GS Đặng Hanh Đệ và hồi ức ám ảnh về GS Tôn Thất Tùng, ca mổ ‘làm khó’ cán bộ cao cấp

06/01/2020 19:21 PM | Kinh doanh

GS Đặng Hanh Đệ là một người có suy nghĩ rất "kỳ lạ". Ông là một trong số ít bác sĩ dám thẳng thắn nói về những sai lầm của mình và không nhận bất cứ xưng danh mọi người tặng.

Nhân một ngày tiết trời se lạnh, khi năm 2019 sắp khép lại, GS. Đặng Hanh Đệ đã cùng phóng viên trò chuyện khá nhiều câu chuyện về nghề y mà ông chưa bao giờ kể.

GS Đặng Hanh Đệ và hồi ức ám ảnh về GS Tôn Thất Tùng, ca mổ ‘làm khó’ cán bộ cao cấp - Ảnh 1.


GS Đặng Hanh Đệ và hồi ức ám ảnh về GS Tôn Thất Tùng, ca mổ ‘làm khó’ cán bộ cao cấp - Ảnh 2.

Ngọc Minh: Thưa GS Đặng Hanh Đệ, từ rất lâu ông đã nổi tiếng trong giới ngoại khoa tại Việt Nam là có thể mổ được bằng cả hai tay, khéo léo như nhau. Vậy ông có thể tiết lộ bí quyết vì sao làm được điều đó, và chia sẻ về niềm đam mê của ông với chuyên ngành ngoại khoa bắt nguồn như thế nào?

GS Đặng Hanh Đệ (cười): Ồ, chuyện thật ra rất đơn giản! Vì tôi là người thuận tay trái, nhưng khi theo học ngoại khoa thì phải học cầm dao mổ tay phải. Chính vì vậy mà tôi có thể mổ được bằng cả hai tay, không cần phải chọn bên đứng để mổ.

Thực ra là sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi không có ý định thi vào ngành y. Nhưng năm 1954, chỉ có 3 trường để lựa chọn: Đại học Y – Đại học Dược – Sư phạm. Trong 3 trường sư phạm là ngành tôi không thích, gia đình đã có 2 người theo ngành dược nên tôi cũng đắn đo có đi theo ngành đó không. Đắn đo mãi cuối cùng tôi đã quyết định chọn ngành y theo nghề của bố tôi.

Tôi học đến năm cuối thì được phân công theo học khoa Ngoại. Học khoa Ngoại được nửa năm tôi bắt đầu thấy đam mê. 1-2 năm đầu tôi chỉ đứng phụ mổ, tới năm thứ 3 tôi được cầm dao mổ ca đơn giản nhất (ca mổ đầu tay của người học Ngoại khoa), chính là mổ viêm ruột thừa.

Ca mổ đầu tiên của tôi diễn ra vào năm 1960, hồi đó trong ca trực của tôi tại phòng khám bệnh nhân được chẩn đoán bị ruột thừa. Bác sĩ trực chính khám và nói cậu mổ đi.

Lần đầu tiên tôi cầm dao rạch vào da thịt người, tôi rất run. Nhưng sau đó tôi phải tự trấn tĩnh mình và đã mổ ca ruột thừa đó thành công. Bệnh nhân ra viện khỏe mạnh. Tôi thấy mình đã giúp được một phần gì đó cho bệnh nhân, làm cho tôi tăng sự tin yêu nghề nghiệp của mình.

Năm 1960, thời điểm đó tôi ra trường và được phân về làm ở phòng chuyên đề mổ tim. Tôi còn nhớ ca mổ đầu tiên của thầy Tôn Thất Tùng vào năm 1958 sau khi thầy đi Ấn Độ về, học được kỹ thuật mổ tim.

Vào ngày 14/3/1963, tôi thực hiện ca phẫu thuật tim đầu tiên, sau 3 năm ra trường. Mặc dù trước đó tôi đã từng tham gia rất nhiều cuộc mổ tim và học chuyên về mổ tim nhưng khi cầm dao mổ vẫn rất hồi hộp.

