Hà Nội đề xuất cho thuê vỉa hè: Liệu có khả thi?

05/01/2025 08:55 AM | Trong nước

Hà Nội đang hoàn thiện Đề án quản lý và khai thác lòng đường, vỉa hè, nhằm giải quyết tình trạng lấn chiếm kéo dài và giảm thiểu thất thoát ngân sách.

Sở Xây dựng Hà Nội đang trong quá trình hoàn thiện Đề án quản lý, khai thác lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội đối với các tuyến phố đủ điều kiện cho thuê khai thác thương mại, dịch vụ. Thành phố dự kiến sẽ triển khai cho thuê vỉa hè, lòng đường tại hàng trăm tuyến phố. Đề án này thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận, bởi việc quản lý và khai thác lòng đường, vỉa hè của thủ đô trong nhiều năm qua vẫn còn nhiều bất cập, chưa có giải pháp căn cơ. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh tự phát đã trở nên phổ biến, làm xấu đi diện mạo đô thị của thủ đô và gây thất thu ngân sách nhà nước. Hiện tại, quận Hoàn Kiếm là địa phương duy nhất của Hà Nội được thí điểm cho thuê vỉa hè, lòng đường để kinh doanh từ năm 2021, theo chủ trương của thành phố.

Hà Nội đề xuất cho thuê vỉa hè: Liệu có khả thi?- Ảnh 1.

Đoạn vỉa hè thí điểm cho thuê nằm trên đường Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội

"Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện đề án cho thuê vỉa hè ở Hà Nội chính là các vướng mắc liên quan đến pháp luật. Cụ thể, Luật Giao thông đường bộ, cụ thể tại Điều 8 và Điều 36, quy định không được sử dụng vỉa hè, lòng đường vào mục đích ngoài giao thông. Bên cạnh đó, những đề án trước đây thường chỉ mang lại lợi ích cho một phía. Ví dụ, người quản lý vỉa hè có thể quản lý dễ dàng hơn hoặc những người thuê vỉa hè hưởng lợi, nhưng quyền lợi của các bên liên quan khác hầu như không được xem xét đầy đủ. Vì vậy, sự thành công của đề án lần này phụ thuộc vào việc đánh giá toàn diện các yếu tố, cân nhắc kỹ lưỡng lợi ích và bất lợi của tất cả các bên liên quan", kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết.

Hà Nội đề xuất cho thuê vỉa hè: Liệu có khả thi?- Ảnh 2.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội chia sẻ về Đề án quản lý, khai thác lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, đề án lần này nhấn mạnh việc chỉ cho thuê vỉa hè tại những nơi "đủ điều kiện". Tuy nhiên, khái niệm "đủ điều kiện" vẫn còn khá mơ hồ. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự hỗ trợ từ công nghệ và các phương pháp thiết kế đô thị hiện đại. Ví dụ, tại các khu vực như trường học, lưu lượng người qua lại có thể tập trung trong khoảng thời gian nhất định, như giờ đưa đón học sinh, trong khi phần lớn thời gian khác lại rất vắng. Công nghệ có thể giúp phân tích lợi ích và bất lợi theo từng khung giờ, từ đó đưa ra các giải pháp khai thác hợp lý và hiệu quả hơn.

"Cần áp dụng các công cụ giám sát hiện đại và thiết kế đô thị đồng bộ để đảm bảo trật tự và hiệu quả trong quản lý. Nếu chỉ sử dụng biện pháp truyền thống như phát động chiến dịch, ra quân, dùng khẩu hiệu nhưng thiếu giải pháp mới, kết quả sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn, đâu lại vào đấy", ông Ánh nhận định.

Hiện nay, Hà Nội có khoảng 1.100 tuyến đường, tương ứng với số lượng lòng đường trên địa bàn thành phố. Theo một khảo sát gần đây, tại hơn 120 tuyến phố, hơn 92% xuất hiện tình trạng lấn chiếm vỉa hè, chủ yếu để phục vụ các hoạt động kinh doanh như quán ăn, cà phê, cửa hàng bán quần áo, đồ lưu niệm. Nhiều cửa hàng còn sử dụng vỉa hè làm nơi đỗ xe cho khách.

Hà Nội đề xuất cho thuê vỉa hè: Liệu có khả thi?- Ảnh 3.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, chủ yếu để phục vụ các hoạt động kinh doanh như quán ăn, cà phê, cửa hàng bán quần áo,...

