GS.TS Nguyễn Đức Khương: Ứng xử với dịch bệnh phải kiên quyết nhưng để khôi phục kinh tế thì phải linh hoạt và “sống chung với dịch”

15/08/2020 10:09 AM | Xã hội

Từ Paris, GS.TS Nguyễn Đức Khương đã có cuộc trao đổi với Trí thức trẻ về chiến lược mới của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19 cũng như các biện pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế.

 GS.TS Nguyễn Đức Khương: Ứng xử với dịch bệnh phải kiên quyết nhưng để khôi phục kinh tế thì phải linh hoạt và “sống chung với dịch” - Ảnh 1.
 GS.TS Nguyễn Đức Khương: Ứng xử với dịch bệnh phải kiên quyết nhưng để khôi phục kinh tế thì phải linh hoạt và “sống chung với dịch” - Ảnh 2.

Trong những tháng gần đây, chỉ số PMI của Việt Nam chỉ hơn 50 vào tháng 6 và tháng 7 lại xuống dưới ngưỡng này. Trong khi đó, tại Mỹ, dù tình hình dịch bệnh vẫn rất nghiêm trọng nhưng chỉ số PMI của họ tháng 6 đã lên hơn 50 và tháng 7 vẫn tiếp tục tăng. Theo ông, những con số này cho thấy điều gì? 

PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) được dùng như thước đo nhận biết xu hướng kinh tế trong khu vực sản xuất chế tạo, dựa trên khảo sát hàng tháng gửi đến các nhà quản lý chuỗi cung ứng của 19 ngành công nghiệp chính.

Khi nhìn vào chỉ số PMI tháng 6 và 7 của Mỹ, có thể nhìn thấy ở đây cơ hội, hy vọng của một chu kỳ sản xuất mới khi người dân đã vượt qua được giai đoạn “áp lực tâm lý” cao điểm của dịch bệnh, và dần dần quay trở lại cuộc sống bình thường. Mỹ là một nền kinh tế có tính linh hoạt cao trong sản xuất và thị trường lao động, giúp họ có những phản ứng rất nhanh nhạy với hoàn cảnh mới. Thêm cào đó, có thể các nhà sản xuất cũng đã tìm, nối lại và xây dựng các chuỗi sản xuất mới, chuỗi giá trị mới.

Còn việc PMI của Việt Nam tháng 7 giảm so với tháng 6 là do suy giảm cả về sản lượng, đơn đặt hàng mới trong hoạt động sản xuất hàng hoá trung gian và đầu tư cơ bản. Dịch bệnh quay trở lại ảnh hưởng tới tâm lý của nhà sản xuất, người tiêu dùng và nhưng quan trọng nhất là nhu cầu từ thị trường xuất khẩu chính vẫn suy giảm mạnh.

 GS.TS Nguyễn Đức Khương: Ứng xử với dịch bệnh phải kiên quyết nhưng để khôi phục kinh tế thì phải linh hoạt và “sống chung với dịch” - Ảnh 3.

Nhưng phải đến cuối tháng 7 Việt Nam mới xuất hiện những ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Vậy thì lý do gì khiến PMI tháng 7 bị giảm? 

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra thì chuỗi cung ứng nguyên vật liệu của Việt Nam với Trung Quốc đã gặp khó khăn, đã đứt đoạn rồi. Gần đây ngoài việc chống dịch thì Trung Quốc còn đang gặp các vấn đề về thiên tai, lũ lụt… Để kết nối lại các chuỗi với họ cũng không phải dễ dàng.

Phần lớn doanh nghiệp của nước ta có quy mô vừa và nhỏ, chưa hình thành được chuỗi giá trị đa dạng, tiềm lực tài chính còn yếu. Bệnh dịch kéo dài thì sức kháng cự sẽ giảm dần. Trong lúc chờ thị trường xuất nhập khẩu phục hồi thì các doanh nghiệp sản xuất cũng buộc phải cắt giảm tối đa các chi phí mua hàng từ bên ngoài, giảm nhập nguyên vật liệu cho sản xuất, giảm hàng tồn kho…

Những doanh nghiệp vẫn tiếp tục xuất khẩu được còn gặp phải khó khăn do các biện pháp phòng chống dịch giữa các quốc gia như hạn chế về vận tải, đường đi lại, máy bay chuyên chở, logistics…, đưa đến kéo dài thời gian giao nhận hàng, tăng chi phí và nhiều doanh nghiệp phải tự thu hẹp hoạt động lại.

