Sài Gòn ngày Tết vẫn đáng yêu như thế. Dẫu có nhộn nhịp như mọi khi, hay yên ắng lạ thường như cái năm Covid thứ 2 này. Người ta hay nói, bước chân xuống Sài Gòn là thấy cái náo nhiệt bừng bừng trong không khí thế nào, thì Tết năm nay, cái cảm giác náo nhiệt ấy vẫn... bừng bừng. Chắc là vì người Sài Gòn vẫn lạc quan, vẫn yêu đời, yêu người, và vẫn tin rằng những điều đẹp nhất đang đến. Chỉ là lúc này, đâu đó có người phải đón Tết trong khu cách ly, trong tòa nhà bị phong tỏa. Hay đâu đó, người bốn phương chọn ở lại Sài Gòn để một lần đón Tết xa xứ.
Tết năm nay là một cái Tết thật khác với Sài Gòn. Sau một năm tưởng như dài bất tận với đầy những khó khăn, Covid-19 một lần nữa gõ cửa. Bao nhiêu dự định về một cái Tết vui vẻ phải tạm gác lại, bao nhiêu kế hoạch, bao nhiêu háo hức mong chờ phải nhường chỗ cho lo toan. Nhưng hình như dù cả năm khó khăn đến đâu, cũng chẳng thể bắt người ta không tìm được những điều tuyệt vời đến trong cuộc sống của mình. Ngược lại, càng trải qua những ngày vất vả, ta lại càng thấy hóa ra mình nhận được rất nhiều. Bất chợt nhớ lại những điều tuyệt vời tình cờ nó gom được hồi giáp Tết ở Sài Gòn, lòng dường như đã có câu trả lời, bỗng chốc thấy bình yên lạc quan quá chừng.
Sài Gòn ơi, Việt Nam ơi, xin gửi một niềm tin lạc quan chắc nịch: Chỉ cần ta luôn yêu cuộc sống, mọi chuyện sẽ lại ổn thôi!
Hôm bữa trước Tết ghé quán cà phê dưới chân chung cư lô H, chốn quen thuộc của nó mỗi khi muốn hít thở không khí bình yên Sài Gòn. Bữa đó, nó rủ đứa bạn thân của mình ra, xong tự nhiên hứng chí hai đứa chuyện trò say sưa về mớ đổi thay của một năm qua.
“Hỏi nè, chốt lại một năm 2020 đầy biến động, dậy có điều gì mà mày tâm đắc, tuyệt vời nhất mà mày nhận ra hông?”
Bất chợt đâu ra một bà cô kéo xẹt ghế từ bàn bên qua liền rồi còn đưa tay giơ giơ đòi trả lời: “Tui, để tui trả lời giùm cho!” làm cho nó với đứa bạn vừa chưng hửng vừa mắc cười. Rồi cổ bắt đầu luôn mà hổng cần tụi nó gật đầu, nguyên văn đại loại vầy: “ Trời đất cưng hỏi câu hay quá bây. Để chế kể mấy cưng nghe cái này dễ thương lắm. Nhà chế ở lầu 3 phía trên á, thì bên cạnh là nhà con-mẹ Trang hách dịch, đó giờ chế với bã hổng có ưa nhau, mà hông biết sao dậy luôn mặc dù đó giờ hổng có chuyện chi ráo, kiểu lúc bã dọn tới đây là đã hông ưa rồi, kiểu mặt trăng kệ thí mặt trời á."
"Xong bữa cưng nhớ cái hôm con cô-dít nó hoành hành đó, người người nhà nhà đi mua khẩu trang y tế quá trời các kiểu. Mà bữa chế bận có đi được đâu, xong tự nhiên chiều đang tính ra kiếm coi còn hông thì thấy cái bịch đen treo trước cửa, ở trỏng có hai hộp khẩu trang y tế mới cóng. Hỏi ra mới biết con-mẹ Trang nó mua cho, chế giả bộ hờn kêu ai mượn thì mẻ quay lưng dô nhà, nói vọng ra “Tui thấy xếp hàng đông nghẹt dưới đó, thôi tranh thủ mua giùm luôn chớ chiều bà xong việc ra chắc gì đã còn. Mà mua giùm thôi chớ có tặng đâu, nhớ trả trăm ngàn, cộng thêm tiền phí tui mua giùm là một ly sữa đá ít sữa, dị nghen, tui đi nấu cơm đây!”
