Gửi tiết kiệm 3 triệu với lãi suất 10,95%/năm trong 24 năm, dự kiến rút được gần 400 triệu nhưng khi đáo hạn ngân hàng chỉ trả 18,5 triệu: Toà án Trung Quốc phán quyết thế nào?

05/01/2025 21:00 PM | Sống

Ngân hàng Trung Quốc cho biết, chỉ có thể rút tối đa 18,5 triệu đồng và hành động này của họ là hoàn toàn đúng luật.

Năm 1999, chị Vương Phương, một công nhân làm việc tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), nhận được khoản tiền thưởng cuối năm trị giá 1.000 Nhân dân tệ (khoảng 3,5 triệu VND). Thời bấy giờ, lương tháng của công nhân chỉ khoảng vài chục tệ, nên khoản tiền thưởng này được xem là tài sản lớn. Để đảm bảo an toàn, chị quyết định gửi số tiền này vào ngân hàng thay vì giữ ở nhà.

Khi chị đến ngân hàng, nhân viên tại đây rất nhiệt tình giới thiệu các gói tiết kiệm dài hạn hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng. Sau khi nghe tư vấn, chị Vương chọn một gói tiết kiệm kỳ hạn 24 năm. Theo thỏa thuận, cứ ba năm một lần, ngân hàng sẽ gộp lãi vào gốc, sau đó tiếp tục tính lãi suất mới. Với mức lãi suất 10,95%/năm, chị Vương tính toán rằng sau 24 năm, số tiền gốc 1.000 Nhân dân tệ của mình sẽ tăng lên thành hơn 110.000 Nhân dân tệ (khoảng 382 triệu VND).

Tuy nhiên, khi mang sổ tiết kiệm đến ngân hàng vào năm 2023 để rút tiền, chị bất ngờ nhận được thông báo chỉ có thể rút 5.300 tệ (khoảng 18,5 triệu VND). Trước thông tin này, chị hoàn toàn sốc và tức giận.

"Rõ ràng đã cam kết số tiền tôi có thể rút là hơn 110.000 Nhân dân tệ. Sao giờ lại chỉ còn 5.300 Nhân dân tệ?", Chị Vương bức xúc nói.

Phía đại diện ngân hàng giải thích rằng: "Vào năm thứ hai sau khi hợp đồng được ký kết, nhà nước Trung Quốc đã ban hành quy định hạn chế lãi suất, do đó mức lãi suất cao như đã thỏa thuận trước đó không còn phù hợp. Như vậy, hợp đồng ban đầu không còn hiệu lực và chúng tôi đã điều chỉnh theo quy định mới."

Theo lời ngân hàng, việc điều chỉnh lãi suất là bắt buộc, và họ không thể thông báo cho từng khách hàng. Tuy nhiên, chị Vương không chấp nhận lời giải thích này. Chị cho rằng hợp đồng đã được ký kết rõ ràng, và việc tự ý điều chỉnh mà không thông báo là hành vi vi phạm cam kết. Tức giận, chị quyết định kiện ngân hàng ra tòa.

Trong phiên tòa, chị Vương khẳng định rằng ngân hàng đã vi phạm hợp đồng. Theo chị, hợp đồng nêu rõ kỳ hạn là 24 năm với lãi suất cố định 10,95%/năm. Nếu có thay đổi, ngân hàng cần phải thông báo trước cho khách hàng.

Ngân hàng, ngược lại, lập luận rằng mức lãi suất ưu đãi được áp dụng trong điều kiện lãi suất không thay đổi. Khi có quy định mới từ nhà nước, việc điều chỉnh lãi suất là cần thiết và không thể tránh khỏi. Họ cũng khẳng định rằng việc làm này hoàn toàn tuân thủ quy định pháp luật.

Sau khi xem xét các bằng chứng, tòa án đã ra phán quyết có lợi cho chị Vương. Theo luật pháp Trung Quốc, trong các tranh chấp liên quan đến hợp đồng mẫu, nếu có nhiều cách hiểu, phải giải thích theo hướng có lợi cho bên yếu thế. Trong trường hợp này, chị Vương được xem là bên yếu thế vì hoàn toàn bị động và không có khả năng tự bảo vệ quyền lợi khi ký kết hợp đồng với ngân hàng.

Ngoài ra, tòa án cũng viện dẫn điều luật yêu cầu các bên phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo cam kết đã ký kết. Ngân hàng, với tư cách là tổ chức cung cấp hợp đồng, có nghĩa vụ tuân thủ toàn bộ thỏa thuận đã ghi rõ trong văn bản.

Cuối cùng, tòa án buộc ngân hàng phải chi trả số tiền hơn 110.000 Nhân dân tệ như trong hợp đồng và chịu toàn bộ chi phí kiện tụng.

Vụ việc này là một hồi chuông cảnh tỉnh cho cả khách hàng và các tổ chức tài chính. Đối với ngân hàng, việc không tuân thủ cam kết, dù viện dẫn lý do từ các quy định mới, có thể gây tổn thất lớn về uy tín và tài chính. Câu chuyện cũng nhắc nhở người dân cần thận trọng khi ký kết hợp đồng, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi có tranh chấp.

Theo Toutiao

Theo Linh San

Cùng chuyên mục
XEM