 GS.TS Nguyễn Đức Khương: Ứng xử với dịch bệnh phải kiên quyết nhưng để khôi phục kinh tế thì phải linh hoạt và “sống chung với dịch” - Ảnh 4.

Theo anh, ở châu Âu, việc phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì có điểm gì đặc biệt mà Việt Nam có thể tham khảo? 

Kinh tế EU năm nay sẽ có một cuộc suy thoái sâu, tăng trưởng được dự báo âm khoảng 8,3%. Suy giảm kinh tế có thể sẽ nghiêm trọng hơn nếu như làn sóng lây nhiễm mới trong mùa hè phát tán mạnh.

Tuy nhiên, việc cách ly xã hội hay phong toả không nên tiếp tục thực hiện, bởi điều đó gây hệ luỵ cho nhiều vấn đề kinh tế xã hội, đặc biệt là tâm lý bất ổn của người dân. Cần một giải pháp linh hoạt hơn. Họ nâng cao hiệu quả của hệ thống y tế, thực hiện giãn cách xã hội, kiểm soát các nguồn dịch và giảm mạnh số trường hợp tử vong.

Đồng thời, họ đang tập trung đoàn kết nội bộ để tìm kiếm giải pháp khôi phục kinh tế trong khu vực, với một ngân quỹ khoảng 750 tỷ euro, trong đó dự kiến huy động một phần vốn thông qua phát hành trái phiếu xanh chung của Liên minh.

EU cũng đang hoạch định chương trình tái thiết kinh tế cho giai đoạn 2021-2027, trong đó họ định hình mô hình phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, đảm bảo hạnh phúc của người dân chứ không chạy theo duy nhất một yếu tố là tăng trưởng. Một ví dụ cụ thể hơn, nước Pháp dự cải cách nền kinh tế thông qua việc cung cấp vốn để thúc đẩy phát triển công nghệ thân thiện với môi trường, tập trung ở 3 lĩnh vực: xây dựng, năng lượng, giao thông.

 GS.TS Nguyễn Đức Khương: Ứng xử với dịch bệnh phải kiên quyết nhưng để khôi phục kinh tế thì phải linh hoạt và “sống chung với dịch” - Ảnh 5.

Theo anh, Việt Nam có thể áp dụng được điều gì có hiệu quả từ thực tiễn điều hành chính sách của EU?

Ứng xử của Việt Nam với dịch bệnh là kiên quyết và quyết liệt. Để phục hồi nền kinh tế, kích hoạt trở lại các động lực tăng trưởng cần thích ứng và linh hoạt với chiến lược “sống chung với dịch”, ít nhất cho đến khi có vắc-xin.

Mô hình tăng trưởng mới mà các quốc gia EU hướng đến lấy con người làm trung tâm, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, đảm bảo bền vững kinh tế, môi trường và xã hội. Ở nước ta, Thủ tướng và Chính phủ cũng đã định hướng và đưa nền kinh tế vào quỹ đạo này ngay từ những năm đầu của nhiệm kỳ 2016-2021. Thời gian tới rất cần đẩy mạnh hơn nữa.

Ngoài ra, năm nay Việt Nam là Chủ tịch của ASEAN. Việt Nam cũng là quốc gia ASEAN tiên phong trong hợp tác quốc tế về phòng chống dịch, thể hiện được trách nhiệm quốc tế cao. Do vậy, Việt Nam có thể thúc đẩy các nước ASEAN phối hợp chặt chẽ hơn nữa để khôi phục kinh tế khu vực. Các quốc gia cũng có thể chia sẻ tầm nhìn, chia sẻ kinh nghiệm trong việc vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Quan trọng hơn cả là kết nối các chuỗi giá trị trong khu vực, và với các các cực tăng trưởng khác trên toàn cầu.

