ta cần giám sát trọng điểm, lẫy mẫu ngẫu nhiên ở một số khu vực có nguy cơ cao như khu công nghiệp có chuyên gia nước ngoài…để chủ động phòng chống dịch; kiểm soát chặt chẽ các bệnh viện và quan trọng là vẫn phải thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K”, ông Hạnh nói.
Tại phiên họp, các quận, huyện báo cáo đã sẵn sàng các phương án để đón học sinh trở lại trường vào ngày 2/3 tới, thời điểm 14 ngày Hà Nội không có ca mắc mới trong cộng đồng như: phun khử khuẩn, chuẩn bị sẵn nhiệt kế, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn. Quận Hoàn Kiếm cũng đề xuất mở lại phố đi bộ quanh hồ Gươm…
Đại diện Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho biết dư luận nhân dân tin tưởng vào các chỉ đạo của thành phố, đang rất quan tâm đến thời điểm học sinh đi học trở lại và mong muốn một số loại hình kinh doanh không thiết yếu được mở cửa trở lại với điều kiện đảm bảo phòng dịch.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, đã có văn bản báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy.
“Chúng tôi đang báo cáo cả Bộ GD&ĐT để tính toán. Học sinh, sinh viên sẽ đến trường theo từng thời điểm chứ không phải tất cả đi một lúc. Ưu tiên trước là cấp học mà học sinh chủ yếu trên địa bàn thành phố như mầm non, tiểu học...sau đó mới đến học sinh trường nghề, sinh viên đại học, cao đẳng…Thời điểm đi học cụ thể chúng tôi sẽ thông báo sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy”, ông Dũng nói.
Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở GD&ĐT cùng các sở cập nhật các yêu cầu mới của Ban chỉ đạo quốc gia và thành phố về cồng tác quản lý, khai báo y tế với học sinh, sinh viên khi trở về thành phố; thực hiện các biện pháp phòng dịch ở các trường học… có hướng dẫn chi tiết, cụ thể tới các trường.
“Với các trường nghề của thành phố, có lượng học sinh sinh viên đến từ các tỉnh thành khác khá đông, Sở LĐ-TB&XH cần có phương án phân luồng, giám sát chặt chẽ, nhất là với các trường hợp về từ vủng dịch”, ông Dũng nêu.
Ông Dũng yêu cầu, các đơn vị trong cuối tuần này phải tổ chức sát khuẩn, chuẩn bị sẵn vật tư phòng dịch. Các nhà trường phải có kịch bản rõ về việc đón, quản lý học sinh từ lúc đến trường và ra về, tránh việc lúng túng khi thực hiện. Các quận, huyện, xã, phường phải tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác phòng dịch.
Phó Chủ tịch UBND thành phố thông tin, trong thời gian tới, thành phố sẽ nới lỏng để các hoạt động trở lại bình thường, nhưng phải thắt chặt các biện pháp kiểm soát, kiểm tra. Vì cậy các quận, huyện phải tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và thành phố về các biện pháp phòng chống dịch.
Liên quan đến phản ánh của người dân về việc có cửa hàng không đảm bảo điều kiện phòng dịch nhưng vẫn hoạt động, có nơi cách trụ ở UBND phường mấy trăm mét… ông Dũng yêu cầu các đơn vị phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố, xử lý nghiêm các vi phạm. “Lúc nào được mở cửa trở lại thành phố sẽ có chỉ đạo. Lúc này vẫn phải thực hiện nghiêm”, ông Dũng nói đồng thời cho rằng, công tác phòng chống dịch bệnh phải được coi là thường xuyên liên tục, không chủ quan lơ là.
"Việc thực hiện 5K là giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất hiện nay để phòng chống COVID-19 trước khi vaccine được tiêm phòng rộng rãi”, ông Dũng nói thêm.
Người dân đến các cơ quan, đơn vị phải quét mã QR Code để phòng chống COVID-19
Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, Bộ Y tế đã chỉ đạo việc phải dán mã QR Code ở tất cả các cơ quan đơn vị, người đến làm việc phải quét mã Check in và Check out. Sở đã có văn bản chỉ đạo, tất cả các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố phải thực hiện ngay. Các quận huyện cũng cần thực hiện sớm, hoàn thành từ nay đến ngày 5/3. Mọi người dân khi đến các cơ quan đơn vị phải thực hiện quét mã để thuận tiện cho việc truy vết khi cần thiết. “Mọi thông tin về cá nhân sẽ được bảo mật, chỉ phục vụ công tác phòng chống dịch. Người dân nên phối hợp thực hiện”, ông Hạnh nói.