Khi cầm dao rạch vào ngực bệnh nhân, thò tay vào để tách van tim bị hẹp, tôi đã bị hẫng. Vì tôi không nghĩ quả tim lại rộng thế. Tôi bị "đứng hình" vài giây, một lúc sau tôi đã tìm được van tim và các phẫu thuật tách van hẹp đã thành công.

Buổi chiều hôm đó, tôi mổ xong về gặp người yêu và kể câu chuyện ca mổ tim lúc sáng. Sau đó, cô bạn gái tôi (cũng là vợ GS Đệ bây giờ - pv) đã làm tặng tôi một bài thơ để làm kỷ niệm.

Rất tình cờ là đúng 2 năm sau ca mổ tim đầu tiên, vào ngày 14/3/1965, vợ chồng tôi có cô con gái đầu lòng.

GS Đặng Hanh Đệ và hồi ức ám ảnh về GS Tôn Thất Tùng, ca mổ ‘làm khó’ cán bộ cao cấp - Ảnh 3.

Bài thơ của cô Phương vợ GS Đệ viết tặng vào ngày GS thực hiện ca mổ tim đầu tiên:

"Hè thúc giục phượng khoe tươi sắc nở

Đỏ non sông thắm đỏ đất trời

31 tháng 5 thêm một tuổi đời

Đời đẹp lắm, anh ơi đời đẹp lắm

Hãy cứu lấy những trái tim gần nguội lạnh

Nối lại dòng máu nóng chảy qua tim

14 tháng 3 em nhớ mãi không quên

Anh đã mổ được tim từ đấy

Anh ơi giờ Hồ Tây sóng nổi

Ánh trăng vàng sóng sánh chơi vơi

Nhưng trăng không tách làm đôi

Dễ gì ai tách rời được chúng ta

Gió đưa cành liễu la đà

Không gian tĩnh lặng chỉ ta với mình

Mơ về những sớm bình minh

Bâng khuâng thức dậy chỉ mình với ta

Yêu thương dưới một nếp nhà

Mặn mà hạnh phúc, đậm đà nhân đôi"

Ngọc Minh: Mặc dù GS vừa nói là do sẵn thuận tay trái nên mổ hai tay như một, nhưng để được đồng nghiệp và bệnh nhân ca ngợi là "bác sĩ có đôi tay vàng", hẳn không phải ngẫu nhiên. Ông đã phải "khổ luyện" rất nhiều phải không, thưa GS?

GS Đặng Hanh Đệ: Tay tôi đây, nó màu hồng, đâu có vàng (giơ hai tay, cười - pv). Thú thật thực mọi người gọi vậy chứ tôi không thích nhận bất cứ danh hiệu gì mọi người dành cho mình.

GS Đặng Hanh Đệ và hồi ức ám ảnh về GS Tôn Thất Tùng, ca mổ ‘làm khó’ cán bộ cao cấp - Ảnh 4.

Rất nhiều người thân của bệnh nhân tới nhờ tôi mổ và nói đó là sự quý hóa vì tôi có "đôi bàn tay vàng". Tôi nói với họ, tôi mổ hay bác sĩ khác đã được đào tạo, đảm bảo chuyên môn, được bệnh viện phân công thì ai mổ cũng như nhau.

Tôi cũng muốn chia sẻ thêm, đối với bác sĩ phẫu thuật, thì bàn tay không phải là thứ quan trọng nhất.

Tôi rất thích biểu tượng 3 chữ H trong ngành y. Chữ H đầu tiên là chỉ cái đầu (Head) – nghĩa là muốn vào ngành y phải có kiến thức. Chữ H tiếp theo biểu tượng cho trái tim (Heart) nghĩa là làm nghề phải có lương tâm. Chữ H thứ 3 (Hand) chính là bàn tay.

Thời của tôi, đồng tiền chưa xen vào công việc cho nên làm việc thoái mái. Một người bác sĩ mổ có đôi tay, cái đầu giỏi nhưng nếu không có cái tâm với nghề nghiệp, với bệnh nhân thì cũng sẽ vứt đi.

