Gojek Việt Nam: một năm đa dạng sáng kiến hỗ trợ khách hàng và đối tác
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, tập trung phát triển nhiều lựa chọn dịch vụ giúp tối ưu tiện ích ở mức phí hợp lý cho từng phân khúc khách hàng là một trong những hướng đi của các nền tảng công nghệ.
Người dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp tìm "ngách" để phát triển
Theo đánh giá từ các chuyên gia, bất chấp bối cảnh thách thức của năm 2023, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam vẫn duy trì là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội và còn nhiều dư địa phát triển. Theo số liệu khảo sát từ Bộ Công Thương, trị trường thương mại điện tử Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, dự kiến đạt 20,5 tỷ đô trong năm 2023. Trong số đó, dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn trực tuyến là một trong những "sân chơi" được đánh giá còn nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
Đối mặt với bài toán khó giữa bối cảnh kinh tế và tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, chất lượng và sự phù hợp của dịch vụ trở thành từ khóa phát triển trọng tâm của các công ty công nghệ. Việc tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng, đa dạng và nâng cao chất lượng dịch vụ ở mức giá hợp lý được xem là hướng đi để phát triển lâu dài. Với Gojek, một trong những ông lớn trong lĩnh vực gọi xe công nghệ, 2023 là một năm hãng tập trung xây dựng hàng loạt sáng kiến hướng đến trải nghiệm người dùng và đối tác, bao gồm phát triển các dịch vụ mới giúp đáp ứng nhu cầu của người dùng; phát triển các tính năng, gói dịch vụ phù hợp nhiều phân khúc khách hàng, đồng thời đẩy mạnh nhiều chương trình ưu đãi hỗ trợ người dùng từ đó giúp tăng cơ hội thu nhập cho các đối tác.
Chiến lược giúp Gojek vững vàng trước "cơn gió ngược"
Các sáng kiến của Gojek tập trung vào 3 vấn đề chính: nâng cao sự tiện lợi, nâng cao trải nghiệm người dùng và cung cấp dịch vụ ở mức giá hợp lý. Ở "mảnh ghép" về sự tiện lợi, Gojek đã thực hiện nhiều dự án hợp tác với những tên tuổi lớn trong ngành như đưa tính năng đặt đồ ăn GoFood lên nền tảng của đối tác, cho phép người dùng dễ dàng đặt đồ ăn từ nhiều nền tảng khác nhau; tích hợp thêm lựa chọn thanh toán mới trên nền tảng Gojek để người dùng có thêm lựa chọn thanh toán không tiền mặt khi sử dụng các dịch vụ của hãng.
Với "mảnh ghép" thứ hai - nâng cao trải nghiệm người dùng, Gojek triển khai nhiều tính năng dịch vụ mới đa dạng, bao gồm GoCorp, dịch vụ dành riêng cho các khách hàng doanh nghiệp; GoFood Pickup lấy đơn hàng tại quán, tính năng cho phép người dùng đặt đồ ăn trên GoFood và tự đến cửa hàng lấy món; cùng hơn 10 tính năng mới nhằm tối ưu sự tiện lợi cho người dùng.
Gojek cũng nhạy bén trong việc hỗ trợ người dân di chuyển an toàn sau những bữa tiệc, đẩy mạnh thông điệp "đã uống rượu, bia thì không lái xe" khi từ tháng 6/2023, hãng tiên phong trong việc hợp tác với nhiều cửa hàng ăn uống, điểm vui chơi giải trí, lắp đặt các trụ chờ tại chỗ giúp người dùng dễ dàng đặt xe, khuyến khích các khách hàng sử dụng xe công nghệ thay vì tự lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn.
Trong năm qua, Gojek cũng thí điểm hợp tác với các công ty xe máy điện đưa xe máy điện vào phục vụ nhu cầu đi lại, giao hàng, giao đồ ăn của người dùng tại TPHCM. Một bước tiến mới khác của Gojek là việc mở rộng hoạt động tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, giúp người dùng tại các thành phố này dễ dàng tiếp cận các dịch vụ vận chuyển GoRide, GoCar, giao đồ ăn GoFood, và giao hàng GoSend.
Nhằm hỗ trợ người tiêu dùng, ở "mảnh ghép" thứ ba, Gojek cho ra mắt các lựa chọn dịch vụ ở mức giá phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng. Đơn cử GoCar Economy - dịch vụ gọi xe bốn bánh GoCar với lựa chọn giá tiết kiệm, hay gói dịch vụ GoFood Plus giúp tiết kiệm đáng kể phí giao hàng khi đặt món qua GoFood. Bên cạnh đó, hãng cũng thường xuyên giới thiệu các chương trình ưu đãi như giảm giá món ăn, phí vận chuyển, giúp giảm đáng kể chi phí khi đặt đồ ăn online, hỗ trợ người dùng thường xuyên đặt đồ ăn trực tuyến.
Gojek hợp tác ZaloPay, cung cấp thêm lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt cho người dùng
Tiếp tục hướng tới kiến tạo tương lai bền vững
Với dân số trẻ, am hiểu công nghệ; tỷ lệ người sử dụng Internet, điện thoại thông minh cao, Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển mạnh mẽ về thương mại điện tử. Đứng trước cơ hội này, Gojek tiếp tục tập trung cải tiến nền tảng, hệ thống cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, cung cấp nhiều lựa chọn dịch vụ với nhiều mức giá khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dùng; đồng thời nâng cao doanh thu và cơ hội thu nhập cho các đối tác.
Ngoài ra, Gojek cũng nỗ lực làm việc với các đối tác tài xế nhằm cải thiện quy trình xử lý đơn hàng, nâng cao trải nghiệm của bác tài cũng như trải nghiệm dịch vụ của khách hàng. Với các đối tác nhà hàng, Gojek hợp tác chặt chẽ trong việc đưa ra các gói dịch vụ hỗ trợ hiệu quả, phù hợp với xu hướng tiêu dùng thay đổi mỗi ngày.
Lãnh đạo Gojek chia sẻ, "Trọng tâm của chúng tôi là tiếp tục làm cho các dịch vụ của Gojek trở nên thuận tiện và dễ tiếp cận hơn, đồng thời tạo ra các sản phẩm phù hợp đa dạng đối tượng người dùng, bao gồm xây dựng các sản phẩm giúp giảm chi phí cấu trúc, phù hợp với người tiêu dùng có ngân sách chi tiêu hạn chế. Trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi tiếp tục nỗ lực để duy trì động lực và hỗ trợ sự phát triển bền vững của hệ sinh thái trong dài hạn."
Với tham vọng xóa bỏ những rào cản trong cuộc sống hàng ngày, Gojek sẽ tiếp tục sứ mệnh kết nối người tiêu dùng với những nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ trên thị trường một cách thuận tiện ở mức giá hợp lý. Đây không chỉ là nỗ lực của Gojek trong việc phát triển một hệ sinh thái bền vững, khi các bên đều được hưởng lợi từ những tác động tích cực; mà còn góp phần kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn.