Hà Nội giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16: Người dân được làm gì và không được làm gì?

24/07/2021 07:13 AM | Xã hội

Người dân Hà Nội được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, phải giữ khoảng cách giao tiếp tối thiểu 2m, không tập trung quá 2 người ở nơi công cộng.

Người dân được và không được làm gì?

Khuya ngày 23/7, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Chỉ thị về việc thực hiện giãn cách toàn xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Theo đó, việc giãn cách này thực hiện theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.

Trong Chỉ thị cũng nêu rõ những việc người dân Hà Nội được làm và không được làm khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị này. Cụ thể:

Người dân Hà Nội được làm:

Người dân được ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác.

Được đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.

Thực hiện khai báo y tế hàng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone.

Liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác...

Người Hà Nội không được làm:

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu mọi người dân ở tại nhà chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.

Phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp. Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.

Trường hợp người dân khi di chuyển vào thành phố vì lý do công vụ, phòng chống dịch, phục vụ sản xuất phải thực hiện khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp giám sát, cách ly y tế theo quy định của TP.

Thành phố đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết, nhân dân không cần thiết tích trữ hàng hóa.

Tạm dừng xe ôm, grab, hàng loạt hoạt động, cơ sở kinh doanh

Trong Chỉ thị, Chủ tịch Hà Nội cũng quyết định, đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trừ các trường hợp sau:

Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho Nhân dân trên địa bàn; cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội.

Hoạt động tang lễ: chỉ tổ chức nghi lễ trong phạm vi gia đình, không quá 20 người, không tổ chức các đoàn viếng.

Các cơ sở được phép hoạt động kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu phải đáp ứng điều kiện phòng chống dịch theo quy định và chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người lao động và cộng đồng; yêu cầu kiểm soát toàn bộ người đến mua hàng, sử dụng dịch vụ và khai báo y tế bằng mã QRCode.

Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động xe buýt, taxi, grab, xe khách. Cụ thể:

Dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ô tô, đường thủy: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách công cộng vận chuyển hành khách bằng xe máy (grab bike, xe ôm)

Trừ trường hợp: phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia.

Các nhà máy, cơ sở sản xuất ngoài khu/cụm công nghiệp phải đăng ký hoạt động với chính quyền địa phương về số lượng, danh sách lao động, phương án đảm bảo sản xuất an toàn phòng chống dịch, thời gian hoạt động sản xuất.

Chủ tịch các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan chịu trách nhiệm toàn diện, triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại khu/cụm công nghiệp, đảm bảo hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy; quản lý nơi ở, di biến động của các công nhân.

Nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong các khu/cụm công nghiệp phải xây dựng phương án sản xuất an toàn "3 tại chỗ: sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ" hoặc "một cung đường 2 điểm đến".

Các cơ quan, công sở, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (trừ các hoạt động chính trị, đối ngoại cấp bách...) bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà.

Những trường hợp thật sự cần thiết mới đến làm việc tại công sở, như: Trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật...

Đây là lần thứ hai Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo nguyên tắc Chỉ thị 16. Trước đó, đầu tháng 4/2020, cùng với 11 tỉnh thành "nguy cơ cao", Hà Nội đã áp dụng Chỉ thị 16 trong gần một tháng.

Quyết định trên được đưa ra khi những ngày qua thành phố liên tiếp phát hiện các ca mắc mới, trong đó, có nhiều ca, ổ dịch chưa rõ nguồn lây.

Ngày 22/7, thành phố ghi nhận 64 ca dương tính, đây là ngày có số ca mắc mới cao nhất trong đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 29/4 đến nay). Ngày 23/7, là 48 ca.

Từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 656 ca bệnh, trong đó 387 ca bệnh thuộc các chùm chưa qua 14 ngày.

Hiện Hà Nội có 9 chùm ca bệnh nguy hiểm, trong đó, có 7 chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây: 13 ca sàng lọc ho sốt tại cộng đồng và 28 ca lây thứ phát; 37 ca liên quan Nhà thuốc Đức Tâm, 95 Láng Hạ; 64 ca liên quan chùm Nguyễn Khuyến, Đống Đa; 55 ca liên quan Tân Mai, Hoàng Mai; 28 ca liên quan phố Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng và 17 ca liên quan Bố Trại Găng, Hai Bà Trưng.

Từ ngày 14/7, Hà Nội lập 22 chốt kiểm soát người phương tiện vào thành phố.

Hoàng Đan

Cùng chuyên mục
XEM