GS Đặng Hanh Đệ và hồi ức ám ảnh về GS Tôn Thất Tùng, ca mổ ‘làm khó’ cán bộ cao cấp - Ảnh 5.

Ngọc Minh: Ông từng là học trò và trực tiếp phụ mổ cho GS Tôn Thất Tùng, tôi tin rằng GS Tùng có ảnh hưởng rất lớn tới con đường sự nghiệp của ông?

GS Đặng Hanh Đệ: Trong suốt 22 năm từ ngày đầu tiên ra trường, cho đến khi thầy Tùng qua đời tôi luôn phụ thầy mổ. Nhờ vậy, mà tôi đã học được thầy cách thức mổ mà nhân cách của người bác sĩ phẫu thuật.

Ngoài đời, thầy Tùng không chỉ giúp đỡ cho bản thân tôi mà còn giúp đỡ cho cả gia đình tôi. Cho nên đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy tôi chịu ơn thầy không kém gì ơn sinh thành.

GS Đặng Hanh Đệ và hồi ức ám ảnh về GS Tôn Thất Tùng, ca mổ ‘làm khó’ cán bộ cao cấp - Ảnh 6.

Năm 1966 tôi trở thành người thứ 2 trong khóa tốt nghiệp (1960) được cử đi nước ngoài đào tạo. Người đề xuất tôi đi học chính là thầy Tùng, thầy muốn cử tôi đi học về mổ tim. Đây là bước đi đầu tiên cho con đường thành công trong sự nghiệp của tôi sau này.

Không chỉ có vậy thầy còn xin nhà cho tôi. Hồi đó, nhà tôi rất chật, 4 người sống trong căn phòng rộng khoảng 20m2. Ăn ngủ, tiếp khách, học hành, phòng tắm, vệ sinh, bếp… tất cả trong không gian đó cả, khách tới nhà không có chỗ để ngồi.

Lần đó, con tôi bị ốm bà hiệu trưởng nơi con tôi học có tới nhà thăm cháu. Bà ấy đã rất ngạc nhiên vì nhà chật hẹp… khuyên tôi xin nhà. Bà hiệu trưởng nói: "Chỉ một tờ đơn xin nhà, sao không làm".

Tôi suy nghĩ câu nói đó và thấy cũng đúng, chỉ mất một tờ giấy. Tôi liền làm đơn xin nhà và đưa thầy Tùng xem giúp. Thầy Tùng đã viết tay mấy dòng gửi cho ông Đỗ Mười (Bộ trưởng Xây dựng hồi đó) xem xét.

6 tháng sau, gia đình tôi được cấp một căn hộ tại nhà B1 Giảng Võ, căn nhà mới rộng rãi hơn.

Biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn có con nhỏ, vợ đi làm xa (Bệnh viện Bộ Giao thông dưới Văn Điển), thầy Tùng đã nói với tôi: "Để tao xin cho vợ mày về Việt Đức làm cho tiện". Điều này chẳng khác nào giấc mơ đối với vợ chồng tôi.

Đến giờ, vợ tôi thỉnh thoảng vẫn nhắc chuyện khi đến nhà khám tai cho cháu thầy, được ăn thịt lợn quay, thứ rất quý hồi đó.

Chẳng là trước khi về Việt Đức, vợ tôi là bác sĩ tai mũi họng, nên thầy nhờ vợ tôi tới nhà khám tai cho các cháu của thầy. Một hôm vợ tôi đến, thầy bảo: "Tao có miếng thịt quay Trung ương vừa mới cho, làm xong xuống buồng dưới mà ăn. Khi ăn nhớ đóng cửa vào không con thằng Bách về ăn hết mất!".

Những năm tháng Mỹ bắn phá Hà Nội thầy Tùng đã cưu mang đứa con nhỏ của tôi, con tôi đã được bảo vệ an toàn ở nhà thầy.

Hay có hôm thầy gọi tôi vào phòng bảo: "Tao có cái mũ sắt của Đức cho, mày cầm lấy mà đi, không đi đường chẳng may đạn lạc vào đầu thì chết".

Tôi đã đội cái mũ sắt thầy cho trong suốt những năm Mỹ bắn phá miền Bắc.

Ngọc Minh: Thế còn về nhân cách người bác sĩ, ông học được gì từ GS Tôn Thất Tùng?

GS. Đặng Hanh Đệ: Thường một người bác sĩ khi đứng trước người bệnh chỉ nghĩ cách tìm ra căn bệnh, ít người quan tâm tới họ đang suy nghĩ, cần ở bác sĩ điều gì?

Thầy Tùng thì khác, thầy dạy rằng đứng trước bệnh nhân phải nghĩ tới con người trước, rồi mới tìm bệnh. Điều thầy nói nghe rất có lý, vì không có người lấy đâu ra bệnh. Nhưng do thói quen nghề nghiệp, một người bác sĩ đứng trước bệnh nhân lại chỉ nghĩ tới căn bệnh mà quên đi bệnh nhân của mình.

GS Đặng Hanh Đệ và hồi ức ám ảnh về GS Tôn Thất Tùng, ca mổ ‘làm khó’ cán bộ cao cấp - Ảnh 8.

Tôi nhớ ngày hôm đó, Bệnh viện Lao phổi sang nhờ thầy Tùng xem giúp một tấm phim chụp của bệnh nhân. Thầy đưa tấm phim đó cho tôi xem, hỏi tôi nghĩ đến cái gì? Tôi quan sát trên phim có một khối không ra một u và cũng không ra một thâm nhiễm lao. Bằng sự phán đoán tôi trả lời thầy khả năng bệnh nhân bị lao.

Nghe câu trả lời của tôi, thầy Tùng lắc đầu. Khi bác sĩ Bệnh viện Lao về, thầy mới giải thích, trước hết phải nghĩ tới u đã. Nếu tìm mọi cách loại bỏ không phải u thì mới nghĩ tới lao.

Nếu bác sĩ nghĩ tới bệnh lao sẽ tập trung chữa lao. Sau vài tháng, điều trị bệnh lao không đỡ, quay ra điều trị ung thư thì bệnh nhân đã nặng và có thể mất khả năng có thể mổ được.

Kỷ niệm sâu đậm nhất về nhân cách thầy Tùng khiến cả đời tôi không bao giờ quên đó là về một ca mổ cho một thanh niên 18 tuổi, mắc bệnh tim bẩm sinh.

Chàng thanh niên đầy khát khao muốn cống hiến sức trẻ cho đất nước đã đăng ký nhập ngũ. Nhưng điều không may mắn khi khám sức khỏe bác sĩ phát hiện anh ta mắc bệnh tim, dị tật này đáng lẽ phải can thiệp trước 5 tuổi.

GS Đặng Hanh Đệ và hồi ức ám ảnh về GS Tôn Thất Tùng, ca mổ ‘làm khó’ cán bộ cao cấp - Ảnh 9.

Hôm đó, thầy Tôn Thất Tùng mổ còn tôi là người phụ. Trong lúc phẫu thuật bệnh nhân bị chảy máu, máu từ động mạch phổi và động mạch chủ cùng phun ra chảy như suối, réo trong ngực như ấm nước đang réo lúc sôi.

Chỉ trong chớp mắt, lồng ngực của bệnh đầy máu không còn nhìn thấy gì nữa. Một phút sau bệnh nhân qua đời. Bệnh nhân đó, chết ngay trên bàn mổ và trước mắt người phẫu thuật viên. Đó là một cú sốc tinh thần ghê gớm, vì bác sĩ không có cách gì để cứu được bệnh nhân.

Khi bệnh nhân đã tử vong, thầy Tùng cởi áo, găng tay và bước ra ngoài. Tôi ở lại đóng lồng ngực cho bệnh nhân. Trong phòng lúc đó im phăng phắc không ai nói với ai một lời, chỉ còn có tiếng lạch cạch của bà hộ lý đang lau máu trên sàn. Tôi khâu ngực cho bệnh nhân xong rồi cũng ra khỏi phòng mổ.