"Haha zậy là từ đó chế bao bã ly sữa đá mỗi sáng luôn, sau lần đó là quý bã luôn mới chết chớ, bi chừ hai chế thân nhau dữ lắm. Bởi zậy mới nói tình làng nghĩa xóm mình nhiều hồi khinh khỉnh hổng để ý, cứ nghĩ cho riêng mình, tới hồi có chuyện thì mới biết cái tình hàng xóm nó thương quý cỡ nào. Mặc dù giờ kể ra nhiều người sẽ hổng hiểu có hai hộp khẩu trang mà làm quá, chớ chế là chế rung rinh trong lòng lắm luôn, mấy cái hành động quan tâm nhỏ xíu dậy chớ quý muôn đời à nghen. Coi chế nói đúng hông mấy đứa?”
Nói xong đặng tụi nó chưa kịp hồi đáp chi ráo, bà cô đã đứng dậy xách ly cà phê mới bưng ra lên lối cầu thang liền, còn quay lại nói vọng xuống “Nãy giờ ham nói quá quên đem cà phê sữa cho con-mẹ hách dịch mất, haha, bái bai mấy cưng nha.”
Covid-19 quay lại Sài Gòn, ngay sát Tết. Nó có mấy đứa bạn làm cùng, vì dịch mà quyết định Tết năm nay ở lại Sài Gòn, hổng về nhà nữa. Có con bé Trâm, nhà tuốt Bình Định. Cả năm về quê có đôi lần. Tính năm nay khó khăn, cố gắng tiết kiệm một chút về quê ăn Tết một thể thì lại dịch. Vậy là quần áo đã xếp vào vali, đủ túi lớn túi nhỏ quà Tết mua cho cả họ cũng phải xếp lại. Chờ qua Tết, hết dịch rồi tính tiếp.
Cũng anh Tú phòng bên cạnh ở trong hội ăn trưa của tụi nó, Tết năm nay bà anh đang ốm nặng, anh sốt ruột muốn về từ sớm vì bà yếu lắm rồi, "chẳng biết cái Tết này có phải Tết cuối cùng được gặp bà không nữa". Nôn nao là thế, nhưng rồi biết tin dịch trở lại, anh cũng lo thon thót. "Nhỡ đâu... mình thì không sao. Mà còn bố mẹ, còn bà, toàn những người lớn tuổi..."
Tết đến, ai cũng háo hức về nhà. Ai cũng mệt nhoài sau một năm thử thách ta với đủ cung bậc khó khăn trong cả công việc lẫn cuộc sống. Ai cũng thèm được cái cảm giác xách vali về cổng nhà, í ới "Con đã về". Thế rồi tất cả gác lại, để cố gắng cho một mục đích lớn lao hơn của cả đất nước, để bảo vệ cho những điều quan trọng hơn tất thảy trong trái tim.
Thế là, Tết năm nay, Sài Gòn lại đón thêm một mớ những người con xa quê vào lòng để ủi an. Thường ngày, Sài Gòn vẫn luôn bao dung và cởi mở ôm ấp dân tứ xứ đến kiếm tìm cơ hội. Còn những ngày đại dịch này, Sài Gòn lại là chốn dung thân, lại dùng tình cảm nồng ấm của mình để giúp những kẻ xa nhà cảm thấy bớt xa lạ.
Anh Tú kể, Tết năm nay lần đầu tiên phải tự học cách cúng giao thừa, bạn bè Sài Gòn thấy vậy đến thăm tới tấp. Người mang trái cây, người giúp bày ngũ quả, người mang gà, người đem nồi thịt kho. Cô bán hủ tiếu đầu ngõ thấy sát Tết lại chẳng về quê nữa, bèn vẫy lại dúi vào tay cặp bánh Tét, cười hì hì: "Cho mầy cặp bánh tét, sợ mầy ở lại đây 1 mình lại thiếu cái này cái kia. Ráng lên nha". Mỗi người một món, mỗi người một tay góp vào để cái Tết của anh được tươm tất. Tối 30, bày biện mâm cúng giao thừa nho nhỏ ở ban công căn hộ, gọi Facetime về nhà thấy bà đang cùng cả nhà xem Táo Quân, mắt cay cay vì chẳng thể ở bên cả nhà vào cái giờ khắc quây quần. Nhưng trong lòng lại ấm đến lạ, vì hóa ra mình chẳng lẻ loi đến thế ở giữa thành phố náo nhiệt mà chẳng thiếu tình thân này.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Lại kể về chuyện gia đình, lần này là chuyện về "Gia đình thứ 2" - công sở. Trước khi dịch quay lại Sài Gòn, nó và tụi công ty đã kịp có một buổi liên hoan cuối năm. Thông lệ bữa nhậu nào cũng sẽ là uống cho đã ăn cho đã xong rồi sẽ chơi game thưởng-phạt. Tự nhiên bữa đó nó nổi hứng, hổng cho ai chơi mấy cái trò quen thuộc “ba ngón tay” hay “đếm số phạt rượu” chi hết trơn, tranh thủ ai ai cũng có chút men trong người dễ tỉ tê tâm sự, nó lại đem cái câu hỏi đó ra đòi mọi người trả lời xoay vòng, tự nhiên buổi nhậu đổi mood liền luôn, haha.
