GS. Nguyễn Đức Khương: Dịch bệnh đưa đến những thiệt hại, rủi ro và thách thức lớn, nhưng là cơ hội cơ cấu, điều chỉnh lại nền kinh tế

24/02/2020 09:45 AM | Kinh doanh

GS. Nguyễn Đức Khương hiện là Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Học viện Hành chính và Quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School) đồng thời là Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global). Ông là thành viên trẻ nhất trong Tổ tư vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đã và đang gây ra những tác động nhất định đến nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn về những tác động này, Trí thức trẻ đã có buổi trao đổi với GS. Nguyễn Đức Khương, PGĐ phụ trách nghiên cứu, IPAG Business School; Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global).

Xem thêm các nội dung mới nhất về dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại ĐÂY.

PV: Thưa giáo sư, trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), dịch bệnh đã có sự tác động lên nền kinh tế của Việt Nam. Giáo sư có đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của dịch bệnh đến kinh tế - xã hội ở Việt Nam?

GS Nguyễn Đức Khương: Kể từ khi được công bố chính thức vào Tháng 12 thì dịch bệnh này đã và đang có nhiều tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế xã hội, không chỉ ở Trung Quốc, các quốc gia lân cận mà còn lây lan đến hơn 25 quốc gia trên thế giới. Diễn biến phức tạp trong các ngày gần đây (gia tăng số ca nhiễm bệnh ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Đông) cho thấy thời điểm kiểm soát dịch còn chưa xác định được.

Việt Nam là một quốc gia láng giềng với Trung Quốc (với thành phố Vũ Hán là trung tâm dịch bệnh) và có hoạt động giao dịch thương mại song phương lớn (năm 2019 kim ngạch XNK hai chiều đặt khoảng 117 tỷ USD, xấp xỉ 19% tổng kim ngạch XNK). Với hai tiền đề này thì thấy rõ ảnh hưởng của dịch bệnh này đến kinh tế là đáng kể. Không chỉ khu vực xuất khẩu gặp khó khăn do giảm nhu cầu từ thị trường Trung Quốc mà khu vực sản xuất cũng phải đối mặt với thách thức đến từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu nhập khẩu.

Các ngành, lĩnh vực đã và đang chịu ảnh ảnh hưởng nhiều nhất là du lịch - dịch vụ, vận tải hàng hoá và hành khách, nông nghiệp và thuỷ hải sản (xuất khẩu). Nếu dịch bệnh kéo dài thêm thì các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng cũng sẽ đứng trước nhiều thách thức, đến chủ yếu từ suy giảm nhu cầu toàn cầu và nội địa.

Về mặt xã hội, sự xáo trộn và lo lắng cũng diễn ra trong những ngày đầu, nhưng sau đó cũng dễ dàng nhận thấy ý thức và sự chủ động vào cuộc của người dân rất cao. Ưu tiên của Chính phủ trong triệt để phòng, chống dịch bệnh lây lan đã đem lại những kết quả được quốc tế ghi nhận. Điều này tạo được niềm tin, sự an tâm của xã hội, người dân và cộng đồng kinh doanh quốc tế. Tiền đề này cũng cho phép chúng ta có thể nhanh chóng khởi động lại các hoạt động kinh tế xã hội bình thường.

PV: Thưa giáo sư, tác động của dịch bệnh đối với thị trường tài chính (ngân hàng - chứng khoán) trong bối cảnh hiện tại như thế nào? Bởi thị trường tài chính nhạy cảm lớn trước các biến động kinh tế xã hội.

GS Nguyễn Đức Khương: Thị trường tài chính được coi là hàn thử biểu cho sức khoẻ tài chính của một nền kinh tế và niềm tin, kỳ vọng của nhà đầu tư vào triển vọng sinh lời của các doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Những cú sốc tiêu cực như dịch bệnh Covid-19 đưa đến khung cảnh kinh tế ảm đạm, giảm niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, và đưa đến các điều chỉnh sụt giảm. Ở đây, tiêu dùng giảm, hoạt động xuất nhập khẩu gặp khó khăn là các nguyên nhân chính.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận đây chỉ là những điều chỉnh ngắn hạn vì thị trường chứng khoán là thị trường vốn dài hạn. Mặc dù nhận thức được các rủi ro ngắn hạn, nhưng đa phần các nhà đầu tư trên thị trường này quan tâm đến hiệu quả đầu tư trong dài hạn. Ví dụ, chỉ số STOXX® Europe 600 - đại diện cho 17 quốc gia Châu Âu (Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của EU với khoảng 394 tỷ năm 2018, và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của EU với 210 tỷ) - có những điều chỉnh giảm nhẹ từ ngày 24/01 (424 điểm) đến ngày 31/01 (411 điểm), tức 3,1%. Ngày 24/1 Trung Quốc thông báo có khoảng 900 người nhiễm bệnh và 12 người tử vong

Sau đó thị trường điều chỉnh tăng dần và đạt đỉnh 434 điểm hôm 19/02 (hiện thống kê được 77672 người bị nhiễm bệnh trên phạm vi toàn cầu). Chỉ số MSCI World Index cũng có những điều chỉnh tương tự.