Thầy Tùng ngồi gục đầu ở bậc cuối cùng của cầu thang. Tôi cố bước đi thật nhẹ, nhưng thầy nghe được có tiếng chân người bước phía sau. Tiếng chân gần lại thầy nhìn lên, tôi cũng nhìn vào mắt thầy.

Lúc đó 2 con mắt của thầy hàng ngày nó sắc sảo, tinh anh bao nhiêu thì lúc đó rất buồn không thể tả được.

Thầy nói: "Thôi, từ nay trở đi tôi không mổ tim nữa, anh làm đi".

Lúc đó, nhìn vào mắt thầy, tôi chỉ nói được từ: "Vâng".

Sự việc đã trôi qua hơn 40 năm tôi vẫn nhớ như in ngày hôm đó cho đến khi rời khỏi cõi đời.

Ca bệnh đó xảy ra vào năm 1972, từ đó thầy Tùng đã không mổ tim nữa. Tuy thầy không làm, nhưng thầy vẫn luôn theo sát và hướng dẫn tôi để phát triển ngành mổ tim.

GS Đặng Hanh Đệ và hồi ức ám ảnh về GS Tôn Thất Tùng, ca mổ ‘làm khó’ cán bộ cao cấp - Ảnh 10.

Ngọc Minh: GS nghĩ sao về câu nói: "Phía sau sự thành công của người bác sĩ luôn có sự trả giá cho những sai lầm"?

GS Đặng Hanh Đệ: Câu nói đó rất đúng với người bác sĩ phẫu thuật. Muốn có thành công thì phải có thất bại, không một người phẫu thuật viên nào lại chỉ có thành công. Nếu một người phẫu thuật viên nói không mắc sai lầm là nói không đúng sự thật.

GS Đặng Hanh Đệ và hồi ức ám ảnh về GS Tôn Thất Tùng, ca mổ ‘làm khó’ cán bộ cao cấp - Ảnh 11.

Từ năm 1972, tôi và Tôn Thất Bách (con trai thầy Tùng) tiếp nhận công việc mổ tim. Hồi đó, kỹ thuật chẩn đoán bệnh rất sơ sài nên cá nhân tôi nhiều lần mắc sai lầm, và phải trả giá bằng tính mạng của bệnh nhân.

Năm đó (năm 1980), một bệnh nhân được bệnh viện tuyến trung ương khám và chẩn đoán có lỗ thông giữ hai buồng tâm nhĩ trước khi chuyển tới bệnh viện Việt Đức.

Tôi trực tiếp mổ để bịt lỗ thông lại nhưng mổ xong huyết áp của bệnh nhân tụt. Các bác sĩ và y tá phải ở lại phòng mổ suốt đêm để theo dõi bệnh nhân. Sáng sớm hôm sau, bệnh nhân tôi mổ đó đã không qua khỏi.

Sau đó tôi mới biết mình đã bỏ sót thương tổn khác là bệnh nhân còn bị hẹp van tim. Tôi đã rất đau đớn vì mình không chẩn đoán được tổn thương thứ 2 của bệnh nhân. Sau ca bệnh đó, tôi thông báo với Bệnh viện Bạch Mai để cảnh giác với trường hợp tương tự.

GS Đặng Hanh Đệ và hồi ức ám ảnh về GS Tôn Thất Tùng, ca mổ ‘làm khó’ cán bộ cao cấp - Ảnh 12.

Ngọc Minh: Với những người làm việc bằng đam mê, tình yêu với nghề, đôi khi sự ghi nhận của xã hội còn quan trọng hơn giấy khen, nhưng thật lạ là Giáo sư không thích nhận danh hiệu gì cho mình?

GS Đặng Hanh Đệ: Cuộc đời người phẫu thuật viên, khi anh thành công người ta khen ngợi, nhưng khi thất bại thì chẳng nói được gì. Vì vậy, tôi chỉ quan tâm tới làm tốt nhất công việc của mình, hạn chế sai sót.

Cuộc đời một người thuật viên chắc chắn sẽ có sai lầm nhất định. Nếu không muốn có sai lầm bác sĩ đó chỉ có phẫu thuật trên giấy. Còn khi phẫu thuật trên người thật mọi chuyện đều có thể xảy ra. Nhưng, sau sai lầm đó bác sĩ rút ra kinh nghiệm để không bao giờ mắc phải.