Sáu con người là sáu điều tuyệt vời, tích cực khác nhau, nhưng nó nhận ra tựu chung của những đứa dân văn phòng hồi nào cũng cắm đầu cắm mặt chốn công sở thì năm vừa qua đã để lại trong bọn họ là những trải nghiệm cực kì mới. Mọi người từ tâm trạng “bị” ở nhà nhiều hơn rồi chuyển thành “được” ở nhà nhiều hơn. Ai cũng đã có rất nhiều thời gian dành cho gia đình, nhờ đó mà tình cảm gia đình tự nhiên đong đầy, gần gũi hơn nhiều. Có người thì bất ngờ nhận ra được tay nghề vào bếp của ba mình và hiểu được ba luôn muốn nấu từng bữa cơm cho mình mà mình dửng dưng hổng hay. Có người thì sau khi work from home trong thời gian dài thì lại muốn ở nhà nhiều hơn, vì được ở bên cạnh hai đứa con đang tuổi lớn, chợt trở thành người bạn thân thiết của tụi nhỏ lúc nào hổng hay, mặc dù có lúc mắc mệt với mớ câu hỏi khùng điên chi đâu. Có người thì lại mềm lòng “say yes” với kẻ đeo đuổi đáng ghét mình bấy lâu nay, vì nhận ra rằng dù cho khó khăn cỡ nào, ở đâu thì họ vẫn luôn sẵn sàng dõi theo quan tâm mình hết lòng, tới độ mới chốt quen được mấy tháng mà đã muốn về chung một nhà luôn rồi.
Tối hôm đó về nhà, sếp nhắn tin cảm ơn nó, vì một “cái game” thiệt chân thành, thiệt lạ và thiệt nhiều cảm xúc.
Nó tình cờ gặp bà trong một chiều hăm sáu tháng Chạp giữa Sài Gòn. Nó thì đứng trên hành lang lầu hai chung cư chờ hoàng hôn dần tắt nắng. Bà thì đang đứng đón cơn gió chiều muộn lúc chờ nồi cơm bật nút. Hai bà cháu bất chợt đứng cạnh nhau góc hành lang, cùng nghe tiếng xe nhộn nhịp dưới phố thị, tiếng con nít la ó với nhau ở bậc thềm, tiếng rao bánh mì nóng giòn dưới sảnh lẫn tiếng kèn bim bim đâu đó. Bà năm nay cũng hơn chín mươi, ngó yêu đời và lạc quan lắm. Bà nói bà hổng sợ con cô-dít nào hết trơn á, con cô-dít nó mới có một tuổi, bà đây gần cả trăm tuổi rồi, quánh nhau ai thắng biết liền, haha.
Dẫu biết bà nói giỡn chơi vui đời, nhưng nó lại khiến ta cảm thấy thực sự lạc quan và đáng đấu tranh để sống thiệt tốt với cuộc đời chớ bộ. Đúng là gừng càng già càng cay, ngó bà dám chắc độ lạc quan yêu đời hổng ai bằng á chớ.
Đứng nói chuyện hồi lâu về Sài Gòn, bà bái bai vô nhà dọn bữa cơm tối, không quên kèm thêm câu “Tết rồi đó, lo dìa lẹ với ba má đi nghe hông, bữa cơm còn thiếu mỗi bây thôi đó”. Tự nhiên bất giác sống mũi nó cay cay khịt khịt, đó giờ cứng rắn lắm mà, chắc do người ta hay nói hoàng hôn khiến cảm xúc người ta hoá dịu dàng thôi á.
Cảm ơn bà, cảm ơn vì đã sống thiệt lạc quan như thế.
“Chụp tui nữa á chớ, tui cũng đẹp mà sao chụp có mỗi bông dị trời!”
Miệng thì nói chớ tay ảnh vẫn thoăn thoắt bốc từng bó hoa xếp thiệt gọn gàng, vẫn luôn yêu cái đời yêu cái nghề gắn bó hơn mớ năm trời này. Nó xin ảnh chụp một bức thiệt tươi xong lại ngồi xếp bằng bên bà chị Năm, chủ tiệm hoa nằm trong một góc đường chợ Hồ Thị Kỷ.