Từ kinh nghiệm nghiên cứu tại một số quốc gia và địa phương, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất sáu tiêu chí cho việc cho thuê vỉa hè. Thứ nhất, vỉa hè được phép kinh doanh phải có chiều rộng tối thiểu 3m, trong đó 1,5m dành cho người đi bộ, phần còn lại để kinh doanh và trông giữ phương tiện. Riêng tại khu vực phố cổ, có thể cho phép kinh doanh trên vỉa hè hẹp hơn 3m trong thời gian tổ chức không gian đi bộ hoặc theo khung giờ được UBND quận cấp phép. Thứ hai, phải đảm bảo chỗ đỗ xe cho khách tại chỗ hoặc trong phạm vi cho phép. Thứ ba, hoạt động kinh doanh phải đảm bảo an toàn, văn minh. Thứ tư, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường. Thứ năm, cần phải lấy ý kiến của người dân trước khi tiến hành cho kinh doanh vỉa hè, đường phố và hè phố. Tổ chức kinh doanh phải được UBND cấp huyện cấp phép về thời gian, mặt hàng kinh doanh, đảm bảo phát triển đô thị, phát triển du lịch, kinh doanh thương mại văn minh phù hợp với văn hóa của địa phương.

Hè phố là không gian công cộng quan trọng của đô thị. Trong việc khai thác và quản lý vỉa hè, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiên phong thực hiện từ tháng 5/2024 và đạt được một số thành công bước đầu. Điển hình là tại quận 1, thông qua ứng dụng tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, mô hình này đã mang lại hiệu quả rõ rệt và ngày càng được nhân rộng.

Hà Nội đề xuất cho thuê vỉa hè: Liệu có khả thi?- Ảnh 4.

Tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, mô hình sử dụng ứng dụng để tra cứu và đăng ký tạm thời một phần vỉa hè đã được triển khai

"Việc ứng dụng công nghệ số đã giúp Thành phố Hồ Chí Minh làm cho quá trình quản lý quản lý vỉa hè trở nên minh bạch, chính xác và công bằng. Trong đề án của Hà Nội, nếu không thực hiện chuyển đổi số trong các bước khảo sát, đánh giá, lập trình quản lý và cho thuê vỉa hè, thì tất cả các bản vẽ hay kế hoạch chỉ mang tính hình thức và không mang lại hiệu quả thực tế", kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho biết thêm.

Ông Ánh cho rằng, mức giá thuê vỉa hè từ 20.000 – 40.000 đồng là vô cùng bất hợp lý. Bởi chi phí xây dựng các con đường tại Hà Nội lên đến khoảng 3,5 tỷ đồng/mét vuông. Giá đất tại các tuyến phố lớn cũng được định giá từ 500 đến 700 triệu đồng/mét vuông. Trong khi đó, mức thu phí chỉ từ 20.000 đến 40.000 đồng /mét vuông/tháng, phải mất hàng trăm năm mới thu hồi vốn. Điều này tạo ra tình trạng "mua đắt, bán rẻ", thúc đẩy chế xin – cho phát triển. Thay vào đó, giá thuê cần được tính toán theo thị trường, đảm bảo tính cạnh tranh và công bằng.

"Mức giá đang được đề xuất không chỉ quá thấp mà còn phi lý và phi kinh tế. Nếu giá thuê vỉa hè chỉ 40.000 đồng một mét vuông mỗi tháng, trong khi giá thuê mặt bằng là 1 triệu đồng/mét vuông, rõ ràng người kinh doanh sẽ chọn vỉa hè, khiến đường phố trở thành chợ tạm. Hơn nữa, mức giá này không đủ để tạo nguồn kinh phí nâng cấp, duy trì vỉa hè hay trả công cho những người quản lý", ông Ánh nhấn mạnh.

Hà Nội đề xuất cho thuê vỉa hè: Liệu có khả thi?- Ảnh 5.

Nhiều cửa hàng còn sử dụng vỉa hè làm nơi đỗ xe cho khách

Cũng theo ông Ánh, khi một thành phố đạt đến mức độ văn minh và thịnh vượng, việc chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Nhiều thành phố phát triển, dù giàu có, vẫn tồn tại những người lao động nghèo, nhưng họ được hỗ trợ và tổ chức hiệu quả. Lấy ví dụ từ Singapore, nơi chính quyền tổ chức các chợ thực phẩm để tạo cơ hội kinh doanh cho những người buôn bán nhỏ lẻ thay vì để họ buôn bán tự phát trên vỉa hè. Nhờ vậy, họ vừa có thể duy trì sinh kế, vừa góp phần xây dựng một thành phố văn minh, sạch sẽ, đảm bảo an toàn thực phẩm và tạo nên một nét văn hóa ẩm thực đường phố đặc trưng.

Có người ví von rất hay rằng vỉa hè chính là "phòng khách" của một đô thị. Không chỉ là nơi để di chuyển, vỉa hè còn là không gian mưu sinh và giao lưu văn hóa của hàng triệu người. Kinh tế vỉa hè đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của những xã hội đang phát triển. Trước những bất cập và tồn tại kéo dài nhiều năm, chủ trương cho thuê lòng đường, vỉa hè là một hướng đi đúng đắn. Điều này không chỉ giúp cải thiện mỹ quan đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, đồng thời bổ sung nguồn ngân sách để thực hiện các dự án công cộng. Tuy nhiên, để đề án này thực sự mang lại hiệu quả, Hà Nội cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ, chủ động, đồng thời nhận được sự ủng hộ từ cả người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM