Google khó vượt qua cái bóng chính mình: 80% doanh thu vẫn đến theo cách ‘lạc hậu’, không có sản phẩm thành công, CEO Pichai bị chê không còn phù hợp
Kỳ tích 20 năm của Google đang vỡ vụn.
Vào đầu năm 2023, vài tháng sau khi ChatGPT ra mắt, Google tập hợp nguồn lực nhằm tung ra một sản phẩm đủ tính cạnh tranh, song không cái nào đủ tốt. Công ty buộc phải tạm hoãn lại kế hoạch.
Trước đây, Google đi tiên phong cuộc cách mạng Internet vào cuối những năm 1990 đầu những năm 2000, sau đó mở rộng sang email, bản đồ và một số các lĩnh vực khác để nhanh chóng trở thành công ty giá trị nhất thế giới vào năm 2016. Tuy nhiên, khi các chatbot AI như ChatGPT ra đời và hứa hẹn thay đổi cách mọi người điều hướng thông tin trực tuyến, Google có nguy cơ mất đi vị trí thống trị.
Trong khi đó, đối thủ truyền kiếp Microsoft lại có những bước đi khéo léo hơn. Tập đoàn này sớm đặt cược vào OpenAI và nhanh chân đưa dịch vụ CoPilot do AI cung cấp vào hầu hết các sản phẩm phần mềm chính của mình. Đây hiện là công ty giá trị nhất thế giới.
Bất chấp một số vấn đề trong quá trình ra mắt, Gemini của Google cuối cùng vẫn được giới công nghệ đón nhận nồng nhiệt như một đối thủ xứng tầm với công nghệ mới nhất của OpenAI. Công ty cũng đang nỗ lực bổ sung dịch vụ AI tổng hợp cao cấp và mặc dù doanh thu đăng ký có thể sẽ giảm, ý tưởng vẫn sẽ là một sự khởi đầu hoàn toàn đối với một công ty có hoạt động kinh doanh cốt lõi hoàn toàn dựa vào quảng cáo như Google.
Tuy nhiên, thông tin nội bộ cho thấy Google vẫn đang phải vật lộn thành công với AI sáng tạo. Việc cơ cấu tổ chức rời rạc và thiếu thống nhất đã cản trở nỗ lực của tập đoàn.
Phát biểu trong một sự kiện, CEO Pichai thừa nhận sự quan tâm đột ngột của mọi người đối với AI đã khiến ông ngạc nhiên dù bản thân đã nhận ra tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo từ nhiều năm trước. Với ông, kỷ nguyên AI chỉ mới bắt đầu. “Tôi cảm thấy mình đang ở vị thế cực kỳ tốt cho những gì sắp diễn ra. Chúng ta vẫn đang ở những ngày đầu”, ông lạc quan.
Tuy nhiên, phản hồi ban đầu của Google đối với ChatGPT đã bộc lộ nhiều điểm yếu.
Câu trả lời vội vàng đầu tiên, Bard, không thể lật ngược tình thế. Alphabet, công ty mẹ của Google, thì mất 100 tỷ USD giá trị thị trường chỉ trong một ngày sau khi Bard mắc sai lầm.
Theo một số thông tin nội bộ, với tư cách là công ty dẫn đầu thị trường về tìm kiếm, Google thu hút sự chú ý quá mức. Điều này khiến công ty do dự trong việc di chuyển nhanh chóng, đồng thời phản ứng quá mức khi xảy ra sai sót. Bản thân CEO Pichai cũng thừa nhận những thách thức mà quy mô quá lớn của Google gây ra.
Nhiều nhân viên Google đang bày tỏ sự thất vọng, trong đó, kỹ sư phần mềm Google, Diane Hirsh Theriault, người làm việc cho công ty được 8 năm, đã viết trên LinkedIn vào tháng 1 rằng các nhà lãnh đạo “không có tầm nhìn của riêng mình và thay vào đó chỉ cố gắng vạch ra hướng đi mơ hồ về AI”.