Nếu nhìn kỹ vào TTCK Việt Nam thì thấy VnIndex có điều chỉnh mạnh nhất và bắt đầu giảm từ 22/1 (991.46 điểm) và đóng cửa ở 933.09 điểm sau phiên gia dịch ngày 21/02, giảm 5.9% sau 1 tháng. Rõ ràng nhà đầu tư có lo lắng lớn về tác động tiêu cực và có khả năng kéo dài của dịch bệnh Covid-19. Khoảng cách gần trung tâm dịch bệnh và quy mô thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc đưa đến khác biệt trong phản ứng, mặc dù tình hình kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên, điều chỉnh này là chưa lớn nếu với so với điều chỉnh trong khoảng từ 6/11 đến 3/12 (VnIndex mất 6,9% ngay cả khi không có thông tin tiêu cực gì).

GS. Nguyễn Đức Khương: Dịch bệnh đưa đến những thiệt hại, rủi ro và thách thức lớn, nhưng là cơ hội cơ cấu, điều chỉnh lại nền kinh tế - Ảnh 2.

PV: Trước tình hình này, Việt Nam nên có những chính sách như thế nào để hạn chế những tác động đến kinh tế của dịch bệnh, thưa giáo sư?

GS Nguyễn Đức Khương: Hiện nay Việt Nam đã có những chính sách và giải pháp rất hiệu quả trong phòng chống và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Tập trung nguồn lực cho hệ thống y tế trong việc theo dõi, kiểm soát cách kênh lây truyền của Covid-19, và đầu tư nghiên cứu cơ chế lây truyền, chế tạo thuốc. Trên nền tảng đó thúc đẩy xây dựng năng lực chuyên môn và quy trình phòng chống dịch bệnh cho các địa phương, để có khả năng đối phó với các bất ngờ xảy ra trong tương lai.

Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì nên đưa các hoạt động kinh tế xã hội trở lại bình thường, trong đó ưu tiên trường lớp học tập cho học sinh - sinh viên, phát triển sản xuất, để ổn định tâm lý cho người dân, doanh nghiệp.

Đối với các hoạt động kinh doanh thì cần nhất là trợ giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn thông qua ưu đãi lãi suất, gia hạn nợ, và hỗ trợ tìm kiếm thị trường, chuỗi cung ứng. Các phòng thương mại và công nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, các thương vụ ở nước ngoài trong lúc này có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.

PV: Thưa giáo sư, liệu trong bối cảnh dịch bệnh và tình hình kinh tế đang diễn biến phức tạp như hiện tại, chúng ta có thể biến thách thức thành thời cơ?

GS Nguyễn Đức Khương: Dịch bệnh đưa đến những thiệt hại, rủi ro và thách thức lớn, nhưng cũng bao hàm trong nó nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và xã hội.

Trước hết là cơ hội cho cơ cấu, điều chỉnh lại nền kinh tế để đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu thông qua các thị trường mới, ví dụ như thông qua tận dụng hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA). Trong điều kiện thị trường xuất khẩu bất ổn thì nhà sản xuất có thể tập trung vào đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa nhất là với các nhóm hàng hoá hiện phải nhập khẩu (ví dụ như nhóm hàng linh kiện, dụng cụ phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép, sản phẩm chất dẻo...), từ đó cũng giúp giảm bớt nhập khẩu.

Theo GS Nguyễn Đức Khương, trong bối cảnh dịch bệnh, các ngành, lĩnh vực đã và đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất là du lịch - dịch vụ, vận tải hàng hoá và hành khách, nông nghiệp và thuỷ hải sản (xuất khẩu). Nếu dịch bệnh kéo dài thêm thì các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng cũng sẽ đứng trước nhiều thách thức, đến chủ yếu từ suy giảm nhu cầu toàn cầu và nội địa.

Môi trường vĩ mô ổn định và ưu thế của một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực, ngay cả khi có nhiều quan ngại về dịch bệnh, lại đang tạo ra một sức hút mới cho các dòng vốn FDI chất lượng vàoViệt Nam. Nếu được điều chuyển hợp lý đến các lĩnh vực chế tạo, công nghiệp phụ trợ, chế biến thực phẩm, công nghệ bảo quản, logistics sẽ tạo ra sức bền và khả năng chống chịu mới cho nền kinh tế nước ta. Cơ hội "vàng" cũng đến với khu vực kinh tế số, thúc đẩy chuyển đổi số ở các cơ quan, doanh nghiệp (làm việc từ xa, nâng cao năng suất tiết kiệm thời gian đi lại), các mô hình kinh tế số cũng có nhiều thuận lợi thông qua mua bán, giao dịch, thanh toán điện tử.