Sau mỗi sai lầm tôi luôn nghiêm khắc nhắc nhở chính mình đừng bao giờ mắc phải lần hai. Muốn không mắc phải sai lầm người bác sĩ luôn phải chủ động đặt ra mọi tình huống có thể xảy ra trong phòng mổ và cách xử lý tốt nhất cho bệnh nhân.

Trước bất kỳ cuộc mổ nào, đêm hôm trước tôi luôn phải chuẩn bị sẵn mọi phương án có thể xảy ra. Sau mỗi ca mổ tôi thường tự xem xét lại mình làm chỗ nào chưa tốt, chỗ nào có thể tốt hơn.

Tôi ví dụ, trong đời anh phẫu thuật viên bao giờ cũng gặp những trường hợp viêm ruột thừa. Viêm ruột thừa trong phẫu thuật hết sức đơn giản nhưng cũng có diễn biến phức tạp.

Tôi chưa bao giờ dám nói: "Trong cuộc đời phẫu thuật, tôi chưa từng bỏ sót một trường hợp viêm ruột thừa".

Tại Bệnh viện Việt Đức thời đó, có câu này của thầy Tùng ai cũng nhớ: "Nếu bỏ sót viêm ruột thừa thì cũng như hủ hóa 100 lần". Đó là câu nói vui của thầy nhưng cũng để nhắc nhở mọi người đừng phạm phải sai lầm cơ bản khiến bệnh tình của bệnh nhân thêm nghiêm trọng.

GS Đặng Hanh Đệ và hồi ức ám ảnh về GS Tôn Thất Tùng, ca mổ ‘làm khó’ cán bộ cao cấp - Ảnh 13.

Ngọc Minh: Ngoài phòng mổ, điều gì làm thấy ông cảm thấy hạnh phúc nhất trong quá trình hành nghề?

GS Đặng Hanh Đệ: Nghề bác sĩ mổ vui có buồn có, nhưng cứu sống được người bệnh, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất.

Nhiều khi ra đường thấy có người chào, tôi không biết họ là ai, có quen mình hay không? Có lần không vội, tôi đứng lại hỏi thì ra họ chính là bệnh nhân từng được tôi mổ.

Thời chúng tôi bệnh nhân rất chân thành, nhiều bệnh nhân đã tìm đến tận nhà tôi để tới cho cân gạo, củ lạc hay đỗ xanh…

Tôi còn nhớ đã từng mổ cho một trường hợp 14 tuổi có u trong tim vào những năm 1980. Trước đó bệnh nhân được chẩn đoán hẹp van tim tại Bệnh viện nhi Trung ương.

Ngày hôm đó tôi không mổ bệnh nhi này, nhưng tôi mổ ở bàn bên cạnh. Bác sĩ mổ bệnh nhân đó khi mở ngực thốt lên: "Chết rồi bệnh nhân không phải hẹp van, hình như có khối u bên trong".

Tôi cố gắng mổ xong cho bệnh nhân và thay áo, găng tay sang bàn mổ của cháu bé. Tôi khám thấy trong tim cháu có khối u, vị trí trong tim làm cho triệu chứng giống hệt như là hẹp van. Tôi quyết định đóng vết mổ để chuyển sang mổ tim hở.

14h chiều, tôi bắt đầu ca mổ cho cháu bé có một khối u to bằng quả trứng gà. Lấy được u tim ra tôi đóng vết mổ lại cảm thấy rất sung sướng.

Đó cũng là lần đầu tiên ở nước ta có ca mổ u tim. Tôi cầm cái u mang xuống cho bố mẹ cháu. Bố mẹ cháu thốt lên sao u to như thế. Hai vợ chồng họ vui khôn tả vì con họ đã được cứu sống.