Pichai, dù là ông chủ được nhiều người yêu mến, song số đông lại lo ngại rằng phong cách lãnh đạo có phần trầm tĩnh này sẽ không phù hợp với thời điểm Google cần sự đột phá. Thậm chí, việc tập trung quá nhiều vào các chi tiết của sản phẩm AI có thế khiến Pichai sao nhãng vai trò giám đốc điều hành. Bên ngoài công ty, mọi người đang gây áp lực buộc Pichai phải quyết đoán hơn.
Trong một động thái lớn sau khi ra mắt ChatGPT, vị CEO này đã thúc đẩy sáp nhập hai bộ phận nghiên cứu AI là DeepMind có trụ sở tại London và Google Brain có trụ sở tại California vào tháng 4 năm ngoái. Người đồng sáng lập DeepMind, Demis Hassabis, được bổ nhiệm làm người đứng đầu nhóm kết hợp có tên là Google DeepMind.
Theo một nhân viên Google, ngay cả trong tổ chức mới được sáp nhập, vẫn có những phe phái chia rẽ, ngăn cản chủ nghĩa kinh doanh. Họ đặc biệt đề cập đến sự phân chia giữa các nhóm làm việc trên Gemini và những nhóm tập trung vào nghiên cứu cơ bản.
Google vừa bước sang tuổi 25, trải qua 5 đời tổng thống và 2 cuộc khủng hoảng thị trường lớn. Gã khổng lồ luôn có một vị trí đặc biệt trên phố Wall, song vài năm trở lại đây, rắc rối nảy sinh khiến Google trở nên nhàm chán.
Hậu quả cuối cùng rất lớn: cuộc di cư nhân tài, các sản phẩm cũ kỹ và sự phụ thuộc quá mức vào ‘con bò kiếm tiền quảng cáo’. Nhiều câu hỏi lớn đã được đặt ra. Bạn sẽ làm gì khi một công ty mất đi vẻ hào nhoáng của nó?
Khi Google ra mắt công chúng vào năm 2004, Larry Page và Sergey Brin không có ý định đưa đây trở thành một công ty tầm thường. Lời hứa đó đã được giữ vững trong ít nhất một thập kỷ và bằng chứng là Google đã tạo ra khuôn mẫu cho một nền văn hóa Thung lũng Silicon mới. Đó là thiên đường của các kỹ sư, tràn ngập đặc quyền với mức lương béo bở.
“Văn hóa rất tốt. Điều đó cực mới mẻ và điên rồ vào đầu những năm 2000. Google đã tạo ra quả bóng Internet khổng lồ, xây dựng mạng tốc độ cao và thậm chí lập bản đồ Trái đất bằng hình ảnh vệ tinh. Công ty thậm chí còn cố gắng kéo dài tuổi thọ con người”, một nhân viên kỳ cựu cho biết.
Ông Pichai có công lớn với Google. Dưới thời ông, doanh thu Alphabet tăng vọt. Vốn hóa thị trường ở mức khoảng 1,7 nghìn tỷ USD, tăng từ mức hơn 400 tỷ USD vào năm 2015 khi Pichai bắt đầu lên nắm quyền lãnh đạo. Năm ngoái, Google thông báo rằng hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây – một trong những vụ đặt cược lớn ban đầu của Pichai – cuối cùng đã có lãi.
Tuy nhiên, 80% doanh thu của Alphabet vẫn đến từ quảng cáo và phần lớn trong số đó đến từ các quảng cáo văn bản đơn giản vốn xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm của Google kể từ đầu thiên niên kỷ. Thời điểm công ty gặp khó khăn trong việc đa dạng hóa, nỗi lo tiền mặt ngày càng gia tăng trong khi những triển vọng rủi ro được xem xét với thái độ hoài nghi, quan ngại,
“Họ không thể thoát khỏi con đường riêng của mình vì họ quá cố thủ trong việc bảo vệ những gì mình có”, một cựu giám đốc cho biết.
Quả thực, rất ít sản phẩm thành công đáng chú ý của Google được tung ra thị trường trong thập kỷ qua. Rất nhiều sản phẩm đã bị khai tử, bao gồm kính thực tế tăng cường và đột phá ngắn hạn trong ngành game. Ngay cả các sản phẩm cốt lõi của nó cũng bị tụt hậu.
Theo: BI, FT