Hà Nội có 2 trường "kỳ phùng địch thủ" về đào tạo Công nghệ thông tin: Sinh viên suốt ngày tranh cãi trường nào "chất" hơn!

23/05/2024 13:40 PM | Sống

Trường nào đào tạo tốt hơn là vấn đề khiến nhiều sinh viên bàn luận, tranh cãi suốt nhiều năm nay.

Công nghệ thông tin hiện là một trong những ngành nghề hot nhất hiện nay và được nhiều học sinh chọn lựa theo học mỗi mùa tuyển sinh đại học. Theo báo cáo của một số sàn việc làm trực tuyến, mức lương trung bình của ngành Công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam năm 2023 là 16,3 triệu đồng/tháng. Mức lương này cao hơn so với mức lương trung bình của các ngành nghề khác, khoảng 2,5 lần.

Hiểu một cách đơn giản, công nghệ thông tin là ngành sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền và thu thập thông tin. Người làm việc trong trong ngành này thường được gọi là IT (Information Technology).

Mục đích của khối khoa học tổng hợp liên ngành này là nhằm phát triển khả năng sửa chữa, tạo mới và sử dụng hệ thống các thiết bị và máy tính bao gồm phần cứng, phần mềm để cung cấp giải pháp xử lý thông tin trên nền công nghệ cá nhân, tổ chức có yêu cầu.

Tại Hà Nội, hiện có rất nhiều trường đại học đang đào tạo khối ngành Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, có 2 cái tên nổi bật nhất, được sinh viên đánh giá cao nhất, đó là: Đại học Bách khoa Hà Nội (Hanoi University of Science and Technology - HUST) và trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội (University of Engineering and Technology - UET).

Mỗi mùa tuyển sinh, những cuộc tranh cãi xem HUST đào tạo Công nghệ thông tin tốt hơn hay UET đào tạo tốt hơn lại nổ ra và lần nào cũng thu hút vô vàn bình luận từ cộng đồng sinh viên.

Đại học Bách khoa Hà Nội

- Địa chỉ: Số 1 Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng

Đại học Bách khoa Hà Nội được xem là một trong những đại học kỹ thuật lớn nhất Việt Nam, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và được xếp vào nhóm các trường Đại học, Học viện trọng điểm của Việt Nam.

Hiện tại, những chương trình đào tạo liên quan đến Công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa Hà Nội bao gồm: CNTT Khoa học máy tính; CNTT Kỹ thuật máy tính; Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (Chương trình Tiên tiến); An toàn không gian số - Cyber Security (Chương trình Tiên tiến); CNTT Việt - Nhật (tăng cường tiếng Nhật); CNTT Global ICT (Chương trình Tiên tiến); CNTT Việt - Pháp (tăng cường tiếng Pháp).

Theo thông tin từ website chính thức của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, các chương trình này có thời gian đào tạo dao động từ 4 - 5,5 năm đối với bậc cử nhân. Chẳng hạn, CNTT Khoa học máy tính có thời gian đào tạo bậc cử nhân là 4 năm, còn CNTT Việt - Pháp (Chương trình tiên tiến) thời gian đào tạo bậc cử nhân là 5,5 năm.

Học phí các chương trình thường dao động từ 22 - 45 triệu đồng/năm, tuỳ chương trình. Chẳng hạn học phí chương trình CNTT Khoa học máy tính dao động từ 22 - 28 triệu đồng/năm. CNTT Global ICT (Chương trình Tiên tiến) học phí 40 - 45 triệu đồng/năm.

Về chương trình đào tạo chi tiết của từng chuyên ngành, học sinh có thể tìm đọc trên website chính thức của nhà trường.

Hà Nội có 2 trường "kỳ phùng địch thủ" về đào tạo Công nghệ thông tin: Sinh viên suốt ngày tranh cãi trường nào "chất" hơn! - Ảnh 1.

Đại học Bách khoa Hà Nội

Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội

- Địa chỉ: Số 144 Xuân Thủy, Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy

Trường Đại học Công nghệ là một trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, được thành lập vào năm 2004, nằm trong khuôn viên Đại học Quốc gia Hà Nội khu vực Cầu Giấy cùng với các trường thành viên như Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Y Dược, Trường Đại học Luật,...

Các chương trình đào tạo về Công nghệ thông tin của trường bao gồm:

- Chương trình đào tạo cử nhân ngành Khoa học Máy tính gồm chương trình đào tạo chuẩn và chương trình đào tạo chất lượng cao theo thông tư 23;

- Chương trình đào tạo cử nhân ngành Công nghệ thông tin;

- Chương trình đào tạo cử nhân ngành Các hệ thống Thông tin;

- Chương trình đào tạo cử nhân ngành Truyền thông và Mạng máy tính;

- Chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ngành Khoa học Máy tính;

- Chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ngành Các hệ thống Thông tin;

- Chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Truyền dữ liệu và Mạng máy tính;

- Chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ Phần mềm;

- Chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lý Hệ thống thông tin;

- Chương trình đào tạo thạc sĩ về An toàn thông tin.

Thời gian đào tạo các chương trình dao động từ 4 - 4,5 năm. Với chương trình đào tạo chất lượng cao, sinh viên được học bổ sung một số học phần nâng cao về chuyên môn và kỹ năng, trong đó tối thiêu 40% môn học chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh. Từ học kỳ hè năm thứ 3, sinh viên được thực tập tại doanh nghiệp.

Hà Nội có 2 trường "kỳ phùng địch thủ" về đào tạo Công nghệ thông tin: Sinh viên suốt ngày tranh cãi trường nào "chất" hơn! - Ảnh 2.

Đại học Công nghệ - ĐHQGHN

Nên học Công nghệ thông ở HUST hay UET?

Theo đánh giá của nhiều sinh viên, chương trình học của HUST có phần "rườm rà" và nặng hơn so với UET; thời gian đào tạo cũng lâu hơn. Việc học tại HUST tuy căng thẳng nhưng cũng chính vì vậy mà sinh viên chịu được áp lực, tinh thần tự học cũng cao.

Thực tế là cả HUST và UET đều có chất lượng giảng dạy Công nghệ thông tin top đầu Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, có đội ngũ giảng viên tâm huyết, chuyên môn cao. Chất lượng đầu vào và đầu ra của sinh viên 2 trường này đều được các nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Đối với ngành Công nghệ thông tin, ngoài học ở trường, sinh viên cần có khả năng tự học cao. Đây vốn là ngành có tốc độ thay đổi chóng mặt nên người học luôn phải cập nhật các xu hướng từng ngày từng giờ. Chính vì vậy không có chuyện sinh viên ra trường chỉ cần học hết 1 lần là có thể đi làm, mà còn phải vừa học vừa làm, trau dồi liên tục.

Học ở HUST hay UET đều tốt, quan trọng là bạn phải không ngừng học tập chăm chỉ, rèn luyện kiến thức thì mới có thể kiếm được công việc thu nhập cao sau khi tốt nghiệp.

Theo Thanh Hương

Cùng chuyên mục
XEM