Chị kể năm nay buôn bán khó khăn lắm, tiểu thương ai cũng than do lượng cung thì nhiều nhưng cầu lại giảm mạnh. Người người nhà nhà bi chừ tiết kiệm lắm, năm ngoái có chưng mai thì năm nay tiết kiệm chỉ chưng cúc, năm ngoái mua bánh mứt đầy mâm chớ năm nay mỗi thứ một ít, vừa đủ cho ba mồng Tết về. Cái này tình tình chung, than thở xíu thôi chớ ai mà hổng phải tiết kiệm chi tiêu. Chị nói: Năm nay khó khăn nối tiếp cả năm, chớ cũng nhờ đó mà nhận ra được thế nào là đủ, để biết lấy ít cái dư đó ra, làm chút điều tốt đẹp cho bà con xóm giềng, cho cộng đồng miền xuôi miền ngược. Như chẳng bình thường bữa đi chợ hết cả trăm, nay cân đong vừa đủ còn bảy chục, tiết kiệm lại một chút rồi còn mười lăm hai chục gom gom đặng gửi cho mấy chỗ bà con khó khăn, thiên tai được no bữa cơm, gói mì. Hành động xíu xiu dậy chớ khiến mình thấy hạnh phúc thấy yên lòng hơn, và biết trân quý cuộc đời này thiệt nhiều.
Chị chuyện trò xong với nó cả nửa tiếng trời mà cũng hổng thấy khách nào tới coi bông hết trơn, chốc chốc chị nhìn phía xa xăm về phía trước, nó bối rối hổng biết phải nói với chị điều chi. Chị chợt cười “Haha thôi đời mà em, phải có lúc khó khăn như bi chừ, con người mới có dịp sống chậm lại và biết phải sống thiệt đường hoàng, tử tế chớ he. Bây chưng bông hông chị cho bó về cắm Tết nè!”
-Dạ thôi, nãy chừ chị truyền cho em quá trời năng lượng tử tế rồi, em còn sợ bự quá hổng có sức ôm dìa nữa nè.
Em tên Long, mười tuổi tròn, hổng biết chữ nhưng đếm tiền lẹ lắm, ngày ngày cứ tới bốn rưỡi chiều lại chạy ra đại lý vé số để nhận xấp vé mới, đặng tối đi bán tới khuya. Hồi nãy thấy nó đứng cầm máy ảnh chụp phố xá nhộn nhịp, em thích lắm, tò mò chạy lại xin coi hình rồi khen tíu tít. Em kể hôm qua mới được má mua đồ mới rồi, Tết được nghỉ hổng phải đi bán nhưng em kêu buồn một xíu vì năm nay chắc hổng được ai lì xì. Nó thắc mắc hỏi, em bảo em có coi ti vi á, thấy năm nay dịch bệnh nên chắc ai cũng làm ăn hổng tốt. Hỏi em sợ cô-dít hông, em cười giòn tan: "Dạ có, nhưng mấy cô chú bác sĩ, bộ đội ở mình giỏi lắm, nên sợ ít lại xíu".
Tự nhiên, nó nghe xong thấy vui vui trong lòng, kiểu được nghe cái suy nghĩ trong veo từ một em bé nhỏ xíu giữa Sài Gòn, bỗng thấy sao ưng bụng quá . Nó hỏi em có tự hào là người Việt Nam hông, em bẽn lẽn cười, ngại ngại nói nhỏ xíu "có chứ". Nó cũng tự trả lời y chang, mà rõ to trong lòng. Sướng chi đâu!
Tết rồi cũng qua lẹ lắm, gió xuân thổi mấy chặp, mấy cành mai rơi đầy trước cửa, hết mồng rồi cũng vơi bớt nhịp Tết, con người chúng ta lại bắt đầu mớ guồng sống mới. Dẫu cho Tết năm nay có vơi chút tiếng cười, bớt chút đong đầy, nhưng chỉ cần ai ai cũng nuôi giữ mớ niềm tin lạc quan cho một chặng đường mới phía trước, thì mọi khó khăn đang trải qua sẽ vơi bớt đi nhiều phần, để nhường chỗ cho hy vọng vào những gì tươi sáng đang đến.
Hãy nhớ rằng chúng ta là người Việt Nam, chúng ta không gồng gánh trên vai khó khăn một mình. Ai ai cũng đang sẵn sàng hành trang chiến đấu, đã có thiệt nhiều kinh nghiệm "sống còn" của năm 2020, vậy thì có cớ gì không tin vào một năm 2021 đầy hứng khởi, đầy lạc quan phía trước, hen!
Pháp luật và Bạn đọc