 GS.TS Nguyễn Đức Khương: Ứng xử với dịch bệnh phải kiên quyết nhưng để khôi phục kinh tế thì phải linh hoạt và “sống chung với dịch” - Ảnh 6.

Nước Nga vừa công bố đã có vắc-xin phòng chống được coronavirus. Theo anh, điều này có thể tác động như thế nào đến triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam? 

Dù gì thì đây cũng là tín hiệu tích cực, đưa lại hy vọng khôi phục sớm cho hoạt động kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài tính hiệu quả, vắc-xin cũng cần thời gian để sản xuất và phân phối đến từng người dân. Việc vắc-xin được sản xuất ra đi đến quốc gia nào lại phụ thuộc vào đàm phán, hợp tác quốc tế. Đã có một số dấu hiệu cho thấy vắc-xin có thể trở thành vũ khí đưa đến ràng buộc hay phụ thuộc về ngoại giao, đường lối chính trị. Vì thế, trừ khi có vắc-xin giá hợp lý cho tất cả các quốc gia, còn nếu không thì Việt Nam cần có vắc-xin của riêng mình. Chỉ có lúc đó chúng ta mới làm chủ để phát triển kinh tế và xã hội. Ngoài ra, cũng cần lưu ý là với độ mở cao và xuất khẩu đóng vai trò động lực tăng trưởng quan trọng thì khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc vào sự phục hồi ở các quốc gia khác nữa.

Vậy với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam và khả năng phục hồi của thế giới vẫn chưa thoát khỏi “bóng ma” của Covid-19, theo anh, những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam nằm ở đâu?

Cho đến thời điểm này Việt Nam vẫn là một trong số các quốc gia kiểm soát tốt sự lây lan của bệnh dịch. Chính phủ đã có những chính sách rất chủ động, kịp thời, và người dân hưởng ứng với tinh thần trách nhiệm cao. Đặc biệt, hệ thống y tế cộng đồng phát triển chính là một lợi thế của Việt Nam.

 GS.TS Nguyễn Đức Khương: Ứng xử với dịch bệnh phải kiên quyết nhưng để khôi phục kinh tế thì phải linh hoạt và “sống chung với dịch” - Ảnh 7.

Việt Nam vẫn duy trì được một môi trường vĩ mô ổn định, tăng trưởng dương và xuất siêu trong tình trạng kinh tế toàn cầu suy thoái, thương mại quốc tế giảm kỷ lục (WTO dự báo giảm 32% trong trường hợp xấu nhất). Nhìn từ bên ngoài, quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn. Doanh nghiệp, người lao động và người dân của Việt Nam nhạy bén, thích nghi tốt với sự thay đổi nhanh của công nghệ.

Việt Nam còn không gian chính sách cho những gói hỗ trợ bổ sung nếu bệnh dịch kéo dài. Tỷ lệ tiết kiệm trên GDP ở mức cao (khoảng 25,4% cuối năm 2019) và nguồn lực này có thể được huy động cho đầu tư, tiêu dùng sắp tới.

Và quan trọng nhất là nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, người dân và doanh nghiệp Việt Nam. Trước mỗi khó khăn trong hàng nghìn năm lịch sử qua thì sự kiên cường và khả năng chống chịu của người Việt Nam chúng ta lại tăng thêm gấp bội. Đây là đòn bẩy quan trọng mà Chính phủ và toàn xã hội có thể thúc đẩy trong phục hồi kinh tế.

 GS.TS Nguyễn Đức Khương: Ứng xử với dịch bệnh phải kiên quyết nhưng để khôi phục kinh tế thì phải linh hoạt và “sống chung với dịch” - Ảnh 8.

Nhiều chuyên gia kinh tế không còn đưa ra các con số dự báo về tăng trưởng Việt Nam nữa mà nói đùa là “phải để cho các chuyên gia về vắc-xin dự báo”. Còn anh thì sao?