Tác động của Covid-19 đến giáo dục cũng cho thấy việc thay thế lớp học tạm thời bằng giảng dạy trực tuyến cũng là một giải pháp hay trong những điều kiện tương tự nếu có sảy ra trong tương lai. Điều này mang tới cho giảng viên và sinh viên những cơ hội tiếp cận những công cụ học tập và thói quen mới (tài liệu trực tuyến, video giảng dạy có thể ghi lại để học sinh, sinh viên có thể tra ứu và ôn tập). Ứng dụng công nghệ trong GD-ĐT rõ ràng là một hướng phát triển cần thiết, và nhiều doanh nghiệp sáng tạo có thể tham gia.

Riêng về mặt y tế và xã hội thì chúng ta thu được nhiều kinh nghiệm bổ ích, nhất là tăng cường ý thức của người dân trong việc rèn luyện sức khỏe, và giữ gìn vệ sinh cộng đồng (rửa tay, mang khẩu trang khi có dấu hiệu bệnh). Hệ thống y tế được tăng cường trang thiết bị, tăng cường ứng phó với những tình trạng bất ngờ.

PV: Hiện nay, hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc có hiện tượng bị ứ đọng - đặc biệt là nông sản, Việt Nam có thể thi hành những biện pháp gì để đa dạng hóa các kênh xuất khẩu, để không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc ?

GS Nguyễn Đức Khương: Phụ thuộc vào bất kỳ một thị trường nào đều không tốt. Muốn chủ động và ứng phó hiệu quả với các cú sốc đến từ bên ngoài trong điều kiện hội nhập khu vực và toàn cầu.Việt Nam có 4 hiệp định thương mại tự do song phương, 8 hiệp định đa phương đang có hiệu lực và hiệp định EVFTA đang chờ hiệu lực. Thị trường xuất khẩu có thể nói đã đủ lớn, nếu biết tận dụng hiệu quả thì không sợ thiếu đối tác. 

Vấn đề cốt lõi vẫn là bài toán năng suất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư dây chuyền chế biến hàng nông nghiệp, thuỷ hải sản để xuất khẩu là giải pháp lâu dài và ứng phó chủ động.

PV: Có thông tin về việc Chính phủ không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên với tình hình hiện tại, đây là thách thức lớn. Thưa giáo sư, Chính phủ sẽ cần những điều chỉnh gì trong kế hoạch phát triển để giữ được chỉ tiêu đã đề ra?

GS Nguyễn Đức Khương: Theo tôi, cân đối và ổn định vĩ mô vẫn phải là kim chỉ nam cho các điều hành chính sách. Suy giảm cầu sẽ có những ảnh hưởng đến cung và thay đổi về mặt bằng giá cả. Tuy nhiên, điều này có thể khắc phục thông qua thúc đẩy đầu tư công cho phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, và tăng đầu tư trong khu vực kinh tế tư nhân, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 

Như đã nói ở trên, trọng tâm của đầu tư tư nhân nên được hướng đến khu vực sản xuất hàng hoá phụ trợ, máy móc thiết bị, trung tâm chế biến nông sản - đây là các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu của nước ta. Giảm nhập khẩu trên các mặt hàng này sẽ tạo điều kiện thị trường sản xuất trong nước và khuyến kích người dân dùng hàng nội địa.

Ở cấp độ vi mô thì cần rà soát những khó khăn, rào cản cụ thể của từng ngành để có giải pháp phù hợp. Ví dụ khi ngành du lịch khó phục hồi trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh thì ngành cần được hỗ trợ để bắt tay vào chuẩn bị các nền tảng dịch vụ tốt hơn, số hoá các công cụ thu hút khách, xây dựng chiến lược sản phẩm - chuỗi sản phẩm, trong khi tìm kiếm các hợp đồng cho ngành dịch vụ công nghệ thông tin. Cơ hội luôn đến với tầm nhìn xa và sự chuẩn bị tốt.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư.

GS. Nguyễn Đức Khương hiện là Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Học viện Hành chính và Quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School) đồng thời là Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global). Ông là thành viên trẻ nhất trong Tổ tư vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo bảng xếp hạng RePEc năm 2016, GS. Nguyễn Đức Khương cũng là người Việt đầu tiên lọt vào top 10 chuyên gia kinh tế trẻ hàng đầu thế giới, top 5% kinh tế gia hàng đầu thế giới.


GS. Nguyễn Đức Khương: Dịch bệnh đưa đến những thiệt hại, rủi ro và thách thức lớn, nhưng là cơ hội cơ cấu, điều chỉnh lại nền kinh tế - Ảnh 5.

Minh Nguyệt

Cùng chuyên mục
XEM