Khoảng 3-4 tháng sau, bố của bệnh nhi đến khu tập thể Giảng Võ biếu tôi một cái biến thế tự lắp. Ông biết điện Hà Nội chập chờn tối đèn như con đom đóm nên đã tự làm biến thế để cảm ơn. Có cái biến thế con tôi đã thắp điện học mà không phải dùng đèn pin.

Có lần, tôi đi mua dao ở phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến) cùng vợ. Bất ngờ có người nhận ra tôi mổ cho vợ và con họ. Ông ấy nằng nặc muốn tặng tôi một đôi dép tông. Đôi dép đó tôi đã đi được hơn 2 năm.

Có những bệnh nhân được tôi mổ 30 năm sau họ vẫn tìm đến để cảm ơn. Họ mang cho tôi một bao gạo khoảng 10kg.

Hôm đó, tôi đang ngồi trong nhà tự dưng có người gõ cửa đưa cho tôi tờ giấy hoen ố cách đây 30 năm. Anh ta giới thiệu là bệnh nhân được tôi mổ tim và giờ làm trưởng chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn tại Hưng Yên. Sau khi trò chuyện, tôi nhớ ra anh ta là bệnh nhân được tôi mổ lúc mới 12 tuổi. Anh ta lúc đó rất nghịch, mắc bệnh tim bẩm sinh cực kỳ phức tạp (tứ chứng Fallot).

GS Đặng Hanh Đệ và hồi ức ám ảnh về GS Tôn Thất Tùng, ca mổ ‘làm khó’ cán bộ cao cấp - Ảnh 15.

Ngọc Minh: Giáo sư đã từng đi nước ngoài và tiếp nhiều với đồng nghiệp quốc tế, ông thấy các bác sĩ trên thế giới nhận xét gì về y tế Việt Nam?

GS. Đặng Hanh Đệ: Thời điểm tôi làm việc là thời kỳ chiến tranh, giai đoạn khó khăn nhất của đất nước, thiếu thốn đủ đường từ thuốc gây mê, kim, chỉ cho đến cưa điện… Nhưng nan giải nhất là mất điện.

Nhiều lúc đang mổ, bệnh nhân ở thời điểm nguy kịch nhất thì phòng bỗng tối om vì mất điện. Máy nổ thì luôn bị thiếu xăng, xăng khan hiếm hơn cả máu.

Có lúc điện mất, không thể đun nước sôi để chườm nóng cho bệnh nhân, bác sĩ đành phải "đẩy bệnh nhân ra hành lang phơi nắng"!

Hồi đó, một bác sĩ người Pháp chuyên về hồi sức có xem tôi mổ tim hở thay van. Sau đó, ông xuống phòng thầy Tùng và đã nhận xét: "Chuyến này tôi về Pháp tôi sẽ phải nói với các phẫu thuật viên của tôi: "Các anh ở Pháp đòi nhiều thứ quá! Tôi sang Việt Nam họ không có trang bị gì mà vẫn mổ được".

Tôi nhớ vào năm 1992, bác sĩ Thomas Pezzella, người Mỹ sang Việt Nam khi vào phòng mổ của Việt Đức đã phải thốt lên: "Thiếu thốn quá! Như thế này tôi không dám mổ".

GS Đặng Hanh Đệ và hồi ức ám ảnh về GS Tôn Thất Tùng, ca mổ ‘làm khó’ cán bộ cao cấp - Ảnh 16.

Tôi trả lời người bác sĩ đó: "Nếu tôi không mổ bệnh nhân sẽ chết". Sau đó, đồng nghiệp đó đã rất khâm phục vì trong hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi vẫn cố gắng cứu chữa cho người bệnh.

Trong báo cáo gửi về Mỹ, ông Thomas Pezzella miêu tả phẫu thuật tim ở Việt Nam khi đó "chỉ đang ở ngang mặt đất"!

Khoảng 3 năm sau người bác sĩ đó đã quay trở lại Việt Nam với 2 bác sĩ khác, họ muốn xem tôi mổ mở tim hở. So với nước Mỹ chuyện mổ tim hở là chuyện quá bình thường, nhưng tới Việt Nam họ vẫn rất háo hức.