Tại thời điểm này, trong môi trường kinh tế toàn cầu và Việt Nam phụ thuộc lẫn nhau và còn bị ảnh hưởng rất sâu của dịch, sẽ rất khó tin nếu ai đó có thể đưa ra một dự báo chính xác về tăng trưởng kinh tế. Tất cả các biến số vẫn còn thường xuyên thay đổi. Hơn nữa ưu tiên số một vẫn là chặn đứng bệnh dịch và bảo vệ sức khoẻ người dân.

Nếu đặt nền kinh tế Việt Nam vào một kịch bản xấu nhất, tức là tăng trưởng âm, thì chúng ta sẽ buộc phải có tinh thần đủ mạnh để chủ động tìm ra tất cả giải pháp có thể khơi dậy lại động lực tăng trưởng. Với nỗ lực cao độ thì chúng ta hoàn toàn có thể đánh bật được những dự báo xu thế tiêu cực.

 GS.TS Nguyễn Đức Khương: Ứng xử với dịch bệnh phải kiên quyết nhưng để khôi phục kinh tế thì phải linh hoạt và “sống chung với dịch” - Ảnh 9.

Như anh nói, việc không thể đưa ra dự báo về con số tăng trưởng của Việt Nam do có quá nhiều biến số bất định nhưng việc đặt ra một mục tiêu tăng trưởng xác định (dù giảm xuống) vẫn tốt hơn mục tiêu chống tăng trưởng âm chứ? 

Một trong những bài học lớn nhất của Covid-19 là sức khoẻ, hạnh phúc của con người và tôn trọng hệ sinh thái thiên nhiên. Việt Nam nên hướng đến duy trì sự ổn định vĩ mô, cải cách mạnh mẽ nền kinh tế, và kiến tạo nền tảng cho phát triển bền vững trong dài hạn, thay vì tập trung vào con số tăng trưởng.

Covid-19 là cú hích để thực hiện những cải cách mà trước đây chúng ta đã nghĩ đến và bây giờ trở nên cấp thiết. Chúng ta cần đầu tư vào công nghệ, số hoá, phát triển con người, kết nối nguồn lực, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và pháp lý. Đầu tư mạnh cho giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực, giúp doanh nghiệp phát triển năng lực cạnh tranh để tận dụng cơ hội thị trường từ các hiệp định thương mại tự do là con đường đi đến tăng trưởng cao trong dài hạn.

Làm được những việc này mới giúp Việt Nam không bị thua thiệt trong hợp tác kinh tế, có định vị cao trong các chuỗi giá trị, và tiến gần với trình độ của các quốc gia phát triển. Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay. Nếu không chuẩn bị tốt trong hiện tại thì sang năm cơ hội đến chúng ta có thể sẽ lại để nó chạy qua.

 GS.TS Nguyễn Đức Khương: Ứng xử với dịch bệnh phải kiên quyết nhưng để khôi phục kinh tế thì phải linh hoạt và “sống chung với dịch” - Ảnh 10.

Theo anh, bây giờ đã phải là thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam hay chưa?

Với làn sóng thứ hai của Covid-19 gần đây thì sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp sắp tới sẽ khó khăn hơn. Chúng ta phải chuẩn bị cho tình huống sẽ có nhiều người thất nghiệp hơn, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động, do đình trệ kinh tế ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Ngay cả khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh thì thương mại Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thương mại toàn cầu.

Giai đoạn khó khăn vẫn còn ở phía trước. Nhưng thời cơ cho một cú hích lớn cũng ở phía trước. Khi toàn cầu gặp khó khăn và suy thoái thì quốc gia nào cải cách mạnh mẽ nhất, đổi mới và thích ứng nhanh nhất sẽ tạo được cho mình một vị thế thuận lợi trong trật tự thế giới mới đang hình thành.

Vì thế, Việt Nam có cơ hội để nâng cao vị thế, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển hơn. Kiên trì thực hiện hiệu quả các giải pháp phục hồi đang làm và hướng sự tập trung vào các cải cách nền tảng để đảm bảo tăng trưởng cao trong dài hạn là một lựa chọn tối ưu.

Bài: Quỳnh Lê - Hoàng Ly

Cùng chuyên mục
XEM