Guardian: Lý giải Việt Nam chống COVID-19 hiệu quả từ "bổn phận thời chiến" của các chiến binh cầm cọ

11/04/2020 15:39 PM | Xã hội

Dù giáp biên giới với Trung Quốc - quốc gia bùng phát dịch Covid-19 ban đầu, Việt Nam vẫn kiểm soát được số ca nhiễm ở mức thấp.

Toàn dân chống dịch Covid-19

Theo The Guardian, kết quả này đạt được tại Việt Nam nhờ quá trình kiểm dịch tốt, truy tìm nhanh chóng và triệt để các F, xét nghiệm bệnh, và thông qua công tác tuyên truyền.

Áp phích có hình các nhân viên y tế đang đeo khẩu trang, dũng cảm chiến đấu như một người lính. Cùng với đó là những khẩu hiệu quyết liệt “ở nhà là yêu nước”. Bên dưới là dòng chữ khẩn thiết yêu cầu người dân khai báo y tế cũng như báo cáo những trường hợp trốn cách ly.

Tác phẩm của nghệ sĩ Lê Đức Hiệp chỉ là một trong vô số loại hình nghệ thuật ở Việt Nam như các bài hát rửa tay, tem,... phản ánh tinh thần chống dịch của toàn dân trong thời đại dịch Covid-19.

Guardian: Lý giải Việt Nam chống COVID-19 hiệu quả từ bổn phận thời chiến của các chiến binh cầm cọ - Ảnh 1.

Một tranh cổ động trong mùa Covid-19 của họa sĩ Lê Dức Hiệp với thông điệp "ở nhà là yêu nước" (Nguồn: The Guardian)

Với phương thức truyền thông áp phích cổ động, thể hiện tinh thần dân tộc và sử dụng các yếu tố anh hùng, họa sĩ này chọn phong cách thiết kế mà anh cảm thấy lấy được sự đồng cảm của mọi người để tuyên truyền việc báo cáo những người không chấp hành.

"Sau khi chính phủ kêu gọi mọi người ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, tôi lên mạng và chứng kiến nhiều người vẫn tụ tập quán xá, điều đó làm tôi rất bức xúc," Hiệp chia sẻ với Guardian.

"Tôi muốn làm được điều gì đó có tính lan truyền, nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho mọi người làm điều đúng đắn. Tôi đã chọn phong cách cổ động, tuyên truyền vì nó quen thuộc với người Việt Nam và phong cách này luôn khơi gợi tinh thần yêu nước."

Guardian: Lý giải Việt Nam chống COVID-19 hiệu quả từ bổn phận thời chiến của các chiến binh cầm cọ - Ảnh 2.

Tranh cổ động của họa sĩ Lưu Yên Thế (Nguồn: The Guardian)

Thông điệp về tinh thần đoàn kết

Lê Đức Hiệp không phải là họa sĩ duy nhất liên hệ việc chống dịch thời bình với tinh thần chiến đấu thời chiến.

Họa sĩ Phạm Trung Hà cũng kết hợp với Bộ y tế và Công ty Tem Việt Nam, cho ra mắt hai thiết kế với mục đích "truyền tải thông điệp rõ ràng về tinh thần đoàn kết trong công cuộc chống dịch Covid-19".

Một thiết kế có hình ảnh nhân viên y tế đang xét nghiệm virus, đằng sau họ là hình ảnh một nắm đấm đang giương lên tượng trưng cho sự kháng cự và chiến đấu.

Chính phủ Việt Nam kêu gọi họa sĩ trên toàn quốc gửi các bản thiết kế áp phích. Mặc dù đang điều trị ung thư, họa sĩ Lưu Yên Thế 73 tuổi đã nộp hai tác phẩm cho Bộ văn hóa, cả hai đều được chấp nhận và nay đã hiện diện trên các đường phố.

"Vẽ tranh cổ động là sở thích của tôi từ những năm 1960-70, khi Việt Nam tập trung thống nhất đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Trong thời kì này, mọi người có thể thấy những tranh vẽ cổ động khổ lớn ở bất cứ nơi đâu trên đất nước," ông Thế nói.

"Mặc dù sức khỏe của tôi đang yếu và thời hạn nộp bài cũng rất gấp rút, nhưng tôi vẫn quyết định tham gia dự án này bởi tôi muốn chung tay với toàn thể nhân dân trong cuộc chiến chống đại dịch. Nếu như chưa thể đứng ở tiền tuyến, các họa sĩ chúng tôi vẫn có thể giúp sức bằng cách riêng của mình qua những bức tranh cổ động như thế này.”

Guardian: Lý giải Việt Nam chống COVID-19 hiệu quả từ bổn phận thời chiến của các chiến binh cầm cọ - Ảnh 3.

Mẫu tem cổ động của họa sĩ Phạm Trung Hà được giới thiệu trên Twitter của Bộ ngoại giao Việt Nam

Cầm cọ là bổn phận trong cuộc chiến

Những thông điệp cùng với những hành động từ rất sớm đã giúp Việt Nam tránh được những tổn thất nặng nề mà một số quốc gia phương Tây đang phải chứng kiến.

Tính đến 6h sáng nay, 11/4, Việt Nam mới chỉ ghi nhận 257 trường hợp nhiễm Covid-19, và chưa có ca tử vong nào. Việc cách ly toàn xã hội đã bắt đầu được thực hiện nghiêm tức kể từ ngày 1/4, sau chỉ thị của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Việc đeo khẩu trang là bắt buộc ở những thành phố lớn. Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra cảnh báo mức phạt nặng đối với những trường hợp không đeo khẩu trang và lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hàng trăm người cũng đối mặt với hình thức xử lý nghiêm khắc vì phát tán thông tin giả mạo trên mạng Internet vì đăng tin giả trên mạng.

Bầu không khí chung, nhất là ở các họa sĩ, là sự sẻ chia - Guardian nhận xét.

Huỳnh Kim Liên và Phùng Nguyên Quang, hai nhà sáng lập studio KAA Illustrations, đã khắc họa các bác sĩ, y tá và những quân nhân trong một bức tranh màu nước để thể hiện lòng biết ơn đối với những người trên tiền tuyến chống dịch Covid-19.

Vào lúc này, hai họa sĩ trên chia sẻ, nghệ thuật là cách giúp họ kết nối với mọi người.

Tại Việt Nam, chính phủ tuyên chiến với virus. Chính vì thế, là một người họa sĩ, chúng tôi thực hiện bổn phận của mình trong cuộc chiến: Chúng tôi cầm cọ.

Họa sĩ Huỳnh Kim Liên

Theo THÚY

Cùng chuyên mục
XEM