Sau ca mổ cả 3 bác sĩ cùng phát biểu: "Vào phòng mổ chúng tôi thấy các anh sơ sài quá! Nhưng các anh tuân thủ rất đúng nguyên tắc vô trùng trong phòng mổ".

Tôi cảm ơn họ và biết mình đang đi đúng đường. Vì trang bị máy móc khi có tiền có thể mua được, còn quy trình làm việc thì có tiền không thể mua được.

Hôm tiễn 3 bạn bác sĩ Mỹ ra sân bay tôi hỏi: "Một tuần các anh ở với tôi ấn tượng nhất là gì?" Họ nói ấn tượng nhất là khó khăn nhưng bác sĩ vẫn tìm mọi cách để chữa bệnh cho bệnh nhân.

Bây giờ tôi đã về hưu, thỉnh thoảng học trò có mời vào xem mổ, tôi nhìn mà thấy thèm quá, tất cả các thứ đã được tiệt trùng sẵn trong túi ni-lông dùng xong vứt đi. Tôi bảo: "Các cậu sướng quá, hồi tôi mơ cũng không có".

GS Đặng Hanh Đệ và hồi ức ám ảnh về GS Tôn Thất Tùng, ca mổ ‘làm khó’ cán bộ cao cấp - Ảnh 17.

Ngọc Minh: Từng mổ cho rất nhiều người có chức sắc trong xã hội, ông có cảm thấy e ngại điều gì hay không?

GS. Đăng Hanh Đệ: Bệnh nhân tôi mổ nhiều không thể kể hết. Trong đó, có cả các quan chức lớn. Nhưng với tôi dù họ có lớn tới đâu thì cũng chỉ là bệnh nhân và phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Tôi từng mổ viêm túi mật cho một nữ cán bộ cao cấp trong Nhà nước. Thời điểm bà ấy đến khám lúc đó đã sắp Tết. Bà tâm sự muốn hoãn mổ để vào miền Nam ăn Tết. Tôi thẳng thắn nói với bà rằng là cần mổ ngay nếu không sẽ nguy hiểm. Sau đó, bà đã nghe lời khuyên của tôi.

Hay như trường hợp của một vị là cán bộ cao cấp trong Trung ương. Ông từng bị viêm túi mật và khi khám tôi nói nếu không mổ cấp cứu sẽ vỡ túi mật và tử vong. Lúc đó Ban bảo vệ sức khỏe Trung ương muốn hoãn ca mổ cho ông để dùng thuốc kháng sinh. Nhưng tôi cương quyết không đồng ý, vì với tình trạng hiện tại của bệnh nhân chỉ vài tiếng túi mật sẽ vỡ.

Vì ông mổ gây mê và thể trạng to lớn nên sau ca mổ tôi dặn ông phải đứng dậy sớm nếu không sẽ dễ viêm phổi mà nguy hiểm tính mạng.

Khi tôi nói vậy nhiều người đã trách vì ông mới mổ xong còn đau đã bắt đứng dậy. Nhưng với tư cách là người bác sĩ để tốt cho bệnh nhân tôi vẫn phải nhắc bệnh nhân tuân thủ, không e dè được.

Nói chung, thời chúng tôi làm mọi thứ đều thiếu thốn, khó khăn nhưng bác sĩ làm việc vẫn rất đam mê, hết lòng vì bệnh nhân.

Tôi nghĩ không chỉ tôi mà mãi mãi nhiều thế hệ bác sĩ sau này cần luôn ghi nhớ câu nói mà thầy tôi, GS Tôn Thất Tùng, dặn: "Đừng vì đồng tiền mà quên đi người bệnh. Người giàu, người nghèo đều phải đối xử như nhau. Người bác sĩ phải cố gắng chữa hết bệnh cho bệnh nhân".

GS Đặng Hanh Đệ và hồi ức ám ảnh về GS Tôn Thất Tùng, ca mổ ‘làm khó’ cán bộ cao cấp - Ảnh 18.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Giáo sư!

Theo Ngọc Minh - Photo: Mạnh Quân - Đồ họa: Đỗ Linh

Cùng chuyên mục
XEM