Hà Nội: Gần 7.000 người nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp 2 tháng đầu năm
Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội (Trung tâm) cho biết trong 2 tháng đầu năm 2020, Trung tâm tiếp nhận 6.945 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo tổng hợp của Trung tâm, người lao động (NLĐ) đăng ký hưởng BHTN trong tháng 2 là 4.037 trường hợp, trong đó có hơn 200 lao động thất nghiệp vì doanh nghiệp phá sản, giải thể, cắt giảm sản xuất, tái cơ cấu ở hơn 80 doanh nghiệp. Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội (Trung tâm) cho biết trong 2 tháng đầu năm 2020, Trung tâm tiếp nhận 6.945 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 5,35% so với cùng kỳ năm 2019.
Giám đốc Trung tâm, cho rằng những con số gia tăng này chưa hẳn phản ánh là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì từ khi thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến nay, số người tham gia tăng đều hằng năm, nên số người thụ hưởng BHTN tăng tương ứng.
Gần 1 triệu người sẽ được tăng lương hưu, trợ cấp BHXH từ 1/7/2020
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có tờ trình dự thảo nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Theo đó, từ ngày 1-7-2020, tám đối tượng dưới đây sẽ được tăng thêm 7,382% lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng.
Mức điều chỉnh tăng này bằng tốc độ tăng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1, 6 triệu đồng /tháng. Cụ thể:
- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia BHXH tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ BHXH chuyển sang theo Quyết định số 41/2009 của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
- Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009, Nghị định số 121/2003 và Nghị định số 09/1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng.
- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000, Quyết định số 613/2020 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111/1981 của Hội đồng Bộ trưởng.
- Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 142/2008, Quyết định số 38/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
- Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 53/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
- Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 62/2011của Thủ tướng Chính phủ.
- Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tại dự thảo nghị định không thực hiện điều chỉnh đối với nhóm đối tượng đang hưởng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Nguyên nhân, theo Luật BHXH, mức hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được tính trên mức lương cơ sở. Do đó, khi mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng cũng sẽ được điều chỉnh tăng tương ứng.
Từ 1/7/2020: Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự sẽ bị cắt hợp đồng
Luật cán bộ công chức và luật viên chức sửa đổi 2019 đã bổ sung thêm một trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức, là: "Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự".
Hiện nay, quy định này cũng đã được đề cập tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP về việc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với người tập sự, tuy nhiên chưa được chính thức quy định trong Luật.
Như vậy, từ 1/7/2020 sẽ có 6 trường hợp viên chức bị cắt hợp đồng làm việc. Cụ thể
- Viên chức có 2 năm liên tiếp bị phân loại đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ;
- Viên chức bị buộc thôi việc theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 và khoản 1 Điều 57 của Luật Viên chức;
- Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục, viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 6 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục. Khi sức khỏe của viên chức bình phục thì được xem xét để ký kết tiếp hợp đồng làm việc;
- Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ làm cho đơn vị sự nghiệp công lập buộc phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà viên chức đang đảm nhận không còn;
- Khi đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
- Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự.
Theo đó, khi đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức thì viên chức sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội trừ trường hợp bị buộc thôi việc.